Bài Học Từ Câu Chuyện Vịt Con Xấu Xí: Không Ai Trên Đời Này Lạc ...
Có thể bạn quan tâm
“Ngày xửa ngày xưa, có một chú vịt con xấu xí, chú thường xuyên bị cả đàn bắt nạt vì ngoại hình không giống ai của mình. Thế rồi, chú vịt ấy quyết định bỏ đi để tìm kiếm nơi mình thuộc về. Sau bao nhiêu trắc trở, vịt con cuối cùnggặp được bầy đàn của mình và trở thành một chú thiên nga xinh đẹp...” Chắc hẳn mọi người đã quen thuộc với câu chuyện nổi tiếng Vịt con xấu xí của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen.
Hãy thử đặt giả thiết, sẽ ra sao nếu chú vịt xấu xí này có ngoại hình giống với những chú vịt trong đàn? Liệu nó có thể hòa nhập được với đàn vịt không? Câu trả lời sẽ luôn là không. Vì bản thân chú vịt này vốn dĩ là một chú thiên nga, mà thiên nga với vịt lại có những tập tính và lối sống khác nhau. Chỉ bằng cách rời đi thì vịt con mới có thể tìm được chính mình và nơi mình thuộc về. Nếu cố chấp ở lại, nó vĩnh viễn lạc loài và cô độc.
Đã có bao giờ, bạn cảm thấy bản thân mình giống như “quả trứng thiên nga” bị đặt nhầm chỗ vào bầy vịt chưa? Đã bao giờ, bạn cảm thấy cô đơn và lạc lõng giữa một đám đông dù bạn đã cố gắng hòa nhập? Đã bao giờ, bạn cảm thấy quan điểm và lối sống của mình khác biệt so với những người xung quanh? Vậy khi đó, sự lựa chọn của bạn như thế nào, tiếp tục cố gắng thay đổi mình để hòa nhập hay đi tìm bộ lạc cho riêng mình?
Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng phải trải qua những giây phút bước vào một môi trường mới, một nơi thật xa lạ với chúng ta. Ngày còn bé, khi ta mới chập chững biết đi, ta đã phải rời xa vòng tay của cha mẹ để bước vào nhà trẻ. Lớn hơn một chút, ta lại vào các ngôi trường mới với rất nhiều bạn bè và thầy cô. Đến khi trưởng thành, ta lại phải đối diện với những môi trường làm việc khác nhau với rất nhiều đồng nghiệp và đối tác đến từ khắp mọi miền. Muôn vàn câu hỏi được đặt ra “Làm như thế nào có thể hòa nhập với mọi người? Làm sao để có thể kết bạn nhanh nhất” nhưng liệu có mấy người quay lưng lại và tự hỏi “Có phải lúc nào chúng ta cũng cần gồng mình lên để cố gắng hòa đồng với một môi trường mà ta vốn dĩ không thuộc về?”
Nhìn nhận một cách khách quan, sống hòa đồng là một kỹ năng không thể thiếu trong thời đại hiện nay. Giỏi thôi chưa đủ, muốn có thể trở thành một nhân viên xuất sắc, bạn phải học được cách làm việc, hợp tác với những người đồng nghiệp để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Kỹ năng làm việc nhóm luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu của các công ty khi tuyển dụng.
Tuy nhiên, “hòa đồng” chỉ mang ý nghĩa tích cực khi nó được hiểu theo ý nghĩa là “hòa hợp, phối hợp” với mọi người xung quanh. Nhưng nếu ta coi việc hòa đồng là việc chúng ta phải “hòa mình cho giống với đám đông” thì nó lại mang chiều hướng tiêu cực.
--------------------------
Nền giáo dục và những con cá phải leo cây....
Tất cả chúng ta sinh ra đều là những cá thể khác biệt được tạo hóa tạo ra, không có bất kì ai giống nhau cả. Thậm chí, hai chị em sinh đôi, cùng bố mẹ, cùng môi trường sống nhưng tính cách vẫn khác nhau. Mỗi người đều có các thế mạnh, yếu điểm và nhu cầu khác nhau.
