Bài Văn Số 85 - Olm

KẾT NỐI VÀ NGẮT KẾT NỐI

Khoảng cách thế hệ trong nhiều gia đình, giữa học trò tuổi teen và bố mẹ, thậm chí bố mẹ cũng còn rất trẻ, giờ có thêm một tác nhân từ thế giới mạng, hay đúng hơn là sự cám dỗ của mạng kết nối. Nhiều ông bố bà mẹ không tài nào ngủ được khi thấy đèn của chiếc modem nhấp nháy liên hồi. Có ông bố cứ 23 giờ là tắt nguồn modem. Lập tức nghe thấy một tiếng “á” kinh dị từ tầng trên, và đôi khi cả tiếng làu bàu hồn nhiên không giấu giếm của mấy anh chàng sinh viên thuê nhà bên cạnh, đêm đêm vẫn “hứng” sóng wifi “chùa”. Nhưng tắt modem rồi vẫn không ngắt được kết nối, khi sóng 3G trên điện thoại vẫn chạy vù vù. Sống là kết nối. Nhưng sống cũng cần có một khoảng lặng ngắt kết nối. Đọc tin và tương tác với mạng xã hội trên Ipad, nhưng đọc sách thì phải trên một thiết bị cầm tay ngắt kết nối kiểu Kindle Fire. Luyện được cách ngắt kết nối trong thời đại số quả là khó khăn, nhưng làm được thì bạn mới có thể sống mà không bị cuốn đi theo vòng xoáy thông tin hỗn độn. Con người khao khát sự kết nối. Rồi một ngày, con người sẽ lại khao khát khoảng lặng ngắt kết nối. Đó không phải là vòng luẩn quẩn nếu nhìn vào những thử thách mà con người cần phải trải để trở nên “Người” hơn. Bạn có nhận thấy, thực ra đó đâu phải chỉ là luyện tập để đọc, hay viết lách. Đó còn là cách “tu luyện” để giữ tâm hồn mình trong lặng trong bất kì hoàn cảnh nhiễu nhương xao động nào, ở bất cứ nơi đâu. (Trích Kết nối và ngắt kết nối, Hà Nhân theo Sống như cây rừng, NXB Văn học, 2016, tr. 154 – 155) Hãy viết bài văn để chỉ ra khoảng cách giữa các thế hệ trong nhiều gia đình, giữa học trò tuổi teen và bố mẹ ngay trong chính gia đình em.

Làm thế nào để "tạo ra khoảng lặng ngắt kết nối" trong thời đại số?

-----------------------------

CHÚC MỪNG CÁC BẠN ĐÃ ĐẠT GIẢI CỦA VĂN VUI HÀNG TUẦN - BÀI VĂN SỐ 85:

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT: Trịnh Hằng(TTH)

