Bài Thơ: Ông đồ (Vũ Đình Liên) - Thi Viện

6304.32Thể thơ: Thơ mới năm chữThời kỳ: Hiện đại9 bài trả lời: 5 thảo luận, 4 bình luận35 người thíchTừ khoá: Nho học (10) thầy đồ (11) nhà nho (4) thơ sách giáo khoa (670) Văn học 8 [1990-2002] (23) Ngữ văn 6 [2003-2017] (8) Ngữ văn 8 [2003-2017] (15)

Tuyển tập chung

- Thi nhân Việt Nam 1932-1941 (1942)- 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX (2007)- Thi nhân Việt Nam hiện đại - quyển hạ (1959)

Tuyển tập cá nhân

- Thái Hà Thcs » Nhóm Thơ Mới
  • Chia sẻ trên Facebook
  • Trả lời
  • In bài thơ
  • Tài liệu đính kèm 2

Một số bài cùng từ khoá

- Đánh đu (Hồ Xuân Hương)- Hồi 18: Kiều gặp Từ Hải (Nguyễn Du)- Hạt thóc (Ngô Hoài Chung)- Cô giáo với mùa thu (Vũ Hạnh Thắm)- Sang thu (Hữu Thỉnh)

Một số bài cùng tác giả

- Bảy mươi ba tuổi hối hận- Lòng ta là những hàng thành quách cũ- Thân tàn ma dại- Thuỷ chung- Người đàn bà điên ga Lưu Xá

Một số bài cùng nguồn tham khảo

- Mưa trên Hà Nội (Tạ Tỵ)- Không giam được trí óc (Xuân Thuỷ)- Tình em (Toan Ánh)- Sang ngang (Nguyễn Đình Thư)- Cảnh đoạn trường (Thái Can)

Đăng bởi Méri vào 14/03/2005 16:32, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 10/04/2006 05:07

Hoàng Oanh diễn ngâm

Đang tải...

Ngâm thơ

Mỗi năm hoa đào nởLại thấy ông đồ giàBày mực Tàu, giấy đỏBên phố đông người quaBao nhiêu người thuê viếtTấm tắc ngợi khen tài:“Hoa tay thảo những nétNhư phượng múa, rồng bay”Nhưng mỗi năm mỗi vắngNgười thuê viết nay đâu?Giấy đỏ buồn không thắmMực đọng trong nghiên sầu...Ông đồ vẫn ngồi đấyQua đường không ai hayLá vàng rơi trên giấyNgoài trời mưa bụi bayNăm nay đào lại nởKhông thấy ông đồ xưaNhững người muôn năm cũHồn ở đâu bây giờ?

1936Đăng trên báo Tinh hoa.Ông đồ là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên. Tuy sáng tác thơ không nhiều nhưng chỉ với bài Ông đồ, Vũ Đình Liên đã có vị trí xứng đáng trong phong trào Thơ mới. Ông đồ là người dạy học chữ nho xưa. Nhà nho xưa nếu không đỗ đạt làm quan thì thường làm nghề dạy học, gọi là ông đồ, thầy đồ. Mỗi dịp Tết đến, ông đồ thường được nhiều người thuê viết chữ, câu đối để trang trí trong nhà. Nhưng từ khi chế độ thi cử phong kiến bị bãi bỏ, chữ nho không còn được trọng, ngày Tết không mấy ai sắm câu đối hoặc chơi chữ, ông đồ trở nên thất thế và bị gạt ra lề cuộc đời. Từ đó, hình ảnh ông đồ chỉ còn là “cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn” (lời Vũ Đình Liên).[Thông tin 4 nguồn tham khảo đã được ẩn] Xếp theo: Ngày gửi Mới cập nhật

Trang 1 trong tổng số 1 trang (9 bài trả lời)[1]

