Bạn Biết Gì Về Vua Louis XIV, ông Hoàng Mặt Trời Làm Nên Ngành ...

Bức họa vua Louis XIV (14) khi còn trẻ

Thuở xa xưa, vào thế kỷ 17 tại vương quốc Pháp, hoàng hậu Anne và vua Louis XIII mãi chẳng có nổi một mụn con. Phải đến 23 năm trời, hoàng hậu mới sinh hạ được một hoàng tử. Thần dân trong vương triều xem đó là món quà quý báu mà Chúa Trời ban tặng. Vì thế, vị hoàng tử ấy ngoài tên hiệu Louis XIV, hay Louis Đại Đế, còn được gọi là Louis-Dieudonné (Louis Chúa ban).

Có một tên hiệu khác của vua Louis 14 vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Tương truyền rằng, lúc sinh thời, ông rất thích được gọi là “Vua Mặt Trời”. Tên gọi này bắt nguồn từ vở múa ballet đầu tiên mà Louis XIV tham gia biểu diễn. Vị vua nhỏ khi ấy đóng vai Apollo, vị thần mặt trời trong thần thoại Hy Lạp. Louis XIV thích cái tên này đến mức chọn luôn biểu tượng mặt trời làm phù hiệu hoàng gia của mình.

Louis Đại Đế sử dụng rất nhiều biểu tượng mặt trời cho các công trình kiến trúc. Chẳng hạn là thiết kế “Vua Mặt Trời” được chạm khắc bằng vàng trên cổng của cung điện Versailles.

Louis XIV là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất lịch sử vương triều Pháp lẫn châu Âu. 72 năm từ 1643 đến 1715. Ngày 1 tháng 9 vừa qua đánh dấu kỷ niệm 304 năm ngày mất của vua. Ông chính là người đặt nền móng đầu tiên cho sự ra đời của ngành thời trang may đo cao cấp haute couture mà mọi người biết tới ngày nay.

Vua Louis XIV giúp Pháp soán ngôi đế chế thời trang Tây Ban Nha

Vua Louis XIV chính thức lên ngôi năm 1643. Tại thời điểm ấy, trung tâm thời trang của thế giới nằm ở Madrid. Kinh đô của Tây Ban Nha đã nắm quyền chi phối toàn bộ châu Âu suốt thế kỷ 16 và nửa đầu 17 ở mọi khía cạnh, từ triết học, văn học, mỹ thuật cho đến thương mại, sản xuất vải vóc. Ở thời kỳ này, trang phục của người Tây Ban Nha thường trông khá đơn điệu. Chủ yếu là màu đen. Lý giải cho xu hướng này là vì thuốc nhuộm đen vải được lấy từ giống cây huyết mộc (logwood) vô cùng đắt đỏ. Cho nên ai muốn phô trương sự giàu có thì cứ mặc càng nhiều đồ đen.

Sự bành trướng văn hóa – kinh tế của Tây Ban Nha tác động đến tất cả các vương quốc châu Âu khác. Dĩ nhiên Pháp cũng nằm trong guồng quay ấy. Họ phải nhập khẩu vải vóc từ xứ sở bò tót. Dù hàng hóa sản xuất tại Pháp có chất lượng tương đương, song nền quân chủ Pháp lại không có sức mạnh về chính trị để tác động kinh tế lên các nước láng giềng.

Louis XIV vốn là người tôn sùng tinh hoa nghệ thuật của nước nhà. Vua không chấp nhận sự phụ thuộc mù quáng. Vị hoàng đế 17 tuổi lúc bấy giờ đã quyết chí biến Pháp trở thành cường quốc hùng mạnh bậc nhất. Ông nhận ra sự trì trệ và hạn chế trong ngành hàng dệt may của Tây Ban Nha. Bởi chúng không có bất kỳ sự cải tiến, đổi mới nào. Từ đây, Vua Mặt Trời bắt đầu khai thác thời trang làm công cụ chính trị.

Sự trỗi dậy của Paris như kinh đô văn hoá và thời trang mới

Đầu năm 1675, vua thông qua một đạo luật để thành lập phường hội thợ may tại Paris. Hội tập trung những nhóm phụ nữ có thể làm và bán quần áo dành cho phụ nữ và trẻ em. Đó là tiền đề hướng nước Pháp tới việc thành lập haute couture vào thế kỷ 19. Cũng như ngành công nghiệp thời trang Pháp ngày nay.

Sự xa xỉ là mục tiêu hàng đầu của vua Louis XIV. Ông áp dụng nó cho các ngành công nghiệp sản xuất, gồm: đồ nội thất, dệt may, quần áo và trang sức. Cũng phải nói rằng Louis XIV là một vị vua có tình yêu lớn với nghệ thuật; hội họa lẫn thời trang. Ông rất ghét sự nhàm chán, lặp đi lặp lại. Tủ quần áo của Louis XIV luôn được thay đổi liên tục theo mùa.

Cung điện của vua Loyis XIV đan xen giữa kiến trúc cổ đại và nghệ thuật Baroque. 

