Bài Học đặc Khu Kinh Tế Của Trung Quốc

Kỳ họp thứ tư Quốc hội XIV đang diễn ra đã thảo luận Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế - ĐKKT) Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Việt Nam có thể tham khảo được gì từ Trung Quốc trong quá trình hình thành các ĐKKT?

Để phát triển ĐKKT, trước hết cần có chính sách đúng, tiếp đến là công tác quy hoạch phát triển và quy hoạch chi tiết từng ĐKKT, cuối cùng là công tác tổ chức thực hiện. (Ảnh: Thâm Quyến - Trung Quốc / Nguồn: Internet)

Bức tranh 40 năm

ĐKKT là sản phẩm của thời kỳ cải cách mở cửa nền kinh tế Trung Quốc với nước ngoài do Hội nghị Trung ương 3 khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc khởi xướng năm 1978.

Năm 1980, Trung Quốc thành lập bốn ĐKKT (Thâm Quyến, Sán Đầu, Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông và Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến). Hiện nay, Trung Quốc có sáu ĐKKT (thêm Kashgar và đảo Hải Nam). Mới đây, Trung Quốc chọn thêm Hùng An (gồm ba huyện thuộc tỉnh Hà Bắc nhưng nằm gần Bắc Kinh và Thiên Tân - hai thành phố lớn nhất miền Bắc của Trung Quốc) làm ĐKKT, nhằm giảm áp lực cho thủ đô Bắc Kinh cũng như thúc đẩy nền kinh tế hướng tới dịch vụ và các ngành công nghệ cao, có thể trở thành Thâm Quyến thứ hai.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng thành lập các “khu vực thương mại tự do” (FTZ) gồm Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Đông, Phúc Kiến.

ĐKKT là khu vực có ranh giới địa lý xác định, nhưng có không gian kinh tế - hành chính tương đối riêng biệt, được vận hành bởi khung pháp lý riêng, linh hoạt và một môi trường đầu tư, kinh doanh gồm cả cứng (hạ tầng kỹ thuật và xã hội) và mềm (quản lý) thích hợp cho hoạt động kinh tế theo cơ chế thị trường đầy đủ, hướng ngoại phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Chủ thể hoạt động trong đặc khu chủ yếu là các nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài. Ngành nghề trong ĐKKT chủ yếu là công nghiệp, các dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, đại lý tàu biển, du lịch... Trong ĐKKT có thể có sản xuất nông nghiệp.

Việc hình thành ĐKKT nhằm bốn mục tiêu: Đó là cửa sổ mở ra bên ngoài để nước ngoài đến với Trung Quốc và Trung Quốc thông ra bên ngoài nhằm thu hút vốn đầu tư, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến và tạo việc làm; ĐKKT là nơi thực nghiệm các chính sách, thể chế mới của Trung Quốc; nơi kích thích lôi kéo nội địa cùng phát triển và cuối cùng là mục tiêu chính trị phục vụ cho tiếp nhận Hồng Kông và Ma Cao.

Để phát triển ĐKKT, trước hết cần có chính sách đúng, tiếp đến là công tác quy hoạch phát triển và quy hoạch chi tiết từng ĐKKT, cuối cùng là công tác tổ chức thực hiện.

Ngày 26/8/1980, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc nước Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập ĐKKT tỉnh Quảng Đông, đó là luật, chính sách “cái” áp dụng cho ĐKKT; sau đó cơ quan này ra Nghị quyết ủy quyền cho Đại hội đại biểu nhân dân hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến được “lập quy” các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng cho ĐKKT. Đến năm 1992 thành phố Thâm Quyến cũng được phép lập quy. Các nội dung lập quy có thể khác hoặc chưa có trong các luật về kinh tế hiện hành nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc quy định trong hiến pháp và đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Về công tác quy hoạch phát triển: Trung Quốc lựa chọn địa điểm phát triển ĐKKT trước hết ở một số nơi có điều kiện phát triển nhanh các hạ tầng kỹ thuật (cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ, cấp điện, cấp nước) và nằm kề đô thị lớn có lực và thế hỗ trợ đặc khu phát triển trong giai đoạn đầu.

