Bài Hát Việt Nam Quê Hương Tôi – Tượng đài Hòa Bình Của đất Nước

“Mùa xuân đã tới quê hương chúng tôi. Mía ngọt chè xanh bông trắng lưng đồi. Đồng xanh lúa rập rờn biển cả. Tiếng ai ru con ngủ ru hời…”. Đây thực sự là bức tranh một bức tranh tuyệt đẹp của quê hương đất nước.

Bài hát Việt Nam quê hương tôi – tượng đài hòa bình của đất nước

Đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khắp các “ngang cùng ngõ hẻm” của làng quê hay thành phố đâu đâu cũng rộn ràng không khí xây dựng đất nước, cũng vang ngân tiếng hát. Và các đoàn kịch tư nhân đều được phép hoạt động.

Quê tôi cũng có đoàn kịch nhưng không phải là “làng nghề” như làng Nga xã bên cạnh. Làng Nga là đất của tuồng. Đồng đất của họ cò bay rợp trời vì có cả một khu sinh thái, chỗ trú ngụ “lý tưởng”của loại chim trời này.

Việt Nam quê hương tôi…

Những rặng tre gai quanh năm soi bóng xuống dòng sông chằng chịt những gai, cùng ngăn ngắt màu xanh của lá là nơi trú ngụ và làm tổ của bạt ngàn cò trắng. Ai đi qua đó vào buổi sáng, thấy rợp trời cánh cò và thì thùng tiếng trống tuồng làm nôn nao say đắm lòng người. Một cảnh tượng và không khí rộn ràng của quê hương thanh bình đang bước vào thời kỳ mới.

Và cái buổi tối xem hát tuồng ở làng Nga đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cậu bé nhà quê là tôi, thành ký ức không phai mờ theo tôi suốt cả đường đời. Xem tuồng nhưng sâu đậm nhất lại được nghe hát tân nhạc.

Đó là lần đầu tiên tôi được nghe bài Việt Nam quê hương tôi của nhạc sỹ Đỗ Nhuận do một cô gái, đúng hơn là một đàn chị, lứa trước chúng tôi hát. Chị có cái tên rất gợi là Huyền Chân, một đào tuồng nhưng cũng rất giỏi hát tân nhạc.

Huyền Chân xuất hiện làm lũ trẻ chúng tôi ngỡ ngàng. Dưới ánh đèn Măng-xông rực rỡ, trông chị đẹp đến “từng centimet”. Tiếng hát của chị vừa cất lên, lũ trẻ chúng tôi từ ngỡ ngàng đến ngẩn ngơ, ngồi nghe say sưa như nuốt từng lời.

Đây là lần đầu tiên tôi được nghe bài hát với một giai điệu mượt mà và quyến rũ đến thế. Cái tuổi ấu thơ của lũ chúng tôi ngày ấy đã bao giờ đi ra khỏi rặng tre làng đâu mà được Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời, mà được Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả.

Bài hát như một bức tranh, hay đúng hơn tác giả là người hướng dẫn viên du lịch kỳ tài. Thế đấy, chưa bao giờ ra khỏi làng quê nhưng qua lời bài hát, hình ảnh đất nước đã in đậm trong ký ức tuổi thơ: Mùa xuân đã tới quê hương chúng tôi. Mía ngọt chè xanh bông trắng lưng đồi. Đồng xanh lúa rập rờn biển cả. Tiếng ai ru con ngủ ru hời.. Đây thực sự là bức tranh một bức tranh tuyệt đẹp của quê hương đất nước.

Sau này trong một lần thi học sinh giỏi văn, đề văn ra cho chúng tôi thế này: “Bạn hãy giới thiệu về đất nước quê hương tươi đẹp và thanh bình của mình cho bạn bè trong nước và quốc tế biết thông qua những tác phẩm văn học Việt Nam thời kỳ đất nước hòa bình xây dựng. Kỳ thi ấy một bạn được giải nhất với một mở đề rất ấn tượng “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi. Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời …

Có lẽ ngay từ khi ra đời vào những năm 1959 -1960 bài hát nhanh chóng được lan rộng. Nó lan rộng không phải bằng các phương tiện truyền thông như bây giờ bởi báo chí, đài phát thanh lúc đó còn là những thứ “hàng xa xỉ”. Ai có chiếc đài bán dẫn “đeo hông” là oai lắm.