Nghịch lý thay, nhiều nền giáo dục lại dạy chúng ta “đồng nhất” từ ngoại hình đến tư duy. Ngay từ khi còn bé, chúng ta đã luôn được dạy phải “nghe lời thầy cô”, phải “hòa đồng”, phải kết bạn thật nhiều, phải năng nổ tham gia các hoạt động tập thể. Nhưng chúng ta chưa bao giờ được dạy cách chọn bạn phù hợp để chơi cùng, chọn một môi trường phù hợp để phát huy các sở trường của mình.
Cứ 10 đứa trẻ được sinh ra lại có đến 9 đứa trẻ thuận tay phải, chỉ duy nhất có một đứa thuận tay phải. Thuận tay trái hay tay phải đều là bản năng tự nhiên của con người, thậm chí theo nhiều nghiên cứu, những đứa trẻ thuận tay trái còn có khả năng tư duy sáng tạo và IQ cao hơn những đứa trẻ còn lại. Nhưng rất nhiều giáo viên, cha mẹ lại ép những đứa trẻ thuận tay trái phải viết bằng tay phải để giống số đông. Lâu dần, đứa trẻ ấy sẽ nghĩ rằng việc thuận tay trái là sai và cần phải sửa. Và thế là nó luôn phải cố gắng làm mọi việc bằng tay phải, không bao giờ sử dụng bàn tay thuận của mình.
Nếu một đứa trẻ ít nói, ít tham gia các hoạt động tập thể thì bị phê bình là “khó gần”, là “lầm lì”,”xa lánh các bạn”. Nhưng có mấy ai hiểu rằng đứa trẻ này vốn dĩ là một người hướng nội, những người hướng nội thường lấy năng lượng khi được ở một mình hay nhóm nhỏ chứ không phải trong đám đông sôi động. Nhiều lần nghe cô giáo và cha mẹ nhắc nhở, đứa trẻ ấy sẽ sống với niềm tin bản thân đang mắc phải một khiếm khuyết cần che dấu. Và thế là đứa trẻ ấy quyết tâm gồng mình lên để tham gia đám đông ồn ào, che dấu đi bản chất thật của bản thân chỉ để có thể “hòa nhập” với tập thể.
Một đứa trẻ hay mơ mộng, lơ đãng trong lớp học thường xuyên bị nhắc nhở là “học dốt”, “kém phát triển”,... Nhưng có mấy ai hiểu rằng đứa trẻ này vốn phát triển về não phải, thiên về hình ảnh và âm thanh nên việc học các con số, vốn là thế mạnh của những người não trái khiến trẻ gặp khó khăn. Thay vì tìm ra phương pháp dạy học phù hợp, ta lại trách mắng trẻ khiến nó sống trong niềm tin rằng bản thân là một người “kém cỏi”, “học dốt”.
Lâu dần, tư tưởng này ngấm dần trong trí não của chúng ta, để hình thành trong ta một nỗi sợ vô hình, ta sợ sự khác biệt, ta oán trách bản thân mình vì không hề giống những người xung quanh, ta dần dần quên đi những mưu cầu và mục tiêu của chính mình và điều đáng sợ nhất đã xảy ra: Ta đánh mất chính bản thân mình.
---------------------------
Điều đáng sợ nhất không phải là đứng một mình. Mà là đứng giữa một biển người, vẫn cảm thấy cô đơn.
Trên trái đất này, luôn có những nơi thuộc về chúng ta và những nơi không. Nếu cứ cố gắng thay đổi bản thân để có thể phù hợp với những người không cùng thế giới với bạn, bạn sẽ nhanh chóng chán nản và mất tự tin. Dù cho bạn có thành công bước vào thế giới đó, bạn sẽ luôn trong tình trạng cố gắng để được ở lại và đến khi bạn dừng cố gắng, thế giới ấy lại không hề liên quan đến bạn.
Rồi sau cùng, sau tất cả những nỗ lực ấy, bạn nhận lại gì?
