Bạn Biết Gì Về Chứng Rối Loạn Cào Da, Bứt Tóc? - YouMed
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- 1. Tổng quan về rối loạn cào da, bứt tóc
- 2. Rối loạn cào da (Dermatillomania)
- 3. Rối loạn bứt tóc (Trichotillomania)
- 4. Nguyên nhân gây ra rối loạn cào da, bứt tóc là gì?
- 5. Sự tác động đến người bệnh:
- 6. Cách chẩn đoán chứng rối loạn cào da bứt tóc:
- 7. Rối loạn cào da bứt tóc có cách điều trị không?
- 8. Phòng ngừa chứng rối loạn này như thế nào?
Chứng rối loạn cào da, bứt tóc bao gồm các hành động: Gãi da, nặn mụn, nhổ tóc…là những hành động hết sức bình thường trong cuộc sống. Bạn không khó để thấy những người xung quanh hoặc chính bản thân mình trải nghiệm những điều này. Thế nhưng, bạn có biết đây cũng là dấu hiệu của một dạng rối loạn tâm thần? Chúng ta cùng tìm hiểu xem kiểu “rối loạn cào da bứt tóc” này có đặc điểm như thế nào.
1. Tổng quan về rối loạn cào da, bứt tóc
Trước hết, để tìm hiểu về rối loạn cào da bứt tóc, chúng ta có 2 khái niệm cần biết:
- Hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể (Body – focused repetive behavior). Đây là thuật ngữ chung cho các rối loạn hành vi bao gồm nhổ tóc, cào da, cắn móng tay. Những hành vi này không phải là thói quen hay rối loạn giật. Chúng khiến người bệnh liên tục chạm vào cơ thể mình, tự gây ra những tổn thương nhất định.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: là rối loạn trong đó người mắc bị ám ảnh liên tục bởi những suy nghĩ, ý tưởng, cảm giác. Điều này thôi thúc họ lặp đi lặp lại một hành vi nào đó dù bản thân không muốn.
Rối loạn cào da bứt tóc thuộc những hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể. Những hành động này liên tục kéo dài gây ra những tổn thương cả về thể chất và tinh thần. Chúng cũng được phân loại vào nhóm Rối loạn ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn liên quan.
2. Rối loạn cào da (Dermatillomania)
Thường ngày, khi da ngứa chúng ta thường có phản ứng gãi. Ở một số người, hành động này được lặp lại quá nhiều lần và có xu hướng mất kiểm soát. Đây được gọi là rối loạn hành vi tổn thương da hay rối loạn cào da. Sự khác biệt giữa rối loạn này với gãi da bình thường ở hậu quả thương tổn da. Hành động này thường kéo dài, hủy hoại mô và gây suy yếu nghiêm trọng chức năng da.
Rối loạn cào da đa dạng ở các hành vi, từ gãi da đến nặn, ngắt, nhéo, cào xước, đâm và thậm chí là cắn. Người bệnh có thể tác động đến cả vùng da lành và vùng da tổn thương trên khắp cơ thể. Những người này dùng chính ngón tay hoặc sử dụng dụng cụ như nhíp hay ghim kẹp. Hành vi được lặp lại hàng giờ mỗi ngày, kéo dài từ nhiều tháng đến nhiều năm.
Vậy làm sao để nhận biết mình hay người thân có đang mắc chứng rối loạn này hay không? Hãy tự nhìn lại và trả lời những câu hỏi này:
- Việc gãi da chiếm nhiều thời gian trong ngày?
- Bạn có nhiều vết sẹo do gãi da?
- Bạn có thấy lo lắng khi nghĩ đến việc mình gãi quá nhiều?
- Hành động này có ảnh hưởng đến công việc hay các mối quan hệ của bạn không? Ví dụ như bạn tránh bãi biển hay các phòng tập thể dục vì mọi người có thể thấy các vết sẹo. Hoặc bạn phải tốn nhiều thời gian cho việc che phủ các tổn thương của mình trước khi đi làm hay đến nơi đông người.
3. Rối loạn bứt tóc (Trichotillomania)
Cũng như cào da, rối loạn bứt tóc thuộc nhóm Hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể. Người mắc chứng này có một sự thôi thúc không ngừng nhổ lông tóc của mình. Những vùng trên cơ thể thường được nhổ là da đầu, lông mi và lông mày.
Hành động này là một rối loạn kiểm soát xung lực. Người bệnh biết rõ họ có thể gây thương tích cho chính bản thân mình nhưng không thể tự dừng lại được. Họ có thể nhổ lông tóc khi thấy căng thẳng như một cách để xoa dịu bản thân mình.
