Bài Hát 'Gánh Mẹ' Vẫn Chưa Ngã Ngũ Bản Quyền Ca Từ

Nhạc sĩ Quách Beem.

Nhạc sĩ Quách Beem.

Bài hát “Gánh mẹ” rất được công chúng yêu thích trong mấy năm gần đây. Bài hát “Gánh mẹ” sau khi xuất hiện trong bộ phim “Lật mặt - Nhà có khách”, đã trở thành một ca khúc thịnh thành trên sân khấu lẫn karaoke. Bài hát “Gánh mẹ” có phần giai điệu thuộc về nhạc sĩ Quách Been, nhưng phần ca từ lại nảy sinh sự tranh chấp giữa nhạc sĩ Quách Beem và nhà thơ Trương Minh Nhật.

Sau nhiều lần gặp gỡ thương lượng, nhạc sĩ Quách Beem và nhà thơ Trương Minh Nhật không tìm được tiếng nói chung. Cho nên, nhà thơ Trương Minh Nhật đã khởi kiện cả nhạc sĩ Quách Beem và đơn vị sản xuất bộ phim “Lật mặt - Nhà có khách”.

Tòa án Nhân dân TP.HCM đã thụ lý vụ án tranh chấp bản quyền phần ca từ của ca khúc “Gánh mẹ”. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, phiên tòa xét xử mấy lần bị hoãn do phía bị đơn không thể tham dự. Đến ngày 25/4, Tòa án Nhân dân TP.HCM ra phán quyết chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nhà thơ Trương Minh Nhật. Cụ thể, Tòa án Nhân dân TP.HCM công nhận nhà thơ Trương Minh Nhật là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm văn học bài thơ “Gánh mẹ”. Đồng thời, nhà thơ Trương Minh Nhật là chủ sở hữu quyền tác giả phần lời của tác phẩm âm nhạc cùng tên.

Hội đồng xét xử buộc đơn vị sản xuất bộ phim “Lật mặt - Nhà có khách” phải đảm bảo quyền nhân thân cho nhà thơ Trương Minh Nhật đối với bài thơ “Gánh mẹ” trong phần đóng góp vào bộ phim và tất cả các bài viết, trang thông tin công bố có liên quan. 

Đối với nhạc sĩ Quách Beem, hội đồng xét xử buộc phải tạm ngừng khai thác phần lời của bài hát “Gánh mẹ” trên mọi phương tiện và nền tảng. Nhạc sĩ Quách Beem phải khắc phục, sửa chữa thông tin sai lệch trong hồ sơ đăng ký với Cục bản quyền tác giả về việc mình không phải tác giả của bài thơ. Ngoài ra, nhạc sĩ Quách Beem phải bồi thường cho nhà thơ Trương Minh Nhật số tiền 122,4 triệu đồng thiệt hại vật chất, tinh thần và chi phí thuê luật sư.

Nhạc sĩ Quách Beem không chấp nhận thua kiện. Ngày 6/5, nhạc sĩ Quách Beem đã gửi đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân dân TP.HCM. Nhạc sĩ Quách Beem cho rằng ông là tác giả, chủ sở hữu của bài hát “Gánh mẹ” đã được Cục bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký năm 2019. Nhạc sĩ Quách Beem khẳng định: “Hồ sơ gửi Cục bản quyền tác giả, có kèm bản ký âm do tôi soạn ngày 25/10/2013 là bản gốc. Thời điểm gởi hồ sơ và bản ký âm để đăng ký lên Cục bản quyền không hề có bất kỳ tranh chấp hay khiếu nại nào... Việc Tòa án Nhân dân TP.HCM công nhận ông Trương Minh Nhật là tác giả bài thơ “Gánh mẹ” ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tôi”.

Trong hồ sơ khởi kiện, nhà thơ Trương Minh Nhật cung cấp các tài liệu chứng minh bài thơ “Gánh mẹ” đã công bố trên Facebook cá nhân và nhiều diễn đàn văn học khác từ tháng 6/2014. Còn nhạc sĩ Quách Beem thì đăng ký bản quyền năm 2019, nhưng lại cho rằng bài hát “Gánh mẹ” được viết từ năm 2013. Vậy, ai có khả năng “đạo” của ai?

