Bạn Bè Là Cần Thiết Nhưng Thế Nào Là “BẠN” Và Thế Nào Là “BÈ”?

ban be la can thiet nhung the nao la ban va the nao la be Những thói quen xấu của bố mẹ ảnh hưởng đến sự nghiệp con trẻ (P3)
ban be la can thiet nhung the nao la ban va the nao la be Những thói quen xấu của bố mẹ ảnh hưởng đến sự nghiệp con trẻ (P2)
ban be la can thiet nhung the nao la ban va the nao la be Những thói quen xấu của bố mẹ ảnh hưởng đến sự nghiệp con trẻ (P1)

1. Bạn Thật, Bạn Giả

“Bạn giả cũng tựa như bạc giả, đã không xài được mà để trong túi có khi mang họa.”

Nhiều người vẫn cho rằng một trong những hạnh phúc trên đời này là tình bạn. Điều này thì ai cũng dễ dàng đồng ý thôi. Thế nhưng, để có tình bạn thực sự thì cần có những người bạn thực sự. Như thế nào gọi là một người bạn?

Liệu có phải những ai ta vẫn giao du đều là bạn cả? Không đâu, số người ấy gồm cả “bạn” lẫn “bè”, và phần nhiều là bè hơn là bạn. “Bạn bè” không phải là lối nói cho xuôi tai, cũng không phải là “từ láy”, “từ đệm” này nọ như nhiều người tưởng mà là “từ ghép” của hai chữ “bạn” và “bè”. Bạn, nói đơn giản, là người đồng hành cùng chia vui sẻ buồn với ta trên những chặng đường đời. Bè là những kẻ tạt ngang qua đời ta trong chốc lát, rồi đường ai nấy đi mà không chút vấn vương.

ban be la can thiet nhung the nao la ban va the nao la be

Bạn bè là cần thiết nhưng thế nào là “BẠN” và thế nào là “BÈ”? (Ảnh minh họa)

2. Tình bạn và tình bè

Bè là một dạng “bạn qua loa”. Bè trong những chữ “bè phái”, “kết bè, kết đảng” gợi lên ý tưởng không lấy gì làm hay ho cho lắm. Kết bè luôn luôn dễ dàng hơn kết bạn, như ta dễ dàng “cụng ly” với người mới tiếp xúc lần đầu trong một bàn tiệc. Bạn nhậu là một trong những dạng “bè” khá phổ biến. Bàn nhậu và cuộc nhậu mở ra những cơ hội thuận tiện cho những ai có nhu cầu kết bè.

“Bè” dễ đến, dễ đi. Những lúc ta sảng khoái thì bè xăng xái “tấp” vào, những khi ta phiền muộn thì bè lặng lẽ “trôi” đi. Những kẻ ở quanh ta trong những cuộc vui ồn ào mà ta tưởng là “bạn” thường chỉ là “bè”. Như những cuộc vui chóng tàn, những người “bạn” dễ dãi ấy cũng nhanh chóng biến mất khỏi đời sống chúng ta. Những con người ta dễ lầm tưởng là “bạn” ấy, nhiều lắm chỉ đi với ta một đoạn đường ngắn ngủi, cũng không khác mấy những anh chàng, những cô nàng vớ vẩn mà ta có lần “đụng” phải, có lần gặp gỡ phất phơ đâu đó trong đời này, nói dăm ba câu chuyện nắng mưa rồi chia tay, đường ai nấy đi và chẳng bao giờ còn gặp lại lần thứ hai.

“Bè” cũng hay “đổi bè”, khi thì hát “bè” này, khi thì đổi sang “bè” khác. Tình bè khó mà bền chặt vì thiếu sự hiểu biết và tin cậy. Bè có khi hóa thành bạn, tình bè có khi đổi sang tình bạn nếu chung sống được với nhau lâu dài. Thường thì bè chỉ là bè.

“Có hoạn nạn mới biết bạn, bè”, câu ấy không mới nhưng chẳng bao giờ cũ, chẳng bao giờ sai, và cũng cho thấy một trong những “đức tính” nổi bật của bè: những lúc “bạn” khốn đốn thì “bè” chẳng thấy đâu và thường viện những lý do chính đáng để không phải ra tay nghĩa hiệp với bạn mình.

Hầu như ai cũng có ít nhiều bè, là những người ta vẫn tiếp xúc vì nhu cầu giao tế hoặc cùng môi trường sinh hoạt (hội hè, làm việc, giải trí…), nhưng không kể là bạn nên họ phải là bè. Ngược lại, ta cũng là bè của nhiều người, những người không thực sự xem ta là bạn. Cuộc sống là vậy. Thường thì bè cũng vô thưởng vô phạt, nếu ta chẳng trông cậy gì ở họ thì cũng không phải thất vọng vì họ.

Bạn cũng có bạn thân, bạn sơ:

+“Bạn sơ” có điểm giống “bè” là ta không biết gì nhiều về họ nên không đủ độ tin cậy.

+ Bạn thân thường là bạn quen biết và gắn bó lâu năm, là người biết rõ cả tính tốt lẫn thói hư tật xấu của ta. Bạn thân là người từng chia sớt cùng ta những vui buồn, sướng khổ, và là người ta tin cậy được để chia sẻ những nỗi niềm. Bạn thân không hẳn là tri kỷ hoặc gần nhau về tính cách, sở thích, quan niệm. Bạn thân cũng không hẳn là người thật tốt. Có những người thật tốt với ta, có khi tốt hơn cả những bạn thân, nhưng ta vẫn không cảm thấy gần gũi, thân mật, vì thế không gọi là bạn thân.