Tôi từng trò chuyện với một em qua phần mềm học tập OLM, lúc ấy em kể với tôi, rằng em thấy rất mệt mỏi, em không biết cách giao tiếp với mọi người, em cảm giác mình như đang "lạc loài". Tôi đã hỏi em: "Vậy em có hay gần gũi với gia đình không". Em ấy trả lời rằng, từ nhỏ em ấy đã sống với ngoại, giờ ngoại mất em mới sống với bố mẹ, em không thấy gần gũi. Tôi không hỏi gì nữa, vì tôi biết có những điều con người phải tự mình gói ghém chặt lấy, không nên chia sẻ với ai cả. Chỉ là tôi suy nghĩ, nghĩ tại sao con người có thể sẵn sàng chia sẻ bí mật của mình với một người xa mà lại không hề hé răng nửa lời với máu mủ ruột rà. Hôm nay vô tình đọc được bài viết "kết nối và ngắt kết nối" tôi muốn viết, muốn chia sẻ về cuộc sống cân bằng vừa có cả sự kết nối với thế giới bên ngoài và sự kết nối của mọi người xung quanh với nhau của gia đình tôi. "Nhà" với mỗi người mang một ý nghĩa khác nhau. "Nhà" đối với cô bạn gái cùng bàn của tôi là căn nhà gạch xi nhỏ có cô ấy, mẹ cô và bà ngoại. "Nhà" đối với em gái mà tôi quen là căn nhà to vắng bóng của người, khi gặp nhau chỉ là những lời khách sáo chẳng một chút gọi là hơi ấm của "nhà". "Nhà" đối với tôi là căn nhà ba gian mang theo hơi thở cổ xưa nằm trong một xóm nhỏ ồn ào mà thân mật, nơi trẻ nhỏ cùng nhau tụ tập ở gốc đa đầu làng để đánh chắt đánh chuyền, chơi ú tìm,... "Nhà" của tôi có hơi thở thơm tho của nội khi nhai trầu. Có mùi thuốc Lào hăng hắc của bố hằng ngày hút. Và hương bồ kết dịu nhẹ - hương vị đặc trưng của mẹ. Chị em chúng tôi sinh ra và lớn lên dưới sự dạy dỗ của hai thế hệ - ông bà và cha mẹ. Ngày còn nhỏ chị em chúng tôi hết chạy nhảy tung tăng với lũ trẻ con trong xóm, chạy ra đồng "phụ bố mẹ". Thật ra chúng tôi ra càng làm thêm vướng víu bố mẹ chứ chẳng có tích sự gì, chán chê chạy về ríu rít làm cái đuôi theo sau nội, nghe nội kể chuyện cổ tích thời xa xưa, hay chuyện ngày nhỏ của bố, nhờ bà dạy đánh chắt, chơi ô ăn quan thiệt giỏi để đánh bại những đứa trẻ trong xóm. Chúng tôi khôn lớn dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của bố mẹ, sự dịu dàng đầy bao dung của bà. Nhiều lúc tôi thắc mắc, vì sao cha mẹ lại khắt khe với chúng tôi, sao chẳng giống nội, sẽ tha thứ cho lỗi lầm của tôi. Một đứa trẻ khi tò mò thì sẽ luôn tìm hiểu đáp án cho đến cùng, và tôi cũng thế, những câu hỏi của tôi đã được nội giải đáp, nội bảo: khi con lớn, con sẽ hiểu rõ hơn. Giờ già này không phải đầu tắt mặt tối lo xem bữa nay có đủ cho mọi người ăn không, ngày mai kiếm đâu ra để trang trải cuộc sống, không phải gánh trách nhiệm nặng nề dạy dỗ cách con nên người, ta chỉ giúp được phần nào hay phần ấy. Ta đã trải qua hơn nửa đời người rồi, mọi điều ta đã đều trải qua, và cuộc đời đã dạy cho ta sự nhẫn nại và bao dung sau những cuộc đi đường dài. Cha mẹ các con vẫn còn trẻ, luôn có một đoạn dường chúng chưa đi qua. Vì vậy, dễ hiểu vì sao ta và cha mẹ các con lại có cách dạy dỗ con khác nhau rồi chứ... Tôi cảm thấy may mắn khi được cả nội và bố mẹ dạy dỗ, để tôi hình thành một nhân cách hoàn thiện nhờ sự cân bằng của cả hai. Thật ra gia đình chúng tôi cũng nhiều khi bất đồng quan điểm, vì chúng tôi là người của ba thế hệ. Chúng tôi có nhiều ý kiến quan điểm khác nội và cha mẹ. Nhưng có lẽ nhờ cùng nhau quây quần bên bàn uống nước, rồi cùng nhau bày tỏ điều mình suy nghĩ, để rồi mọi người sẽ thống nhất se dưa ra một quyết định ổn thỏa. Chúng tôi may mắn vì những người ở thế hệ trước họ luôn tiếp thu hoà nhập với lối sống văn minh của thời hiện đại, nội và bố mẹ luôn tích cực thay đổi những quan niệm bảo thủ, họ chấp nhận dạy cho chúng tôi theo cách dạy văn minh của thời đại mới.

