Bài Tập Về Từ Ghép Và Từ Láy (Có đáp án)

Bài tập về từ ghép và từ láy (Có đáp án)Bài tập luyện từ và câu lớp 4Bài trướcTải vềBài sauNâng cấp gói Pro để trải nghiệm website VnDoc.com KHÔNG quảng cáo, và tải file cực nhanh không chờ đợi. Mua ngay Từ 79.000đ Tìm hiểu thêm

Bài tập về từ ghép và từ láy có đáp án

  • A. Khái niệm Từ ghép và từ láy lớp 4
    • 1. Từ ghép
    • 2. Từ láy
  • B. Bài tập Luyện từ và câu lớp 4 - Từ ghép và từ láy

Bài tập về từ ghép và từ láy là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho giáo viên và các em học sinh lớp 4, 5. Tài liệu bao gồm các dạng bài tập luyện từ và câu về từ láy và từ ghép trong Tiếng Việt 4, giúp các em học sinh biết làm các bài tập so sánh, phân loại, tìm kiếm từ ghép, từ láy. Chúc các em học tốt!

>> Bài tập nâng cao: Bài tập từ ghép và từ láy lớp 4 có đáp án nâng cao

A. Khái niệm Từ ghép và từ láy lớp 4

1. Từ ghép

- Khái niệm: Từ ghép là từ phức tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ về nghĩa với nhau.

- Phân loại: Từ ghép được chia làm 2 loại đó là từ ghép tổng hợp và từ ghép phân loại.

Từ ghép tổng hợpTừ ghép phân loại
Khái niệm- Là loại từ được ghép từ 2 hoặc nhiều từ đơn nhưng có nghĩa tổng quát, chung cho một danh từ, địa điểm hay hành động cụ thể nào.- Là từ mang một nghĩa cụ thể, xác định chính xác một địa danh, hành động hay tên gọi nào đó.
Ví dụ- Bánh trái là từ ghép tổng hợp nói chung cho nhiều loại bánh hoặc trái.- Bánh pizza chỉ tên một loại bánh được làm từ bột mỳ và nhiều thành phần khác.

2. Từ láy

- Khái niệm: Là từ được tạo thành bởi các tiếng giồng nhau về vần, thường từ trước là tiếng gốc và từ sau sẽ láy âm hoặc vần của tiếng gốc.

- Phân loại:

  • Từ láy bộ phận: các tiếng sẽ có sự giống nhau về vần, phụ âm đầu.
  • Từ láy toàn bộ: tiếng sẽ được lặp lại toàn bộ, tuy nhiên cũng có sự thay đổi thanh điệu, phụ âm cuối để mang lại sự hài hòa âm thanh khi nói hoặc viết.

B. Bài tập Luyện từ và câu lớp 4 - Từ ghép và từ láy

Bài 1: Cho đoạn văn sau:

Quanh nhà ông bà ngoạivườn dừa, là những bờ đất trồng dừamương nước hai bên. Vườn dừa rất mát vì tàu dừa che hết nắng, vì có gió thổi vào. Và mát vì có những trái dừa cho nước rất trong, cho cái dừa mỏng mỏng mềm mềm vừa đưa vào miệng đã muốn tan ra mát rượi . Vườn dừa là chỗ mấy đứa con trai, con gái trong xóm ra chơi.

(trích Vườn dừa của ngoại - Diệp Hồng Phương)

a) Hãy sắp xếp các từ in đậm vào bảng sau:

Từ đơnTừ phức
Từ ghépTừ láy
.........

b) Với các từ đơn mà em tìm thấy ở câu a, hãy tạo thành 5 từ phức với mỗi từ đơn.

c) Chọn 3 từ phức mà em tìm được ở câu b và đặt câu.

Hướng dẫn trả lời:

a) Sắp xếp các từ in đậm vào bảng sau:

Từ đơnTừ phức
Từ ghépTừ láy
dừa, nắng, gió, mát, trong, xómbà ngoại, vườn dừa, mương nước, tàu dừa, trái dừa, mát rượi, con trai, con gái, nhảy dâymỏng mỏng, mềm mềm

b) Gợi ý:

Từ đơnTừ phức
dừaquả dừa, cây dừa, trái dừa, nước dừa, mứt dừa, đuông dừa, dừa khô, cơm dừa, cùi dừa...
nắngánh nắng, tia nắng, nắng gắt, nắng nóng, nắng nôi...
giócơn gió, làn gió, gió mát, mưa gió, mưa bão...
mátmát mẻ, mát rượi, gió mát...
trongtrong trẻo, trong veo, trong trắng, trong suốt, trong xanh...
xómxóm trọ, xóm núi, xóm phố, khu xóm...

c) Gợi ý:

- Cây dừa cao vút, tán lá xanh um, che mát cho chúng em ngồi chơi.