Ảnh đại diện

Dịch sang Hán ngữ

Gửi bởi người xứ đoài ngày 11/06/2007 08:13Có 1 người thích

ÔNG ĐỒ là một bào thơ hay rất nhiều người yêu thích, viết về các ông thầy dạy chữ Hán viết thư pháp Hán ngữ, thế thì sao không dịch bài này ra Hán ngữ nhỉ.Máy cả bạn phải có fong hán thì mới đọc được chữ HÁN .LÃO TÚ TÀINiên niên đào hoa khaiTổng kiến lão tú tàiTruy nghiễn hồng tiên bãiThông cù nhân vãng laiĐa thiểu thị tự giảTrách trách tiễn châu kyXảo bút nhất huy tựuLong vũ nhi phụng phiLãnh lạc niên phục niênCố khách hà mang nhiênHồng tiên bi sắc thấnTruy nghiễn sầu mặc kiênTú tài do tại tiLộ quá hữu thùy triTiên thượng hoàng diệp lạcThiên biên tế vũ phiKim niên đào hựu tânBất kiến cựu thời nhânThương nhiên không trướng vọngYên tai vạn cổ hồn.老 秀 才年 年 桃 花 開總 見 老 秀 才追 硯 紅 箋 擺通 衢 人 往 來多 少 恃字者嘖嘖 羨 珠 機巧 筆 壹 揮 就龍 舞 而 鳳 飛冷 落 年 復 年僱 客 何 茫 然紅 箋 悲 色 矧追 跰 愁 墨 堅秀 才猶 在斯路 過 有 誰 知箋 上 黄 葉 落天 邊 細 雨 飛今 年 桃 又新不 見 舊 時 人傷然 空 悵惘煙 災萬 古 魂ÔNG ĐỒVũ Đình LiênMỗi năm hoa đào nởLại thấy ông đồ giàBày mực tàu giấy đỏBên phố đông người quaBao nhiêu người thuê viếtTấm tắc ngợi khen tàiHoa tay thảo những nétNhư phụng múa rồng bayNhưng mỗi năm mỗi vắngNgười thuê viết nay đâu?Giấy đỏ buồn không thắmMực đọng trong nghiên sầuÔng đồ vẫn ngồi đóQua đường không ai haylá vàng rơi trên giấyNgoài trời mưa bụi bayNăm nay hoa đào nởKhông thấy ông đồ xưaNhững người muôn năm cũHồn ở đâu bây giờ ?Bài này mình đã đăng ơ bên thuhoavietnam được một số bạn sửa giúp cho hoàn chỉnh , mong mọi người góp ý kiến .

1024.41Trả lời Ảnh đại diện

Đồ ông

Gửi bởi tranngocdong84 ngày 17/03/2008 10:42

Bài sưu tầm của tôi:桃花每年開再見老徒哀挑墨和紅紙邊舖人往來幾多人借寫嘖嘖譽才之妙手絕輝筆似鳳舞龍飛 每年孤客視人借左何知紅紙煩色淡淤硯愁墨悲 徒翁坐如此過路無誰知笺上黃葉樂空中細雨飛桃花今又開不見舊徒來某人千古者魂在何虝埋

Bài này tôi được một ông già bán chữ ở Văn Miếu tặng, không rõ ông tên là gì.Ông cho biết bài này do ông thầy của ông dịch. 504.28Trả lời Ảnh đại diện

Ông Đồ tân biên

Gửi bởi Khoi Dinh Bang ngày 16/02/2011 16:45Có 1 người thích

ÔNG ĐỒ TÂN BIÊN(Nhớ : Nhà thơ Vũ Đình Liên) ---------Sắp tết thời "mở cửa"Mấy "Ông Đồ tân biên"Bày mực màu, giấy dóSân Văn Miếu kiếm tiền- Nào Hán tự phồn thểQuốc ngữ "ngoáy" tài hoaVốn liếng "tam thiên tự"Múa bút "nảy" DollarKhông ít người "thuê viết"Chữ "Lạ" ngời Villa-Ngữ nghĩa đâu cần biếtĐủ "sang" khoe "con Nhà"...Đồ trẻ nay ít chữLại xoay được tiền nhiều- Thương Đồ già xưa cũHồn dạt cõi đói nghèo !Mỗi năm xuân với tếtThư pháp "nhái" phun mưaVương Hi Chi sống lại (1)Đến xem phải chào thua.-(1) Vương Hi Chi (303-361) nhà thư pháp đời Đông Tấn bên Tàu xưa nổi tiếng với "Lan đình tự". Hà Nội, tết Tân Mão 2011 Nguyễn Khôi (Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội)

674.15Trả lời Ảnh đại diện

Ông đồ Bến Tre

Gửi bởi Trần Dân An ngày 28/04/2011 20:00

Mổi năm hoa mai nởLại thấy nội tôi viếtCâu đối nôm năm mớiDành tặng cho cả nhàcÂU đối nôm thư phápChúc cả nhà bình anMừng đất nước yên bình Đón tết đến xuân sangChiết áo dài khăn đóngBên giấy đỏ mực tàuNgồi viết câu đối mớiCho cà nhà mừng xuânNăm nay ông lại viết Như nhửng cụ đổ xưaKhoảng vài chục năm nửa Ai thấy nhửng cụ đổ 2011

