Bài Học Và Cảnh Báo Của Israel Với Thế Giới, Sau Hai Tháng Triển ...

Gần hai tháng đã trôi qua kể từ khi Israel phát động chiến dịch tiêm chủng virus coronavirus một cách rầm rộ. Israel đã tiêm chủng cho phần lớn dân số của mình hơn bất kỳ nước nào khác.

Hơn 4 triệu người Israel đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin Pfizer đầu tiên và giờ đây chúng tôi có kết quả nghiên cứu dựa trên những phát hiện từ thế giới thực về tính hiệu quả của vắc-xin trên toàn bộ số dân của Israel, thay vì là chỉ đơn giản từ các cuộc thử nghiệm thuốc của Pfizer.

Điều đó khá quan trọng. 43.000 người đã tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng của Pfizer chỉ thuộc một nhóm chọn lọc những người có xu hướng tình nguyện tham gia một cuộc nghiên cứu như vậy (và thường là những người có học và có hiểu biết hơn). Nhưng hiện nay, số người Israel lớn hơn gần 100 lần bao gồm gần như tất cả các thành phần dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin (và 2,2 triệu người đã được tiêm cả hai liều). Do đó, kết quả thu được từ thực tế Israel đang thu hút khá nhiều sự quan tâm từ khắp thế giới.

Vậy số liệu thực tế cho chúng ta biết điều gì về tính hiệu quả của vắc xin?

Trung tâm tiêm chủng Maccabi trong bãi đậu xe ngầm tại Trung tâm mua sắm Givatayim, gần Tel Aviv. Hình chụp bởi Hadas Parush

Chúng tôi đã có thể nói một cách tự tin rằng việc chủng ngừa mang lại khả năng bảo vệ chống lại vi rút rất ấn tượng, như một số tài liệu nghiên cứu được xuất bản gần đây đã chứng minh. Nhưng tính hiệu quả được báo cáo về vắc-xin thì có khác nhau, dao động từ 70 đến 94 phần trăm, tùy thuộc vào phương pháp nghiên cứu.

Các kết quả của nghiên cứu lớn nhất cho đến nay đã được viện nghiên cứu của Cơ quan Y tế Clalit, hợp tác với Đại học Harvard, báo cáo hôm Chủ nhật. Họ chỉ ra rằng loại vắc-xin này có hiệu quả rất cao, với tỷ lệ lây nhiễm có triệu chứng ở bệnh nhân được tiêm chủng ít hơn 94% so với nhóm không được tiêm chủng. So với số người không được tiêm chủng, nghiên cứu cho thấy số ca mắc COVID-19 nghiêm trọng giảm từ 91 đến 99% bắt đầu bảy ngày sau liều thứ hai, trên tất cả các nhóm tuổi, bao gồm cả người cao tuổi.

Nghiên cứu đã so sánh cẩn thận hai nhóm gồm 600.000 người - một nhóm thuộc những người đã được tiêm chủng và nhóm còn lại không được tiêm chủng - và cũng cố gắng chỉnh sửa bất kỳ sự khác biệt nào giữa các nhóm liên quan đến các yếu tố như sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, nguy cơ lây nhiễm và sức khỏe.tổng quát. Vì nghiên cứu không phải là một thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát mà là dữ liệu trong thế giới thực, nên cũng có sự khác biệt về đặc điểm hành vi giữa hai nhóm.

Tuần trước Cơ quan Y tế Maccabi đưa ra số liệu cho thấy chỉ 544 trong số 523.000 bệnh nhân tiêm liều thứ hai vào tuần trước đó được phát hiện nhiễm COVID-19, tỷ lệ lây nhiễm chỉ là 0,1%. Hầu hết những người bị nhiễm đều có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, và chỉ 15 người trong số họ phải nhập viện.

Ngược lại, trong số 628.000 bệnh nhân Maccabi không được tiêm chủng, hơn 18.000 người, tương đương 2,9%, đã bị lây nhiễm trong cùng thời kỳ. “So sánh dữ liệu giữa hai nhóm,” HMO kết luận, “cho thấy hiệu quả ở giai đoạn này của việc tiêm chủng ở Israel là 93% trong bảy ngày hoặc lâu hơn sau liều thứ hai.”

Một nghiên cứu có quy mô lớn khác với kết quả không kém phần hứa hẹn đến từ Viện nghiên cứu và đổi mới KSM tại Maccabi. Nghiên cứu này sử dụng một phương pháp khác - theo dõi một nhóm 195.000 người đã được tiêm chủng từ 60 tuổi trở lên và xem xét nguy cơ nhập viện của họ theo thời gian kể từ ngày tiêm liều vắc xin đầu tiên.