Internet xuất hiện ở nông thôn chúng tôi khá muộn. Trước lúc ấy, hàng tháng bố sẽ đạp chiếc xe đạp Peugeot lên phố huyện cách 30km để mua báo, báo mực tím, mua truyện cũ cho chúng tôi để chúng tôi đọc cho cả nhà nghe vào buổi tối sau những bữa cơm. Chị em tranh nhau khiến cho nội phải phân chia ai đọc tối thứ mấy. Nghĩ lại giờ bật cười. Khi nhà chúng tôi được lắp mạng, phải biết rằng chúng tôi hạnh phúc đến nhường nào. Đó là cả năm học chúng tôi phấn đấu học sinh giỏi; chúng tôi cùng nội trồng rau bán; bố mẹ tích cóp từng đồng. Cả nhà chúng tôi có thể đọc được bao tin tức nóng hỏi xảy ra trong nước vào ngoài mà không phải mòn mỏi đợi bố ì ạch đạp xe đường dài mua báo về. Nhà chúng tôi là nhà lắp mạng đầu tiên, mà lúc ấy có nhà khá giả họ chỉ dùng 3G, nên trẻ con tíu tít cầm máy của bố mẹ sang nhà tôi, cùng nhau xem công chúa sophia, nàng tiên cá,.... Những giây phút giả trí sau những ngày lao động và học tập mệt mỏi được chúng tôi chia sẻ cho nhau. Rằng con vừa thấy một video vọng cổ của nghệ sĩ Kim Tử Long. Rằng con vừa đọc một bài văn của một chị đạt giải nhất văn mang đầy giá trị nhân sinh.... Và trên Facebook "Gia đình cá nhỏ" của chúng tôi hằng tháng sẽ cập nhật trạng thái một lần với hình ảnh đại gia đình khi đi ra đồng, hay tụ tập trong vườn bưởi. Chúng tôi cũng kết nối với thế giới bên ngoài, tìm hiểu về những đất nước cách xa chúng tôi một khoảng cách địa lí rất dài, nhưng chúng tôi cũng dành thời gian cho gia đình, cho bản thân để hưởng thụ những giày phút bình yên, thư thái. Bạn biết không, thật ra nếu không phải nhờ sự dạy dỗ của nội và bố mẹ, có lẽ tôi cũng sẽ giống hình ảnh của cậu sinh viên nửa đêm vẫn bắt wifi chùa, nhưng vì bứt dứt mà vẫn tìm mọi cách để có được 3G để lên mạng xã hội như Hà Nhân lấy ví dụ điển hình. Ngày đầu nhà có mạng, tôi chị em chúng tôi cũng "nghiền" nó lắm chứ, vì nó có biết bao điều thú vị. Nhiều khi muốn lẻn lúc bố mẹ đi vắng để chơi trộm. Chơi được một lần mà bố mẹ không phát hiện, chúng tôi rất đắc chí, nhưng tối hôm ấy nội bảo chúng tôi: "Nhà ta có mạng Internet rồi, nhưng đây là bố mẹ muốn các con sử dụng để thành người, không phải biến thành những con người dối trá, lười dối". Không biết có phải nội biết chúng tôi chơi trộm không, nhưng vì làm việc xấu chúng tôi thấy chột dạ. Từ đấy chúng tôi ngoan ngoãn chơi, học theo thời gian quy định, có một thời gian nhất định khi chúng tôi "kết nối" với thế giới bên ngoài.

Có lẽ bạn đã quá phụ thuộc vào thế giới "giả tưởng" kia. Như cô bé tôi từng nhắc đến, cô bé khiến tôi đặt bút viết bài này, em đang muốn sống luôn ở thế giới của mạng xã hội ấy. 23 giờ đêm, cậu sinh viên vẫn chưa ngủ để lấy sức mai đi học. Hôm được phép thức khuya đến 1 giờ sáng với bố xem bóng đá, tôi thấy em vẫn hoạt động. Tôi hỏi em vì sao em chưa ngủ, em nói em chưa buồn ngủ vì em có tâm sự. Mỗi lần có tâm sự chưa thể giải quyết, tôi luôn chọn cách ngủ, như vậy khi thức giấc, tôi sẽ tỉnh táo và nghĩ ra được biện pháp. Nhưng thế kia chẳng phải em đang hành hạ sức khỏe của mình sao!? Dường như bây giờ con người điên cuồng muốn "kết nối", họ có thể hi sinh sức khỏe quý giá của mình để chắp nối cho một mối quan hệ ảo. Họ không tiếc mà tàn phá thân thể mặc cho phóng xạ điện từ gây ảnh hưởng cho mắt và não bộ. Thực sự đây không phải là điều tốt đẹp gì. Bạn của tôi ơi, hãy rời xa khỏi chiếc smartphone, màn ảnh máy tính. Có lẽ hơi khó khăn cho bạn. Vì bạn nghiện mạng xã hội như nghiện cần sa vậy. Nếu không được sử dụng nó, bạn thấy điên cuồng, khó chịu. Và khi bạn dùng nó, như bạn ngày càng hít hít thứ trắng trắng vô bổ ấy, bạn chẳng đỡ nghiện mà bạn càng nghiện thêm, theo sự ham muốn ấy, sức khoẻ của bạn đang dần héo mòn. Nó như quỷ hút máu, hút đi sự sống của bạn nếu ngày nào bạn cũng cắm đầu vào nó. Bạn nói nơi ấy bạn mới tìm lại được chinh mình, nơi ấy bạn mới có người chia sẻ. Vậy xin hỏi, ông trời ban tặng đầy đủ cho bạn các bộ phận làm gì, thà bạn nhường sự may mắn này cho những người sinh ra đã bị trời không ưu ái rồi. Trời cho bạn cái miệng xinh xắn ấy không phải để bạn nín lặng, trời ban cho bạn một điều kì diệu-bạn có thể biểu đạt qua nó với những tình cảm chân thành nhất của mình. Hãy tập nói những câu quan tâm đến gia đình, và những người xung quanh bạn. Như vậy bạn và họ đang gần nhau hơn. Tôi không nói chúng ta không phải không được "kết nối", mà là đôi khi ta cần khoảng lặng cho tâm hồn. Bạn hãy sắp xếp cho mình một thời gian hợp lí. Bạn có thể dùng mạng xã hội, thay vì lướt bảng tin đọc những bài viết vô bổ, hãy đọc những bài viết có ích trong khoảng 15-30 phút vào buổi sáng, tối mỗi ngày. Bạn ngồi lắng nghe mọi người nói chuyện. Giống như bạn kiên nhẫn ngồi hàng giờ tán gấu trên mạng, hãy ngồi lắng nghe tâm sự của mọi người, để kéo gần khoảng cách lại. Dây chun khi kéo căng ra, khi chùng lại nó sẽ giãn ra một chút và không thể trở lại nguyên dạng, nhưng may mắn thay, tình cảm con người là thứ dây kì diệu không tên, nó có thể trở lại hình đang nguyên vẹn như cũ. Bạn ơi! Hãy "ngắt kết nối" ảo đi, để ta đi tìm sự ấm áp quanh ta!

