Bạn Biết Gì Về Giác Hơi?

Giác hơi được coi là một liệu pháp điều trị thay thế, trong đó, những chiếc cốc giác hơi sẽ được đặt lên trên da để tạo ra lực hút. Cốc giác hơi có thể được làm từ nhiều loại nguyên liệu như thủy tinh, tre hoặc bằng đất nung.

Những người ủng hộ liệu pháp giác hơi cho rằng, lực hút của cốc giác hơi có thể kích thích lưu lượng máu, từ đó có thể chữa khỏi rất nhiều chứng bệnh khác nhau.

Giác hơi đã được sử dụng như một phương pháp điều trị từ thời Ai Cập cổ đại, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và các quốc gia Trung Đông. Một trong số những sách y khoa lâu đời nhất trên thế giới “The Ebers Papyrus” đã miêu tả cách người Ai Cập cổ đại sử dụng liệu pháp giác hơi từ những năm 1550 trước công nguyên.

Nhìn chung, y học phương Tây còn đang nghi ngờ về những tác dụng sức khỏe do những người ủng hộ biện pháp giác hơi đưa ra. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho rằng “ Những bằng chứng khoa học ngày nay chưa chứng minh được giác hơi có khả năng chữa khỏi ung thư hay bất cứ bệnh nào khác. Các nghiên cứu về việc điều trị thành công bằng giác hơi chủ yếu là các giai thoại hơn là từ các nghiên cứu khoa học.”

Nhưng một nghiên cứu năm 2012 được xuất bản trên tạp chí PloS ONE cho thấy, liệu pháp giác hơi có thể có tác dụng nhiều hơn là hiệu ứng giả dược. Các nhà nghiên cứu Australia và Trung Quốc đã tổng hợp kết quả của 135 nghiên cứu về giác hơi được xuất bản từ năm 1992 đến 2010. Họ đã đi đến kết luận rằng liệu pháp giác hơi có thể có hiệu quả khi được phối hợp với các liệu pháp điều trị khác như châm cứu hoặc dùng thuốc trong điều trị với một số bệnh hoặc tình trạng như: zona thần kinh, trị mụn trứng cá, liệt thần kinh mặt hoặc thoái hóa đốt sống cổ. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng, rất nhiều trong số các nghiên cứu đó có thể có chứa sai số. Họ cho rằng những nghiên cứu có chất lượng tốt hơn nên được tiến hành để đưa ra được kết luận cuối cùng.

Các loại giác hơi

Có rất nhiều loại giác hơi, bao gồm:

  • Giác hơi khô (chỉ tạo ra lực hút)
  • Giác hơi ướt (phối hợp giữa lực hút và các loại thuốc kiểm soát chảy máu)

Trong cả 2 loại giác hơi, một chất dễ cháy như cồn, thảo mộc hoặc giấy sẽ được đặt trong cốc và bật lửa lên. Khi ngọn lửa bùng lên đủ để làm không khí trong cốc nóng lên thì cốc giác hơi sẽ nhanh chóng được đặt úp trên da của người bệnh. Khi không khí bên trong cốc lạnh đi, nó sẽ tạo ra một khoảng chân không. Khoảng chân không này làm cho da căng và đỏ lên vì mạch máu được mở rộng. Các cốc giác hơi thường được đặt trên da từ 5-10 phút.

Những phương pháp giác hơi hiện đại hơn sử dụng một máy bơm cao su để tạo ra môi trường chân không bên trong cốc giác hơi. Đôi khi, những người hành nghề còn sử dụng cốc silicon y tế. Loại cốc này đủ mềm dẻo để có thể di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác trên da và tạo ra một hiệu ứng giống như mát xa.

Trong liệu pháp giác hơi ướt, lực hút nhẹ sẽ được tạo ra bằng việc dùng cốc giác hơi. Cốc sẽ được đặt trên da trong khoảng 3 phút. Sau đó, người hành nghề sẽ bỏ cốc ra và dùng một còn dao mổ nhỏ để tạo ra những vết cắt trên bề mặt da. Sau đó, sẽ tiến hành lần giác hơi thứ 2 để có thể hút ra một lượng máu nhỏ. Sau quy trình này, vùng được giác hơi sẽ được bôi thuốc kháng sinh dạng mỡ và được băng lại để đề phòng nhiễm trùng. Da sẽ lành lại trong vòng 10 ngày.

Những người ủng hộ phương pháp giác hơi cho rằng liệu pháp giác hơi ướt có thể loại bỏ các chất gây hại và độc tố ra khỏi cơ thể để khỏi bệnh nhanh hơn.

Lợi ích của giác hơi

Hiệp hội giác hơi Anh nói rằng, giác hơi có thể điều trị rất nhiều tình trạng bệnh. Điều này chưa được chứng minh bằng nghiên cứu nhưng tổ chức này cho rằng, giác hơi có thể được dùng để điều trị:

  • Các rối loạn về máu như thiếu máu hoặc rối loạn đông máu
  • Các bệnh về khớp như viêm khớp và đau cơ xơ hóa.
  • Các khó chịu khi mang thai và các rối loạn phụ khoa
  • Các vấn đề về da như eczema và mụn
  • Tăng huyết áp
  • Đau nửa đầu
  • Lo âu và trầm cảm
  • Tắc phế quản do dị ứng và hen suyễn
  • Suy tĩnh mạch

Những người ủng hộ này còn cho rằng, giác hơi có thể làm giảm đau và viêm trên toàn cơ thể. Họ cũng cho rằng giác hơi có thể cải thiện sức khỏe tinh thần, thư giãn thể chất.

Các tác dụng không mong muốn của giác hơi

Giác hơi được cho là khá an toàn, đặc biệt là khi được thực hiện bởi những nhân viên y tế được đào tạo. Những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra bao gồm:

  • Cảm giác không thoải mái hoặc đau nhẹ
  • Bỏng
  • Bầm tím
  • Viêm da

Theo Hiệp hội giác hơi Anh, những nhóm người sau đây nên tránh giác hơi:

  • Phụ nữ mang thai hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt
  • Những người bị ung thư di căn
  • Những người bị gãy xương hoặc hay bị chuột rút

Hiệp hội này cũng cho rằng, giác hơi không nên được dùng ở những vùng cơ thể bị:

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu
  • Có vết loét
  • Có động mạch
  • Có mạch có thể cảm nhận bằng tay được

Theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, một vấn đề thường có liên quan với việc giác hơi đó là bệnh nhân thường bỏ qua những cách điều trị khác. Việc chỉ phụ thuộc vào giác hơi và tránh tất cả các biện pháp chăm sóc y khoa khác khi bị ung thư có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí làm giảm thời gian sống của bệnh nhân.

Các nhân viên y tế đôi khi cũng nhầm lẫn những dấu vết để lại do giác hơi là dấu vết của việc bị lạm dụng thể xác.

Cũng như nhiều liệu pháp thay thế thuốc khác, giác hơi không được nghiên cứu một cách đầy đủ. Các nghiên cứu về giác hơi thường là nghiên cứu nhỏ và được thiết kế khá đơn giản. Nhiều nghiên cứu hơn nữa cần được tiến hành để khẳng định hoặc bác bỏ các tác dụng do giác hơi mang lại.

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ WebMdViện y học ứng dụng Việt Nam

Từ khóa » Giác Hơi Có Tốt Hay Không