(Mọi người hảy cho tôi ý kiến về bải này xin cám ơn) 553.67Trả lời Ảnh đại diện

Cảm nhận về bài thơ Ông đồ

Gửi bởi tôn tiền tử ngày 22/01/2015 23:49

Còn duyên kẻ đón người đưaHết duyên đi sớm, về trưa mặc lòng.
Không hiểu sao, đến với bài thơ ông đồ của Vũ Đình Liên tôi lại bị ám ảnh đến day dứt bởi câu hát xa xôi vùng quan họ. Nhưng câu chuyện còn duyên, hết duyên ở đây lại là chuyện khác, chuyện còn và mất của một lớp người một thời đã qua đi không trờ lợi, thông qua hình tượng trung tâm: ông đồ, nói như chính tác giả thì đó là di tích tiều tuỵ, đáng thương của một thời tàn.Bài thơ ngũ ngôn gồm 5 khổ, khắc hoạ trọn vẹn một chỉnh thể nghệ thuật: ông đồ, trên trục thời gian tuyến tính, từ quá khứ đến hiện tại, từ còn đến mất, từ thời khắc hoàng kim cho đến khi chỉ còn vang bóng.Nếu coi bài thơ là một bức hoạ về hình ảnh về chân dung ông đồ thì ở góc nhìn thứ nhất là ông đồ – người nghệ sỹ tài hoa thuở còn duyên.Sự xuất hiện của ông đồ gắn liền với vòng quay đều đặn của thời gian, cứ thế không thể khác:
Mỗi năm hoa đào nởLại thấy ông đồ giàBày mực tàu giấy đỏBên phố đông người qua.Bao nhiêu người thuê viếtTấm tắc ngợi khen tài“Hoa tay thảo những nétNhư phượng múa, rồng bay”.
Thời gian được tính bằng hoa đào nở y tín hiệu báo xuân, sắc màu được dệt nên bởi sắc đào tươi thắm, giấy đỏ rực rỡ, nhịp sống được tính bằng phố đông người qua, tình cảm của người đời được biểu hiện bằng hình ảnh: Bao nhiều người thuê viết, tấm tắc ngợi khen tài.Nổi bật trên phông nền rực rỡ, tươi vui đó là chân dung ông đồ, người nghệ sỹ trong niềm thán phục, ngưỡng mộ của mọi người:
Hoa tay thảo những nétNhư phượng múa, rồng bay.
Hoa đào đến đây đã nhường chỗ cho hoa tay y bàn tay tài hoa của ông đồ đưa đến đâu mà như gấm hoa nở ra đến đó. Nét chữ từ bàn tay như có phép tiên của ông được so sánh như phượng múa rồng bay. Đây là hình ảnh so sánh đẹp, giàu giá trị tạo hình, nét thăng hoa trong ngôn ngữ của Vũ Đình Liên gợi tả nét chữ mềm mại mà linh thiêng, phóng khoáng mà cao nhã, có hồn như phượng múa, rồng bay. Nét chữ ấy dường như cũng chấp chới bay lên giữa hào quang của trời xuân, của sắc đào tươi thắm. Đây là một nét vẽ đẹp, ngợi ca ông đồ, một tài năng nghệ thuật.Ta nhớ tới cây bút thần của Lê Mã Lương trong một câu chuyện cổ Trung Quốc, nét bút đưa đến đâu, vạn vật như có thần sống dậy, sinh sôi đến đó, vẽ chim, chim cất cánh bay, vẽ công, công xoè ra múa lượn... Bao nhiêu tài năng, tâm huyết của ông đồ được gửi gắm trong nét chữ tài hoa đó. Đây là thời kỳ đắc ý nhất của ông: cái đẹp lên ngôi, tài năng được trân trọng.Nhưng thời kỳ hoàng kim đó của ông chỉ thoáng qua như một ảo ảnh, theo dòng hồi tưởng của nhà thơ, một hiện thực đau lòng đã xảy ra:
Nhưng mỗi năm, mỗi vắngNgười thuê viết nay đâu?Giấy đỏ buồn không thắm!Mực đọng trong nghiên sầu...Ông đồ vẫn ngồi đấy,Qua đường không ai hay,Lá vàng rơi trên giấy!Ngoài giời mưa bụi bay.