Một nhân viên y tế bơm vào ống tiêm một liều vắc-xin Pfizer-BioNTech COVID-19 khi Nhật Bản triển khai chiến dịch tiêm chủng tại Trung tâm Y tế Tokyo. Hình chụp do : BEHROUZ MEHRI - AFP

Các kết quả sơ bộ cho thấy số ca nhập viện giảm 67% khi so sánh số ca nhập viện trong tuần thứ hai sau lần tiêm chủng đầu tiên và số lần nhập viện bắt đầu từ tuần thứ hai sau lần tiêm chủng thứ hai (28 đến 34 ngày sau mũi tiêm thứ nhất). Dữ liệu cũng cho thấy sự sụt giảm 78% về số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận giữa hai khoảng thời gian này.

Cơ quan Y tế Leumit, đơn vị nhỏ nhất trong số 4 HMO của quốc gia này, đã xem xét dữ liệu của mình theo thời gian và nhận thấy rằng tỷ lệ nhiễm mới giảm đều đặn bắt đầu từ khoảng ngày thứ 10 sau mũi tiêm đầu tiên, giảm xuống gần như bằng không 10 ngày sau liều thứ hai.

Về phần mình, Giáo sư Dvir Aran thuộc Viện Công nghệ Technion-Israel, người phân tích dữ liệu của Bộ Y tế, đã đưa ra kết luận khiêm tốn hơn so với nghiên cứu của Pfizer. Dữ liệu của ông cho thấy không có biện pháp bảo vệ nào cho đến liều thứ hai, ba tuần sau mũi đầu tiên. Ông phát hiện ra sự sụt giảm từ 60 đến 74 phần trăm các ca COVID được xác nhận ở những người từ 60 tuổi trở lên và giảm 75 đến 78 phần trăm ở những bệnh nhân dưới 60 tuổi, rõ ràng là một tuần sau khi họ tiêm mũi thứ hai. Ông ấy báo cáo tỷ lệ nhập viện giảm 71 đến 82% và tỷ lệ mắc bệnh nghiêm trọng giảm 69 đến 77% sau khi tiêm mũi thứ hai.

Eran Segal, một nhà sinh vật học tính toán tại Viện Khoa học Weizmann, công bố dữ liệu gần như hàng ngày về tác dụng của việc tiêm chủng bằng cách so sánh dữ liệu từ trước chiến dịch tiêm chủng. Tuần này, ông báo cáo rằng tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh nặng ở nhóm tuổi 60 trở lên, những người đầu tiên được tiêm chủng (và 87% trong số họ đã tiêm), đã giảm từ 75% vào thời điểm cao điểm của các ca lây nhiễm vào tháng Giêng xuống còn 59% vào thời điểm hiện tại. Tỷ lệ các trường hợp nặng mới trong số tất cả các trường hợp được xác nhận đã giảm từ 2,5 phần trăm xuống còn 1 phần trăm và tỷ lệ phần trăm của nhóm tuổi của tất cả các trường hợp được xác nhận đã giảm từ 14 phần trăm xuống còn 6,3 phần trăm.

Cũng có một sự giảm mạnh trong số các trường hợp được xác nhận trong số những người ở trong viện dưỡng lão. Người đứng đầu chương trình Magen Avot V’imahot của Bộ Y tế, Nimrod Maimon, nói với nhật báo kinh doanh của Haaretz, tờ The Marker, rằng những bệnh nhân mới được chẩn đoán hầu hết có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Dữ liệu chính thức về đề tài này vẫn chưa được công bố.

Berfo Arsakay (giữa), 101 tuổi, chuẩn bị được tiêm vắc xin tại làng Guneyyamac ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ. Hình chụp bởi: BULENT KILIC

Với tất cả những gì đã được trình bày ở trên, rõ ràng là vắc-xin Pfizer có hiệu quả trong việc bảo vệ chống lại coronavirus. Điều có thể tranh cãi duy nhất là về mức độ hiệu quả - giữa 78 phần trăm của KSM và 93 đến 94 phần trăm từ các nghiên cứu khác.

Điều gì mà chúng ta vẫn chưa biết về việc chủng ngừa?

Câu hỏi lớn nhất còn lại là liệu những người được tiêm chủng và bị nhiễm bệnh, ngay cả khi họ không có triệu chứng, có thể gây nguy hiểm cho những người không được tiêm chủng hay không. Câu hỏi này rất quan trọng vì nó liên quan đến việc liệu việc tiêm chủng có mang lại lợi ích chỉ cho cá nhân hay còn cho công chúng và làm thế nào để người dân Israel được tiêm chủng rộng rãi có thể được miễn các hạn chế về y tế. Nhiều tổ chức khác nhau đang tiến hành nghiên cứu ban đầu về câu hỏi này, nhưng chưa có kết quả nào được báo cáo.

