Bài Soạn Lớp 10: Chiến Thắng Mtao Mxây

[toc:ul]

I. Tìm hiểu chung

  • Thể loại sử thi
    • Khái niệm: tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại.
    • Có 2 loại sử thi dân gian là sử thi thần thoại kể về sự hình thành thế giới, sự ra đời của muôn loài, sự hình thành các dân tộc và các vùng cư trú cổ đại của họ, sự xuất hiện vùng văn minh buổi đầu và sử thi anh hùng kể về cuộc đời, sự nghiệp của các từ trưởng anh hùng. Trong thể loại này, sử thi Đăm Săn được biết đến rộng rãi hơn cả.
  • Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây
  • Vị trí: thuộc phần giữa tác phẩm
  • Tóm tắt: SGK/ trang 30
  • Nội dung: kể về chuyện Đăm Săn đánh Mtao Mxây cứu vợ về
  • Giá trị đoạn trích: Ca ngợi cuộc chiến đấu của người anh hùng Đăm Săn. Đó là cuộc chiến đấu vì danh dự cá nhân, vì hạnh phúc gia đình và vì sự bình yên, phát triển của bộ tộc.

Câu 1: Hãy tóm tắt diễn biến trận đánh để so sánh tài năng và phẩm chất của hai tù trưởng

Gợi ý:

a) Đăm Săn khiêu chiến và thái độ của Mtao Mxây

b) Hiệp đấu thứ nhất:

- Hai bên lần lượt múa khiên:

+ Mtao Mxây múa trước: tỏ ra kém cỏi

+ Đăm Săn múa sau: tỏ vẻ tài giỏi hơn hẳn

- Kết quả hiệp đấu

Trả lời:

a) Khi Đăm Săn khiêu chiến, thái độ của Mtao Mxây có sự đối lập. Trước đó, Mtao Mxây đã cướp vợ của Đăm Săn, khi Đăm Săn đến tận nhà để đòi vợ, Mtao Mxây đã ngạo mạn, mỉa mai, đầy thách thức. Thế nhưng khi Đăm Săn đe dọa, Mtao Mxây lại sợ hãi và hèn nhát. Hắn sợ Đăm Săn sẽ đâm lén khi bước từ trên nhà xuống. Phải đến khi Đăm Săn khẳng định sẽ không đâm hắn như không thèm đâm con trâu, con heo trong chuồng nhà hắn, hắn mới dám bước xuống.

b) Cuộc đọ sức của Đăm Săn và Mtao Mxây diễn ra trong hai hiệp đấu

Hiệp đấu thứ nhất:

  • Cả hai người lần lượt múa khiên
    • Mtao Mxây múa trước: tỏ ra yếu ớt và kém cỏi
    • Đăm Săn múa khiên: tỏ ra mạnh mẽ, tài giỏi hơn,vẫn giữ thái độ bình tĩnh, thản nhiên. Đam Săn múa khiên: sức mạnh như gió bão. Cây giáo đâm liên tiếp Mtao Mxây nhưng không thủng.
  • Kết quả hiệp đấu: Mtao Mxây chạy khắp nơi để tránh đường khiên Đam Săn múa. Chàng đâm trúng Mtao Mxây nhưng không thủng vì Mtao Mxây có mặc áo giáp

Hiệp đấu thứ hai

  • Đăm Săn vừa chạy vừa ngủ, được trời mách bảo, Đăm Săn nén cái chày mòn trúng tai Mtao Mxây khiến cho chiếc áo giáp của Mtao Mxây tức thì rơi loảng xoảng.
  • Kết quả: Mtao Mxây van nài Đăm Săn để được sống. Đăm Săn không tha thứ cho những tội ác hắn đã gây ra, đã cắt đầu hắn đem bêu ngoài đường. Dân làng Mtao Mxây nhất loạt theo Đam Săn về ngôi làng mới.

=> Cuộc đọ sức giữa Đăm Săn và Mtao Mxây được xây dựng bằng lối nói so sánh và phóng đại đặc trưng của văn học dân gian. Bằng những từ ngữ đơn giản, gần gũi với cuộc sống và những hình ảnh so sánh mang tầm vóc vũ trụ, tác giả dân gian đã nâng tầm trận chiến của Đăm Săn lên thành trận chiến vì danh dự của công đồng.

