BÀI VĂN PHÁT THỆ BẰNG CHỮ NÔM CỦA HỌ NGUYỄN ĐỨC Ở XÃ HỮU HÒA NGUYỄN TÁ NHÍ Viện Nghiên cứu Hán Nôm Họ Nguyễn Đức là một dòng họ lớn ở xã Hữu Từ huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông, nay thuộc xã Hữu Hòa huyện Thanh Trì thành phố Hà Nội. Theo bản gia phả viết bằng chữ Hán của dòng họ hiện do cụ trưởng tộc cất giữ, thì họ Nguyễn sinh sống ở đây đã mấy chục đời. Đến thế kỷ XX, các cụ cao niên trong họ đã biên soạn lại gia phả và đặt ra phàm lệ rất rõ ràng, tạo thành quy tắc cho thế hệ sau tiếp tục chép thêm. PHÀM LỆ GIA PHẢ HỌ NGUYỄN Phàm là ghi chép cần phải tuân theo hàng thứ. Những người cùng một thế hệ thì ghi riêng, cứ theo từng thế hệ mà ghi, như thế mới ghi đủ cả họ lớn, hơn nữa còn chỗ để cho đời sau ghi tiếp. Duy có việc thứ tự các thế đại theo Kinh Lễ thì coi cha là đời thứ hai, ông là đời thứ ba, rồi mỗi người coi mình là gốc mà tính ngược lên thì biết cả. Thế nhưng phả lệ đồng tộc vốn là để truyền cho hậu thế, việc xưng hô khó mà ấn định trước, cho nên khi ghi chép thì lấy thủy tổ làm đời thứ nhất, kế thủy tổ làm đời thứ hai, rồi cứ thế theo thứ tự các đời, đời thứ ba, đời thứ tư rồi cho đến muôn đời. Làm như thế may ra trong chỗ chật hẹp vẫn có thể có lối thông được. Phàm là người được ghi lên đầu hàng thì chỉ có con trai thôi, ý là lời nói việc làm và sự nghiệp của họ đều có quan hệ nhiều đến họ hàng, và cả người được ăn lập tự cũng mới được ghi vào. Còn như con gái và con trai vô tự, cùng là con nuôi, thì chỉ phụ ghi vào dưới cha mẹ cho đủ mà thôi. (Phàm con trai mà ghi chú vào dưới cha mẹ, có cả ngày giỗ, và an táng ở chỗ nào, thì đó là người không có con. Vậy sau này cứ phỏng theo như thế). Phàm ghi chép đến ông nào thì phải đợi sau khi mất, như thế việc ghi chép mới ổn định, cho nên không phải theo trật tự cứ anh là ghi trước mà em là ghi sau (giả như em chết trước thì ghi em trước, anh chết sau thì ghi anh sau, cứ theo thế hệ mà ghi, không phải quân bình theo thứ tự là vậy). Nhưng vẫn phải theo thế hệ từng đời mà ghi cho rõ con trưởng, con thứ, con út của ông nào, hoặc là con thứ mấy cho thật rõ ràng. Đặc biệt trong gia phả còn chép thêm một bản thệ nguyện viết bằng chữ Nôm theo lối văn biền ngẫu ngụ ý khuyên răn người đời sau chăm làm việc thiện. Duyên do là trong họ có ông Mãnh tổ Nguyễn Tảo Chi đi lính làm nhiều việc ác, dẫn đến trong họ làm ăn sa sút, do vậy các vị bô lão trong họ bèn soạn văn đưa đến chùa làng làm lễ phát thệ. Nhận thấy đây là bài văn có giá trị, chúng tôi xin sưu tầm giới thiệu toàn văn trong Hội nghị Thông báo Hán Nôm năm 2007 này. Toàn văn là: Hà Đông tỉnh Ứng Hòa phủ Thanh Oai huyện Tả Thanh Oai tổng Hữu Từ xã Nguyễn Đức Diễn, Nguyễn Đức Tập, Nguyễn Đức Chỉnh, Nguyễn Đức Chi đồng tộc trước chùa phát thệ mà để mấy lời vào trong phả các chi họ về sau rằng: Nhà người ta, Tổ tiên ăn ở thực thà, mới được nối đời thịnh vượng; Họ mạc rủ nhau làm phúc, ắt hay hưởng lộc lâu dài Họ ta xưa: nhờ nghiệp tiền nhân; Lưu truyền hậu thế Cũng được đinh tài lưỡng vượng(1) chen vai lân lý những không hèn; Sự nghiệp tứ dân(2) họp mặt non sông từng đã thỏa Chỉ vì trước cụ tổ Tứ đại(3) con trai năm người, có một ông Mãnh tổ tứ lang(4) tự Tảo Chi, hiệu Thuần: Không biết giữ nền, Những toan làm ác. Tòng binh thuở trước Đóng huyện Phú Xuyên. Lắm sự phi vi, Gây điều oan nghiệt. Mẹ con Nguyễn Thị Bảy vì duyên ngán nhẽ vì duyên; Vợ chồng Nguyễn Văn Đào vì của thương thay vì của. Dương gian tố khổ; Dương thế chịu đền. Hơn hai mươi năm trong họ nhân tài hao tổn; Biết bao nhiêu độ trước đàn trai tiếu thường oan(5) Tức như năm Giáp Dần (Duy Tân bát niên 1914) lập đàn giải cho oan chủ Nguyễn Văn Đào, tốn ngàn sáu mươi nguyên linh(6). Lại đến năm Đinh Tỵ (Khải Định nhị niên 1917) lập đàn giải cho oan chủ Nguyễn Thị Bảy, tốn ngàn bảy mươi nguyên linh(7) Tưởng rằng: Khỏi nợ oan gia, Mở mang đường phúc. Nào ngờ ông mãnh tổ chưa hết tội tiền niên: Di nghiệt khoan triền; Âm hồn nhiễu hại. Nguyễn Văn Bài, vợ Lê Thị Đều, bực dây tình mà buộc dây oan; Năm Canh Thân vào tiết quý xuân, nương bóng Phật lại nhờ bóng Thánh. Đàn thủy lục(8) những năm đêm ngày tế độ, thoát khỏi đường mê; Của hộ thân(9) hơn ba trăm bạc kiệt thành, mừng lên cửa phúc. Từ nay hẳn tai qua nạn khỏi, siêu độ tổ tiên. Nữa sau được người thịnh của nhiều, vẻ vang dương thế. Thôi thôi, sự không kể xiết, Đường hãy còn dài. Họ ta nên ăn ở hiền lành, Nghĩ sau ngãi trước. Trời đất thánh thần tiên Phật trên đầu soi xét có đâu xa; Anh em con cháu họ hàng trong dạ từ bi giành được phúc, Chớ như ông Mãnh tổ người trên đời không có phụ đời, Đứng với dân Hữu Từ họ Nguyễn Đức thế là hưởng đức. Chú thích: Đinh tài lưỡng vượng: cả hai thứ nhân đinh và tiền tài đều thịnh vượng. Tứ dân: bốn loại dân: sĩ, nông, công, thương. Tứ đại: bốn đời Mãnh tổ tứ lang: cụ tổ là con thứ tư trong gia đình không có người kế tự. Đàn trai tiếu thường oan: lập đàn chay để bồi thường cho người bị oan. Ngàn sáu mươi nguyên linh: hơn 1060 đồng. Ngàn bày mươi nguyên linh: hơn 1070 đồng. Đàn thủy lục: đàn cúng người chết, bắc cầu cạn cho người ta vượt qua. Hộ thân: che thân./. |