Góc nhìn thứ hai, ông đồ – người sinh bất phùng thời, lúc hết duyên.Hai khổ ba, bốn với giọng kể và lời thơ miêu tả hiện lên ảnh hình ông đồ vẫn ngồi đấy nhưng cảnh vật quanh ông đã khác xưa:Ngày xuân trước, là phố đông với bao nhiêu người thuê viết thì nay đã vắng, đông giờ đã vắng. Ngày trước, họ tấm tắc ngợi khen tài thì bây giờ vẫn những con người đó nhưng qua đường không ai hay; thân quen thành xa lạ. Ngày trước, họ trầm trồ thán phục nay họ dửng dựng lạnh nhạt, tình thế đã đảo ngược, tình đời đã đổi thay. Ông đồ bỗng trở nên đơn côi, lạc lõng đến tội nghiệp giữa cái xô bồ, ồn ào của nền văn minh lạnh lùng kiểu đô thị dù ông vẫn muôn có mặt với đời. Ông đồ vẫn ngồi đấy, ông vẫn kiên gan bám lấy cuộc đời, ông càng lẻ loi, lạc bước: nên đã trở thành người sinh bất phùng thời.Xót xa thay, nét chữ như phượng múa, rồng bay ngày trước, giờ ngậm ngùi vì bị chôn vùi trong lãng quên nên:
Giấy đỏ buồn không thắmMực đọng trong nghiên sầu.
Giấy đỏ, nghiên mực, hành trang gắn liền với kẻ sĩ trên hành trình sáng tạo ra cái đẹp nhưng giờ đây cũng lặng lẽ, ủ ê trong nỗi buồn ế khách của ông đồ.Giấy bẽ bàng, buồn tủi, đỏ mà cứ phai dần, nhạt nhẽo không thắm lên được, mực không được bút lòng chấm vào, mực cũng đọng lại như giọt lệ khóc.Với thủ pháp nhân hoá giàu sức gợi, Vũ Đình Liên đã diễn tả thật tinh tế nỗi buồn không nói không cất lên được, từ lòng người đã thấm cả vào những vật vô tri khiến mực tàu, giấy đỏ cùng trĩu nặng nỗi buồn.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầuNgười buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Người buồn, cảnh cũng buồn theo. Nỗi buồn của ông đồ không chỉ chiếu lên nghiên mực, giấy đỏ mà còn lan toả, mênh mang khắp không gian, khiến bức tranh xuân năm ấy mang gam màu xám lạnh, u buồn:
Lá vàng rơi trên giấy!Ngoài trời mưa bụi bay.
Lá vàng rơi không nghe tiếng, mưa bụi bay không ướt áo ai, mà nghe như có từng thu chết, từng thu chết cuốn ra đi theo hình bóng một lớp người.Quá khứ vàng son của ông đồ nay đâu còn nữa. Ông và những người như ông dường như đang lỡ nhịp, lậc bước giữa mênh mông, gió cuốn, sóng xô của cơn bão táp đô thị hoá.Ông chỉ là cái bóng vô hồn, tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn.Góc nhìn thứ ba: ông đồ – người thiên cổ.
Năm nay đào lại nở,Không thấy ông đồ xưa.Những người muôn năm cũHồn ở đâu bây giờ?
Năm nay đào lại nở mùa xuân tuần hoàn trở lại hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ nhưng không thấy ồng đồ xưa. Cảnh vẫn như cũ nhưng người dã không còn.Ông đồ già đã thành ông đồ xưa ông đã nhập vào những người muôn năm cũ ông đã thuộc về những gì quá khứ xa xôi, chỉ còn vương vấn hồn ở đâu bây giờ.Với kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng mỗi năm hoa đào nở năm nay đào lại nở...9 bài thơ như sự nối kết hai mảng thời gian quá khứ và hiện tại. Hình ảnh ông đồ cứ mờ dần, mờ dần rồi mất hút trên con đường vô tận của thời gian. Cái bóng của ông không còn, địa chỉ của ông cũng không còn nữa bởi vì nhan nhản trên phố phường ngày ấy là lớp người hãnh tiến kiểu đô thị chẳng kỷ, không thông cũng cậu bồi.Chính vì thế hai câu kết khép lại bài thơ giống như tiếng gọi hồn cất lên thăm thẳm, day dứt:
Những người muôn năm cũHồn ở đâu bây giờ?
Ông đồ không còn nhưng hồn có nghĩa là linh hồn ông vẫn còn phảng phất đâu đây. Hồn, cách gọi đến chính xác lạ lùng những gì đã qua không thể mất, hồn là bất tử vì thác là thể phách, còn là tinh anh. Hồn có lẽ cũng cổ thể hiểu là vẻ đẹp tâm hồn Việt, văn hoá Việt chỉ có thăng trầm chứ không bao giờ mất.Bài thơ đã chạm đến những rung cảm sâu xa nhất thuộc về tâm linh của giống nòi nên còn tha thiết mãi.