- Những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu xuống những giọt sương long lanh như pha lê.

- Một cơn gió mát rượi khác lạ thổi từ xa tới, báo hiệu sắp có một cơn mưa dông ghé thăm.

- Những làn gió đem đến sự mát mẻ quý giá giữa trưa hè oi ả.

- Xóm trọ trở nên đông đúc hơn nhờ sự hiện diện của những tân sinh viên mới nhập học.

Bài 2: Hãy xếp các từ phức sau thành hai loại: Từ ghép và từ láy: sừng sững, chung quanh, lủng củng, hung dữ, mộc mạc, nhũn nhặn, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc, thanh cao, giản dị, chí khí.

Hướng dẫn trả lời:

Từ ghép: chung quanh, hung dữ, vững chắc, thanh cao, giản dị, chí khí.

Từ láy: sừng sững, lủng củng, mộc mạc, nhũn nhặn, cứng cáp, dẻo dai

Bài 3:

a. Những từ nào là từ láy

  • Ngay ngắn, Ngay thẳng, Ngay đơ
  • Thẳng thắn, Thẳng tuột, Thẳng tắp

b. Những từ nào không phải từ ghép?

  • Chân thành, Chân thật, Chân tình
  • Thật thà, Thật sự, Thật tình

Hướng dẫn trả lời:

a) Từ là từ láy là: Ngay ngắn, Thẳng thắn,

b) Những từ không phải từ ghép: Thật thà,

Bài 4: Từ láy "xanh xao" dùng để tả màu sắc của đối tượng:

a. da người

b. lá cây còn non

c. lá cây đã già

d. trời.

Hướng dẫn trả lời:

Đáp án đúng là: a. da người

Bài 5: Xếp các từ: châm chọc, chậm chạp, mê mẩn, mong ngóng, nhỏ nhẹ, mong mỏi, phương hướng, vương vấn, tươi tắn vào 2 cột: từ ghép và từ láy.

Hướng dẫn trả lời:

Từ láyTừ ghép
chậm chạp, mê mẩn, nhỏ nhẹ, mong mỏi, tươi tắn, vương vấnchâm chọc, mong ngóng, phương hướng

Bài 6:

a. Tạo 2 từ ghép có nghĩa phân loại, 2 từ ghép có nghĩa tổng hợp, 1 từ láy từ mỗi tiếng sau: nhỏ, sáng, lạnh.

b. Tạo 1 từ ghép, 1 từ láy chỉ màu sắc từ mỗi tiếng sau: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen.

Hướng dẫn trả lời:

a. Gợi ý:

Từ ghép phân loạiTừ ghép tổng hợp
nhỏnhỏ xíu, nhỏ connhỏ bé, to nhỏ
sángsáng chói, sáng rựcsáng tối, ánh sáng
lạnhlạnh ngắt, lạnh cónglạnh lẽo, nóng lạnh

b. Gợi ý:

Từ ghépTừ láy
xanhxanh lá, xanh biển, xanh tươi, xanh tốt...xanh xanh...
đỏđỏ chót, đỏ tươi, đỏ thẫm...đo đỏ
trắngtrắng tinh, trắng bệch, trắng toát...trăng trắng...
vàngvàng chanh, vàng rực, vàng ươm...vàng vàng...
đenđen thui, đen bóng, đen kịt...đen đen, đen đúa...

Bài 7: Cho các từ: mải miết, xa xôi, xa lạ, phẳng lặng, phẳng phiu, mong ngóng, mong mỏi, mơ mộng.

a. Xếp những từ trên thành 2 nhóm: từ ghép, từ láy.

b. Cho biết tên gọi của kiểu từ ghép và từ láy ở mỗi nhóm trên.

Hướng dẫn trả lời:

a)

Từ láyTừ ghép
mải miết, xa xôi, phẳng phiu,  mong mỏi, mơ mộng.xa lạ, phẳng lặng, mong ngóng

b) 

Từ láyTừ ghép
Từ láy bộ phậnTừ láy toàn bộTừ ghép tổng hợpTừ ghép phân loại
mải miết,  xa xôi, phẳng phiu, mong mỏi, mơ mộng.xxa lạ, phẳng lặng, mong ngóngx

Bài 8: Cho đoạn văn sau:

"Đêm về khuya lặng gió. Sương phủ trắng mặt sông. Những bầy cá nhao lên đớp sương "tom tóp", lúc đầu còn loáng thoáng dần dần tiếng tũng toẵng xôn xao quanh mạn thuyền".

a. Tìm những từ láy có trong đoạn văn.

b. Phân loại các từ láy tìm được theo các kiểu từ láy đã học.

