Bản Chất Tín Hiệu Của Ngôn Ngữ

Khi nói về bản chất tín hiệu của ngôn ngữ, chúng ra bàn về đặc trưng cấu trúc ngôn ngữ. Còn khi nói về bản chất xã hội của ngôn ngữ là chúng ta nói về các mặt chức năng khác nhau của ngôn ngữ trong xã hội. Như là một sự kiện quan trọng của đời sống nhân loại, ngôn ngữ mang trong mình nó cả những đặc điểm của cấu trúc lẫn chức năng.

Bởi vì con người là những thực thể vật chất rất cụ thể cho nên những gì đối với con người là quen thuộc thì cũng phải được vật chất hoá như vậy. Chính vì vậy, khi nói về bản chất tín hiệu của ngôn ngữ, người ta thường nói về hình thức tín hiệu, đó chính là phương tiện vật chất rất cụ thể mà trong ý thức con người, người ta có thể cảm nhận được thông qua các giác quan cụ thể của mình.

Các tín hiệu ngôn ngữ đã tác động trực tiếp đến con người thông qua hai giác quan quan trọng nhất là thính giác và thị giác. Trong hai kênh để truyền tín hiệu đó thì kênh thông quan thính giác là kênh cổ xưa hơn rất nhiều (trong vòng 5000 năm trở lại đây mới có chữ viết). Điều này có thể giải thích như J. Lyons đã từng giải thích:

– Trong quá trình lao động, khi đôi tay phải làm việc, đôi chân phải trụ thì chỉ có mắt và tai là rỗi. Tuy nhiên, trong hai cơ quan ấy thì mắt bận rộn hơn do phải thâu nhận hơn 90% thông tin cuộc sống. Chính vì thế, một cách tiêu cực, có thể suy ra rằng tai (thính giác) là có khả năng được sử dụng nhiều hơn cho thông tin về lời nói.

– Mặt khác, khi sử dụng thị giác thì đương nhiên sẽ liên quan đến vấn đề ánh sáng trong khi những thông tin cần phải trao đổi giữa con người với nhau thì lại bất kể tối sáng.

– Lí do thứ 3 mà loài người chọn âm thanh là do điều kiện lao động của người nguyên thuỷ. Môi trường làm việc lúc bấy giờ là các khu rừng sâu có nhiều cây cối che lấp. Với điều kiện như vậy, thị giác rất khó làm việc [1]. Chính vì vậy, loài người ngay từ cổ xưa đã chọn kênh thính giác làm kênh thông tin chủ yếu để giao tiếp.

Engels đã từng nói: “trước hết là lao động và sau đó đồng thời với lao động là ngôn ngữ đã biến bầy vượn thành loài người”. Sự khẳng định này của Engels cũng đồng thời nhấn mạnh rằng: ngôn ngữ nảy sinh từ lao động và chính nhờ lao động, con người đã tìm ra một kênh tối ưu nhất cho việc truyền tải các thông tin qua phương tiện âm thanh.

Bên cạnh kênh âm thanh, loài người, sau khi đã phát kiến ra chữ viết, còn sử dụng kênh thị giác cho việc truyền tải các thông tin trong giao tiếp giữa người với người. Tuy nhiên, do hạn chế về phương diện truyền, điều kiện chọn lựa người truyền nên phương tiện thông qua văn tự, chữ viết vẫn chỉ là một dạng phương tiện phái sinh trên một phương tiện vạn năng hơn là ngôn ngữ có âm thanh.

Với mỗi một tín hiệu ngôn ngữ, theo nguyên lí chung của việc thành lập một tín hiệu, bao giờ cũng phải có hai mặt: Đó là mặt biểu hiện (hình thức tín hiệu) và mặt được biểu hiện (nội dung tín hiệu). Mặt hình thức của tín hiệu là những dạng âm thanh khác nhau mà trong quá trình nói năng con người đã thiết lập lên mã cụ thể cho mình, đó chính là đặc trưng âm thanh cụ thể của từng ngôn ngữ. Còn mặt nội dung (cái được biểu hiện) là những thông tin, những thông điệp về những mảnh khác nhau của thế giới hiện tại mà con người đang sống, hoặc những dấu hiệu hình thức để phân cắt tư duy, phân cắt thực tại.