(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)tửu tận tình do tại 584.47Chia sẻ trên FacebookTrả lời Ảnh đại diện

Phân tích hai câu thơ "Giấy đỏ buồn không thắm, Mực đọng trong nghiên sầu"

Gửi bởi tôn tiền tử ngày 22/01/2015 23:50

“Thơ là ảnh, là nhân ảnh… Từ một cái cụ thể hữu hình nổ thức dây cái vô hình bao la… Từ một cái điểm nhất định mà nó mở ra được một cái diện không gian và thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp…” (Nguyễn Tuân)Đến với hai câu thơ:

Giấy đỏ buồn không thắm;Mực đọng trong nghiên sầu…
Trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên, hẳn người đọc thấy day dứt mãi bởi một tấm lòng sứ điệp.Ông đồ, chính là cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn. Cả bài thơ khắc hoạ hình ảnh ông đồ, như một nghệ sĩ trong bức tranh xuân sắc màu tươi thắm, nhịp sống rộn rã đang Hoa tay thảo những nét như phượng múa rồng bay, nhưng đến khổ thơ thứ ba, ông đồ xuất hiện trong bức tranh thật buồn thảm:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng Người thuê viết nay đâu?Giấy đỏ buồn không thắm;Mực đọng trong nghiên sầu…
Vẫn là bức tranh xuân, những cảnh tượng sao vắng vẻ:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng Người thuê viết nay đâu…
Hai câu thơ:
Giấy đỏ buồn không thắm;Mực đọng trong nghiên sầu…
Âm điệu như trùng xuống, lắng đọng nỗi niềm. Chữ sầu đứng cuối câu như hòn đá rơi xuống, đè nặng tâm hồn. Cùng với công cuộc đô thị hoá dữ dằn của xã hội Việt Nam dưới ách thực dân phong kiến, chữ Nho trở thành món hàng không ai chuộng nữa, trong xu thế không thể cưỡng lại ấy tình cảnh ông đồ trở nên ngao ngán, đáng thương: Nào có ra gì cái chữ Nho. Không có người thuê viết, tức là không có người thích thú thưởng thức văn hay, chữ tốt, giấy mực của ông đồ trở nên bẽ bàng, buồn tủi, giấy buồn mực sầu.Giấy, mực là những hình ảnh quen thuộc gắn liền với kẻ sĩ ngày xưa, giấy đỏ, là phông nền rực rỡ, nơi sinh hạ nét chữ vuông vắn, cùng với nghiên mực và bàn tay tài hoa của người viết, làm nên nghệ thuật thư pháp, một nét đẹp văn hoá đã có từ bao đời.Thế mà nay “Giấy đỏ buồn không thắm”, còn “Mực đọng trong nghiên sầu”. Buồn sầu, vốn là tâm trạng của con người, nhưng ở đây với thủ pháp nhân hoá, Vũ Đình Liên đã thổi hồn cho những vật vô tri ấy để giấy mực cũng mang nỗi buồn sầu của tâm trạng con người.Vì không có người thuế viết, những tờ giấy đỏ cứ phơi ra đấy chẳng ai thèm để ý nên cũng ủ ê, màu đỏ của nó trở thành vô duyên nhạt nhoà không thắm lên được. Đã từng có sắc thắm làm day dứt lòng người trong thơ, sắc thắm trong mơ ước của Hồ Xuân Hương Có phải duyên nhau thì thắm lại, sác thắm lắm lại càng chóng phai trong ca dao, còn sắc thắm ở đây lại khác. Giấy vốn là đỏ rồi, nhưng vì ủ ê, tủi hổ không thắm lên được. Giấy cũng mang nỗi buồn trĩu nặng lòng người.Nghiên mực cũng vậy, không được chiếc bút lông chấm vào, nên mực lặng lẽ, nỗi buồn không nói, cũng đọng lại như giọt lệ khóc với nỗi sầu khôn tả.Nỗi buồn từ lòng người đã thấm cả vào những vật vô tri. Hai thanh nặng ở chữ đọng chữ mực kết hợp với thanh bằng ở cuối câu khiến câu thơ trĩu xuống, nỗi buồn như chồng chất, dày thêm.Với hình ảnh nhân hoá gợi cảm, cách phối thanh tài tình, khiến hai câu thơ như tiếng nấc thầm của nhà thơ, được thăng hoa từ lòng thương người và tình hoài cổ.Đây có thế coi là hai câu tả cảnh ngụ tình tuyệt bút của Vũ Đình Liên. Thơ muốn làm cho người ta phải khóc, mình phải khóc. Phải chăng đây chính là tiếng khóc của Vũ Đình Liên về một thời đã xa nay chỉ còn vang bóng.

