Bán Báo Dạo, Bán Vé Số: Chúng Tôi Không Có Tội! - Tuổi Trẻ Online

(Nhân đọc bài “Bán báo dạo, bán vé số thì tội gì?” của Trần Bạch Đằng, Tuổi Trẻ 13-8)

hrWTDA29.jpgPhóng to
Bán báo dạo ở TP.HCM - Ảnh: N.C.T.
TT - Năm nay tôi 19 tuổi, vừa thi ĐH xong và cũng là một người bán báo dạo. Năm ngoái tôi thi rớt ĐH, quyết tâm ở nhà ôn thi lại để bước vào cổng trường ĐH mơ ước, trong thời gian ôn thi tôi có đi bán báo dạo để kiếm thêm thu nhập.

Ở Nha Trang nơi tôi sống bán báo dạo đang là nghề đàng hoàng, chân chính. Nếu các bạn có dịp du lịch Nha Trang trong dịp hè 2006 này sẽ thấy rất nhiều người bán báo dạo mà phần lớn là học sinh, sinh viên, trong đó có tôi. Các em học sinh chỉ mới học lớp 10, 11 đã đi bán báo, không phải do hoàn cảnh khó khăn mà là do ý thức tự lập sớm của giới trẻ. Bán báo để kiếm tiền ăn học và phụ giúp gia đình. Như vậy là họ “có tội” ư?

Đã có không ít người nhìn bọn trẻ chúng tôi mà thầm ước giá như con họ cũng biết tự đứng dậy cầm tờ báo bán như chúng tôi, họ buồn khi con họ không tự lập được như chúng tôi, họ cũng mừng cho bọn trẻ chúng tôi đã sớm dùng sức lao động để kiếm tiền. Họ cũng mong con cái họ được như vậy. Vậy họ muốn con họ “có tội” ư?

Sau khi tôi đậu ĐH kiến trúc, ai cũng mừng. Họ nói tôi vừa đi làm vừa đi học được, cha mẹ tôi tự hào về tôi, mọi người ở sạp báo mừng cho tôi, cả khách hàng mua báo cũng mừng. Học sinh, sinh viên sau khi nghỉ hè, đi làm thêm kiếm tiền, chứng minh được rằng dùng sức lao động của mình kiếm tiền thì không có gì là thấp hèn cả. Bên cạnh hai phần ba học sinh, sinh viên đi bán báo, còn lại là những người lao động nghèo, họ phải nuôi gia đình, gửi tiền về quê... Như vậy họ cũng làm việc tội lỗi chăng?

Đà Lạt cũng như Nha Trang đều là thành phố du lịch, vậy tại sao Nha Trang bán báo, bán vé số, đánh giày được mà Đà Lạt lại không? Chúng tôi đâu làm gì trái pháp luật mà cấm?

Chúng tôi không có tội!

* Tôi nghĩ UBND TP Đà Lạt nên cân nhắc lại quyết định này. Cần phải quản lý đội ngũ bán vé số, bán báo dạo bằng biện pháp khác chứ không phải là cấm. Nếu như những người bán vé số, bán báo dạo bị cấm, ai sẽ giải quyết công ăn việc làm cho họ? Việc làm cho họ (nếu giải quyết được) liệu có lâu dài, có đủ ăn hơn? Ai dám đảm bảo sẽ không có tệ nạn xã hội nào phát sinh khi họ bị cấm hành nghề? Bán báo hay bán vé số dạo cũng là một nghề chân chính, cho nên chính quyền không thể cứ cấm khi không biết cách quản lý khoa học.

* Tôi không đồng tình với cách xử lý của chính quyền TP Đà Lạt cấm bán báo dạo, bán vé số dạo. Nếu việc cấm này làm vừa lòng chính quyền TP Đà Lạt thì đã đẩy nhiều số phận rơi vào cảnh đáng thương. Bởi lẽ nhiều người chọn nghề bán báo, bán vé số dạo là một nghề chân chính, nuôi sống bản thân và gia đình mình. Mất nghề rồi họ sẽ làm gì để sống? Nếu làm theo kiểu quản không được thì cấm e rằng không hiệu quả mà xã hội cũng không đồng tình.

* Ở quê tôi, một gia đình bốn người con, nhưng với chỉ một công ruộng không nuôi đủ sáu miệng ăn nên cha mẹ đi bán vé số để có tiền nuôi con ăn học. Con cái cũng vậy, đi học một buổi, một buổi đi bán vé số để trang trải việc học. Đến khi vào học ĐH, các em vẫn một buổi đi bán vé số, một buổi đến giảng đường. Hôm tôi ghé thăm thì được biết bốn đứa con đều tốt nghiệp ĐH và đã đi làm. Tôi nghĩ một khi đã cấm thì những người nghèo khổ cũng kiếm kế sinh nhai khác, nhưng đối với người khuyết tật, những người già không nơi nương tựa và những người đi bán vé số, bán báo như một nghề chính của họ thì quả thật “thất nhân tâm lắm!”.

* Tôi thật sự bị sốc. Tôi được biết pháp luật VN chưa có điều khoản nào qui định về việc cấm bán báo dạo, cấm bán vé số, vậy lấy lý do gì chính quyền Đà Lạt cấm người dân hành nghề hợp pháp? Ngay tại Hoa Kỳ và Úc, nhiều người vẫn có thói quen mua báo từ những người bán báo lẻ, bán dạo ở những địa điểm đông người của trung tâm thành phố. Còn việc bán vé số dạo thì từ lâu đã là một kênh phân phối lớn của việc phát hành vé số. Tôi nghĩ tốt hơn hết là tuyên truyền, giáo dục để người bán có thái độ lịch sự hơn khi hành nghề chứ không phải là cấm đoán.

Từ khóa » Bán Báo Ko