Bên cạnh đó, sự phát triển của phong trào Phục Hưng vào cuối thế kỷ 16 đã mang đến một trường phái mỹ thuật mới cho thế kỷ 17, Baroque. Chủ nghĩa Baroque nổi tiếng bởi sự cường điệu và tương phản màu sắc. Với một ông vua chuộng vẻ ngoài khoa trương như Louis XIV, đấy là điều không gì tuyệt vời hơn! Những năm 1660 đánh dấu sự phát triển cực thịnh của Baroque trong mọi lĩnh vực của vương quốc Pháp.

Sự ra đời của cung điện Versailles, quảng trường Vendôme và đại lộ Champs-Élysées

Dưới triều đại của vua Louis XIV, nước Pháp đã sản sinh ra nhiều công trình kiến trúc mãi lưu danh vào lịch sự đương đại. Như: quảng trường Vendôme, đại lộ Champs-Élysées hay điện Les Invalides. Công trình nổi tiếng nhất chính là cung điện Versailles (Château de Versailles). Tọa lạc ở vùng ngoại ô phía Tây thành phố Paris. Đây là nơi ở của hoàng tộc Pháp từ năm 1682, dưới thời vua Louis XIV.

Quần thể lâu đài đồ sộ Versailles phải mất hơn 20 năm mới hoàn thành (1660 – 1682).

>>> XEM THÊM: DÙNG BỮA VÀ NGHỈ DƯỠNG Ở NHÀ HÀNG, KHÁCH SẠN TẠI CUNG ĐIỆN VERSAILLES

Song song với các công trình nghệ thuật nức tiếng gần xa, vua Louis XIV trở thành hình mẫu thời trang của các bậc vua chúa và tầng lớp quý tộc châu Âu. Louis XIV chính là ông vua đã khai sinh ra nhiều trào lưu lúc bấy giờ. Bao gồm đội tóc giả, diện trang phục gấm thêu họa tiết đồng nhất, cũng như mang giày cao gót bằng da bò nhuộm đỏ. Theo sử sách, Louis XIV sở hữu chiều cao khiêm tốn. Chính bộ tóc giả khổng lồ và đôi giày gót cao trên 12cm được xem là bộ sậu phụ kiện làm nên vóc dáng oai phong cho vua.

Phong cách điển hình của tầng lớp quý tộc châu Âu thời bấy giờ.

Khởi nguồn của phong cách haute couture từ vua Louis XIV

Cách ăn vận của Vua Mặt Trời đã biến thời trang nam trong giới quý tộc trở nên xa hoa và cường điệu hơn. Quần ống rộng phủ qua đầu gối được trang trí nhiều chi tiết. Phổ biến nhất là những đường viền ren ngay bên dưới gấu quần. Cổ áo lớn đã được thay thế bằng diềm đăng ten tổ ong. Những chiếc áo khoác dài thêu hoa văn cầu kỳ trên nền vải cao cấp như lụa, nhung, dạ. Giày cao gót đế vuông thay thế cho bốt.

Bức hoạ chân dung vua Louis XIV.

Khoảng giữa thế kỷ 17 là giai đoạn kinh tế, văn hóa và thời trang Pháp thống lĩnh toàn bộ châu Âu. Thay thế hoàn toàn ảnh hưởng của Tây Ban Nha. Nếu cung điện Versailles thể hiện sức mạnh quyền lực và sự thịnh vượng; thì vua Louis XIV là vị hoàng đế biểu tượng cho thời trang cao cấp của vương triều Pháp.

Bên cạnh cung điện Versailles. Danh xưng “thánh địa của thời trang haute couture” là di sản lớn nhất mà vua Louis Đại Đế đã trao cho nước Pháp. Bao năm qua đi, haute couture mãi là thước đo giá trị xa hoa và đẳng cấp trong ngành thời trang cao cấp thế giới.

>>> XEM THÊM: VUA LOUIS XIV ĐÃ THAY ĐỔI LỊCH SỬ THỜI TRANG NHƯ THẾ NÀO?

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm

Liệu một thương hiệu thời trang có cần giám đốc sáng tạo? Thục Cẩm Nhân Gia hồi sinh sự quan tâm đến di sản gấm thượng hạng Trung Hoa Thảm đỏ Fashion Awards 2024: Rihanna và các người mẫu hàng đầu diện thời trang vintage2448880 Harper's Bazaar TV
Huyền Baby, Lan Ngọc, Tiểu Vy diện thổ cẩm Lào trong Biệt đội siêu sao
Huyền Baby, Lan Ngọc, Tiểu Vy diện thổ cẩm Lào trong Biệt đội siêu sao
Giang Hồng Ngọc kết hợp cùng nhạc sĩ Đông Thiên Đức trong MV “Tình đậm sâu đến mấy”
Giang Hồng Ngọc kết hợp cùng nhạc sĩ Đông Thiên Đức trong MV “Tình đậm sâu đến mấy”
Địa ngục độc thân trở lại với mùa 4, độ hot vươn tầm cao mới
Địa ngục độc thân trở lại với mùa 4, độ hot vươn tầm cao mới

Từ khóa » Giải Thoại Về Louis 14 Và Mary Catherine