Bầm Tím Mắt Do Chấn Thương Nên Xử Lý Như Thế Nào?

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Hệ thống Y tế Thu Cúc. Với thắc mắc này của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Hiện tượng bầm tím mắt là tình trạng các tế bào hồng cầu tích tụ xung quanh khu vực mắt. Như ở trường hợp của bạn là do mắt chịu tác động từ bên ngoài (va đập, chấn thương). Hầu hết các tình trạng bầm tím thường nhẹ và sẽ giảm dần rồi hết sau 1 – 2 tuần. Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy thị lực thay đổi (yếu dần), đau nhức ở mắt liên tục, chảy máu mũi hoặc tai, chảy máu ở mắt và mắt không thể di chuyển được, mất ý thức tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc co giật, nôn…thì cần phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt đề phòng trường hợp xảy ra các chấn thương nghiêm trọng liên quan đến xương sọ, vùng não…

Nếu tình trạng bầm tím chỉ do chấn thương nhỏ, không quá nghiêm trọng thì trước khi áp dụng các biện pháp y tế, bạn có thể áp dụng một số cách sau đây để giảm bớt tình trạng sưng và khó chịu ở mắt:

Chườm lạnh trong vòng 24 – 48 giờ kể từ lúc bị chấn thương có thể làm giảm thiểu tình trạng máu tụ dưới da tạo nên vết bầm. Nhiệt độ lạnh từ đá giúp giảm sưng và xoa dịu cơn đau nhức khó chịu ở vùng mắt bị chấn thương. Lưu ý không để đá lạnh trực tiếp lên da mà nên dung túi chườm để tránh nguy cơ bị bỏng lạnh. Nhẹ nhàng áp túi chườm lên khu vực mắt bị bầm tím, không đè mạnh lên nhãn cầu. Lặp đi lặp lại nhiều lần trong 1 – 2 ngày.

Sau khi vết sưng đã giảm, bạn có thể chuyển qua chườm nóng lên khu vực bầm tím để gia tăng lưu lượng máu ở vùng này, giúp vết bầm nhanh lành hơn.

Bạn cũng có thể massage nhẹ nhàng vùng mắt sau khi tình trạng sưng và đau nhức đã giảm bớt để làm tan máu bầm tương tự như chườm nóng.

Dành thời gian nghỉ ngơi, hạn chế tham gia vào các hoạt động có nguy cơ tổn thương đến mắt như chơi thể thao…

Thông thường vết bầm tím mắt sẽ biến mất sau khoảng 1 – 2 tuần. Chúc bạn sớm khỏe!

Từ khóa » Giảm Bầm Tím ở Mắt