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHÌ: Mọt sách không đeo kính

Ở tuổi thiếu nữ đầy mơ mộng, tôi lỡ đem sự ngưỡng mộ của mình dành cho Hà Nhân - tác giả của những câu chuyện hay được đăng trên chuyên mục "Trò chuyện đầu tuần" của báo Hoa học trò. Không thể lí giải được vì sao tôi lại yêu thích anh ấy, có lẽ vì phong cách giản dị, ngôn ngữ mộc mạc đầy chân thành của anh hướng đến cuộc sống tốt đẹp, chân thiện mĩ. Và ở những trang sách của anh, tôi nhìn thấy bóng dáng của mình những lúc chơi vơi, vô tình đi sai đường.... Tôi thấy đã mình tạo khoảng cách với những người thân trong gia đình, mọi người xung quanh và mê muội nhốt mình trong thế giới ảo của Internet khi đọc "kết nối và ngắt kết nối". Không phải những từ ngữ hoa mĩ, những triết lý đầy to lớn, "kết nối và ngắt kết nối" như sợi lông nhẹ nhàng chạm kẽ vào lòng tôi, làm tôi lay động, thức tỉnh tôi, và để tôi nhận ra rằng: cuộc sống cũng cần có những lúc "ngắt kết nối" để ta tìm lại trái mình, tìm lại những thứ quan trọng của mình... Đọc "Kết nối và ngắt kết nối so", Hà Nhân khiến tôi hoài niệm về một thời quá khứ đầy hồn nhiên, an ổn bên gia đình của mình. Tôi nhớ những ngày ngồi gọt cau với bà, lấy vỏ cau kết thành những chiếc thuyền thúng nhỏ xinh xinh. Bên thềm nhà, tôi gối đầu lên đùi bà, mắt lim dim ngủ trong làn gió mát thổi từ vườn và giọng bà khe khẽ kể chuyện thời con gái. Những khuôn phép đạo đức, những cách thức ứng xử hàng ngày được bà chỉ dạy qua những buổi trưa êm đềm với giọng thì thầm theo cách mưa dầm thấm lâu như vậy. Tôi nhớ những lần chị em tranh nhau xếp hàng đợi ba cho cưỡi trên lưng đi vòng quanh nhà như được đi nhong nhong trên lưng ngựa. Nhớ những lần mẹ đánh đòn vì nghịch bùn lấm lem quần áo nhưng vẫn nhe răng cười tươi. Những lần khóc lóc hờn tủi vì ba mẹ thiên vị, không hiểu mình, nhưng xong rồi chưa khô nước mắt lại sà vào lòng họ, nũng nịu vòi này vòi kia,... Như những thước phim tài liệu quay chầm chậm trong đầu tôi, để lại cho tôi bao cảm xúc khó tả. Làm tôi bồi hồi, ao ước giá như mình có thể quay trở lại những tháng ngay hồn nhiên đầy hạnh phúc. Sẽ không còn những cuộc tranh luận gay gắt để bảo vệ ý kiến của mình là đúng, sẽ không phải là sự hờ hững, lãnh đạm với nhau dù đang sống trong một "mái nhà". Tôi không biết nữa, từ bao giờ tôi và gia đình đã trở nên có khoảng cách với nhau. Trong tôi luôn buồn bực thốt ra câu: "Không thể hiểu nổi". Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ lại không chấp nhận bạn bè con, không thấu hiểu mong muốn của con, đòi hỏi quá sức con, la mắng trách phạt con. Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ lại luôn cáu gắt với nhau, cãi vã nhau hoài. Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ chỉ quan tâm đến tiền bạc, chỉ biết cắm đầu vào công việc làm ăn.Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ lại phải chia tay, để gia đình mình tan vỡ. Tôi đã luôn đặt câu hỏi tại sao, và câu trả lời thường là: “Khi nào con lớn, con có gia đình, con cái, con sẽ hiểu lòng cha mẹ?”. Tại sao phải đợi đến lúc đó mà không phải là bây giờ. Khi chẳng có ai để tâm sự, tôi đã tìm đến thế giới ảo, tạo cho mình một thế giới để trải lòng. Ở đấy tôi tìm được người có thể lắng nghe tôi, chia sẻ cùng tôi, an ủi tôi những lúc cô đơn. Và nhiều khi tôi chạnh lòng nghĩ, người lạ có thể nghe con tâm sự vậy mà người thân của con chẳng bao giờ lắng nghe con cả. Và trong tôi luôn hỏi chính mình: Tại sao ba mẹ luôn trách mắng con mà không hỏi lí do vì sao con sai? Tại sao ba mẹ luôn cáu gắt với con? Sao chẳng quan tâm con? Sao không nghe con nói?... Và tôi giờ đã có đáp án cho những thắc mắc của mình. Có lẽ vì gánh nặng của sự mưu sinh, cùng lúc đó còn bị sức ép phải dạy dỗ ta nên người, ba mẹ không thể "ba đầu sáu tay" mà lo toan hết mọi việc. Vì sự vội vã của guồng quay công việc ấy mà họ bỏ quên ta, bỏ qua những suy nghĩ vu vơ của ta. Ta và ba mẹ-là cả hai thế hệ, quan điểm của chúng ta khác nhau.

