Bấm Huyệt Chữa Giãn Tĩnh Mạch Và Những Thông Tin Cần Thiết - YouMed
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- Giãn tĩnh mạch là gì?
- Bấm huyệt chữa giãn tĩnh mạch có hiệu quả?
- Cách bấm huyệt chữa giãn tĩnh mạch
- Lưu ý khi bấm huyệt điều trị giãn tĩnh mạch
- Những phương pháp đông y khác điều trị giãn tĩnh mạch
Với xu thế của xã hội ngày nay, bệnh lý mạch máu chi dưới dần trở nên phổ biến. Chúng mang đến những khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Bên cạnh tây y, đông y cũng đóng góp nhiều liệu pháp hỗ trợ điều trị bệnh lý này, nổi bật là bấm huyệt chữa giãn tĩnh mạch chi dưới. Sau đây, mời bạn cùng bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu thông tin về phương pháp này; cũng như cách thực hiện sao cho hiệu quả.
Giãn tĩnh mạch là gì?
Khái niệm
Theo tây y, đây là dấu hiệu của sự suy giảm chức năng hệ thống tĩnh mạch vùng chi dưới. Điều này dẫn đến tình trạng ứ đọng máu, lâu dài sẽ làm biến đổi huyết động cũng như biến dạng tổ chức mô xung quanh khu vực tổn thương.1
Đông y mô tả bệnh giãn tĩnh mạch chi trong chứng cân lựu, mạch tý,…Trong đó:
- Cân lựu: Là tình trạng mạch máu xoắn lại thành từng búi, nổi lên ở vùng mắt cá chân, bụng chân…
- Mạch tý: Cảm giác đau nhức mạch máu, da nóng rát lên, tê dị cảm…
Triệu chứng thường gặp
Quan sát phía ngoài bằng mắt thường: Màu sắc da thay đổi, tĩnh mạch nổi rõ phồng lên hoặc có hình mạng nhện hoặc nổi li ti tại vùng chi…
Khi dùng tay ấn, sờ vào vị trí tổn thương có thể thấy cứng và đau tức…
Giai đoạn đầu, dấu hiệu thường mơ hồ, không rõ ràng, dễ bị bỏ qua. Sau đó xuất hiện triệu chứng ở chi dưới như tê, nặng, mỏi, phù, chuột rút ban đêm… Nặng hơn là tắc mạch máu do huyết khối, loét, chảy máu, hoại tử chi,…
Xem thêm: Bệnh giãn tĩnh mạch chân: triệu chứng và cách phòng chống
Yếu tố nguy cơ gây giãn tĩnh mạch chi
Theo tây y
Cơ địa: Bất thường giải phẫu, phụ nữ mang thai, sinh đẻ nhiều lần, người lớn tuổi, béo phì, khối lượng cơ thấp, ảnh hưởng của hệ hormone… làm tĩnh mạch chi dễ tổn thương.
Nghề nghiệp: Tính chất công việc làm tăng áp lực, chèn ép tĩnh mạch chi lâu dài như ngồi lâu, đứng nhiều, mang vác vật nặng…
Thói quen sinh hoạt: Dinh dưỡng thiếu chất xơ, vitamin, lười vận động,…
Theo đông y
Nguyên nhân thường do mạch lạc bị nghẽn tắc, khí huyết không lưu thông thuận lợi, ứ trệ dẫn đến triệu chứng khó chịu như đau, mỏi, tê… Về lâu dài, khí huyết kém dần, không nuôi dưỡng đủ tổ chức bì phu cơ nhục mà gây bệnh.
Bấm huyệt chữa giãn tĩnh mạch có hiệu quả?
Tương tự như các phương pháp tác động lên huyệt khác của đông y, bấm huyệt chữa giãn tĩnh mạch chi có nhiều ưu điểm như:
- Đánh tan ứ trệ, kích thích tuần hoàn, khí huyết lưu thông thuận lợi hơn,…
- Thông kinh lạc, đẩy lùi ngoại tà xâm nhập, lợi thủy,…
- Cân bằng rối loạn của tạng phủ, thúc đẩy sản sinh khí huyết, nuôi dưỡng mạch, cơ nhục,…
Từ những lợi ích trên sẽ hỗ trợ giải quyết những vấn đề của bệnh lý này như giảm phù, giảm tê, giảm đau, nặng mỏi chân, chuột rút,…
Cách bấm huyệt chữa giãn tĩnh mạch
Chỉ định, chống chỉ định
Hầu hết những đối tượng muốn phòng ngừa hoặc có triệu chứng của giãn tĩnh mạch chi đều có thể áp dụng phương pháp này.
Tuy nhiên, một số trường hợp cần phải thận trọng và nên tham khảo ý kiến chuyên gia như:
- Trường hợp bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng; hoặc cần ưu tiên cấp cứu với phương án tây y trước như chấn thương, nhiễm trùng nặng, hoại tử chi, bệnh ngoại khoa…
- Tránh thực hiện thao tác tại những vùng da không lành lặn như hoại tử, lở loét, viêm nhiễm, phù nề nặng…
Quy trình điều trị giãn tĩnh mạch chi như thế nào?
