Bài Thơ " Im Lặng" Của Phạm Khải - - Trường THPT Nga Sơn

IM LẶNG

( Nhà thơ Phạm Khải)

Im lặng là vàng

Người đời đã dặn

Xoá công dã tràng

Biển đều muối mặn

Đất đai trầm mặc

Cây đời nảy tươi

Mặc cho bão táp

Gió mưa dập vùi

Sinh ra làm người

Cả đời tập nói

Rồi ta tập im

Tạ từ thế giới

Tập như trái đất

Lặng thầm mà quay

Tập như trăng sáng

Lặng im mà đầy

Tập như búi cỏ

Đan trong nắng vàng

Bầy chim khép mở

Bay vào mênh mang...

Lời bình

Trong hành trang cuộc đời có nhiều triết lý sống rất quen thuộc với chúng ta. Thế nhưng khi triết lý ấy được thể hiện qua ngôn ngữ thơ ca thì nó bỗng trở nên hấp dẫn, thú vị đến vô cùng.

Thi tứ của bài thơ được khơi gợi từ một câu châm ngôn quen thuộc “ Im lặng là vàng”.. Im lặng để lắng nghe. Im lặng để cảm nhận. Im lặng để tích tụ. Im lặng để cống hiến. Im lặng để thăng hoa cảm xúc. Im lặng để nói được nhiều nhất. Nhà thơ Bạch Cư Dị trong Tì bà hành cũng đã viết: “Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay”. Nhà thơ Thanh Hải trong " Mùa xuân nho nhở" cũng đã bộc bạch” Lặng lẽ dâng cho đời/ Một mùa xuân nho nhỏ”.

Im lặng không đồng nghĩa với cam chịu, câm nín, lãng quên. Im lặng là một trong những phương châm sống có ý nghĩa không của riêng ai. Ngày xưa, ngày nay, mai sau vẫn thế, vẫn cần im lặng, vẫn phải “tập” im lặng: Tập như trái đất/ Lặng thầm mà quay/ Tập như trăng sáng/ Lặng im mà đầy...

Khép lại bài thơ là hình ảnh thơ thật đẹp, thật gợi:

Bầy chim khép mở/ Bay vào mênh mang...

Lòng ta như lắng lại,cùng đàn chim bay vào không gian “ mênh mang”, lặng lẽ kiến tạo cuộc sống này...

( Nguyễn Thị Mai)

Từ khóa » Bài Thơ Im Lặng Của Phạm Khải