Bên cạnh việc nhổ tóc nhiều lần, người bệnh còn có các dấu hiệu:
- Cảm thấy căng thẳng trước khi nhổ tóc hoặc đã cố gắng chống lại sự thôi thúc nhổ tóc.
- Cảm thấy nhẹ nhõm, thỏa mãn sau khi nhổ tóc.
- Đang phiền muộn về công việc hoặc các mối quan hệ xã hội trong khoảng thời gian nhổ tóc.
- Các mảng da đầu trọc hoặc mất lông mày, lông mi do nhổ.
- Thường có các hành vi như sờ vùng chân tóc, xoắn tóc, kéo sợi tóc giữa các kẽ răng, nhai tóc hoặc ăn tóc.
Những người mắc chứng này thường cố gắng che giấu vấn đề của mình. Họ có thể đội nón, mang khăn quàng cổ, dùng lông mi giả và lông mày giả.
4. Nguyên nhân gây ra rối loạn cào da, bứt tóc là gì?
Hiện tại, nguyên nhân chính xác cho các dạng rối loạn này chưa được xác định. Nó có thể là bất thường trong con đường thần kinh kết nối các vùng điều tiết cảm xúc, vận động, hình thành thói quen và kiểm soát xung lực.
Các chuyên gia nhận thấy rối loạn cào da bứt tóc có mối liên quan đến di truyền. Tỉ lệ mắc bệnh cao hơn ở những người có người thân mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu hay rối loạn cảm xúc. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác ảnh hưởng đến quá trình phát triển bệnh. Đó là cá tính riêng, sự căng thẳng gặp phải cũng như tuổi tác.
Những rối loạn này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất ở tuổi dậy thì. Thời điểm này tương ứng với sự bắt đầu các bệnh về da như mụn trứng cá. Đây cũng là lúc con người dễ nhạy cảm, thường gặp các vấn đề tâm sinh lý. Những điều kiện này khơi gợi những hành vi gãi nặn da hay bứt tóc. Nó giúp người bệnh tránh né hoặc giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống.
5. Sự tác động đến người bệnh:
Rối loạn cào da bứt tóc là một tình trạng mãn tính. Tác động của nó đối với cuộc sống mỗi người tùy thuộc mức độ bệnh.
Người bệnh thường dành hàng giờ mỗi ngày nghĩ về việc gãi nặn da hay bứt tóc. Họ cố gắng chống lại sự thôi thúc hành động này nhưng thất bại. Vì vậy, những người này thường trải qua cảm giác lo lắng, bối rối, xấu hổ. Họ rất sợ bị phát hiện, nên thường cố che phủ vùng da tổn thương bằng quần áo, trang điểm. Họ cũng né tránh các hoạt động xã hội như đến hồ bơi, phòng tập thể dục, bãi biển. Người bệnh thường không đi khám cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Họ còn gặp phải những trở ngại trong tương tác xã hội hằng ngày. Các mối quan hệ gia đình, bạn bè xung quanh có thể trở nên tệ đi.
Những di chứng về cảm xúc này dẫn đến sự cô lập, đau khổ. Điều này dẫn đến nguy cơ mắc rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc, lo âu.
Bên cạnh đó, người bệnh còn chịu đựng những biến chứng y khoa khác. Nhiễm trùng, tổn thương da và mất tóc vĩnh viễn là những hậu quả đáng kể. Những vết thương không lành được, bị đổi màu da, sẹo hoặc biến dạng và suy yếu chức năng da.
6. Cách chẩn đoán chứng rối loạn cào da bứt tóc:
Rối loạn cào da bứt tóc thường diễn tiến từ một thói quen của cơ thể. Những hành vi trở nên thái quá, gây hậu quả nghiêm trọng và cần được điều trị. Chẩn đoán được đưa ra dựa vào các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh.
Điều quan trọng của việc chấn đoán là phải xem xét liệu hành vi đó có nằm trong các rối loạn khác hay không. Ví dụ như hành vi cào gãi da có thể thuộc rối loạn da liễu, rối loạn tự miễn, rối loạn dị dạng cơ thể. Nó cũng có thể thuộc rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lạm dụng chất, rối loạn phổ tự kỷ hay các rối loạn tâm thần khác. Vì vậy, việc đánh giá toàn diện và chẩn đoán chính xác là vô cùng quan trọng.
Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần DSM-5, để chẩn đoán các rối loạn cào da bứt tóc cần dựa vào các tiêu chí sau:
- Những hành động cào da, bứt tóc lặp đi lặp lại gây tổn thương vùng da bị tác động.
- Người bệnh nhiều lần cố gắng tự dừng hành động lại nhưng không được.
- Hành động gây ra sự lo âu nghiêm trọng. Người bệnh cảm giác mất tự chủ, bối rối, xấu hổ, né tránh xã hội.