Để phát huy tác dụng tối đa, thầy thuốc thường kết hợp xoa bóp và bấm huyệt chữa giãn tĩnh mạch với nhau. Thực tế, phương pháp này dường như không thể giải quyết triệt để nguyên nhân tổn thương mạch máu. Tuy nhiên, chúng vẫn được ghi nhận là có tác động tích cực trong giảm triệu chứng bệnh.
Thông thường, thầy thuốc sẽ lựa chọn huyệt tại chỗ và lân cận vùng đau. Với căn cứ là các đường kinh đi qua vị trí đau mà chọn huyệt đạo thích hợp. Mỗi ngày thực hiện xoa bóp bấm huyệt khoảng 20 – 30 phút/lần, trong vòng 15 – 20 ngày. Sau đó, tùy tình trạng và sự phục hồi của người bệnh mà có thể thêm 1 – 2 liệu trình nữa. Lưu ý, lực ngón tay nên điều chỉnh từ nhẹ đến mạnh sao cho phù hợp với từng đối tượng, không nên quá thô bạo hoặc quá yếu.
Một số huyệt đạo thường dùng
Một số điểm huyệt thường dùng trong bấm huyệt điều trị giãn tĩnh mạch như sau:
- A thị huyệt: Còn gọi là Áp thống điểm, huyệt tại chỗ vùng đau. Khi ấn vào, đối tượng sẽ thấy đau nhức nhiều, khó chịu, phát ra âm thanh “a”…
- Khí hải: Nằm trên đường thẳng dọc giữa bụng, từ rốn đo thẳng xuống 1,5 thốn. Huyệt được xem là “biển” của nguyên khí, tác dụng bồi bổ khí.
- Quan nguyên: Nằm trên đường thẳng dọc giữa bụng, từ rốn đo thẳng xuống 3 thốn, tác dụng nâng cao chính khí.
- Huyết hải: Từ điểm giữa bờ trên khớp gối, đo thẳng lên 1 thốn, rồi đo vào phía mặt trong đùi 2 thốn. Huyệt được xem là “bể” của huyết, tác dụng bổ huyết.
- Tam âm giao: Trên đỉnh mắt cá trong 3 thốn, bờ sau trong xương chày, thuộc kinh Tỳ. Huyệt là nơi hội tụ 3 kinh âm ở chân (Tỳ, Can, Thận), tác dụng bổ âm, kiện Tỳ, sơ Can, ích Thận, điều hòa huyết…
Có thể gia thêm các huyệt mạnh chi dưới, thư cân mạch, thông lạc như Dương lăng tuyền, Túc tam lý, Thái xung, Thừa sơn, Ủy trung…2
Quy ước 01 thốn bằng khoảng chiều dài đốt giữa của ngón tay thứ 3, trung bình khoảng 2,11 cm.
Lưu ý khi bấm huyệt điều trị giãn tĩnh mạch
Bên cạnh tiến hành các thao tác điều trị bệnh tây – đông y như thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt chữa giãn tĩnh mạch chi… Người bệnh cần tuân thủ những điều sau đây để nhanh chóng rút ngắn thời gian điều trị:
- Hạn chế tối đa các hoạt động đứng lâu, ngồi tại chỗ liên tục, mang giày dép chật chội… Nên thay đổi tư thế thường xuyên như gập duỗi cổ chân, co duỗi ngón chân… Ngoài ra, các chất kích thích có hại cho mạch máu cũng nên giảm thiểu như thuốc lá, rượu bia,…
- Bổ sung thực phẩm lợi cho mạch máu, chống oxy hóa cao như giàu chất xơ, vitamin A, B, C, flavonoid, khoáng chất… Có nhiều trong rau cải, ngũ cốc, trà xanh, trái cây, việt quất… Đặc biệt lưu ý đến cân nặng, bởi béo phì, thừa cân sẽ tăng áp lực lên mạch máu chi dưới nhiều hơn.1
- Kê gối gác chân lên cao khi nằm nghỉ ngơi, tập cơ chân mạnh hơn,… Nhằm giúp máu lưu thông dễ dàng.3
- Có thể sử dụng băng thun, vớ y khoa điều trị giãn tĩnh mạch chi theo hướng dẫn thầy thuốc.1
- Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để kịp thời phát hiện những bất thường, bệnh lý nghề nghiệp về mạch máu.3
Những phương pháp đông y khác điều trị giãn tĩnh mạch
Châm cứu
Bên cạnh bấm huyệt, châm cứu trị giãn tĩnh mạch cũng là một liệu pháp đông y thường được ứng dụng phổ biến. Có thể hào châm vào huyệt đạo rồi, vê kim khoảng 2 – 3 phút, hoặc điện châm. Tổng thời gian khoảng 15 – 30 phút/ngày, kéo dài 20 ngày. Tùy theo tình trạng bệnh, thầy thuốc sẽ đưa ra phác đồ với các huyệt đạo tương tự như trên.