(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)tửu tận tình do tại 353.91Chia sẻ trên FacebookTrả lời Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ Ông đồ

Gửi bởi tôn tiền tử ngày 22/01/2015 23:50

Ông đồ, một hình ảnh rất quen thuộc trong xã hội Việt Nam thời xưa. Đó chính là biểu tượng của những nhà nho không đỗ đạt làm quan, thường đi dạy học. Sau khi chế độ khoa cử của Nho học bị bãi bỏ, ông đồ bị gạt ra ngoài xã hội đành phải đi viết chữ thuê trong những ngày tết đến. Thời gian dần trôi, sự vật đổi thay, ông đồ cũng vắng bóng dần đến một chỉ còn là cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn. Với ngòi bút tài hoa, sắc sảo Vũ Đình Liên đã bộ lộ niềm thương cảm của mình trước ngày tàn của nền Nho học qua bài thơ Ông đồ.Bài thơ được mở đầu bằng hình ảnh “ông đồ” quen thuộc.

Mỗi năm hoa đào nởLại thấy ông đồ giàBày mực tàu giấy đỏBèn phố đông người qua
Trong không khí tươi vui, nhộn nhịp của ngày Tết, ông đồ già với mực tàu, giấy đỏ lại ngồi bên góc đường để chờ có người đến thuê viết những câu thơ, câu đối. Xưa nay người ta cho chữ, chứ có ai bán chữ bao giờ. Vậy mà giờ đây ông đồ phải đem chữ ra bán. Giọng thơ trầm trầm tạo không khí buồn buồn làm cho lòng người xao xuyến. Nhưng lúc này, ông đồ cũng còn an ủi lắm bởi mọi người còn thích nét chữ hình tượng ấy để trang trí trong những ngày Tết. Cho nên đã có:
Bao nhiêu người thuê viếtTấm tắc ngợi khen tàiHoa tay thảo những nétNhư phượng múa rồng bay
Với nghệ thuật so sánh tài tình, nhà thơ đã khái quát lên được sự khéo léo, tài hoa trên nét chữ của ông đồ. Những nét thảo ấy cứ như phượng múa rồng bay. Nó đẹp ở màu sắc lẫn đường nét. Mọi người ai cùng tấm tắc ngợi khen tài. Lúc ấy, ai cũng thích trong nhà có câu đối đỏ để làm đẹp thêm trong những ngày xuân mới. Nhưng rồi nền văn hoá phương Tây du nhập, sở thích của mọi người cũng dần thay đổi. Những người thích nét chữ kia thưa dần, thưa dần và ông đồ từ từ bị lãng quên.
Nhưng mỗi năm mỗi vắngNgười thuê viết nay đâu?Giấy đỏ buồn không thắm;Mực đọng trong nghiên sầu.
Ông đồ giờ như một người nghị sĩ hết được lòng công chúng, như một cô gái lỡ thì:
Còn duyên kẻ đón người đưaHết duyên đi sớm về trưa một mình
Người thuê viết nay đâu? Câu hỏi được đặt ra cho ông đồ, cho tác giả lẫn cho người đọc gợi lên một niềm bâng khuâng hoài cảm. Nỗi buồn vui sầu não của ông bắt đầu dâng lên theo thời gian và nó thấm vào cả những vật vô tri vô giác. Tác giả đã khéo léo tài tình khi nhân hoá hình ảnh giấy đỏ và nghiên mực. Những tờ giấy đỏ cứ phải phơi ra đấy, không được ai để ý nên bút lông chấm vào đã đọng lại thành nghiên sầu. Trong cái nghiên sầu đó có sự đọng lại nỗi buồn của ông đồ lẫn tác giả. Đau buồn, tủi nhục nhưng ông vẫn cứ ngồi đấy cố bám víu lấy cuộc đời như muốn kéo thời gian quay lại. Não nề thay nào có ai hay đâu.
Ông đồ vẫn ngồi đấy,Qua đường không ai hay,Lá vàng rơi trên giấyNgoài trời mưa bụi bay.
Thật là một sự vô tình đến phũ phàng. Nếu trước đây ông luôn là người tập trung sự chú ý, sự ngưỡng mộ với những lời khen ngợi thì giờ đây chỉ còn lại hình ảnh một ông đồ trơ trọi lạc lõng giữa dòng đời nhộn nhịp. Và trong dòng người tấp nập qua lại ấy, có ai bỗng vô tình nhìn lại để thương xót cho một ông đồ già? Ông vẫn ngồi đấy, lặng im chờ đợi để cuối cùng thì chẳng còn ai đến với ông. Song, không hẳn thế, trong hàng loạt người đã quên kia còn có một người nhớ và quay lại thương xót cất lên hai câu thơ thể hiện niềm thương cảm.