- Các hành vi không phải do các sản phẩm hóa học (mỹ phẩm), thuốc hoặc bệnh da liễu.
- Các triệu chứng không được giải thích tốt hơn bởi một rối loạn tâm thần khác.
7. Rối loạn cào da bứt tóc có cách điều trị không?
Điều trị rối loạn cào da, bứt tóc dựa vào mức độ triệu chứng cũng như bệnh đi kèm. Có 2 hình thức điều trị chính là bằng liệu pháp hoặc bằng thuốc.
Liệu pháp nhận thức hành vi
Hình thức trị liệu thường được sử dụng nhất là hướng dẫn “Đảo ngược thói quen”. Chúng ta có thể hình dung dễ hiểu là thay đổi thói quen này bằng thói quen khác. Các chuyên gia sẽ giúp người bệnh xác định những yếu tố khơi gợi hành vi lặp lại. Từ đó, họ sẽ đưa ra các hành động giúp bạn thay thế việc cào cấu da hay bứt lông tóc. Ví dụ bạn có thể bóp 1 quả bóng cao su. Điều này giúp bạn giải tỏa căng thẳng và tay cũng bận rộn để “quên” đi hành vi tổn thương da.
Một hình thức trị liệu khác cũng được dùng là “Kiểm soát kích thích”. Liệu pháp này giúp thay đổi môi trường để hạn chế việc gãi da hay bứt tóc. Người bệnh có thể đeo găng tay hoặc dùng băng keo cá nhân. Điều này giúp giảm cảm giác sờ chạm, từ đó giảm kích thích gãi da. Bạn cũng có thể cất gương để hạn chế thấy mụn, sẹo là những thứ khơi gợi việc nặn gãi.
Thuốc
Bên cạnh liệu pháp trị liệu, đôi lúc người bệnh cần dùng thuốc cho các tình trạng đi kèm theo hoặc bệnh nền. Thuốc có thể giúp giảm trầm cảm và các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Một loại thuốc thường được dùng trong trường hợp này là SSRI (ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc). Thuốc này giúp kiềm chế sự thôi thúc cào da, bứt tóc khi người bệnh không tự dừng được.
Một số thuốc chống loạn thần không điển hình có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với SSRI để làm giảm triệu chứng bệnh.
8. Phòng ngừa chứng rối loạn này như thế nào?
Hiện nay không có biện pháp nào được chứng minh để ngăn ngừa rối loạn cào da bứt tóc. Tuy nhiên, phát hiện và điều trị sớm ở thời gian đầu sẽ giúp quá trình hồi phục tốt hơn.
Bên cạnh đó, căng thẳng thường là nguyên nhân kích hoạt các hành vi rối loạn này. Vì vậy, học cách đối mặt và giải tỏa căng thẳng sẽ có lợi cho sức khỏe tâm thần của mỗi người.
Có thể thấy, rối loạn cào da bứt tóc gây nhiều trở ngại trong đời sống hằng ngày. Tâm lý ngại ngùng khiến người bệnh thường che giấu và để bệnh tình trầm trọng hơn. Hãy tìm đến chuyên gia sức khỏe tâm thần khi bạn hay người thân có các triệu chứng nghi ngờ. Phát hiện bệnh sớm, điều trị ngay và xây dựng thói quen tốt để có cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa.
Từ khóa » Cách Bứt Tóc
-
Cách Giật Tóc Kêu - Mẹo Giúp Thoải Mái, Giảm đau đầu Hiệu Quả!
-
Hướng Dẫn Cách Giật Tóc Khi Gọi đầu Cho Khách! - YouTube
-
Cách Giật Tóc 2 - YouTube
-
Nguyên Nhân Bệnh Hội Chứng Nghiện Giật Tóc - Vinmec
-
Những điều Bạn Nên Biết Về Hội Chứng Nghiện Bứt Tóc - Hello Bacsi
-
Dùng Cách Giật Tóc Chữa đau Nửa đầu Liệu Có Hiệu Quả? - OTiV
-
Trichotillomania - Rối Loạn Tâm Thần - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Cách Bứt Tốc Trong Bóng đá
-
Cách Nhổ Tóc Kêu (giống ở Hàng Gọi đầu),bố/mẹ Nào Biết???
-
TP.HCM: Bác Sĩ Tâm Thần Cảnh Báo Hành Vi Trẻ Tự ăn Tóc
-
Vì Sao Nhiều Người Nghiện Bứt Tóc, ăn Tóc? - Báo Thanh Niên
-
Mẹo Chữa đau đầu Bằng Giật Tóc
-
Bệnh Nghiện Nhổ Tóc - Căn Bệnh Tuy Lạ Mà Không Lạ - YouMed
-
Hội Chứng Nghiện Giật Tóc Là Bệnh Gì?