Bám Trụ Quê Nghèo, Làm Giàu Từ Hai Bàn Tay Trắng

Quyết tâm, chịu khó

"Cứ quyết tâm, siêng năng, cần cù thì lo gì” - anh Cao Phú Khánh dặn lòng khi khởi nghiệp

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2010, anh Cao Phú Khánh trở lại quê nhà. Thời gian đó, nhiều thanh niên (TN) thường lựa chọn đến các vùng đô thị tìm hướng phát triển sự nghiệp. Thấy bạn bè cùng trang lứa cứ lần lượt rời quê như thế, cũng có lúc, anh Khánh nghĩ rằng sẽ nối gót theo bởi dù gì cũng có lương 5 - 6 triệu đồng/tháng. Nhưng rồi sau bao đêm "gác tay lên trán suy nghĩ", anh chọn khởi nghiệp ngay tại quê hương mình.

Nghe anh quả quyết, nhiều người thân quen cũng thắc mắc và hỏi sẽ làm gì? Chỉ tay về cái ao và mảnh ruộng cạnh nhà, anh Khánh nói chắc nịch: “Ở đó chứ đâu!”. Nghe thế, có những người lắc đầu ngao ngán và khuyên anh bỏ cái suy nghĩ viển vông và bồng bột chưa trải sự đời của tuổi trẻ. Nhưng anh dặn lòng: “Cứ quyết tâm, siêng năng, cần cù thì lo gì”.

Anh Cao Phú Khánh vinh dự được chọn là gương mặt Công dân trẻ tiêu biểu tỉnh Long An

Dù quyết định khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương nhưng anh Khánh lúc đó cũng chưa biết sẽ phát triển mô hình gì. Quyết tâm có sẵn nhưng anh cũng suy nghĩ: Không thể làm liều ngay bởi khi đó, chỉ có hai bàn tay trắng. Để thực hiện ấp ủ của bản thân, anh tham quan, học tập rất nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế ở một số địa phương. Mỗi lần đi tham quan, anh đều tranh thủ gặp gỡ người nuôi để tìm hiểu kỹ càng về mô hình. Sau thời gian tìm hiểu, anh nhận thấy nuôi ếch sẽ phù hợp hơn với điều kiện của bản thân và đặc điểm tự nhiên ở nơi anh sinh sống. Vậy là đầu năm 2012, anh Khánh bắt đầu nuôi ếch.

Do khó khăn về vốn nên ban đầu, anh vay mượn của người thân, ngân hàng được gần 20 triệu đồng đầu tư nuôi 1.000 con ếch. Sau gần 3 tháng nuôi, trừ chi phí, anh thu lãi hơn 8 triệu đồng. Cũng từ đợt thu hoạch đầu tiên này, anh giữ lại 100 con sinh sản để tiếp tục nhân giống ếch.

Ngoài nuôi ếch, năm 2013, anh Khánh còn mở rộng quy mô khi nuôi, lai tạo giống cá rô, cá trê. Thấy anh đầu tư nuôi ếch, cá, nhiều người không nghĩ rằng sẽ thành công bởi ở vùng quê này, từ trước tới giờ có biết bao “lão nông” đã thử sức nhưng đều thất bại thì chẳng có lý nào, một TN với kinh nghiệm làm nông ít ỏi có thể thành công. Nhưng rồi, anh Khánh đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy rằng, con đường lựa chọn làm giàu trên mảnh đất quê hương là đúng đắn khi thu về lợi nhuận cao.

Anh Khánh chọn nuôi ếch để làm giàu

Nhớ lại thời gian mới khởi nghiệp, anh Khánh kể: "Vài lứa ếch nuôi đầu tiên cũng khá vất vả trong việc tiêu thụ. Vậy là hàng ngày, tôi đi đến nhiều nơi, lên đến các chợ đầu mối ở TP.HCM để tìm nguồn tiêu thụ. Cũng từ những chuyến đi như thế, tôi dần dần tạo được những mối tiêu thụ". Khi có đầu ra ổn định, anh Khánh tiếp tục mở rộng quy mô nuôi ếch, cá.

Cứ thế, có được ít vốn, anh lại mở rộng quy mô thả nuôi; đồng thời, đầu tư mua xe tải để chở hàng giao cho khách hàng. Mấy năm gần đây, anh duy trì nuôi, ươm ếch, cá rô, cá trê trên diện tích 3ha; sau khi trừ chi phí, anh có lãi hơn 1,5 tỉ đồng/năm. “Ếch, cá rô, cá trê là loài rất dễ nuôi, quan trọng nhất là nguồn nước phải bảo đảm vệ sinh để phòng, chống dịch bệnh” - anh Khánh chia sẻ.

"Tiếng lành đồn xa", mô hình của anh Khánh thường xuyên có nhiều người trong và ngoài địa phương đến tìm hiểu, học tập. Điều đáng quý là anh Khánh luôn sẵn sàng tiếp và trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho mọi người. Cũng chính phẩm chất đó nên anh Khánh được mọi người quý mến, tin tưởng. “Dù còn trẻ nhưng Khánh có kiến thức nuôi trồng thủy sản rất đáng nể” - ông Nguyễn Văn Được, người lặn lội hơn 60km đến tham quan mô hình, bày tỏ.

Công dân trẻ tiêu biểu

Từ mô hình của anh Khánh đã giúp tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 6 TN ở địa phương với mức lương 9 - 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm mùa vụ cho 10 TN khi thành lập đội kéo cá. Như trường hợp anh Cao Văn Thiệt (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa), trước đây làm tài xế xe tải đường dài nhưng sau đó về làm cho anh Khánh. Công việc của anh là lái xe tải chở hàng đi giao cho các vựa ở TP.HCM, Tây Ninh,... Ngoài những lúc chạy xe giao hàng, anh Thiệt còn đến phụ anh Khánh nuôi ếch, cá. “Hơn 2 năm nay, tôi có công việc ổn định, thu nhập cũng khá lại không phải xa nhà nhiều ngày như trước đây mà có thời gian chăm sóc cho gia đình” - anh Thiệt tâm sự.