Cha mẹ nghĩ ta là trẻ con, sợ ta hư hỏng nên luôn áp đặt ta, muốn ta làm những điều họ cảm thấy "đúng", kiểm soát ta như một "tội phạm", rồi luôn đem ta so sánh với hình mẫu lí tưởng "con nhà người ta". Vì nghĩ ta là trẻ con, toàn suy nghĩ vớ vẩn, ngây ngô nên họ không lắng nghe ta tâm sự, vì trẻ con hỏi xong lại quên ngay ấy mà. Và cứ thế, khoảng cách tôi và gia đình giãn ra.... Một đứa trẻ như tôi, rất cần sự quan tâm, và tôi cũng như bao đứa trẻ khác tìm thấy một nơi ấm áp ở trên mạng xã hội. Tôi được trò chuyện với bao bạn bè - những người có thể nghe tôi kể lể hàng giờ qua màn hình nhỏ. Con người trên Trái Đất càng ngày càng xích gần nhau, được kết nối xuyên cả thời gian và không gian. Bởi thời gian và không gian không còn ý nghĩa gì nữa khi có Internet với những thiết bị nhỏ nhắn, vô cùng thời thượng. Ở trên mạng xã hội, khi tôi đăng status bày tỏ quan điểm, hay là chia sẻ trạng thái vui buồn của mình, có biết bao người ấn nút like, thả yêu thích hay said cùng tôi, họ commet những ý kiếm đồng tình, may những câu chia sẻ cảm xúc với tôi. Lúc ấy tôi cảm thấy rất thỏa mãn. Tôi cùng bao bạn trẻ khác đều coi chiếc smartphone như người thân của mình. Còn thế giới mà mình nên sống là mạng xã hội Facebook, instagram, Zalo,...nơi khi đọc dòng trạng thái của bạn bè trên new feed đều có thể nói "tôi hiểu cảm giác của bạn". Và như một đứa trẻ bên hơi mẹ, ta chẳng thể nào rời khỏi màn hình nhấp nháy, khi bị bất ngờ buộc phải rời khỏi thế giới ảo này, ta cũng sẽ có phản ứng: “á” kinh dị từ tầng trên, và đôi khi cả tiếng làu bàu hồn nhiên không giấu giếm của mấy anh chàng sinh viên thuê nhà bên cạnh, đêm đêm vẫn “hứng” sóng wifi “chùa khi có ông bố cứ 23 giờ tắt nguồn modem. Ta chẳng muốn rời xa điện thoại thân yêu, thế giới thân thiện của mình chút nào. Ngày càng nhiều thiết bị có kết nối di động khiến thế giới chúng ta trở thành một “thế giới kết nối”. Chỉ cần một cú chạm, một cú nhấn chuột, mọi người có thể tìm thấy bất kỳ thông tin, thậm chí món hàng nào. Ấy vậy mà giữa mọi người vẫn tồn tại một khoảng cách mênh mông, mênh mông ngay cả với chính bản thân mình, có những bữa tối mọi người chỉ chăm chú vào chiếc điện thoại và quên mất sự hiện diện của những người bên cạnh. Phải chăng bên cạnh những ứng dụng siêu việt mà Internet mang lại, chính nó cũng đã và đang tạo ra một thế hệ cô đơn, hằng ngày không rời nổi màn hình điện thoại, máy tính. Tình cảm dường như cách xa hơn, tình cảm dường như không sâu bằng, tình cảm dường như không còn quan trọng bằng điện thoại, chúng ta quên hết, chúng ta mải mê mà quên hết… Chúng ta dường như đang ở thành “người vô hình” khi ở bên cạnh người khác. Bạn coi chiếc smartphone là vật bất ly thân, lúc nào cũng “dán mắt” vào màn hình mà quên hết những người xung quanh. Điều đó sẽ khiến bạn dần trở nên lạc lõng với thế giới này, và một ngày nào đó người luôn bên cạnh bạn cũng sẽ rời xa bởi bạn đâu có trân trọng họ.