Tình bạn thường “tĩnh” hơn là “động”, lắng đọng hơn là sôi nổi. Ở giữa hai người bạn thân là sự đồng cảm. Tận cùng của đồng cảm là thinh lặng.

Tình bạn cần có một bề dày của sự gắn bó, hiểu biết, cảm thông và tin cậy. Đến một tuổi nào đó người ta thật khó mà có thêm được những người bạn mới, trong lúc những người bạn cũ thì cứ mất đi lần lần. Càng lớn tuổi người ta càng cảm thấy cô đơn là vậy, và chẳng còn cách nào khác hơn là cố mà giữ lấy và yêu lấy những tình bạn cũ kỹ, hiếm hoi còn sót lại.

Những người tưởng rằng mình có nhiều bạn, thực ra là những người không có hoặc có rất ít bạn, và không biết phân biệt đâu là bạn, đâu là bè; hơn thế nữa, đâu là bạn thật, đâu là bạn giả.

3. Bạn thật tình thật, bạn giả tình giả

Bạn lại có “bạn thật” và “bạn giả”. Bạn thật là khuôn mặt thật, không điểm phấn tô son. Bạn giả là chiếc mặt nạ, với nhiều lớp phấn dày. Như cuộc sống có hai mặt, con người vừa có bạn thật lại vừa có bạn giả. Rủi thay, bạn giả lúc nào cũng nhiều hơn bạn thật. Bạn giả thì tình cũng giả, đến với ta vì cái gì đó khác hơn là tình thật.

Bạn giả là người đóng giả vai người bạn, ngoài mặt tỏ ra thân thiết nhưng có thể bất ngờ tặng cho ta những nhát dao trí mạng từ phía sau lưng, hoặc phun ra những nọc độc của lòng đố kỵ. Đôi lúc có kẻ thù còn dễ chịu hơn là có những người bạn giả. Bạn giả cũng tựa như bạc giả vậy, đã không xài được mà để trong túi có khi mang họa.

Bạn giả cải trang rất khéo, ra vẻ tình nghĩa thắm thiết, nói năng toàn những lời hay lẽ phải. Thường thì người ta phát giác ra bạn giả khá muộn màng, đành tự an ủi là học được bài học quý giá (với chút vị đắng cay) về những tình bạn… giả. Bạn giả như rượu giả, uống vào mới ngã ngửa ra.

Bạn thật và bạn giả đều là những “bạn” ta quen biết khá lâu. Làm sao nhận biết được bạn nào là thật, bạn nào là giả?

Bạn thật là người thực tâm mong muốn những điều tốt lành cho người bạn mình, là người vui sướng thấy bạn mình hạnh phúc, may mắn và thành công trong cuộc sống, như là hạnh phúc, may mắn và thành công của chính mình vậy (dẫu có “qua mặt” mình đi nữa). Bạn thật không bỏ qua cơ hội nào giúp bạn mình thăng tiến trên đường đời. Bạn thật không ngại tán thưởng về tài năng hoặc thành công của bạn mình để giúp bạn thêm tự tin trong cuộc sống, và không ngại nói thẳng nói thật về những sai trái của bạn mình để giúp bạn cải thiện bản thân. Bạn thật không ngại nói tốt về bạn mình sau lưng bạn, và sẵn sàng bẻ gãy những mũi tên ác ý nhắm vào bạn mình. Bạn thật là bàn tay chìa ra cho bạn mình nắm lấy lúc sa cơ thất thế, là đôi nạng cho bạn mình tựa vào lúc chông chênh, nghiêng ngả giữa dòng đời xuôi ngược. Bạn thật là người đến với ta trong những thời kỳ đen tối nhất của đời ta, trong những lúc ta trần trụi, và cũng là người ta có thể đến gõ cửa mà không cảm thấy ngại ngùng khi cần sự giúp đỡ. Bạn giả là người có những “đức tính” trái ngược hoặc không giống như trên.

Những người bạn thật như thế làm sao mà có nhiều được, thường chỉ đếm được trên những đầu ngón tay của một bàn tay (và ít khi đếm hết được). Con số này lại hao hụt dần và không kiếm đâu ra được để mà thay thế khi ta bước vào buổi hoàng hôn của đời người. Những con người ta gặp gỡ vào tuổi xế chiều, khi mà quỹ thời gian đã gần cạn, làm sao mà có đủ bề dày của một tình bạn.

Làm sao để có được những người bạn thật? Tôi chắc câu trả lời được nhiều người tán đồng là: “Bạn hãy tỏ ra là người bạn thật.”

Chẳng ai có hứng thú gì để “giao lưu tình cảm” với những người bạn giả, trừ khi ta cũng là… bạn giả.

Lúc nào rảnh rỗi, bạn thử làm việc này: với cây bút và tờ giấy, vẽ ra hai cột “Bạn” và “Bè” và ghi xuống tên những người ta vẫn giao du vào mỗi cột tương ứng. Từ cột “Bạn”, ta có thể di chuyển một ít tên sang cột thứ ba là cột “Bạn giả”, sau khi xem xét cẩn thận để đi đến kết luận rằng những “bạn” ấy không phải là bạn thật. “Bảng phân loại” này giúp ta có được cách xử sự phù hợp với từng đối tượng.

Với những người tôi thực lòng quý mến, tôi vẫn nói: “Tôi mong cho Họ không có bạn hơn là có những người ‘bạn giả’. Có được chừng vài ba người ‘bạn thật’ thì Bạn là người may mắn và hạnh phúc.”

Từ khóa » định Nghĩa Tình Bạn Bè Là Gì