Đã thành công và hiện trở thành tỉ phú trẻ với con đường đã chọn nhưng anh Khánh cho rằng, ngoài lòng nhiệt huyết, sự quyết tâm, siêng năng, cần cù, chịu khó học hỏi thì nguồn vốn rất quan trọng. Chính vì lẽ đó, những năm gần đây, anh Khánh cho 33 người ở xã vay gần 2 tỉ đồng để nuôi thủy sản. Có những hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Sau vài năm bươn chải, thành công và có nhiều kinh nghiệm trong nuôi cá, ếch, anh Khánh nhận thấy rằng, phải phát triển hướng nuôi trồng quy mô lớn, xây dựng thương hiệu và tìm nguồn đầu ra ổn định. Thế là, năm 2017, anh Khánh thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi thủy sản Long Thạnh. Đây là HTX thủy sản đầu tiên của huyện và có 7 thành viên tham gia, nuôi gần 20ha ếch, cá. Dưới sự "lèo lái" của Giám đốc trẻ Cao Phú Khánh, HTX cứ thế phát triển ổn định, mang lại lợi nhuận cao cho các thành viên. Nhờ sự nhạy bén và nắm bắt thị trường nên sản phẩm khi thu hoạch luôn có đầu ra ổn định và không bị ép giá.

Ngoài ra, HTX còn tạo dựng được 80 hộ nuôi cá, ếch tại địa bàn xã và lân cận. Tất cả hộ nuôi đều được anh Khánh cung cấp con giống bảo đảm chất lượng, giá thành rẻ hơn thị trường và tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Sau thu hoạch, HTX sẽ thu mua cá, ếch cho các hộ và cung ứng ra thị trường. Tính cả các thành viên trong HTX và 80 hộ, mỗi tháng, HTX thu mua và bán ra thị trường gần 100 tấn ếch, cá rô, cá trê. “Thời gian qua, do dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến việc tiêu thụ, ngay cả các mối quen ở TP.HCM và các tỉnh lân cận cũng giảm sút. Dù vậy, tôi đã linh động tìm kiếm thêm những mối mới nên ếch, cá thu hoạch đều được tiêu thụ hết” - anh Khánh thông tin.

Chia sẻ về việc TN phát triển kinh tế tại địa phương, anh Khánh cho rằng, khởi nghiệp không khi nào là muộn nhưng càng trẻ càng tốt, càng sớm càng tốt bởi tuổi trẻ luôn có nhiều ý nghĩ sáng tạo, việc làm táo bạo, ít vướng bận lại có sức khỏe và nhiều thời gian để sửa sai. Mặt khác, tuổi trẻ có nhiều nhiệt huyết, niềm đam mê, khát vọng vươn lên, khát vọng thể hiện và nền tảng kiến thức, sự nhạy bén.

Tuy nhiên, theo anh Khánh, bên cạnh những ưu thế đó của TN thì nhiều TN còn gặp khó khăn về nguồn vốn nên cản trở bước đường khởi nghiệp. Theo đó, ngoài sự hỗ trợ của gia đình, tự lực của bản thân thì rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành trong tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Đồng thời, các cấp, các ngành cũng cần tăng cường hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; đề xuất các doanh nghiệp quan tâm tạo điều kiện và đầu tư vào các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ.

Trong bối cảnh nhiều thanh niên rời vùng nông thôn để đi đến những vùng đô thị tìm kiếm việc làm, phát triển sự nghiệp thì anh Khánh lại chọn con đường ở lại quê để làm nông. Từ hai bàn tay trắng nhưng anh đã thành công, trở nên giàu có”.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Trần Quốc Quân

Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Trần Quốc Quân chia sẻ: “Anh Khánh là tấm gương điển hình, tiêu biểu về phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương. Trong bối cảnh nhiều TN rời vùng nông thôn để đi đến những vùng đô thị tìm kiếm việc làm, phát triển sự nghiệp thì anh Khánh lại chọn con đường ở lại quê để làm nông. Từ hai bàn tay trắng nhưng anh đã thành công, trở nên giàu có”.

Năm 2017, anh Cao Phú Khánh đoạt Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn tổ chức. Tại Lễ kỷ niệm thành lập Đoàn TN Cộng sản Hồ Chí Minh được tổ chức vào ngày 26/3/2021, anh Khánh được tỉnh vinh danh là Công dân trẻ tiêu biểu nhất trong tổng số 10 công dân trẻ tiêu biểu của tỉnh. Những người thật, việc thật như anh Khánh đã truyền đến các bạn trẻ thông điệp cần tự tin phát huy những thế mạnh của tuổi trẻ, sáng tạo và nỗ lực hơn nữa trong phong trào khởi nghiệp./.

Luôn đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn - Trần Quốc Quân, để giúp đoàn viên, TN khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn luôn đồng hành, hỗ trợ và kết nối để vay vốn. Bên cạnh đó, việc giúp đoàn viên, TN học hỏi, tiếp cận khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất cũng được thực hiện thường xuyên.

Đặc biệt, Đoàn TN đã tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh lần thứ I năm 2018 và lần thứ II năm 2020. Qua cuộc thi đã giúp TN có thêm điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đam mê khởi nghiệp. Mặt khác, cuộc thi là sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần khơi nguồn và phát triển những sản phẩm sáng tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu chính đáng của tuổi trẻ.

Lê Đức

Từ khóa » Nông Dân Làm Giàu Từ 2 Bàn Tay Trắng