Sống là để kết nối. Nhưng không phải vì vậy mà bạn đầu tư cho "kết nối" của bạn bất kể thân thể, thời gian, và bạn đã bỏ qua những xung quanh bạn, những mọi người xung quanh bạn. Kết nối” quá nhiều với thế giới mạng có thể khiến con người “mất kết nối” với nhau. Vì vậy bạn cũng cần "ngắt kết nối" để dành thời gian cho người mình yêu thương - gia đình, ngắm nhìn cuộc sống, cảm nhận sự mơn man của cơn gió lành lạnh thấm vào từng thớ thịt của bạn. Bạn hãy thử tách mình một thời gian ra khỏi sự ràng buộc của Internet. Những ngày tự tách mình ra khỏi cộng đồng, không internet, không mạng xã hội, ban đầu thất bứt rứt khó chịu nhưng dần dần lại thấy cuộc sống nhẹ nhõm hơn nhiều. Ngắt kết nối với thế giới để kết nối với chính mình, bạn đã bao giờ thử làm điều đó chưa? Ai cũng cần khoảng lặng riêng để lắng nghe bản thân mình. Những ngày thu mình vào thế giới riêng, tôi thư thả làm những gì tôi muốn. Tôi thấy thư giãn và nhẹ nhõm hơn bao giờ hết. Nếu như không phải vì công việc, tôi thường sắp xếp thời gian cố định để vào mạng xã hội, cập nhật tin tức. Vào lúc buổi sáng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ chẳng hạn, bạn có thể lựa chọn sử dụng 15 phút hoặc 30 phút. Như vậy, tôi sẽ có thêm thời gian để tận hưởng cuộc sống, học những khóa học online, thưởng thức cafe và đọc sách, hay đơn giản là ngồi ngắm một cơn mưa chiều, chắc chắn những điều này sẽ làm bạn nhớ mãi về sau hơn là khoảng thời gian lướt new feed vô bổ. "Ngắt kết nối" không xấu, là để bạn cảm nhận hơi ấm của người bên cạnh, để cảm nhận sự giúp đỡ lẫn nhau trong việc xây dựng một mối quan hệ thực tế. Để cho tâm hồn ta bình lặng, an yên giữa nhịp sống hối hả của thế giới phẳng, thời đại số. Để bạn còn suy nghĩ đến gia đình thân yêu của bạn mà bạn đã vô tình lãng quên, tạo khoảng cách với mái ấm của mình. Tôi nhớ, ngày còn bé, tôi đến nhà bạn chơi nhưng quên xin phép mẹ mà tự ý chạy từ trường sau tan học đến thẳng nhà bạn chơi. Mãi sẩm tối tôi mới lững thững về nhà. Chưa kịp cất cặp mẹ đã lôi tôi ra cột nhà, đánh tôi đến gãy cành cây vải nhỏ, rồi cầm dây mây quật vào mông tôi khiến tôi lằn mông mấy hôm. Mắt mẹ tôi đỏ hoe, mẹ vừa đánh vừa mắng tôi, mắng tôi sao không được như con nhà người ta, chăm học, ngoan ngoãn. Tôi ấm ức, giận mẹ suốt mấy tháng trời. Tôi không hiểu nổi mình đã làm gì sai mà mẹ mắng tôi, xong còn ra lệnh cấm tôi đủ điều... Giá như lúc ấy tôi hiểu sự tức giận của mẹ. Giá như lúc ấy tôi biết nỗi lo lắng khi mẹ không thấy tôi đâu. Giá như lúc đó, không phải mấy năm sau, tôi mới biết mẹ vội vã quần áo đầy bùn mà chạy xuôi ngược tìm tôi. Nhưng tại sao mẹ không muốn nói cho tôi biết, ước gì lúc ấy tôi có thể hiểu lòng mẹ. Nếu như không có khoảng trống để cho tâm hồn bạn thanh thản, bạn còn nhớ rằng bạn từng có kí ức ngọt ngào chưa? Đôi khi ta cần nhớ lại, để tìm lại cảm giác thân thuộc ngày nào, lấy động lực tiến bước Này bạn, hãy "Disconnect to reconnect” – “Ngắt kết nối để kết nối", đừng chìm đắm trong "thế giới vuông" của công nghệ nữa.Hãy trân trọng cuộc sống thực tại và đừng chìm đắm trong những trò tiêu khiển ở một thế giới ảo để phải hối hận. Gia đình, mọi người xung quanh đang đợi bạn, “ngắt kết nối” để thấy nụ cười thực sự của những người thương yêu xung quanh bạn.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VĂN ĐẠT GIẢI BA: abc

