Bạn Cần Biết Gì để Sử Dụng Ghế ăn Dặm Cho Bé An Toàn? - Hello Bacsi

Ghế ăn dặm cho bé có lẽ không còn gì xa lạ với bạn. Ghế ăn dặm có thể giúp bé ngồi ăn cùng gia đình và ăn uống gọn gàng hơn. Ghế ăn dặm cho bé rất tiện lợi nhưng cũng có thể gây nguy hiểm nếu ba mẹ không biết cách cho con ngồi ghế ăn dặm an toàn.

Ba mẹ luôn lo lắng, giám sát khi trẻ chơi ở công viên, leo cầu thang… nhưng đôi khi lại chủ quan khi trẻ ngồi trên ghế ăn dặm. Tỷ lệ trẻ bị chấn thương do ghế ăn dặm không nhỏ hơn tỷ lệ chấn thương do các lý do khác gây ra. Số ca chấn thương khi ngồi ghế ăn dặm tăng trong những năm gần đây. Vào năm 2013, mỗi giờ có 1 trẻ phải đi cấp cứu do các chấn thương liên quan tới ghế ăn dặm. Vậy mỗi ngày có tới 24 trẻ, mỗi năm có tới 9.400 trẻ bị chấn thương.

Những chấn thương liên quan tới ghế ăn dặm cho bé

Nguy cơ chấn thương lớn nhất khi ngồi ghế ăn dặm là trẻ bị té. Có tới 93% các chấn thương liên quan tới ghế là do trẻ bị té. Nếu té khi ngồi trên ghế ăn dặm, trẻ có thể bị các chấn thương sau:

  • Chấn thương sọ não
  • Chấn động não
  • Chấn thương cổ
  • Rách da
  • Trầy da
  • Gãy xương
  • Chấn thương miệng
  • Gãy răng.

Ngoài té, trẻ còn có nguy cơ gặp những chấn thương khác như:

  • Hóc khi nuốt các vật bé với tới
  • Bỏng do thức ăn hay đồ uống nóng để trong tầm tay trẻ
  • Chảy máu do các vật nhọn để trong tầm tay của con
  • Ghế bị lật do trẻ lấy chân đẩy vào bàn
  • Kẹt ngón tay vào các khớp nối của ghế.

Những loại ghế ăn dặm cho bé

Hiện nay, có rất nhiều mẫu ghế ăn dặm trên thị trường nên bạn cần lựa chọn thật cẩn thận. Ghế ăn dặm cần phù hợp với tuổi và các nhu cầu thể chất cũng như phát triển của con.

Phân loại ghế ăn dặm cho bé theo kiểu dáng:

  • Ghế ăn dặm truyền thống: Ghế này có chân dài để bé có thể ngồi ngang tầm với bàn ăn và ăn cùng gia đình. Ghế thường có chỗ ngồi bằng nhựa có dây buộc, một khay để chén có thể tháo ra được và có lưng dựa để đỡ các bé ngồi chưa vững.
  • Ghế ăn dặm tiết kiệm không gian: Ghế này dùng để gắn lên ghế bình thường và có dây đai để bạn có thể gắn ghế an toàn hơn. Ghế còn có lưng dựa điều chỉnh được và một khay đựng chén có thể tháo ra được. Ghế này có thể điều chỉnh kích thước khi trẻ lớn hơn.
  • Ghế ăn dặm gắn vào bàn: Ghế này thường nhỏ và rất linh động. Ghế gắn trực tiếp vào bàn ăn bằng đai và một hệ thống dây an toàn. Ghế không có khay hay dựa lưng. Bạn chỉ nên dùng ghế này khi xương đầu, cổ của bé đã vững vàng và bé có thể kiểm soát trọng tâm cơ thể tốt. Bé cũng cần biết ngồi thật vững khi ngồi ghế này để không bị té xuống bàn.
  • Ghế nâng: Ghế này không có lưng dựa và khay, dùng cho bé ở độ tuổi tập đi có thể ngồi vững vàng. Ghế có 5 nấc để nâng chiều cao cho phù hợp với bé khi ngồi vào bàn ăn cùng gia đình.

Phân loại ghế ăn dặm cho bé theo chất liệu

  • Ghế ăn dặm bằng gỗ

Ghế ăn dặm bằng gỗ

Ưu điểm của loại ghế ăn dặm bằng gỗ là vững chắc, không dễ đổ ngã. Ghế có dây đai an toàn và có thể điều chỉnh được mức độ cao thấp, để bé ngồi ăn chung với gia đình ở trên cao.

Tuy nhiên, ghế ăn dặm bằng gỗ rất nặng và cồng kềnh dù đã được gấp gọn. Ghế chỉ phù hợp để sử dụng ở nhà, rất khó để mang đi chơi hay đi du lịch xa. Nhược điểm lớn nhất của ghế là khó vệ sinh, khi cho trẻ ăn, bàn ghế dễ bị dây bẩn do thức ăn và khó có thể lau sạch sẽ được.