Lá vàng rơi trên giấyNgoài trời mưa bụi bay.
Chiếc lá vàng còn sót lại cũng bị cơn gió thổi lìa cành, đậu trên mặt giấy. Nó nằm đấy như chấm dứt sự sinh sôi. Ông đồ ngồi trầm ngâm đã không buồn nhặt. Cộng hưởng với nỗi niềm của ông còn có cơn mưa bụi của đất trời. Hình ảnh tả thực nhưng chất chứa nhiều tâm trạng. Mưa bay ngoài trời, mưa trong lòng người. Câu thơ tả cảnh hay tả tình? Bước cuối cùng của những ngày tàn buồn bã xiết bao! Lời thơ tuy nhẹ nhàng nhưng thấm thìa kết hợp giọng thơ trầm buồn, u ẩn đã gây cho người đọc nỗi buồn khó tả.Theo nhịp điệu của thời gian, hết đông tàn rồi đến xuân sang, và hoa đào lại nở. Nhưng cảnh cũ còn đây mà người xưa không còn nữa.
Năm nay hoa đào nở,Không thấy ông đồ xưa,
Hình ảnh ông đồ đã thật sự nhoà đi theo thời gian trong ký ức của con người. Tết đến, không thấy ông đồ xưa, trên đường phố vẫn tấp nập người qua lại nhưng, ông đồ với mực tàu giấy đỏ đã vắng bóng rồi. Hình ảnh ông đồ đã đi vào quá khứ. Trong sự khắc nghiệt của thời gian con tạo xoay vần, vật đổi sao dời, ông đồ cố giơ đôi tay gầy guộc để bám lấy cuộc đời. Nhưng một con én không tạo được mùa xuân thì một ông đồ già cũng không làm sao xoay lại nên cảnh đời. Ông đã không còn kiên nhẫn để bám lấy cuộc sống phũ phàng ấy nữa. Ông ra di để lại sau lưng quá khứ huy hoàng của một thời vang bóng. Bài thơ kết thúc là lời tự vấn của nhà thơ với nỗi bâng khuâng thương tiếc ngậm ngùi.
Những người muôn năm cũHồn ở đâu bây giờ?
Hai câu thơ như một nén nhang tưởng niệm về một thời đại vàng son của nền Nho học vốn là truyền thống của nền văn hoá dân tộc. Những người muôn năm cũ không còn nữa nhưng hương hồn họ, giá trị mà họ đã góp phần vào cuộc sống tinh thần của đất nước giờ đang ở đâu? Câu hỏi ấy vương vấn mãi trong lòng tác giả cũng như trong lòng người đọc.Ông đồ là hình tượng, là di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời đã tàn. Ông như ngọn đèn loé sáng làm đẹp cho đời rồi vụt tắt. Cái hay của bài thơ là tuy viết theo thể ngũ ngôn, chỉ vẻn vẹn có năm khổ nhưng đã gói trọn một số phận, một lớp người, một thế hệ. Bài thơ làm thức tỉnh bao con người bởi âm điệu trầm buồn, những câu hỏi gợi cảm xúc, ngôn ngữ trong sáng giản dị, câu thơ vừa có hình ảnh vừa có sức gợi cảm. Nó đã khắc hoạ được cuộc đời tàn tạ của một thế hệ nho sĩ đồng thời xen lẫn nỗi niềm hoài cảm, luyến tiếc của nhà thơ. Mấy ai không khỏi giật mình về sự hờ hững đến mức nhẫn tâm của mình đối với lớp trí thức Nho học ngày xưa để rồi ân hận nuôi tiếc trong muộn màng mỗi khi đọc lại bài thơ.Bài thơ là một tác phẩm đặc sắc nhất của Vũ Đình Liên. Nó là một trong những bài thơ hay mở đầu cho sự đổi mới sâu sắc của thơ ca. Một trong những thành công của bài thơ là bộc lộ được tâm tư tình cảm của tác giả một cách chân thành. Do vậy bài thơ đã đi sâu vào tâm khảm mỗi con người chúng ta. Dẫu cho thời gian có trôi qua, nền nho học không còn nữa nhưng hình ảnh ông đồ trong bài thơ của Vũ Đình Liên sẽ sống mãi với thời gian.