Thực chứng: Triệu chứng khó chịu nhiều sẽ châm tả A thị huyệt, huyệt tại chỗ, huyệt lân cận vùng đau.
Hư chứng hoặc mong muốn bổ khí huyết: Châm bổ Khí hải, Quan nguyên, Huyết hải, Tam âm giao…
Xem thêm: Châm cứu có tác dụng gì với sức khỏe con người?
Xoa bóp
Xoa bóp vùng cơ thể kết hợp với bấm huyệt giúp nhanh đạt kết quả điều trị mong muốn hơn. Điều này giúp mở rộng khu vực tác động đồng thời tăng hiệu quả điều trị của bấm huyệt chữa giãn tĩnh mạch hơn. Với mục đích giảm ma sát và phát huy ưu điểm của liệu pháp này, ta có thể dùng thêm tinh dầu, kem dưỡng ẩm, ngâm chân với nước ấm…1 Một vài thao tác cơ bản như sau:
- Tiến hành thủ thuật xoa, xát, miết, véo, phát, day, đấm, lăn, chặt, vờn, bóp,… lên vùng da, cơ ở chi dưới theo chiều dọc từ dưới cổ chân lên trên 10 – 15 lần.
- Tiếp tục tiến hành theo chiều ngang từ dưới lên trên 10 – 15 lần.
- Vê các ngón chân nhẹ nhàng, vận động khớp gối, cổ chân, khớp bàn ngón chân…
Bài thuốc đông y
Từ lâu, dược liệu đông y mang lại nhiều lợi ích, bổ trợ điều trị bệnh lý giãn tĩnh mạch. Một số bài thuốc như Huyết phủ trục ứ, Thông mạch hoạt huyết, Bổ khí thông huyết, Bát trân thang… sẽ được thầy thuốc lựa chọn tùy theo tình trạng bệnh nhân; hỗ trợ điều trị triệu chứng bệnh.
Đặc biệt, vị thuốc hòe hoa (nụ hoa cây hòe) đã được nghiên cứu, mang tính ứng dụng cao trong phòng ngừa và điều trị bệnh lý mạch máu. Với hàm lượng rutin dồi dào hỗ trợ bền chắc thành mạch, chống xơ vữa mạch máu…
Hiện nay, y học có nhiều phương pháp hỗ trợ bệnh lý mạch máu chi dưới. Trong số đó, bấm huyệt chữa giãn tĩnh mạch chi thuộc đông y có thể giúp hỗ trợ điều trị tình trạng này. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về phương pháp này. Bạn cũng cần lưu ý rằng, khi triệu chứng bệnh mới xuất hiện và nhẹ; người bệnh cần được thăm khám sớm để thầy thuốc có thể đưa ra phác đồ điều trị thích hợp và đạt hiệu quả cao.
Từ khóa » Bấm Huyệt Trị Suy Giãn Tĩnh Mạch
-
Hiệu Quả Của Bấm Huyệt Chữa Suy Giãn Tĩnh Mạch | Vinmec
-
Video 49 : Bấm Huyệt Chữa Bệnh Suy Giãn Tĩnh Mạch - YouTube
-
Tìm Hiểu Biện Pháp Xoa Bóp Bấm Huyệt Chữa Suy Giãn Tĩnh Mạch
-
Xoa Bóp Bấm Huyệt Chữa Giãn Tĩnh Mạch Và Những điều Cần Biết
-
Hướng Dẫn Chi Tiết Cách Xoa Bóp Chân Bị Giãn Tĩnh Mạch
-
Xoa Bóp Hỗ Trợ Chữa Giãn Tĩnh Mạch Chân - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Bấm Huyệt Trị Suy Giãn Tĩnh Mạch: Hiệu Quả Thật Hay Chỉ Là Lời đồn?
-
Chữa Bệnh Phù Chân Và Giãn Tĩnh Mạch
-
Hướng Dẫn Massage Bấm Huyệt Trị Suy Giãn Tĩnh Mạch - Kiwami
-
Hướng Dẫn Massage Xoa Bóp Chân Giúp điều Trị Bệnh Suy Giãn Tĩnh ...
-
Xoa Bóp Giãn Tĩnh Mạch - Phương Pháp Hỗ Trợ điều Trị Hiệu Quả
-
Hướng Dẫn Cách Xoa Bóp Chân Bị Giãn Tĩnh Mạch đúng Cách Tại Nhà
-
Bật Mí 4 Cách Xoa Bóp Giãn Tĩnh Mạch Chân Hiệu Quả Và An Toàn
-
Cách Bấm Huyệt Trị Suy Giãn Tĩnh Mạch - Ghế Massage