=> Trong cuộc chiến, phong tục tập quán của người dân Ê-đê và nhận thức của họ về thế giới được phản ánh một cách sống động và rõ nét: Căn nhà sàn đặc trưng, cách ăn nói, đi đứng của người dân tộc; tục ăn trầu...

Câu 2: Phân tích những câu nói và hành độn của đông đảo dân làng đối với việc thắng thua của hai tù trưởng để chỉ ra thái độ và tình cảm của cộng đồng Ê-đê đối với mục đích của cuộc chiến nói chung, đối với người anh hùng sử thi nói riêng.

Trả lời:

Tác phẩm sử thi ra đời khi nhận thức của con người về thế giới và tự nhiên vẫn còn là sơ khai. Vì thế nên cuộc chiến đấu giữa Đăm Săn và Mtao Mxây không phải là cuộc chiến tranh mang mục đích xâm lược, tàn sát, cướp bóc như tính chất của những cuộc chiến tranh sau này mà nó đơn giản chỉ là cuộc chiến để thống nhất cộng đồng. Theo tập quán sinh sống của người Việt cổ nói riêng và người tối cổ nói chung, họ sống thành những tộc người. Đặc thù nhận thức của họ còn nhiều hạn chế nên con người thời này rất yếu ớt, có thể chết bất cứ lúc nào. Do đó, họ cần một người lãnh đạo (tù trưởng) mạnh mẽ, giỏi giang để có thể phát triển bộ, cuộc sống của họ tốt hơn. Trong đoạn trích, thái độ của của dân làng đối với thắng thua của hai tù trưởng tuy có nhiều nét tương đồng vì họ đã tìm ra được người tù trưởng mạnh nhất, tài giỏi nhất song ở họ cũng có những nét riêng biệt:

  • Dân làng ở tộc người của tù trưởng Mtao Mxây: Sau khi tù trưởng - người mạnh nhất trong bộ lạc, thất bại, họ đều tâm phục, khẩu phục và nghe theo lời Đăm Săn - vị tù trưởng mạnh hơn, đã đánh bại Mtao Mxây. Những lời nói của họ “Không đi sao được”, “người nhà giàu cầm đầu chúng tôi nay đã không còn nữa” chứng tỏ họ luôn mơ ước có một cuộc sống tốt đẹp, đủ đầy, giàu có và hùng mạnh hơn. Lãnh đạo họ phải là một người anh hùng có sức vóc, khỏe mạnh và tài ba. Bởi chỉ có những con người như thế mới bảo vệ được họ.
  • Dân làng ở tộc người của tù trưởng Đăm Săn: Nhiệt liệt chào đón người tù trưởng tài ba của mình trở về trong chiến thắng. Họ đồng thời cũng chào đón những người dân làng một cách rất chân thành, cởi mở. Người ra, kẻ vào tấp nập “các chàng trai đi lại ngực đụng ngực. Các cô gái đi lại vú đụng vú”. Điều ấy cũng có nghĩa họ rất vui mừng khi người tù trưởng của mình chiến thắng, vừa lấy lại được danh dự vừa làm cho bộ tộc của mình thêm giàu có, hùng mạnh.
  • Những tù trưởng ở bộ tộc khác: Họ ở phương xa lặn lội tới để chúc mừng Đăm Săn, nhà Đăm Săn khoảng thời gian này đông nghịt khách cũng là thể hiện sự ngưỡng mộ, kính nể của những tù trưởng ấy với Đăm Săn.

=> Miêu tả sự đồng tình của tất cả mọi người, từ tôi tớ đến các tù trưởng, tác giả dân gian đã cho thấy mục đích cuối cùng của cuộc chiến là vì sự lớn mạnh của bộ tộc. Chiến thắng của Đăm Săn có ảnh hưởng tới sự phát triển của cộng đồng và được cộng đồng hoan nghênh, ủng hộ.

Câu 3: Phần cuối của đoạn trích chú ý đến việc miêu tả cảnh chết chóc hay cảnh ăn mừng chiến thắng?

Hãy phân tích ý nghĩa của sự lựa chọn ấy để làm rõ thái độ, cách nhìn nhận của tác giả về ý nghĩa thời đại của cuộc chiến tranh bộ tộc và về tầm vóc lịch sử của người anh hùng trong sự phát triển của cộng đồng.