  • Ghế ăn dặm bằng nhựa cho bé

Ghế ăn dặm bằng nhựa cho bé

Ghế ăn dặm bằng nhựa có ưu điểm là gọn nhẹ, có thể tháo gập lại dễ dàng và dễ dàng di chuyển. Ngoài ra, loại ghế này cũng có các dây đai an toàn, giúp bố mẹ buộc cố định ghế của bé vào ghế ăn của người lớn. Do đó, ghế vẫn phù hợp cho bé ngồi ăn chung với gia đình ở trên bàn cao.

Những điểm cần có của một ghế ăn dặm cho bé an toàn

Những điểm cần có của ghế ăn dặm cho bé an toàn

Khi đi mua ghế ăn dặm, bạn hãy chọn ghế có các đặc điểm sau:

  • Có bộ đai an toàn: Ghế ăn dặm có loại có và không có bộ đai an toàn. Bạn hãy chọn ghế có dây an toàn qua vai để bé không bị chúi về trước và tránh trường hợp bé với quá xa và té khỏi ghế. Ghế chỉ có đai bụng là không an toàn vì bé có nguy cơ té về trước.
  • Có phần đáy rộng: Khi bé ngồi, ghế sẽ bị nặng phần trên nên dễ đổ do mất cân bằng. Hãy khắc phục điều này bằng cách chọn ghế có phần đáy rộng chân to để ghế cân bằng hơn. Ghế loại này sẽ chiếm nhiều chỗ hơn nhưng con bạn sẽ được an toàn hơn.
  • Bánh xe có khóa: Nếu ghế của con có bánh xe, bạn hãy kiểm tra xem nó có khóa không. Khóa an toàn sẽ tránh việc xe di chuyển gây nguy hiểm cho con. Nếu con bạn đã biết mở khóa ghế, bạn hãy lấy một miếng vải quấn quanh mối khóa để bé không mở được nhé.
  • Có khớp bằng kim loại: Những đồ vật bằng nhựa rất dễ vỡ khi sử dụng lâu. Đã có rất nhiều ghế bị thu hồi vì những khớp nối bằng nhựa bị vỡ nên bạn hãy chọn những ghế có khớp nối bằng kim loại để dùng ghế được lâu hơn.

Ghế ăn dặm cho bố mẹ tham khảo

Một số ghế ăn dặm bằng gỗ

Ghế ăn dặm Đại Vĩ có 3 nấc điều chỉnh

Giới thiệu

Với mức giả chưa đến 500 nghìn đồng, ghế ăn dặm thương hiệu Đại Vĩ được làm từ gỗ cao cấp bề mặt gỗ nhẵn bóng với lớp sơn NC an toàn, không độc hại cho bé. Được thiết kế với nấc tinh chỉnh độ cao, bé có thể ngồi ăn cùng gia đình hoặc ngồi riêng tùy thich. Ghế được sử dụng cho trẻ từ 5 tháng tuổi đến 5 tuổi.

Ưu điểm và nhược điểm

Ưu điểm

  • Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng với mức giá thấp
  • Sơn NC 3 lớp không gây hại đến trẻ
  • Có nấc điều chỉnh độ cao

Nhược điểm

  • Gỗ va chạm mạnh sẽ gây mẻ, gãy – bố mẹ cần lưu ý bảo quản

Ghế ăn bằng gỗ Tika TIKG007

Giới thiệu

Ghế ănd ặm Tika TIKG007 làm từ 100% gỗ thông nhập khẩu từ New Zealand được mài nhẵn, bo tròn nên an toàn cho trẻ. Ngoài ra, ghế có 4 nấc trượt điều chỉnh độ cao và hỗ trợ gập gọn lại, tiện lợi tiết kiệm diện tích nhà ở. Sản phẩm được thiết kế tinh xảo với chổ để bình sữa, bát, hoặc ly tập uống nước – rất tiện lợi cho trẻ tập ăn.

Ưu điểm và nhược điểm

Ưu điểm

  • Làm từ nguyên liệu chất lượng
  • Điều chỉnh độ cao 4 nấc
  • Bàn ăn lớn, đựng được nhiều đồ

Nhược điểm

  • Hiện chưa có phản hồi tiêu cực về sản phẩm

Một số ghế ăn dặm bằng nhựa cho bé

Chilux Grow S

ghế ăn dặm

Giới thiệu

Khung ghế được làm từ chất liệu thép không gỉ có tải trọng lên đến 50kg, thích hợp cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi giúp quá trình tập ăn của bé được hỗ trợ. Nhờ vào đệm ghế êm ái, làm từ chất liệu PU nên chống thấm – dễ vệ sinh, tránh được tình trạng đổ tháo khi ăn uống.

