Bạn Biết Gì Về Hormone Sinh Dục Nữ? - Hello Bacsi

Hormone sinh dục nữ hay nội tiết tố nữ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển khả năng sinh dục, sinh sản và sức khỏe phụ nữ nói chung. Nồng độ hormone sinh dục thay đổi theo thời gian và thay đổi nhiều nhất trong giai đoạn dậy thì, mang thai và mãn kinh.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các loại hormone sinh dục nữ (hay hoocmon sinh dục nữ) khác nhau và vai trò của chúng trong cơ thể theo từng giai đoạn nhé.

Hormone sinh dục là gì?

Hormone là các chất do tuyến nội tiết sản sinh và đi vào máu. Hormone giúp điều hòa nhiều quá trình của cơ thể như ăn, ngủ và sự tăng trưởng của cơ thể.

Hormone sinh dục là những chất đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển và sinh sản. Các tuyến chính sản xuất ra hormone sinh dục là tuyến sinh dục, bao gồm buồng trứng ở nữ và tinh hoàn ở nam.

Hormone sinh dục cũng rất quan trọng đối với các chức năng của cơ thể cũng như sức khỏe con người. Ở cả nam và nữ, hormone sinh dục đều có tác động đến:

  • Dậy thì và phát triển sinh dục
  • Sinh sản
  • Ham muốn tình dục
  • Điều hòa sự phát triển của xương và cơ bắp
  • Điều chỉnh nồng độ cholesterol
  • Thúc đẩy sự tăng trưởng của tóc
  • Phân phối mỡ trong cơ thể.

Nồng độ hormone sinh dục luôn thay đổi trong suốt cuộc đời của một người. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone nữ bao gồm:

  • Tuổi tác
  • Kinh nguyệt
  • Mang thai
  • Mãn kinh
  • Stress
  • Thuốc
  • Môi trường

Mất cân bằng hormone sinh dục có thể dẫn đến những thay đổi về ham muốn tình dục và các vấn đề sức khỏe như rụng tóc, loãng xương và vô sinh.

Đó là những kiến thức cơ bản trả lời cho thắc mắc hormone nữ là gì. Tiếp theo, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu xem hoocmon sinh dục nữ tiết ra từ đâu và khi nào hoocmon nữ tăng cao nhé.

Phân loại hormone sinh dục nữ

hormone sinh dục nữ

Nhiều chị em băn khoăn hormone sinh dục nữ do bộ phận nào tiết ra và có vai trò cụ thể như thế nào? Bạn có biết ở nữ giới, buồng trứng là nơi sản xuất ra hormone sinh dục, bao gồm estrogen, progesterone và một lượng nhỏ testosterone.

Estrogen

Estrogen có lẽ là hormone nữ được biết đến nhiều nhất.

Mặc dù phần lớn nơi sản xuất ra estrogen là ở buồng trứng, nhưng tuyến thượng thận và các tế bào mỡ cũng tạo ra một lượng nhỏ estrogen. Khi một người đến tuổi dậy thì, estrogen có vai trò quan trọng trong sự phát triển sinh sản và sinh dục.

Progesterone

Buồng trứng, tuyến thượng thận và nhau thai là nơi sản xuất hormone progesterone. Nồng độ progesterone tăng trong giai đoạn sau của chu kỳ kinh nguyệtvà mang thai.

Progesterone giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt và giúp cơ thể có sự chuẩn bị trước khi mang thai. Nồng độ hormone progesterone thấp có thể gây rối loạn kinh nguyệt, khó thụ thai và có nguy cơ biến chứng thai kỳ cao.

Testosterone

Mặc dù testosterone là hormone sinh dục ở nam giới, tuy nhiên nó cũng có một ít ở phụ nữ.

Ở nữ giới, testosterone ảnh hưởng đến:

  • Khả năng sinh sản
  • Ham muốn tình dục
  • Kinh nguyệt
  • Khối lượng mô và xương
  • Sự sản xuất hồng cầu.

Hormone sinh dục nữ ở tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì thường bắt đầu từ 10 – 13 tuổi và kết thúc lúc khoảng 14 – 15 tuổi.