(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)tửu tận tình do tại 364.14Chia sẻ trên FacebookTrả lời Ảnh đại diện

Cảm nhận về bài thơ Ông đồ

Gửi bởi tôn tiền tử ngày 22/01/2015 23:50

Vũ Đình Liên (1913 – 1996) là nhà giáo viết văn làm thơ. Ông nổi tiếng trong phong trào Thơ mới với bài thơ Ông đồ viết theo thể ngũ ngôn trường thiên gồm có 20 câu thơ. Nó thuộc loại thi phẩm từ cạn mà tứ sâu biểu lộ một hồn thơ nhân hậu, giàu tình thương người và mang niềm hoài cổ bâng khuâng.Ông đồ là những nhà nho, không đỗ đạt cao để đi làm quan, mà chỉ ngồi dạy học chữ nghĩa Thánh hiền. Ông đồ được nhà thơ nói đến là nhà nho tài hoa. Ông xuất hiện vào độ hoa đào nở... bên phố đông người qua. Ông đã có những tháng ngày đẹp, những kỷ niệm đẹp:

Hoa tay thảo những nétNhư phượng múa rồng bay.
Hoa đào nở tươi đẹp. Giấy đỏ đẹp, mực Tàu đen nhánh. Nét chữ bay lượn tài hoa. Còn gì vui sướng hơn:
Bên phố đông người quaBao nhiêu người thuê viếtTấm tắc ngợi khen tài
Thời thế đã đổi thay, Hán học lụi tàn trong xã hội thực dân nửa phong kiến như Tú Xương từng viết:
Nào có ra gì cái chữ NhoÔng Nghè, ông Cống cũng nằm co...
Xưa kia bao nhiêu người thuê viết, bây giờ người thuê viết nay đâu? Một câu hỏi cất lên nhiều ngơ ngác, cảm thương. Nỗi sầu, nỗi tủi từ lòng ông đồ như làm cho mực khô và đọng lại trong nghiên sầu, như làm cho giấy đỏ nhạt nhoà buồn không thám. Giấy đỏ, nghiên mực được nhân hoá, thấm bao nỗi buồn tê tái của nhân tình thế sự: Giấy đỏ buồn không thắm Mực đọng trong nghiến sầu...Cảnh vật buồn. Lòng người buồn. Vũ Đình Liên đã xuất thần viết nên hai câu thơ tuyệt bút lay động bao thương cảm trong lòng người.Nỗi buồn từ lòng người tràn vào không gian cảnh vật. Dưới trời mưa bụi, ông đồ vẫn ngồi đấy như bất động, lẻ loi và cô đơn: “Qua đường không ai hay”. Cái vàng của lá, cái nhạt nhoà của giấy, của mưa bụi đầy trời và cơn mưa trong lòng người. Một nỗi buồn lê thê:
Lá vàng rơi trên giấy!Ngoài giời mưa bụi bay.
Thơ tả ít mà gợi nhiều. Cảnh vật tàn tạ mênh mang. Lòng người buồn thương thấm thía.Khép lại bài thơ là một câu hỏi diễn tả một nỗi buồn trống vắng, thương tiếc, xót xa. Hoa đào lại nở, ông đồ già đi đâu về đâu?
Năm nay đào lại nở,Không thấy ồng đồ xưa.Những người muôn năm cũHồn ở đâu bây giờ?
Thương ông đồ cũng là thương một lớp người đã vĩnh viễn lùi vào quá khứ. Thương ông đồ cũng là xót thương một nền văn hoá lụi tàn dưới ách thống trị của ngoại bang. Sự đồng cảm xót thương của Vũ Đình Liên đối với ông đồ đã trang trải và thấm sâu vào từng câu thơ, vần thơ. Thủ pháp tương phản, kết hợp với nhân hoá, ẩn dụ, đã tạo nên nhiều hình ảnh gợi cảm, thể hiện một bút pháp nghệ thuật điêu luyện, đậm đà.Bài thơ Ông đồ chứa chan tinh thần nhân đạo. Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thể cũng đủ. Nghĩa là đủ lưu danh với người đời (Hoài Thanh). Đó là những lời tốt đẹp nhất, trân trọng nhất mà tác giả Thi nhân Việt Nam đã dành cho Vũ Đình Liên và bài thơ kiệt tác Ông đồ.

(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)tửu tận tình do tại 194.00Chia sẻ trên FacebookTrả lời Ảnh đại diện

Không có

Gửi bởi Đỗ An Khương ngày 09/02/2017 20:19

Cho mình hỏi bài thơ thể Hán Việt đó là bạn làm hả?

184.28Trả lời

Từ khóa » Bài Thơ ông đồ Chế