Ưu điểm và nhược điểm

Ưu điểm

  • Có 3 màu: xanh, nâu, hồng – cho mẹ tha hồ lựa chọn
  • Chất liệu ghế bằng nhựa PP an toàn
  • Đệm ngồi làm từ PU êm ái, chống thấm
  • Có nấc điều chỉnh độ cao
  • Có dây an toàn

Nhược điểm

  • Chốt tròn trang trí giữa các bánh xe hay rơi ra

Ghế ăn dặm gấp gọn Royal Care 0820-RC-518-P

Giới thiệu

Nếu bạn đang tìm kiếm kế ăn dặm thấp, có trọng lượng nhẹ thì Royal Care 0820-RC-518-P sẽ là sự lựa chọn phù hợp đấy. Với trọng lượng chỉ khoảng 1,8kg – mẹ hoàn toàn có thể đem ghế đi mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó, ghế được thiết kế với màu hồng tươi sáng, sống động rất thích hợp với trẻ.

Ưu điểm và nhược điểm

Ưu điểm

  • Được làm từ nhựa cao cấp, không chứa BPA
  • Dễ dàng gấp gọn và mang đi mọi nơi nhờ khối lượng nhẹ
  • Có 3 nấc điều chỉnh độ cao
  • Có dây an toàn 3 điểm

Nhược điểm

  • Ghế khá thấp, cần được đặt trên ghế khác nếu muốn bé tham gia bàn ăn gia đình

Mẹo sử dụng ghế ngồi ăn dặm an toàn cho con

Ghế ngồi ăn dặm rất tiện lợi và có ích cho con. Bạn chỉ cần biết những mẹo sau là trẻ luôn an toàn trên ghế ăn dặm:

1. Luôn chọn ghế vững vàng với phần đáy rộng

Khi chọn ghế ăn dặm, bạn hãy mua loại có trọng tâm thấp để ghế không dễ bị đổ. Các chân càng cách xa nhau thì ghế sẽ càng vững.

2. Kiểm tra độ chắc chắn của ghế trước khi cho trẻ ngồi

Trước khi cho trẻ ngồi vào ghế, bạn hãy kiểm tra xem ghế có dễ xê dịch không. Nếu ghế có bánh xe, hãy kiểm tra xem bánh xe đã khóa chưa. Nếu bạn dùng dây đai để gắn ghế, hãy kiểm tra các sợi dây đai này.

3. Kiểm tra dây an toàn thật kỹ

Để đảm bảo an toàn cho con, bạn hãy chọn dây an toàn có đầy đủ đai vai, đai bụng và đai chân thay vì những ghế chỉ có đai bụng. Khi bạn đã đặt con vào ghế, hãy nhớ khóa hết các đai thật chắc chắn để con không té khỏi ghế.

4. Đặt ghế ra xa bàn ăn

Dù bạn muốn con ngồi ăn cùng gia đình thì vẫn phải cẩn thận đừng để con ngồi quá gần. Trẻ có thể đá vào bàn và làm đổ ghế đấy. Bạn hãy kiểm tra chân con xem bé có đá tới bàn không.

5. Kiểm tra bàn ăn

Bạn hãy kiểm tra toàn bàn ăn xem có những vật có thể gây nguy hiểm cho con như những món dễ gây nghẹn, vật nhọn, đồ nóng hay thậm chí cả khăn trải bàn nữa. Bạn hãy đặt những vật này ngoài tầm với của trẻ hay đặt ghế ra xa hơn để trẻ ngồi ghế ăn dặm an toàn hơn.

6. Luôn để mắt tới con

Không có gì là an toàn tuyệt đối với con trẻ cả. Ngay cả khi bạn chỉ để đồ ăn mềm xung quanh, bé vẫn có nguy cơ bị nghẹn vì con chỉ đang trong quá trình tập ăn. Vì vậy, khi bé ngồi ăn trên ghế, bạn luôn cần để mắt đến con để xử lý kịp thời những chuyện có thể xảy ra.

Những trường hợp chấn thương liên quan tới ghế ăn dặm xảy ra thường xuyên hơn bạn nghĩ. Bạn vẫn có thể bảo vệ con mình khỏi nguy cơ này bằng cách chọn ghế phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của con. Hãy cẩn thận cho bé ngồi ghế ăn dặm an toàn để bữa ăn của gia đình thêm vui nhé.

Ngoài việc lựa chọn ghế ăn dặm cho bé, bạn cũng đừng quên đến thực đơn của con nhé. Bạn hãy tham khảo bài viết “9 thực phẩm dinh dưỡng trong thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng” để lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng cho con.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Từ khóa » đai An Toàn Cho Bé Ngồi Ghế