Xã hội công nghệ hoá hiện đại hoá phát triển, chiếc điện thoại thông minh có lẽ đã chẳng còn xa lạ với bất kì ai. Đừng nói là thế hệ con cái, ngay cả những bố mẹ trẻ ngày nay cũng bị những cám dỗ kéo lại. Chiếc điện thoại thông minh chúng ta đang cầm dường như không chỉ là thứ để sử dụng phục vụ cho thế giới thực nữa mà nó ẩn chứa 1 thế giới hoàn toàn khác. Một thế giới ảo. Một nơi mọi người trên thế giới chỉ cần có mạng và điện thoại đều có thể kết nối với nhau.

Sống là kết nối nhưng phải chăng con người ta đang dần đắm chìm trong thế giới ảo mà quên đi sợi dây kết nối ở thế giới thực đang mỏng dần mà đến 1 ngày nào đó nó sẽ đứt lìa? Cám dỗ mà thế giới ảo mang lại chính là một phần của nguyên do khiến những khoảng cách tồn tại ngay trong chính gia đình có nhiều thế hệ và cả giữa học trò tuổi teen và bố mẹ. Ngay trong chính gia đình em cũng vậy. Em cảm nhận được điều đó vô cùng rõ ràng. Em là 1 học sinh tuổi teen, cái độ tuổi mà trên tay được bố mẹ cho phép cầm điện thoại. Ở cái tuổi tâm sinh lý có lẽ vẫn còn chưa ổn định, bốc đồng và dễ dàng bị cám dỗ. Bố mẹ em không sử dụng các thiết bị công nghệ, bà em lại càng không còn em dường như 1 khoảng thời gian dài và đến nay vẫn như vậy, em thấy mình đang ngập chìm trong thế giới ảo. Em chắc hẳn em cũng như nhiều bạn bằng tuổi mỗi ngày đều nhìn vào màn hình điện thoại nhiều hơn là nhìn vào đôi mắt bố hay nụ cười của mẹ. Thậm chí, ngay cả khi em trò chuyện với họ trên tay cũng cầm điện thoại. Bố mẹ em phàn nàn rất nhiều về điều đó, nhưng đôi khi em thiết nghĩ nó giống như 1 cơn nghiện vậy, đâu nói bỏ là bỏ được ngay. Ở trên mạng xã hội có những người bạn thú vị và nói lời dễ nghe hơn bố mẹ nhiều. Ở trên mạng xã hội em được nhìn ngắm các idol của mình không biết chán. Ở trên mạng xã hội có các game show hài hước. Không áp lực học tập, không có những lời nhắc nhở phiền hà, không có bị mắng mỏ. Đó chính xác là những gì mạng xã hội đưa đến cho em, thế giới ảo đó dường như đang kéo xa em so với bố mẹ và ông bà. Thay vì những lần cùng nhau trò chuyện với người thân, em cầm chiếc điện thoại bật các bộ phim ra để xem. Thay vì cùng nhau làm việc giúp bố mẹ, ông bà thì em lại mở máy tính ra vờ học nhưng thực chất là nhắn tin với lũ bạn. Lúc bé em rất thích nghe bà kể chuyện nhưng chẳng biết từ lúc nào những câu chuyện của bà đối với em trở nên xa vời. Em đã đọc những câu chuyện trên mạng xã hội vào mỗi đêm thay vì nghe chất giọng ấm áp từ bà. Cứ thế, cứ thế dần dần xa. Bố mẹ dạy dỗ em theo một phương cách áp đặt, có chút cổ hủ. Có lẽ ở cái tuổi của em thì điều đó thực sự khó chịu dù em hiểu họ muốn tốt cho em. Nhưng bản thân em luôn cảm thấy họ không hiểu em, không thấu nổi những suy nghĩ và những áp lực của một đứa trẻ đang tuổi lớn. Và cứ thế, khoảng cách trồng lên mâu thuẫn, mâu thuẫn chồng lên khoảng cách, em cảm nhận được những lần em tâm sự với mẹ ít dần rồi, thay vào đó là mạng xã hội.