Hướng dẫn trả lời:

a. Những từ láy có trong đoạn văn: tom tóp, loáng thoáng, tũng toẵng, xôn xao, dần dần

b. Từ láy bộ phận: tom tóp, tũng toẵng, xôn xao,  loáng thoáng

Từ láy toàn bộ: dần dần

Bài 9: Xác định rõ 2 kiểu từ ghép đã học (từ ghép có nghĩa phân loại, từ ghép có nghĩa tổng hợp) trong các từ ghép sau: nóng bỏng, nóng ran, nóng nực, nóng giãy, lạnh buốt, lạnh ngắt, lạnh giá.

Hướng dẫn trả lời:

Từ ghép phân loạiTừ ghép tổng hợp
nóng ran, nóng nực, nóng giãy, lạnh ngắtnóng bỏng, lạnh buốt, lạnh giá

Bài 10: Tìm các từ láy có 2, 3, 4 tiếng

Hướng dẫn trả lời:

Từ láy có 2 tiếng: long lanh, lung linh, lả lướt, xinh xẻo

Từ láy có 3 tiếng: sạch sành sanh, tất tần tật

Từ láy có 4 tiếng: kẽo kà kẽo kẹt, đỏng đà đỏng đảnh

Bài 11: Em hãy ghép 5 tiếng sau thành 9 từ ghép thích hợp: thích, quý, yêu, thương, mến.

Hướng dẫn trả lời:

Ghép 5 tiếng thành 9 từ ghép: yêu thương, mến yêu, thương mến, quý mến, yêu quý, yêu thích, thương yêu, quý thương, mến thích

Bài 12: Xác định từ láy trong các dòng thơ sau và cho biết chúng thuộc vào loại từ láy nào:

Gió nâng tiếng hát chói changLong lanh lưỡi hái liếm ngang chân trờiTay nhè nhẹ chút, người ơiTrông đôi hạt rụng hạt rơi xót lòng.Mảnh sân trăng lúa chất đầyVàng tuôn trong tiếng máy quay xập xìnhNắng già hạt gạo thơm ngonBưng lưng cơm trắng nắng còn thơm tho.

Hướng dẫn trả lời:

Các từ láy trong các dòng thơ là: chói chang, long lanh, nhè nhẹ, xập xình, bưng lưng, thơm tho

  • Từ láy bộ phận: chói chang, long lanh, xập xình, bưng lưng, thơm tho
  • Từ láy toàn bộ: nhè nhẹ,

Bài 13: Tìm từ đơn, từ láy, từ ghép trong các câu:

a. Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới... Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại, rơi mà như nhảy nhót.

b. Chú chuồn chuồn nước tung cánh bay vọt lên. Cái bóng chú nhỏ xíu lướt nhanh trên mặt hồ. Mặt hồ trải rộng mênh mông và lặng sóng.

c. Ngoài đường, tiếng mưa rơi lộp độp, tiếng chân người chạy lép nhép.

d. Hằng năm, vào mùa xuân, tiết trời ấm áp, đồng bào Ê đê, Mơ-nông lại tưng bừng mở hội đua voi.

e. Suối chảy róc rách.

Hướng dẫn trả lời:

CâuTừ đơnTừ ghépTừ láy
aMưa, những, rơi, mà, nhưmùa xuân, hạt mưa, bé nhỏxôn xao, phơi phới, mềm mại, nhảy nhót
bChú, lên, bay, trên, vàtung cánh, vọt lên, cái bóng, nhỏ xíu, lướt nhanh, mặt hồ, trải rộng, lặng sóngchuồn chuồn, mênh mông
ctiếng, chạyNgoài đường, mưa rơi, chân ngườilộp độp, lép nhép
dvào, lạimùa xuân, tiết trời, đồng bào, Ê đê, Mơ-nông, mở hội, đua voiấm áp, tưng bừng
eSuối, chảyróc rách

Bài 14: Tìm từ láy trong đoạn văn sau:

Bản làng đã thức giấc. Đó đây, ánh lửa hồng bập bùng trên các bếp. Ngoài bờ ruộng đã có bước chân người đi, tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng gọi nhau í ới.

Tảng sáng, vòm trời cao xanh mênh mông. Gió từ trên đỉnh núi tràn xuống thung lũng mát rượi.