  • Ở phần cuối của đoạn trích, tác giả dân gian đã không tập trung miêu tả cảnh chết chóc mà trái lại tập trung miêu tả cảnh ăn mừng chiến thắng.
  • Cuộc đọ sức giữa hai tù trưởng kết thúc khi Mtao Mxây thất bại, bị Đăm Săn giết chết và cắt đầu - hành động chứng tỏ sức mạnh và biểu trưng cho chiến thắng của người anh hùng. Nhưng đọc đoạn kết của đoạn trích, ta không thấy sự hoang mang, lo lắng hay sợ hãi về việc bị hành hạ, trả thù của dân làng ở tộc người của tù trưởng Mtao Mxây khi đến bộ tộc của Đăm Săn. Trái lại, họ hòa nhập rất nhanh vào cộng đồng mới, một cách rất tự nhiên. Dân làng của Đăm Săn cũng chào đón những người dân mới một cách chân tình, cởi mở. Không khí của buổi lễ ăn mừng được diễn ra náo nhiệt, tưng bừng, linh đình như một buổi lễ trọng đại của cộng đồng, không có chút bi lụy, buồn thương, đau đớn nào.
  • Việc lựa chọn cách miêu tả này, tác giả dân gian đều có dụng ý nghệ thuật cả:
    • Họ nhận ra tính tất yêu của những cuộc chiến tranh thị tộc - bộ lạc trong quá trình thống nhất cộng đồng người Ê-đê thành một thể thống nhất, lớn mạnh.
    • Ca ngợi tầm vóc và sứ mệnh lịch sử của người anh hùng lịch sử. Chỉ có những con người ưu tú của thời đại mới có đủ sức mạnh để thống nhất các thị tộc nhỏ lẻ lại với nhau thành một cộng đồng người lớn mạnh, giàu có.

Câu 4: Hãy phân tích giá trị miêu tả và biểu cảm của các câu văn có dùng lối so sánh, phóng đại khi miêu tả nhân vật, khung cảnh diễn ra sự việc.

  • Trong đoạn trích, tác giả dân gian sử dụng rất nhiều những câu văn có dùng lối so sánh, phóng đại khi miêu tả nhân vật, khung cảnh diễn ra sự việc:
    • Chàng múa trên cao, gió như bão
    • Chàng múa dưới thấp, gió như lốc
    • Đoàn người đông như bầy cà tong, đặc như bầy thiêu thôn, ùn ùn như kiến như mối
    • Cảnh so sánh sự đối lập giữa lúc Đăm Săn múa khiên và Mtao Mxây múa khiên.
  • Có thể dễ dàng nhận thấy, những hình ảnh được đem ra so sánh là những hình ảnh thuộc thiên nhiên, vũ trụ - những điều mà con người cổ đại có thể nhận thức được trong thực tiễn đời sống và qua quá trình lao động. Việc sử dụng những hình ảnh vũ trụ trong phép so sánh ấy khiến cho tầm vóc của người anh hùng sử thi được nâng cao hơn, trở nên kì vĩ, lớn lao. Những con người ấy có sức mạnh phi thường, có mối liên hệ với thần linh và nhận được sự giúp đỡ của họ. Đây chính là thủ pháp nghệ thuật đặc trưng, quen thuộc trong sử thi. Nó tạo nên những giá trị thẩm mĩ rất đặc trưng cho thể loại này: sự trang trọng, hoành tráng.

II. Luyện tập

Trong đoạn trích có nhắc đến việc Đăm Săn gặp ông Trời, được ông bày cho cách đánh thắng Mtao Mxây. Theo anh (chị), vai trò của thần linh và vai trò của con người đối với cuộc chiến đấu và chiến thắng của Đăm Săn được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

  • Trong đoạn trích có nhắc đến việc Đăm Săn gặp được ông Trời, được ông bày cho cách đánh thắng Mtao Mxây. Đây là chi tiết chứng tỏ tư duy thần thoại vẫn còn dấu vết trong sử thi: thế giới của con người tồn tại song song với thế giới của thần linh. Ở đây phản ánh tư duy của con người cổ đại: đơn giản, nhất phiến, nhận thức về thế giới vẫn còn hạn chế.
  • Vai trò của ông trời trong cuộc chiến đấu ấy chỉ là người hướng dẫn, chỉ đường cho Đăm Săn còn người quyết định chiến thắng vẫn chính là Đăm Săn - là con người. Như vậy, trong mối quan hệ giữa thần linh với con người, anh hùng vẫn giữ vai trò quyết định và có tính độc lập.

Từ khóa » Cảnh đăm Săn ăn Mừng Chiến Thắng Diễn Ra Như Thế Nào