Công tác quy hoạch chi tiết từng ĐKKT được tiến hành theo phương thức làm nhỏ trước, sau có điều kiện sẽ mở rộng ra.

Định hướng phát triển công nghiệp lúc đầu là gia công, lắp ráp vì hình thức này đơn giản, nước chủ nhà hưởng tiền gia công, giải quyết việc làm, còn thị trường, quản lý, hiệu quả sản xuất kinh doanh do chủ đầu tư đặt hàng gia công, lắp ráp lo liệu. Sau đó, khi có điều kiện mới phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Công nghiệp phát triển kéo theo sự ra đời các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Các ĐKKT được đánh giá là đã góp phần lớn vào việc thay đổi bộ mặt Trung Quốc sau hơn 40 năm cải cách mở cửa.

Theo Business China, trong mấy ĐKKT thì Thâm Quyến là ĐKKT thành công nhất. Với quy mô diện tích 2.050 ki lô mét vuông, từ một làng chài ven biển nghèo khó, chỉ trong vòng gần 40 năm, năm 2016 Thâm Quyến đạt tổng sản phẩm nội địa (RGDP) 294 tỉ đô la Mỹ, vượt Hồng Kông và cao hơn Việt Nam. Thâm Quyến, với dân số 12 triệu người, hiện là bến cảng bận rộn thứ 3 thế giới trong khi sàn chứng khoán ở thành phố này lớn thứ 22 toàn cầu.

Tuy nhiên, câu chuyện thành công của những thành phố như Thâm Quyến không hoàn toàn chỉ có màu hồng. Bức tranh về các ĐKKT sẽ không hoàn chỉnh nếu không nói đến các khía cạnh tiêu cực của nó, bao gồm sự thiếu cân đối trong phát triển, vấn đề đầu cơ, mất đất, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu - nghèo lớn, di dân tự do, đình công nhiều hơn và phức tạp hơn.

Năm bài học kinh nghiệm

Trung Quốc đạt được thành tựu phát triển các ĐKKT là vì:

Thứ nhất, dự báo, đánh giá đúng tình hình trong nước, cục diện thế giới và chớp lấy thời cơ:

Đầu những năm 1980, ban lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc theo đường lối cấp tiến đứng đầu là ông Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng và kiên trì đường lối cải cách, mở cửa. Các mô hình khu kinh tế tự do cổ điển tỏ ra không mấy thuyết phục và không đủ tầm để thử nghiệm chính sách nên ban lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định phải tìm cho được mô hình riêng của họ.

Vào thời điểm đó, thế giới đứng trước một thực tế là các nước công nghiệp phát triển đang có nhu cầu chuyển giao công nghệ và kỹ thuật thuộc trình độ trung bình và cận tiên tiến của mình sang các nước đang và chậm phát triển. Đặc biệt Trung Quốc có 57 triệu người Hoa ở nước ngoài đang có nhu cầu đầu tư về nước.

Thứ hai, thống nhất nhận thức:

Trong giai đoạn đầu thực hiện đường lối cải cách mở cửa, xây dựng các ĐKKT, trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc và trong dư luận có những cuộc tranh cãi gay gắt. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Đây là thành công hay thất bại? Ở Thâm Quyến ngoài lá cờ đỏ 5 sao thì không có gì là chủ nghĩa xã hội? Cuối cùng, với sự quyết tâm cao của lãnh đạo, sự kiên trì thực hiện, vai trò và uy tín của ông Đặng Tiểu Bình cùng với kết quả đạt được của các ĐKKT, cho đến nay thực tế đã chứng minh đặc khu là mô hình phát triển kinh tế thích hợp.

Thứ ba, khung pháp lý rõ ràng, dễ thực hiện, cơ chế quản lý thông thoáng, bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả:

Về cơ bản, các doanh nghiệp hoạt động trong ĐKKT được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân...