Mà bài hát được phổ biến bằng phương tiện truyền miệng. Thanh niên họp hành đều hát. Những buổi tập văn nghệ dưới mái đình sao mà náo nhiệt, mà thu hút được đông đúc thanh niên và cả mọi tầng lớp người dân đến thế.

Đêm trăng sáng dưới mái đình lộng gió, những giai điệu trầm bổng lại vút lên. Những hàng dừa xanh xa tít chân trời, những thiếu nữ dạt dào tình trẻ cứ thế quyện với Đồng xanh lúa thẳng cánh bay cò bay … Suối đổ về sông qua những nương chè, lan đến tận từng ngôi nhà.

… Hay tượng đài âm nhạc hòa bình

Có thể nói lớp trẻ chúng tôi ngày ấy như lên cơn sốt với Việt Nam quê hương tôi. Chưa đi nhiều, biết nhiều nhưng cứ ngân nga những lời hát thân thiết như chính phong cảnh của làng mình, quê mình. Nào là “vút phi lao gió thổi….buồm căng gió…”, những hình ảnh ấy đâu đâu cũng có.

Sau này tôi mới hiểu tại sao bài hát lại có sức sống mãnh liệt và đi cùng năm tháng như vậy. Ngoài những hình ảnh thân thuộc mà bất cứ ngôi làng nào trên đất nước ta đều có, thì cái chính là giai điệu của bài hát, với nhịp 3/4 trữ tình mượt mà, đằm thắm rất gần gũi với tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Sức sống trường tồn của tượng đài bài hát dựng lên- Việt Nam quê hương tôi- đã phản ảnh tình yêu quê hương tha thiết của con người Việt Nam.

Cái giỏi của người nhạc sỹ chính là đã khai thác chất dân gian, trữ tình của giai điệu với hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt. Lời và nhạc hòa quyện vào nhau không thể tách rời. Có được điều đó, người nhạc sỹ đã trải qua những chặng đường máu lửa, được trải nghiệm bằng chính cuộc sống của mình.

Từ khi có ca khúc đầu tay vào tuổi 17 (năm 1939) với bản Trưng Vương, rồi một loạt ca khúc ra đời khi người nghệ sỹ bị cầm tù nhưng tâm hồn vẫn vang ngân khúc hát ngợi ca: Chiều tù, Côn Đảo, Hận Sơn La, Tiếng gọi tù nhân, Viếng mồ tử sĩ, Du kích ca…để sau này là một loạt ca khúc cách mạng khác ra đời, in dấu ấn tài hoa của người nhạc sỹ.

Có thể nói Đỗ Nhuận là một trong người nhạc sỹ có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam và nhất là nhạc cách mạng. Bằng ngôn ngữ âm nhạc, ông đã khắc họa được hình ảnh và con người Việt Nam.

Chỉ riêng bài Việt Nam quê hương tôi, ông đã tạc nên tượng đài của dân tộc, một tượng đài vừa uy nghi hùng tráng nhưng lại gần gũi thân thương. Ta bắt gặp hầu hết các vùng miền tổ quốc trong bài hát. Đó là những rặng phi lao của vùng biển xanh dạt dào sóng vỗ; là rừng cọ đồi chè của vùng trung du khi “suối đổ về sông qua những nương chè; với đồng bằng “thẳng cánh bay cò bay”; với “miền Nam đất nước quê hương chúng tôi, có rặng dừa xanh xa tít chân trời”…

Cảnh vật và con người trong bài hát luôn hòa quyện vào nhau. Nếu chỉ là cảnh các vùng miền thì giá trị của bài hát cũng chỉ dừng ở góc độ cảm xúc miêu tả. Nhưng ở đây, ta bắt gặp những con người mang phẩm cách Việt, cốt cách Việt, tâm hồn Việt dung dị và kiêu hãnh.

Đó là người thiếu nữ dạt dào tình trẻ, là tiếng ru hời báo hiệu một mầm sống đang nảy nở, là chàng trai tượng trưng sức mạnh của dân tộc Việt. Nhân vật trữ tình hòa quyện với thiên nhiên tạo nên sức sống mãnh liệt và trường tồn của đất nước.

Việt Nam quê hương tôi- bài hát là tượng đài âm nhạc một đất nước hòa bình, nhưng vẫn mang hơi thở tươi trẻ và sinh khí của thời hiện đại, hội nhập để phát triển.

Theo VIETNAMNET

Tags: Âm nhạc, Văn hóa Việt
Redsvn

Từ khóa » đất Nước Quê Hương Tôi