Nhưng em luôn biết rằng không tự dưng mà bản thân em muốn thu mình lại. Ngay cả tờ giấy trắng cũng có hai mặt kia mà. Và sợi dây kết nối giữa em và bố mẹ hay ông bà đều có hai đầu của nó mà thành. Thử tưởng tượng xem một sợi dây buộc hai người lại với nhau nhưng một trong số hai người cố gỡ nó ra hoặc cả hai người đều đồng thời làm vậy thì như thế nào đây? Sợ dây lập tức rơi xuống đất, lìa ra và cả hai mãi mãi không gắn kết với nhau được. Khoảng cách giữa em và bố mẹ hay ông bà hình thành chưa hẳn là vì bị thế giới ảo kéo chân mà chính là do khoảng cách thế hệ mà thành. Đặc biệt là bố mẹ em, có lẽ nhiều người bằng tuổi cũng như em vậy, thường gặp những khó khăn, rắc rối trong cuộc sống và khao khát sẻ chia cùng người thân. Mong họ như những người bạn sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu, nhưng không. Mấy ai làm được như vậy? Thay vì phân tích những vấn đề của em theo góc nhìn của em để hiểu và đồng cảm thì họ lại nhìn theo góc nhìn của họ sau đó phản bác và thậm chí là đôi khi chửi rủa và cấm đoán. Vì người lớn đã từng là trẻ con nhưng trẻ con chưa từng là người lớn. Người lớn thấy vấn đề đó nhỏ như cái miệng giếng nhưng đối với đứa trẻ ấy lại là cả bầu trời. Thế là em tìm đến mạng xã hội. Một nơi kết nối em với nhiều hầu hết mọi người. Có những người bạn sẵn sàng nghe em tâm sự, hiểu em theo cách em nhìn mọi việc thì tại sao? Tại sao em phải trò chuyện và cầu mong sự cảm thông từ những người không hiểu mình? Em biết rằng trong một thế giới số hoá hiện đại này vẫn cần kết nối với thế giới ảo để học hỏi và hiểu biết nhưng cũng cần giữ sợi dây kết nối của thế giới thực.

Vậy nên, như em cũng vậy, cũng cần phải có những lúc thoát ra khỏi thế giới ảo kia, sống một cuộc sống thực hơn bởi không có chuyện gì có thể giải quyết bằng mạng xã hội cả. Còn bậc sinh thành nếu đã luôn muốn con mình "tạo ra khoảng lặng ngắt kết nối" trong thời đại số thì họ nên hiểu rằng đứa con của họ bây giờ đang có những suy nghĩ gì, đặt mình vào tình cảnh và góc nhìn của con để tâm sự và sẻ chia cùng tìm cách để con tránh xa rắc rối. Đừng để đến một ngày nào đó, đứa con của mình phải khóc sau cánh cửa khi nghe mình nói với nguời khác rằng nó không chịu nói gì với mình cả. Chẳng có đứa trẻ nào không muốn tâm sự với bố mẹ đâu, đừng cố một tay gỡ sợi dây ra và một miệng bảo con không chịu gần mình. Sợi giây nào cũng có hai đầu, một bên cố gắng mãi mãi là vô nghĩa. Để có thể tạo ra khoảng lặng ngắt kết nối trong xã hội này luôn cần các thế hệ trong gia đình, các đứa trẻ tuổi teen và ông bố bà mẹ cùng giữ giây lại. Một sợi dây như vậy, cần phải chắc chắn hay mỏng manh, cần buộc chặt hay lỏng lẻo là tùy thuộc vào sự cố gắng duy trì của cả hai bên.

Từ khóa » Khoảng Lặng Kết Nối Là Gì