Một trong những quy định có tính đột phá là cơ quan quản lý đặc khu là chính quyền đặc khu thực hiện hầu hết chức năng quản lý nhà nước như cấp phép đầu tư, quyền sử dụng đất (hai khâu này cấp cùng một lúc); tiêu thụ sản phẩm vào nội địa; chấp thuận tuyển dụng lao động trực tiếp của các doanh nghiệp; quy định mức lương, hình thức trả lương, tiền thưởng, bảo hiểm lao động... Thực hiện cơ chế phân quyền, không bao quyền đã phân ở cấp được phân quyền và không tản quyền ở cùng một cấp.

Doanh nghiệp chỉ cần liên hệ và giải quyết mọi thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh theo nguyên tắc “một cửa, một dấu và tại chỗ” với cơ quan quản lý đặc khu. Một số công việc chuyên môn như hải quan, thuế vụ, công an... thì các cơ quan chuyên ngành cử đại diện của mình bên cạnh cơ quan quản lý đặc khu giải quyết trực tiếp tại chỗ.

Thứ tư, thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách thu hút đầu tư nước ngoài:

Luận điểm của Trung Quốc đơn giản: Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặt trên đất Trung Quốc sớm hay muộn là của Trung Quốc. Trong thu hút đầu tư nước ngoài họ lấy lợi ích cơ bản và lâu dài làm trọng, không tham một đĩa bỏ cả mâm. Chính vì vậy mà các chính sách ưu đãi về tài chính rất rộng rãi, quản lý thông thoáng, hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tạo sức hút lớn đối với đầu tư nước ngoài. Đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, đa dạng hóa hình thức huy động vốn phát triển hạ tầng:

Lúc khởi đầu đặc khu Thâm Quyến được vay vốn ưu đãi của nhà nước 30 triệu nhân dân tệ, khoảng 6 triệu đô la Mỹ để phát triển hạ tầng, còn lại phải “mượn gà đẻ trứng” để thực hiện chính sách của trung ương “cho chính sách không cho tiền” (cho chính quyền ĐKKT được giữ lại tiền thuê đất; giữ tiền thu ngân sách 10 năm đầu, tức là đến năm 1989, để phát triển hạ tầng).

Các hình thức huy động vốn tiếp theo là: vay ngân hàng, hợp tác với nước ngoài dưới nhiều hình thức, chủ yếu là BOT, thuê mua, phát hành trái phiếu, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Người nông dân có quyền được góp vốn bằng giá trị hoa lợi và tài sản của họ trên đất để hưởng cổ tức của doanh nghiệp mà họ góp vốn, thay vì theo cách làm thông thường thì người nông dân nhận tiền đền bù, Trung Quốc gọi là chính sách “nuôi gà đẻ trứng, không ăn thịt gà”.

Anh Thư (TBKTSG)

TweetTin liên quan:
  • Đặc khu Phát triển Mariel - "ngôi sao hy vọng" của kinh tế Cuba
  • Chính phủ đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt
  • Đặc khu kinh tế: góc nhìn từ Trung Quốc
  • Đặc khu kinh tế: Cần một quy hoạch dài hơi và chất lượng
  • Đặc khu kinh tế đang mất dần lợi thế?
Tin mới hơn:
  • Những công trình của CapitaLand khiến thế giới nể phục
  • Giải cứu Jakarta, thành phố sắp chìm hoàn toàn dưới biển
  • Dự án công viên nổi Diller Island ở New York
  • Cận cảnh khu nhà giá rẻ ở miền Đông Bắc nước Pháp
  • Vườn thực vật lớn nhất thế giới trên sa mạc Oman
Tin cũ hơn:
  • Dubai phát triển và góc khuất đằng sau sự hào nhoáng
  • 10 con số thú vị về kinh đô xe đạp của thế giới
  • Tiền ảo Bitcoin “tấn công” thị trường bất động sản Mỹ
  • Bên trong dinh thự xa hoa bậc nhất Thụy Sĩ
  • Những đường cây mùa thu đẹp nhất thế giới
>

Từ khóa » Các đặc Khu Kinh Tế Của Trung Quốc ở Việt Nam