Hướng dẫn trả lời:

Các từ láy là: bập bùng, rì rầm, mênh mông, thung lũng

Bài 15: Tìm những tiếng có thể kết hợp với "lễ" để tạo thành từ ghép. Tìm từ cùng nghĩa và từ trái nghĩa với từ "lễ phép".

Hướng dẫn trả lời:

- Từ ghép với lễ: lễ độ; lễ nghĩa; lễ phép; lễ tang; lễ hội; lễ nghi; lễ vật; lễ đài; lễ giáo; lễ phục; lễ cưới;...

- Từ đồng nghĩa và trái nghĩa với lễ phép:

  • Đồng nghĩa: lễ độ; lịch sự; lễ nghĩa ,...
  • Trái nghĩa: hỗn láo; xấc xược;...

Bài 16: Cho 1 số từ sau: thật thà, bạn bè, hư hỏng, san sẻ, bạn học, chăm chỉ, gắn bó, bạn đường, ngoan ngoãn, giúp đỡ, bạn đọc, khó khăn.

Hãy xếp các từ trên vào 3 nhóm:

a. Từ ghép tổng hợp.

b. Từ ghép phân loại.

c. Từ láy.

Hướng dẫn trả lời:

a. Từ ghép tổng hợp: bạn bè, san sẻ, gắn bó, giúp đỡ.

b. Từ ghép phân loại: bạn học, bạn đường, bạn đọc.

c. Từ láy: thật thà, chăm chỉ, khó khăn, ngoan ngoãn.

Bài 17: Trong bài: "Tre Việt Nam" nhà thơ Nguyễn Duy có viết:

"Bão bùng thân bọc lấy thânTay ôm, tay níu tre gần nhau thêmThương nhau tre chẳng ở riêngLuỹ thành từ đó mà nên hỡi người".

Trong đoạn thơ trên, tác giả ca ngợi những phẩm chất nào của tre?

Tác giả đã dùng cách nói gì để ca ngợi những phẩm chất đó.

Hướng dẫn trả lời:

Bằng biện pháp nhân hóa, nhà thơ Nguyễn Duy đã bộc lộ được phẩm chất cao đẹp của cây tre Việt Nam. Thông qua đó, tác giả muốn bộc lộ phẩm chất cao quý của con người Việt Nam. Hình ảnh đó gợi cho ta thấy sự kiêu hãnh, hiên ngang, ngay thẳng, kiên cường, bất khuất, trước mọi nguy nan của dân tộc Việt Nam:

“Nòi tre đâu chịu mọc congChưa lên đã nhọn như trông là thường”

Cao đẹp và tự hào hơn đó là sự dãi dầu, chịu đựng mọi khó khăn gian khổ trong cuộc sống, biết yêu thương nhường nhịn, che chở đùm bọc cho con của cây tre:

“Lưng trần phơi nắng phơi sươngCó manh áo cộc tre nhường cho con”

Qua đó, tác giả muốn bộc lộ phẩm chất cao quý, truyền thống, đáng tự hào của con người Việt Nam đó là truyền thống, yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam.

Bài 18: Phân các từ ghép sau thành 2 loại:

Học tập, học đòi, học hỏi, học vẹt, học gạo, học lỏm, học hành, anh cả, anh em, anh trai, anh rể, bạn học, bạn đọc, bạn đường.

Hướng dẫn trả lời:

- Từ ghép có nghĩa phân loại: học đòi, học gạo, học lỏm, học vẹt; anh cả, anh trai, anh rể, bạn học, bạn đọc, bạn đường, vui tính, vui lòng.

- Từ ghép có nghĩa tổng hợp: học tập, học hành, học hỏi, anh em, vui chơi.

Bài 19: So sánh hai từ ghép sau đây:

Bánh trái (chỉ chung các loại bánh).

Bánh rán (chỉ loại bánh nặn bằng bột gạo nếp, thường có nhàn, rán chín giòn).

a) Từ ghép nào có nghĩa tổng hợp (bao quát chung) ?

b) Từ ghép nào có nghĩa phân loại (chỉ một loại nhỏ thuộc phạm vi nghĩa của tiếng thứ nhất) ?

Hướng dẫn trả lời:

(a) Từ bánh trái có nghĩa tổng hợp (nghĩa bao quát chung)

(b) Từ bánh rán có nghĩa phân loại (chỉ một loại nhỏ thuộc phạm vi nghĩa của tiếng thứ nhất).