Tôi đã từng xem một câu chuyện nói về mối quan hệ xã hội, câu chuyện ấy thực sự khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.
Giữa 1 sân vận động rộng lớn với 80.000 người, tất cả những người này đều đã gặp một người đàn ông. Người đàn ông cất tiếng “Những người không nhớ tên của tôi, xin vui lòng ngồi xuống”. Quá nửa sân vận động trong đó đã ngồi xuống. Người đàn ông lại tiếp tục hỏi “Những ai không nhớ biệt danh của tôi, xin hãy ngồi xuống”, quá nửa chỗ đó lại ngồi xuống. Người đàn ông lại hỏi “Những người không biết người bạn gái qua lại suốt 8 năm với tôi là ai, xin vui lòng ngồi xuống”, một lượng lớn người lại ngồi xuống. Lần thứ tư, người đàn ông tiếp tục “Những người chưa thấy tôi khóc lần nào, hãy ngồi xuống”, trên sân vận động chỉ còn sót lại vài người đang đứng. Cuối cùng, người đàn ông lại mở lời “Những ai trong một tháng gần đây, không hề liên lạc hay gặp gỡ tôi, xin hãy ngồi xuống”. Tất cả đều yên lặng ngồi xuống, chỉ để lại người đàn ông ấy cô đơn một mình trên cao.
Trong cả cuộc đời này, bạn có thể gặp gỡ hàng triệu người, làm quen với hàng trăm, hàng nghìn người nhưng tìm được người bên cạnh bạn lúc khó khăn, yêu quý chính bản thân bạn không phải điều dễ dàng. Điều đáng sợ nhất không phải là đứng một mình, Mà là đứng giữa một biển người, vẫn cảm thấy cô đơn.
Đừng làm mòn giá trị của bản thân để so sánh bạn với người khác. Bởi mỗi người chúng ta đều là những người đặc biệt
Trong tâm lý học, có một thuật ngữ gọi là “tâm lý đám đông”, đó là một hiện tượng mà con người thường có xu hướng đi theo đám đông, thích những gì mà đám đông thích, tập làm những thói quen mà đám đông hay làm. Nếu có một hành động mà ai cũng làm thì mọi người sẽ tin rằng đó chính là điều đúng đắn. Trong chương trình là Just for laugh, người ta dàn dựng ra một hoạt cảnh: Một nhóm người của chương trình đóng giả làm người đi bộ. Đến một vị trí, ai cũng giả vờ cúi người đi qua một sợi dây “vô hình”. Kết quả là những người đi trên đường, tuy không nhìn thấy sợi dây nào cả nhưng vẫn theo thói quen, hành xử giống đám đông, cũng cúi người theo.
Hãy tự hỏi mình, liệu bạn có bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh không? Nếu những sự lựa chọn của bạn thường xuyên bị chi phối và điều khiển bởi quan niệm của người khác thì bạn đang từ bỏ quyền kiểm soát với chính bản thân mình và trở thành những nô lệ đáng thương dưới bàn tay định kiến của đám đông. Trong một thế giới đầy cạnh tranh như hiện nay, sự khác biệt đôi khi lại làm nên giá trị của riêng bạn.
Giữa một vườn hoa đua thắm, xương rồng thường bị bỏ qua vì vẻ ngoài xấu xí, xù xì, Vẻ ngoài của nó không thể sánh được với vẻ đẹp kiều diễm của hoa hồng, nó cũng không có hương thơm ngào ngạt của hoa nhài, chỉ có những chiếc gai nhọn hoắt có thể đâm chảy máu những người chạm vào nó. Nhưng nếu đặt xương rồng vào đúng nơi nó thuộc về, vẻ đẹp của cây xương rồng mới được bộc lộ. Đó chính là sức sống bền bỉ nơi hoang mạc nóng bỏng - nơi mà không một loài hoa nào khác có thể sống được. Chính những chiếc gai nhọn mà người ta ghét bỏ kia lại chính là thứ vũ khí lợi hại giúp xương rồng tích nước trước sự khắc nghiệt của sa mạc hoang tàn sỏi đá.
Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy bản thân mình giống cây xương rồng kia vậy, cảm thấy bản thân mình xấu xí, vô dụng, không được như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng bạn không biết rằng, vườn hoa không thể đẹp được nếu tất cả bông hoa đều cùng một màu sắc, cùng một mùi hương. Chính vì sự đa dạng, khác biệt của từng loài hoa khiến khu vườn trở nên rực rỡ sắc màu, phong phú mùi hương.
Có một câu chuyện về chim và cá mà tôi đã từng được đọc. Cá nhìn thấy chim đang bay trên trời, lòng chợt nghĩ “Giá như mình được như chim, có thể thoải mái bay lượn trên không trung.” Cá không biết rằng, chim cũng đang ngưỡng mộ cá “Giá như mình được như cá, có thể vùng vẫy trong làn nước mát mẻ.” Nhiều người thường xuyên cảm thấy ngưỡng mộ người khác mà không biết rằng bản thân đang sở hữu những thứ mà người khác đang ao ước. Ngừng so sánh bản thân mình với người khác vì bạn vĩnh viễn không phải là họ và họ cũng không phải là bạn, đừng tò mò bản thân mình qua lăng kính của những người xung quanh.
Đừng hỏi bản thân thế giới thế giới này đang cần những gì. Hãy chính bản thân mình, bạn cần làm gì để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, yêu thương bản thân bởi chính những điều khác biệt của bạn. Khi đó, thế giới sẽ giang tay chào đón bạn.
Nếu muốn người khác chấp nhận bản thân mình, hãy mở rộng lòng mình với những điều khác biệt.
Có ai đó đã từng nói rằng “Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử”. Nếu bạn bị xa lánh, ghét bỏ, bạn bị người đời soi mói, thì điều bạn làm không phải trách móc, than thở mà là tự soi xét chính bản thân mình, liệu bạn có bao giờ đi phán xét người khác?
Chúng ta thường có xu hướng phê phán những người không giống mình, có lối sống và quan điểm khác biệt với chúng ta. Và đến khi chúng ta bị những người khác đánh giá, ta lại bực bội, ta oán trách, ta kêu than.
Cách con người biểu thị với thế giới bên ngoài thể hiện một phần suy nghĩ nội tâm của họ. Đằng sau mỗi lời phán xét đều là một sự khao khát về tình yêu, sự thừa nhận. Nhiều người coi việc phán xét người khác chính là một cách để giải tỏa, vì bản thân họ đang cảm thấy tự ti bởi những lời nhận xét của những người xung quanh. Để xua đi cơn đau của mình, họ không ngần ngại đi nói xấu, chê bai người khác để bản thân mình cảm thấy tốt hơn. Nhưng sự thật là cơn đau của họ không hề giảm đi chút nào mà vô tình họ lại gây ra nỗi đau cho nạn nhân.
Nếu muốn được tôn trọng, hãy học thói quen tôn trọng người khác. Nếu muốn được tự do làm điều mình muốn, xin đừng khắt khe với người khác. Nếu muốn người khác chấp nhận bản thân mình, hãy mở rộng lòng mình với những điều khác biệt.
Trên đời này không có ai lạc loài và cô độc cả. Chỉ là bạn chưa tìm kiếm đủ mà thôi…
Thế giới này vốn dĩ rộng lớn lắm, những gì bạn thấy được hiện tại chỉ là một phần nhỏ mà thôi. Tôi có một người bạn, cô ấy vốn là một người cá tính mạnh, có suy nghĩ rất phóng khoáng. Chính vì vậy, cô ấy cảm thấy rất khó khăn khi phải sống ở ngôi làng cô sinh ra, một nơi mà rất coi trọng các hủ tục truyền thông. Thế là, cô ấy quyết định đi du học. Và thế là, cô ấy cảm thấy như “cá gặp nước” vậy, cô ấy được tự do làm những gì cô ấy muốn, mặc những bộ quần áo mà cô ấy thích mà không cần lo bị đánh giá, chê trách. Cô ấy có nói với tôi rằng “Quyết định đi du học là quyết định đúng đắn nhất của tớ. Chỉ có ở đây, tớ mới có thể tự tin là chính mình.”