Trước thời điểm tháng 6/2014, bài hát “Gánh mẹ” chưa từng công bố ở đâu, thì nhà thơ Trương Minh Nhật không có cách nào để tiếp cận tác phẩm để lấy ca từ viết lại thành bài thơ. Không lẽ, nhà thơ Trương Minh Nhật đã có phép thần thông để “lẻn” vào nhà riêng của nhạc sĩ Quách Beem mà xem trộm bài hát “Gánh mẹ”? Ngược lại, khi bài hát “Gánh mẹ” lần đầu tiên xuất hiện trong bộ phim “Lật mặt - Nhà có khách” thì bài thơ “Gánh mẹ” đã có mặt trên thi đàn được 5 năm. Dù tình ngay lý gian thì cái có trước cũng không thể “chép” của cái có sau?

Nhà thơ Trương Minh Nhật tại phiên tòa sơ thẩm ngày 25/4.

Nhà thơ Trương Minh Nhật tại phiên tòa sơ thẩm ngày 25/4.

Nhạc sĩ Quách Beem có nhiều bài hát phổ biến như “Đạo làm con”, “Ngày em đi”, “Anh yêu em”, “Con người Ninh Hòa”, “Tại sao là anh”, “Muốn quên một người hãy yêu một người”, “Đôi bàn chân”, “Hà Giang ơi”... Thế nhưng, bài hát “Gánh mẹ” vẫn là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Quách Beem. Một trong những nguyên nhân khiến “Gánh mẹ” vượt trội trong các bài hát của nhạc sĩ Quách Beem chính là phần ca từ mạch lạc.

Thử đọc nguyên văn ca từ “Gánh mẹ” thì dễ dàng nhận ra một bài thơ lục bát: “Cho con gánh me một lần/ Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con/ Cho con gánh mẹ đầu non/ Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời/ Ngày xưa mẹ gánh à ơi/ Con xin gánh lại những lời mẹ ru/ Đường đời sương gió mịt mù/ Vì con hạnh phúc chẳng từ gian nan/ Để con gánh mẹ đừng can/ Sợ khi mẹ mất muộn màng gánh ai/ Cho con gánh cả tháng dài/ Gánh qua năm rộng những ngày đắng cay/ Cho con gánh cả đôi vai/ Thân cò lặn lội sớm mai vai gầy/ Mẹ già lá sắp xa cây/ Lỡ đâu lá rụng, tội này gánh sao/ Mẹ ơi sóng biển dạt dào/ Con sao gánh hết công lao một đời/ Bông hồng cài áo đúng nơi/ Đâu bằng bông hiếu giữa trời bao la/ Cho con gánh lại mẹ già/ Để sau người gánh chính là con con”.

Dù không phải xuất sắc, nhưng “Gánh mẹ” vẫn là một bài lục bát hoàn chỉnh về vần điệu và ý tứ. Thể thơ lục bát không thuận lợi phổ nhạc như thể thơ 5 chữ hoặc 4 chữ. Cho nên chẳng mấy khi các nhạc sĩ lại mạo hiểm viết bài hát có ca từ theo kiểu lục bát. Hiếm hoi có bài hát “Ở trọ” của nhac sĩ Trịnh Công Sơn mới dùng thể lục bát với biến tấu riêng: “Con chim ở đậu cành tre/ Con cái ở trọ trong khe nước nguồn/ Cành tre í a/ Dòng sông í a...”.

Về mặt ca từ, hầu hết các bài hát khác của nhạc sĩ Quách Beem đều không có cấu trúc chặt chẽ như “Gánh mẹ”. Mặt khác, cả bài hát “Gánh mẹ” đều bám chặt vào những câu sáu, câu tám nên tiết tấu không có gì sáng tạo, mà mang phong cách hát thơ.

Nhạc sĩ Quách Beem muốn nhận luôn phần ca từ “Gánh mẹ”, thì điều đầu tiên là phải chứng minh bản thân có khả năng làm thơ lục bát rất nhuẫn nhuyễn.

Từ khóa » Gánh Mẹ Vi Phạm Bản Quyền