Bài Thơ Về Tiểu đội Xe Không Kính - Sở GD&ĐT Thanh Hóa

BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH

                                                - Phạm Tiến Duật-

Không có kính không phải vì xe không có kínhBom giật, bom rung kính vỡ đi rồiUng dung buồng lái ta ngồi,Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắngNhìn thấy con đường chạy thẳng vào timThấy sao trời và đột ngột cánh chimNhư sa, như ùa vào buồng láiKhông có kính, ừ thì có bụi,Bụi phun tóc trắng như người giàChưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốcNhìn nhau mặt lấm cười ha ha.Không có kính, ừ thì ướt áoMưa tuôn, mưa xối như ngòai trờiChưa cần thay, lái trăm cây số nữaMưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.Những chiếc xe từ trong bom rơiÐã về đây họp thành tiểu độiGặp bè bạn suốt dọc đường đi tớiBắt tay qua cửa kính vỡ rồi.Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trờiChung bát đũa nghĩa là gia đình đấyVõng mắc chông chênh đường xe chạyLại đi, lại đi trời xanh thêm.Không có kính, rồi xe không có đèn,Không có mui xe, thùng xe có xước,Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Nguồn: Vầng trăng quầng lửa, NXB Văn học, 1970

 

 

 

 

  VẺ ĐẸP CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH LÁI XE TRƯỜNG SƠN

Viết về những băn khoăn trăn trở của những người lính trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, nhà thơ Thanh Thảo từng viết: "Chúng tôi đi chẳng tiếc cuộc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi thì ai chẳng tiếc/ Ai cũng tiếc thì còn chi Tổ Quốc/ Chúng tôi đi chẳng tiếc cuộc đời mình". Đã có một thời kì cả dân tộc đã sống với tinh thần như thế, tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", những chàng trai trẻ ra chiến trường khốc liệt với một trái tim tràn đầy nhiệt huyết và tinh thần lạc quan tuyệt vời. Tinh thần ấy chúng ta dễ dàng bắt gặp trong nhiều thi phẩm thơ, và thi phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của nhà thơ Phạm Tiến Duật là một ví dụ tiêu biểu.

"Bài thơ về tiểu đội xe không kính" nằm trong chùm thơ bốn bài của Phạm Tiến Duật được tặng giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969, sau đó được đưa vào tập "Vầng trăng quầng lửa" (1970) của tác giả. Vừa là nhà thơ nhưng đồng thời là một người lính từng vào sinh ra tử trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, "con chim lửa" của rừng đại ngàn đã cất lên những lời ca khỏe khoắn, hào hùng để ngợi ca những người lính lái xe: ung dung tự tại, lạc quan sôi nổi, bất chấp mọi khó khăn gian khổ của cuộc chiến, ngợi ca tình đồng chí đồng đội thắm thiết keo sơn và tình yêu đất nước thiết tha. Điều hấp dẫn người đọc là ngay từ nhan đề của bài thơ. Bài thơ có nhan đề khá dài so với các bài thơ khác và nổi bật ngay trong nhan đề là hình ảnh những chiếc xe không kính. Xưa nay hình ảnh xe cộ, tàu thuyền được đưa vào thơ văn thường đã được "lãng mạn hóa" và mang ý nghĩa biểu trưng nhiều hơn là tả thực. Nhưng trong bài thơ của Phạm Tiến Duật, dường như tác giả không hề muốn che giấu đi cái khốc liệt của chiến tranh qua hình ảnh những chiếc xe không có kính. Hai câu thơ mở đầu được xem như là lời giải thích cho việc xe không có kính ấy: "Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi". Vâng! bom đạn chiến tranh đã làm cho những chiếc xe chở hàng ra mặt trận không còn nguyên vẹn nữa, "không có kính", "không có đèn", "không có mui xe","thùng xe có xước". Ấy thế mà lời thơ cứ nhẹ như không, tự nhiên đến mức khó ngờ. Tất cả những cái khó khăn thiếu thốn vật chất ấy dường như chẳng phải là điều khiến những người lính lái xe Trường Sơn phải bận tâm. Những khó khăn do việc xe không có kính mang lại chỉ là chuyện vặt.

Điều khiến người đọc cảm thấy ngạc nhiên và thú vị chính là từ trong những khó khăn gian khổ đó những người lính vẫn ngời lên sự lạc quan và tinh thần lãng mạn. Họ chỉ thấy cái thuận lợi, cái được sinh ra từ việc xe không có kính. Họ được hòa mình vào cùng với thiên nhiên, được bay lên cùng với thiên nhiên, được tự do giao cảm, chiêm ngưỡng thế giới bên ngoài. "Nhìn thấy gió xoa vào mắt đắng/ Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim/ Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/ Như sa như ùa vào buồng lái". Và quan trọng hơn là những cái bắt tay thể hiện tình cảm đồng đội đồng chí giữa tuyến đường chiến tranh ác liệt trở nên dễ dàng hơn, thắm thiết hơn:" Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới/ Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi". Động tác bắt tay nhau vồn vã này không thể có được nếu như xe có kính. Những cái bắt tay của đồng đội không đơn thuần chỉ là sự chào hỏi mà chính là truyền thêm cho nhau sức mạnh, niềm tin, ý chí để cùng nhau vượt qua những thử thách khốc liệt của chiến tranh. Những cái bắt tay ấm áp nghĩa tình.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ qua tuyến đường Trường Sơn chúng ta đã vận chuyển vào chiến trường miền Nam hơn một triệu tấn hàng và vũ khí nhưng cũng bị máy bay Mỹ đốt cháy và phá hủy mất 90 nghin tấn hàng và gần 15 nghìn xe, máy. Hình ảnh những chiếc xe "Không có kính rồi không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước" chẳng phái là hiếm trong chiến tranh. Và điều làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trước kẻ thù sừng sỏ nhất được Phạm Tiến Duật lí giải rất giản dị:" Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim". Câu thơ cuối là câu thơ hay nhất của cả bài thơ. Là điểm hội tụ những gì đẹp nhất về hình ảnh người lính can trường trong chiến đấu nhưng cũng dạt dào tình yêu quê hương, đất nước. Tất cả chính là sức mạnh, là động lực thôi thúc những người lính lái xe vững vàng tay lái, cầm chắc vô lăng, chiến đấu cho tự do dân tộc. Ngoài những ý nghĩa đó, câu thơ còn muốn hướng người đọc về một chân lý: sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí mà là con người giàu ý chí, anh hùng, lạc quan, yêu đời.

                                                - Quách Lan Anh- GV trường THPT Vĩnh Lộc-

Từ khóa » Bài Thơ Về Tiểu đội Xe Không Kính