Chúng ta có thể nói lên điều gì? Các dấu hiệu ban đầu không cho thấy một cách rõ ràng dứt khoát liệu những người được tiêm chủng có thể lây nhiễm cho người khác hay không mà chúng chỉ cho biết mức độ lây nhiễm mà thôi.

Phân tích dữ liệu từ phòng thí nghiệm coronavirus của MyHeritage’s, do Ella Petter và Yaniv Elrich đứng đầu, cho thấy tiêm chủng làm giảm tải lượng vi rút của những người được tiêm chủng, cho thấy ngay cả khi họ bị nhiễm bệnh, tải lượng vi rút cũng nhỏ hơn và họ ít có khả năng lây nhiễm sang người khác hơn. Phân tích thống kê đã đưa ra kết luận sơ bộ rằng tải lượng của những người được tiêm chủng bị nhiễm bệnh thấp hơn từ 1,5 lần đến 20 lần. Trong một bài đăng trên Facebook, Erlich cho ngụ ý rằng ít virus hơn có nghĩa là ít lây nhiễm hơn.

Ông viết: “Ai đó khi được chủng ngừa không chỉ bảo vệ cho bản thân mình mà còn cho cả gia đình, hàng xóm và cộng đồng của mình. "Do đó, điều quan trọng là phải tiêm phòng."

Các tình nguyện viên mang thực phẩm quyên góp khi người dân được cung cấp thông tin về vắc xin COVID-19 tại trung tâm cộng đồng Mixteca trong đại dịch coronavirus Hình do: Eduardo Munoz Alvarez, AP

Vì vậy, chúng ta có thể kết luận điều gì từ tất cả dữ liệu này?

Dữ liệu bắt đầu được công bố về tiêm chủng trong thế giới thực đầy hứa hẹn và đáng khích lệ, cho thấy rằng Israel đang đi đúng hướng để thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, vắc-xin không cung cấp sự bảo vệ hoàn hảo, có những nhóm chính chưa thể được tiêm chủng (chẳng hạn như trẻ em dưới 16 tuổi) và chúng ta vẫn chưa biết đầy đủ về khả năng những người được tiêm chủng bị nhiễm bệnh và lây lan vi-rút.

Vì vậy, như mọi khi, vẫn có cơ sở để người được tiêm chủng thực hiện trách nhiệm cá nhân. Ví dụ, chính phủ có thể đã miễn cho những người tiêm mũi thứ hai khỏi việc cách ly, nhưng một người đã được tiêm chủng tiếp xúc với một bệnh nhân COVID-19 đã được xác nhận nên đề phòng thêm về giản cách xã hội, và thậm chí có thể được xét nghiệm trước khi gặp ai đó trong một nhóm rủi ro cao - ít nhất là cho đến khi có thêm thông tin có thẩm quyền về đề tài này.

Còn vấn đề riêng tư thì sao?

Sứ mệnh quốc gia về tiêm chủng cho càng nhiều công dân Israel càng tốt để đưa đất nước khỏi đại dịch hiện nay thì quan trọng hơn bất cứ điều gì khác, nhưng sứ mệnh như vậy không biện minh cho các biện pháp kỳ quặc, hà khắc như ý tưởng của chính phủ yêu cầu cung cấp tên của những cư dân chưa được tiêm chủng cho chính quyền địa phương nhằm thuyết phục công chúng đi tiêm chủng.

Một trung tâm tiêm chủng ở Jerusalem trong tháng này. Hình chụp bởi Emil Salman

Thông tin nhạy cảm này, liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật y tế, đã nằm trong tay của các HMO, những đơn vị được phép lưu giữ và sử dụng thông tin này cho các mục đích liên quan đến sức khỏe. Trong những tuần gần đây, HMO đã kêu gọi trực tiếp những người trưởng thành chưa được tiêm chủng, chủ yếu thông qua việc gọi điện thoại từ các bác sĩ gia đình, sử dụng các lập luận y tế và cá nhân để thuyết phục họ và dựa vào sự tin tưởng được phát triển trong nhiều năm giữa HMO và bệnh nhân. Không rõ là có thể có.giá trị gia tăng nào không khi chuyển thông tin này cho chính quyền địa phương.

Vì tỷ lệ tiêm chủng ở Israel cao nhất thế giới, nên điều đó không thể biện minh cho việc sử dụng các phương pháp như vậy - điều này sẽ chỉ làm sâu sắc thêm sự thiếu tin tưởng và nghi ngờ cũng như ý thức của người Israel rằng quyền riêng tư của họ bị chiếm đoạt.

Nguồn: Linder, R. (2021). Haaretz. Retrieved from https://www.haaretz.com/israel-news/.premium.HIGHLIGHT-israel-s-lessons-and-warnings-for-the-world-two-months-into-covid-vaccine-drive-1.9546486

Từ khóa » Bài Trừ Vaccine Trung Quốc