Ở tuổi dậy thì, tuyến yên sẽ sản xuất ra một lượng lớn hormone kích thích nang noãn  (FSH) và hormone hoàng thể hoá  (LH) giúp kích thích sản xuất ra estrogen và progesterone.

Nồng độ estrogen và progesterone tăng sẽ dẫn đến sự phát triển của các thay đổi của cơ thể, bao gồm:

  • Phát triển vú
  • Mọc lông ở nách, chân và bộ phận sinh dục
  • Tăng chiều cao
  • Tích tụ mỡ ở hông, mông và đùi
  • Mở rộng xương chậu và hông
  • Da đổ nhiều dầu hơn.

Hormone sinh dục nữ trong chu kỳ kinh nguyệt

hormone sinh dục nữ tạo kinh nguyệt

Kinh nguyệt có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở nữ giới trong giai đoạn từ 8 – 15 tuổi.

Nhiều người có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn cho đến khi mãn kinh. Chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài khoảng 28 ngày nhưng cũng có thể dao động trong khoảng từ 24 – 38 ngày. Chu kỳ kinh nguyệt xảy ra theo ba giai đoạn tương ứng với sự thay đổi của các nội tiết tố trong cơ thể:

Giai đoạn trước rụng trứng

Ở giai đoạn này, tuyến yên cũng giải phóng FSH và LH, làm tăng nồng độ estrogen và kích thích sự phát triển của nang trứng trong buồng trứng.

Sự gia tăng hormone sinh dục nữ estrogen sẽ kích thích giải phóng endorphin làm tăng mức năng lượng và cải thiện tâm trạng. Đồng thời tác động lên tử cung và làm dày lên lớp nội mạc tử cung.

Giai đoạn rụng trứng

Trong giai đoạn rụng trứng, nồng độ estrogen và hormone LH trong cơ thể đạt đến cao nhất, khiến một nang trứng vỡ ra và giải phóng trứng ra khỏi buồng trứng.

Một quả trứng có thể tồn tại trong khoảng 12 – 24 giờ sau khi rời buồng trứng. Sự thụ tinh của trứng sẽ xảy ra trong thời gian này.

Giai đoạn sau rụng trứng

Trong giai đoạn này, trứng di chuyển từ buồng trứng đến vòi tử cung và nằm tại đó (phần bóng của vòi tử cung), chờ tinh trùng di chuyển tới để thụ tinh. Phần còn lại của nang trứng sẽ hình thành hoàng thể và giải phóng progesterone.

Khi trứng không được thụ tinh sẽ khiến nồng độ hormone sinh dục nữ estrogen và progesterone giảm và đánh dấu sự khởi đầu của kinh nguyệt.

Cuối cùng, trứng không thụ tinh và các niêm mạc tử cung bong ra đi khỏi cơ thể cùng với máu và kinh nguyệt.

Hormone sinh dục nữ trong thời kỳ mang thai

hormone sinh dục nữ thời kỳ mang thai

Thai kỳ bắt đầu khi trứng được thụ tinh và làm tổ trong buồng tử cung. Sau đó, nhau thai bắt đầu phát triển và cơ thể sẽ sản xuất ra một số hormone, bao gồm progesterone, relaxin và HCG (Human Chorionic Gonadotrophin).

Hormone relaxin ngăn ngừa các cơn co thắt trong tử cung giúp thư giãn dây chằng và gân trong khung chậu.

Nồng độ HCG cao trong cơ thể sẽ kích thích sản xuất thêm hormone sinh dục nữ estrogen và progesterone. Sự gia tăng các hormone này dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, nôn và đi tiểu thường xuyên hơn.

Nồng độ estrogen và progesterone tiếp tục tăng trong tháng thứ hai và thứ ba của thai kỳ. Các tế bào máu trong nhau thai sẽ bắt đầu sản xuất một loại hormone có tên là HPL (Human Placetal Lactogen). HPL điều chỉnh sự trao đổi chất của phụ nữ giúp nuôi dưỡng thai nhi đang phát triển.