Nếu bạn cảm thấy bản thân không thể hòa hợp được với thế giới xung quanh, đó không phải do cá tính của bạn mà chỉ là bạn chưa tìm được đúng môi trường của mình thôi. Hãy đi ra bước ra khỏi vùng an toàn, tham gia thật nhiều hội nhóm, gặp gỡ thật nhiều người rồi bạn sẽ tìm được nơi mà bạn thuộc về, tìm được nhiều anh em, đồng đội để có thể kề vai sát cánh hỗ trợ hết mình. Rồi chú vịt con xấu xí vậy cũng hóa thành thiên nga, khi gặp đến môi trường mà bạn thuộc về, bạn sẽ tỏa sáng rực rỡ nhất.
Trong quyển sách 20 something, 20 everything của tác giả Christine Hassler có viết “Hãy tìm những người giống với bạn, những người nâng đỡ bạn, những người có thể giúp bạn được là chính mình và bao quanh cuộc sống của mình với họ. Tin tôi đi. Họ ở đâu đó ngoài kia.”
Không ai trên đời này lạc loài cả. Chỉ là bạn chưa tìm kiếm đủ để tìm thấy nơi mình thuộc về.
Vạn sự tùy duyên, nơi nào bạn thuộc về, bạn sẽ tự nhiên dung nhập, một cách tự nhiên nhất
Suy cho cùng, trên thế gian này không ai có thể đi theo bạn đến cuối cuộc đời. Ai cũng có cuộc sống của riêng mình và bạn cũng vậy. Người ở bên bạn đến tận cùng, cũng chỉ có bạn mà thôi. Cuộc đời bạn không phải là dùng để lấy lòng người khác, mà là để đối xử tốt với chính mình. Hãy tìm môi trường mà mình thoải mái là chính mình, ở bên cạnh người khiến bạn có thể vô tư chia sẻ những điều mà mình muốn, làm những gì mình thích.
Hãy nhớ rằng, vạn sự tùy duyên, nơi nào bạn thuộc về, bạn sẽ tự nhiên dung nhập, một cách tự nhiên nhất.
Việc của bạn chỉ là tìm ra nó. Vậy thôi.
Tác Giả: Huyền Nguyễn
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/miloechnguyen
---------------------------------Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Từ khóa » Bài Học Từ Vịt Con Xấu Xí
-
Bài Học Rút Ra Từ Câu Chuyện Vịt Con Xấu Xí
-
Ý Nghĩa Câu Chuyện Con Vịt Xấu Xí?
-
Ý Nghĩa Câu Chuyện Vịt Con Xấu Xí - Việt Nam Overnight
-
Truyện Cổ Tích: Vịt Con Xấu Xí - Eva
-
Tiếng Việt Lớp 4 Con Vịt Xấu Xí - Hướng Dẫn Soạn Bài
-
Vịt Con Xấu Xí Hay Là Thiên Nga Lộng Lẫy? Điều Đó Tùy Thuộc Vào ...
-
Tập Làm Văn Lớp 4: Kể Lại Câu Chuyện Con Vịt Xấu Xí (Dàn ý + 5 Mẫu ...
-
Truyện Vịt Con Xấu Xí (Có File Nghe MP3)
-
Kể Chuyện Con Vịt Xấu Xí Lớp 4 SGK Tiếng Việt 4 Tập 2 Trang 37 Thú Vị ...
-
Tóm Tắt Truyện Vịt Con Xấu Xí đầy đủ - TopLoigiai
-
Kể Chuyện: Con Vịt Xấu Xí Trang 37 SGK Tiếng Việt 4 Tập 2
-
Câu Chuyện "Con Vịt Xấu Xí" Khuyên Em điều Gì? - BAIVIET.COM
-
Vịt Con Xấu Xí & Bài Học Giáo Dục Đầy Nhân Văn - YouTube
-
Chuyện Vịt Con Xấu Xí - Trường Mầm Non Quang Minh