Bài 20: Xếp các từ láy trong đoạn văn sau vào nhóm thích hợp:

Cây nhút nhát

Gió rào rào nổi lên. Có một tiếng động gì lạ lắm. Những chiếc lá khô lạt xạt lướt trên cỏ. Cây xấu hổ co rúm mình lại. Nó bỗng thấy xung quanh lao xao. He hé mắt nhìn: không có gì lạ cả. Lúc bấy giờ nó mới mở bừng những con mắt lá và quả nhiên không có gì lạ thật.

a) Từ láy có hai tiếng giống nhau ở âm đầu.

b) Từ láy có hai tiếng giống nhau ở vần.

c) Từ láy có hai tiếng giống nhau ở cả âm đầu và vần.

Hướng dẫn trả lời:

- Từ láy có hai tiếng giống nhau ở âm đầu: nhút nhát

- Từ láy có hai tiếng giống nhau ở vần: rào rào, lạt xạt, lao xao, he hé

- Từ láy có hai tiếng giống nhau ở cả âm đầu và vần: rào rào, he hé

Bài 21. Tìm các từ láy trong các câu thơ trích dưới đây:

a) Dưới trăng quyên đã gọi hè,Đầu tường lửa lựu lập loè đơm bông

(Nguyễn Du)

b) Ngoài kia chú vạcLặng lẽ mò tômBên cạnh sao hômLong lanh đáy nước

(Võ Quảng)

Hướng dẫn trả lời:

Từ láy trong câu:

  • a: lập lòe
  • b: lặng lẽ, long lanh

Bài 22. Các từ nhà báo, nhà ngói, nhà trường, nhà văn, nhà bạt, nhà in, nhà thơ, nhà kính, nhà hát ...

a) Các từ trên là từ ghép loại gì ?

b) Tìm căn cứ chia các từ trên thành 3 nhóm.

Hướng dẫn trả lời:

a) Các từ ghép trên là từ ghép phân loại

b) Chia thành 3 nhóm như sau:

  • Nhóm 1 (nghề nghiệp) nhà báo, nhà văn, nhà thơ
  • Nhóm 2 (địa điểm): nhà in, nhà hát, nhà trường
  • Nhóm 3 (loại nhà): nhà ngói, nhà bạt, nhà kính

Bài 23. Các từ sau, từ nào là từ láy, từ nào là từ ghép :

Nhỏ nhẹ, trắng trợn, tươi cười, tươi tắn, lảo đảo, lành mạnh, ngang ngược, trống trải, chao đảo, lành lặn.

Hướng dẫn trả lời:

- Từ láy: trắng trợn, tươi tắn, lảo đảo, trống trải, chao đảo, lành lặn

- Từ ghép: nhỏ nhẹ, tươi cười, lành mạnh, ngang ngược

Bài 24. Phân chia các từ sau thành 2 loại hình dáng và tính chất: thon thả, mập mạp, dịu hiền, đen láy, thật thà, chu đáo, nhanh nhẹn, hoà nhã.

Hướng dẫn trả lời:

- Từ chỉ hình dáng: thon thả, mập mạp, đen láy

- Từ chỉ tính chất: dịu hiền, thật thà, chu đáo, nhanh nhẹn, hòa nhã

Bài 25. Phân các từ ghép sau thành hai loại: từ ghép có nghĩa phân loại và từ ghép có nghĩa tổng hợp

Anh em, anh cả, em út, em gái, chị gái, chị dâu, chị em, ông nội, ông ngoại, ông cha, ông bà, bố nuôi, bố mẹ, chú bác, cậu mợ, con cháu, hòa thuận, thương yêu, vui buồn.

Hướng dẫn trả lời:

- Từ ghép có nghĩa phân loại: anh cả, em út, em gái, ông nội, ông ngoại, bố nuôi, hòa thuận

- Từ ghép có nghĩa tổng hợp: anh em, chị em, ông cha, ông bà, bố mẹ, chú bác, cậu mợ, con cháu, thương yêu, vui buồn

-------------------------------------------------------------------------------------

Bài tập Tiếng việt lớp 4: Bài tập về từ ghép và từ láy bao gồm Lý thuyết khái niệm các dạng bài tập giúp các em học sinh hiểu rõ phân loại từ ghép và từ láy, các dạng bài tập vận dụng về 2 loại từ này chuẩn bị cho các bài thi trong năm học.

Tham khảo các bài tập khác:

  • Từ đơn là gì? Từ phức là gì? Phân biệt với từ ghép
  • Định nghĩa từ láy là gì? Từ ghép là gì | Phân biệt từ láy từ ghép
  • Bài tập từ ghép và từ láy lớp 4 có đáp án nâng cao
  • Bài tập về câu ghép
  • Bài tập về quan hệ từ

Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 4, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 5 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 4. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.

Từ khóa » Một Số Bài Tập Về Từ Ghép Từ Láy