Nồng độ các hormone sẽ suy giảm khi thai kỳ kết thúc và dần trở lại bình thường sau đó. Khi cho con bú có thể làm giảm nồng độ hormone sinh dục nữ estrogen trong cơ thể.

Hormone sinh dục nữ ở thời kỳ mãn kinh

hormone sinh dục nữ giai đoạn mãn kinh

Mãn kinh xảy ra khi người phụ nữ ngừng có kinh nguyệt và không còn khả năng mang thai. Độ tuổi trung bình của phụ nữ mãn kinh là 52 tuổi.

Trước khi bước vào thời kì mãn kinh, phụ nữ sẽ trải qua thời kỳ tiền mãn kinh. Ở thời kỳ này, nồng độ của hormone sinh dục nữ trong cơ thể thay đổi rất nhiều và gây ra một loạt các triệu chứng:

  • Kinh nguyệt không đều
  • Nóng bừng
  • Khó ngủ
  • Thay đổi tâm trạng
  • Khô âm đạo

Tiền mãn kinh thường kéo dài khoảng 4 năm nhưng cũng có thể kéo dài từ 2 – 8 năm.

Sau khi mãn kinh, buồng trứng sẽ chỉ sản xuất một lượng hormone sinh dục nữ estrogen và progesterone rất nhỏ.

Nồng độ estrogen thấp hơn có thể làm giảm ham muốn tình dục và giảm mật độ xương dẫn đến chứng loãng xương. Những thay đổi của nội tiết tố nữ này cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Ham muốn tình dục và sự hưng phấn

Estrogen, progesterone và testosterone đều ảnh hưởng đến ham muốn tình dục và sự hưng phấn. Nồng độ hormone sinh dục nữ estrogen cao trong cơ thể sẽ gia tăng ham muốn tình dục. Ngược lại, nồng độ progesterone cao sẽ làm giảm ham muốn tình dục.

Nồng độ testosterone thấp cũng có thể dẫn đến giảm ham muốn tình dục ở một số phụ nữ.

Liệu pháp testosterone có thể tăng cường tác dụng của estrogen. Dù vậy, liệu pháp testosterone chỉ thích hợp cho những người bị thiếu hụt testosterone do không sản xuất được testosterone hoặc chỉ sản xuất rất ít. Vì liệu pháp này cũng có các tác dụng không mong muốn.

Mất cân bằng hormone sinh dục nữ

mất cân bằng hormone sinh dục nữ

Sự cân bằng các nội tiết tố rất quan trọng đối với sức khỏe. Mặc dù nồng độ hormone sinh dục nữ trong cơ thể dao động thường xuyên, tuy nhiên, sự mất cân bằng hormone trong thời gian dài có thể dẫn đến một số triệu chứng:

  • Kinh nguyệt không đều
  • Tăng cân và giảm cân bất thường
  • Mụn trứng cá
  • Khô âm đạo
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Gặp các vấn đề về dạ dày và ruột
  • Nóng bừng
  • Mệt mỏi
  • Cáu gắt
  • Lo lắng, phiền muộn
  • Khó ngủ

Mất cân bằng nội tiết tố nữ có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe xấu. Ngoài ra, cũng có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc. Vì vậy, bạn hãy tìm đến bác sĩ khi nhận thấy cơ thể đang có những triệu chứng của mất cân bằng nội tiết tố.

Một số nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố ở nữ là:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Suy buồng trứng nguyên phát
  • Sử dụng liệu pháp thay thế hormone
  • Dùng thuốc tránh thai
  • Béo phì
  • Ung thư buồng trứng
  • Stress…

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn toàn diện hơn về hormone sinh dục nữ (hay nội tiết tố nữ là gì) và vai trò của nội tiết tố đối với sự phát triển của phụ nữ qua từng giai đoạn. Từ đó, bạn có thể có sự chuẩn bị tốt hơn cho mình trong các giai đoạn quan trọng này nhé.

[embed-health-tool-ovulation]

Từ khóa » Nơi Sản Sinh Estrogen