Bạn Biết Gì Về Thuốc Kháng Sinh Ciprobay (ciprofloxacin)? - YouMed

Nội dung bài viết

  • Ciprobay (ciprofloxacin) là thuốc gì?
  • Chỉ định thuốc Ciprobay (ciprofloxacin)
  • Hướng dẫn sử dụng Ciprobay (ciprofloxacin)
  • Tác dụng phụ của thuốc Ciprobay (ciprofloxacin)
  • Tương tác thuốc với Ciprobay (ciprofloxacin)
  • Điều kiện bảo quản thuốc
  • Thuốc kháng sinh Ciprobay giá bao nhiêu?

Ciprobay (ciprofloxacin) là một kháng sinh thuộc nhóm quinolon. Thuốc có tác dụng trong nhiều trường hợp nhiễm trùng. Nhưng có phải trường hợp nào cũng có thể dùng thuốc không? Tác dụng phụ của thuốc là gì? Sử dụng thuốc như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Dược sĩ Trịnh Anh Thoa.

Thành phần hoạt chất chính: ciprofloxacin.

Thuốc chứa thành phần tương tự: Cinfax, Tilcipro, Cipchem.

Ciprobay (ciprofloxacin) là thuốc gì?

Ciprofloxacin thuộc nhóm quinolon, nhóm kháng sinh có phổ rộng tác động được trên cả vi khuẩn gram âm và gram dương. Hoạt chất này ức chế các enzyme cần thiết cho quá trình tổng hợp gen của vi khuẩn, nên có tác dụng diệt khuẩn.

Ciprobay có 3 hàm lượng là 250, 500, 750 mg.

thuốc ciprobay
Thuốc kháng sinh Ciprobay (ciprofloxacin) 500 mg

Chỉ định thuốc Ciprobay (ciprofloxacin)

Kháng sinh Ciprobay được dùng để điều trị những trường hợp nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm với ciprofloxacin. Chỉ định kháng sinh thường dựa theo kết quả kháng sinh đồ hoặc theo kinh nghiệm điều trị. Những vi khuẩn nhạy với ciprofloxacin thường gây bệnh:

  • Bệnh thận.
  • Da và mô mềm.
  • Xương và khớp.
  • Cơ quan sinh dục.
  • Nhiễm trùng huyết.
  • Bệnh nhiễm trùng ở mắt.
  • Đường tiêu hóa hoặc đường mật.
  • Nhiễm trùng ở thận, đường tiết niệu.
  • Đường hô hấp như bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, viêm mũi xoang.
  • Dự phòng nhiễm trùng ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng xâm lấn ở một số vi khuẩn như Neisseria meningitidis.

Ciprobay (ciprofloxacin) không phải kháng sinh lựa chọn đầu tiên cho trẻ em, chỉ dùng khi nhiễm trùng bị biến chứng hoặc nhiễm trùng đặc thù với một số vi khuẩn gây bệnh.

Thuốc không khuyến cáo sử dụng cho đối tượng này do tác dụng phụ liên quan tới xương khớp và mô. Các trường hợp sử dụng ciprofloxacin ở trẻ em:

  • Nhiễm trùng tiết niệu có biến chứng và viêm thận – bể thận co E.coli (1 – 17 tuổi).
  • Viêm phổi cấp nặng do xơ nang kèm với nhiễm trực khuẩn mủ xanh (5 – 17 tuổi).

Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích và tác dụng phụ khi chỉ định điều trị Ciprobay cho trẻ em. Thuốc Ciprobay không nên dùng thuốc cho phụ nữ có thai và con bú.

Hướng dẫn sử dụng Ciprobay (ciprofloxacin)

Tùy theo loại bệnh, mức độ nhiễm, và độ tuổi mà bác sĩ sẽ có chỉ định liều sử dụng khác nhau.

1. Liều khuyến cáo của Ciprobay đường uống trên bệnh nhân người lớn

Chỉ định Liều mỗi ngày của Ciprobay
Nhiễm trùng hô hấp (tùy mức độ nặng nhẹ và vi khuẩn gây bệnh). 500 – 750 mg x 2 lần/ngày.
Nhiễm trùng tiết niệu:

  • Cấp, không biến chứng.
  • Viêm bàng quang ở phụ nữ (tiền mãn kinh).
  • Có biến chứng.
  • 250 – 500 mg x 2 lần/ngày.
  • Liều duy nhất 500 mg.
  • 500 – 750mg x 2 lần/ngày.
Nhiễm trùng đường sinh dục:

  • Lậu chưa có biến chứng.
  • Viêm phần phụ, viêm tuyến tiền liệt, viêm mào tinh hoàn – tinh hoàn.
  • 500 mg x 1 lần/ngày.
  • 500 – 750 mg x 2 lần/ngày.
Tiêu chảy do Salmonella spp., Shigella spp., Vibero spp. 500 mg x 2 lần/ngày.
Nhiễm trùng nghiêm trọng:

  • Nhiễm trùng tái phát trong bệnh xơ nang (cystic fibrosis).
  • Ở xương và khớp.
  • Nhiễm trùng huyết.
  • Viêm phúc mạc.
750 mg x 2 lần/ngày.
Bệnh than. 500 mg x 2 lần/ngày.
Dự phòng nhiễm trùng xâm lấn do Neisseria meningitidis 500 mg x 1 lần/ngày.

2. Liều khuyến cáo của Ciprobay đối với trẻ em

Chỉ định Liều mỗi ngày của Ciprobay
Các nhiễm trùng trong bệnh xơ nang. 20 mg/kg thể trọng x 2 lần/ngày (tối đa 750 mg/liều).
Nhiễm trùng đường tiểu có biến chứng và viêm thận, bể thận. 10 – 20 mg/kg thể trọng x 2 lần/ngày (tối đa 750 mg/liều).

Hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận.

Cách dùng thuốc: Thuốc có thể uống lúc đói hay lúc no đều được. Không uống chung thuốc với bơ sữa hoặc các loại nước ép.

Bạn nên tránh sử dụng nếu mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc.

Tác dụng phụ của thuốc Ciprobay (ciprofloxacin)

1. Rối loạn tim mạch

Ciprobay có thể gây kéo dài khoảng QT. Do đó bạn cần thận trọng khi sử dụng Ciprobay cùng với những loại thuốc cóthể làm kéo dài khoảng QT (ví dụ như các thuốc chống loạn nhịp tim loại IA hoặc loại III, các thuốc chống trầm cảm ba vòng, các kháng sinh macrolid, các thuốc chống loạn thần).

Hoặc trên những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ của việc kéo dài khoảng QT hoặc gây xoắn đỉnh (ví dụ như hội chứng khoảng QT dài bẩm sinh, giảm kali máu hoặc hạ magnesi máu, suy tim, nhồi máu cơ tim hoặc nhịp tim chậm).

2. Hệ tiêu hóa

Thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn, ngon miệng khi ăn, buồn nôn, tiêu chảy. Đối với những trường hợp bị tiêu chảy nặng hoặc kéo dài cần tham khảo bác sĩ. Chống chỉ định dùng những thuốc ức chế nhu động ruột trong trường hợp này.

3. Hệ gan mật

Nếu có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào của bệnh gan (như chán ăn, vàng da, nước tiểu sẫm màu, ngứa hoặc căng chướng bụng), cần phải ngừng thuốc đặc biệt trên các bệnh nhân có tổn thương gan trước đó.

4. Hệ cơ xương

Bạn cần sử dụng thận trọng Ciprobay trên các bệnh nhân bị bệnh nhược cơ, do các triệu chứng có thể trầm trọng hơn. Viêm gân và đứt gân có thể xảy ra khi dùng Ciprobay. Nguy cơ bệnh lý về gân có thể tăng lên ở người cao tuổi hoặc trên bệnh nhân điều trị đồng thời với các corticosteroid.

Nếu có bất cứ dấu hiệu nào của viêm gân (ví dụ sưng đau, viêm) nên ngưng sử dụng thuốc và tham khảo bác sĩ.

5. Hệ thần kinh

Ciprobay có thể khởi phát cơn co giật. Ở những bệnh nhân động kinh và rối loạn thần kinh trung ương trước đó (ví dụ ngưỡng động kinh thấp, tiền căn động kinh, giảm lưu lượng máu não, cấu trúc não bị tổn thương hoặc đột quị), cân nhắc giữa tác dụng của thuốc và nguy cơ trước khi sử dụng Ciprobay.

Một số tác dụng phụ hiếm gặp như trầm cảm hoặc các phản ứng loạn thần, ý nghĩ tự sát và hành vi tự gây nguy hiểm cho bản thân. Cần ngưng ngay Ciprobay và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.

Bệnh lý đa dây thần kinh cảm giác hoặc cảm giác vận động dẫn tới dị cảm, giảm cảm giác, loạn cảm hoặc yếu cơ trên các bệnh nhân dùng Ciprobay. Nếu xuất hiện các triệu chứng bệnh thần kinh như đau, cảm giác bỏng rát, đau nhói, tê hay yếu cơ cần báo ngay cho bác sĩ biết.

6. Da

Bạn có thể bị phát ban, ngứa, nổi mề đay, phản ứng nhạy cảm với ánh sáng. Bệnh nhân nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hoặc tia cực tím quá nhiều. Ngưng iều trị nếu có hiện tượng nhạy cảm ánh sáng (ví dụ phản ứng da giống như phỏng).

Trong quá trình dùng thuốc nếu thấy bất cứ tác dụng không mong muốn nào cần báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Tương tác thuốc với Ciprobay (ciprofloxacin)

  • Probenecid.
  • Metoclopramid.
  • Omeprazol.
  • Tizanidin.
  • Theophyllin.
  • Phenytoin.
  • Methotrexat.
  • NSAID.
  • Cyclosporin.
  • Warfarin, acenocoumarol, fluindion.
  • Duloxetin.
  • Một số thuốc chống lọan nhịp.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng.
  • Kháng sinh macrolid.
  • Thuốc chống loạn thần.
  • Các thuốc điều trị đái tháo đường dùng đường uống. Glibenclamid, glimepirid.
  • Calcium, magnesium, nhôm, sắt, sucralfat, antacids (khi dùng đồng thời nên uống Ciprobay trước 1-2 giờ hoặc uống sau các thuốc trên ít nhất 4 giờ).

Điều kiện bảo quản thuốc

Để nơi khô ráo tránh ánh sáng trực tiếp ở nhiệt độ phòng.

Thuốc kháng sinh Ciprobay giá bao nhiêu?

Giá bán tại nhà thuốc vào khoảng 15.300 đồng/viên. (Giá có thể thay đổi tùy thuộc thời điểm)

Kháng sinh Ciprobay (ciprofloxacin) có phổ tác dụng rộng, điều trị nhiều loại bệnh nhiễm khuẩn ở nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên thuốc cũng gây ra nhiều tác dụng phụ cho người sử dụng. Bạn không nên tự ý mua thuốc mà cần khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán điều trị chính xác.

Từ khóa » Kháng Sinh Ciprobay Truyền