Sơ đồ: Tính hai mặt của tín hiệu

Như vậy, để trở thành một tín hiệu, bất kì một hiện tượng ngôn ngữ nào đã xuất hiện trong giao tiếp của loài người cũng phải bao gồm 2 mặt khác nhau là mặt biểu hiện và mặt được biểu hiện. Mặt biểu hiện làm nhiệm vụ trung chuyển những ý nghĩ, tình cảm, xúc cảm, nhu cầu khác nhau của người nói tới được cơ quan thụ cảm của người nghe. Nếu không có cái biểu hiện thì quá trình giao tiếp giữa người nói và người nghe sẽ bị hoàn toàn cắt đứt. Lúc đó, người ta gọi là ngôn ngữ không hành chức.

Mối liên hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện là mối liên hệ rất đặc trưng của ngôn ngữ. Đặc trưng này được thể hiện ở chỗ: mỗi một cái biểu hiện luôn chỉ có một cái được biểu hiện tương ứng. Khi mối liên hệ 1–1 này bị cắt đứt thì các quá trình giao tiếp sẽ bị ảnh hưởng hoặc không thể thực hiện được. Do tính chất và số lượng của các từ trong một ngôn ngữ là vô cùng lớn nên ngôn ngữ học cấu trúc luận cho rằng mối liên hệ 1–1 này phải được coi là võ đoán với nhau và phải được quy ước.

Cơ chế tạo nên quan hệ 1–1 được hình dung theo tạo sinh luận như sau:

Trong mỗi ngôn ngữ đều có một bộ hay một tập tín hiệu gọi là bộ từ vựng (lexicon) của một ngôn ngữ. Nhưng để một bộ từ vựng có thể hành chức còn cần thêm các luật ngữ pháp (grammartical rules) là quy tắc nối kết các hạng tử (items) có trong bộ từ vựng theo những quy tắc nhằm bộc lộ những thông điệp có riêng trong một ngôn ngữ. (Như vậy, khái niệm ngữ pháp của tạo sinh luận là rộng hơn rất nhiều so với quan niệm thông thường của chúng ta).

Tổng hợp của bộ từ vựng và bộ ngữ pháp tạo thành cơ chế phân định và thiết lập mối quan hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện của từng tín hiệu trong ngôn ngữ. Khi mối quan hệ cơ giới 1–1 bị phá vỡ thì nó có nguy cơ làm phương hại tới quá trình giao tiếp của một cộng đồng nói năng cụ thể. Nguyên nhân của sự phá vỡ này có thể là:

1, Vì cơ chế của bộ từ vựng một ngôn ngữ là cơ chế mở (open) để đáp ứng nhu cầu phản ánh thực tại.

2, Các luật ngữ pháp có những biến động do có sự tiếp xúc văn hoá (culture contact) từ những ngôn ngữ khác. Chính những biến động như vậy sẽ làm ngôn ngữ phát triển nhưng cũng có thể sẽ làm ngôn ngữ bị phân tầng, phân lớp mạnh mẽ có khi đến mức không thể kiểm soát được.

[ Sơ đồ: Quan hệ 1–1 ]

Trong lí thuyết tín hiệu học hiện đại, bộ từ vựng và bộ ngữ pháp của một ngôn ngữ còn được gọi là mã của ngôn ngữ đó.

Trong ngôn ngữ học, mặc dù cái được biểu hiện (hay mặt nội dung) là quan trọng nhưng trong việc nghiên cứu ngôn ngữ học, do nguyên tắc tín hiệu học quy định, người ta thường chú trọng rất nhiều đến cái biểu hiện hay mặt hình thức của ngữ nghĩa. Theo nguyên tắc của chủ nghĩa miêu tả Mĩ thì thậm chí người ta có thể bỏ mặt cái được biểu hiện mà vẫn có thể khái quát hoá được đặc trưng của ngôn ngữ. Đó chính là khuynh hướng hình thức hoá trong việc nghiên cứu ngôn ngữ mà trường phái hậu tạo sinh luận đang kế tục và phát huy.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu về các đặc trưng tín hiệu của ngôn ngữ thì việc nghiên cứu các quan hệ giữa các tín hiệu cũng là một công việc rất quan trọng. Bởi, giá trị của một yếu tố (một tín hiệu) ngoài việc được xác định bằng các đặc trưng của cái được biểu hiện – mặt ngữ nghĩa của tín hiệu – thì còn được xác định, trong tuyệt đại đa số các trường hợp, bằng các đặc điểm phân bố của yếu tố đó trong các phát ngôn khác nhau. Các đặc điểm phân bố này chính là sự thể hiện ra bên ngoài của các mối quan hệ có thật giữa các tín hiệu trong một ngôn ngữ. Ngôn ngữ học thường chia các quan hệ này theo các cấp độ mang tính phổ quát của tất cả các ngôn ngữ. Đó là các cấp độ âm vị học và mối quan hệ âm vị học; cấp độ hình thái học (từ) và các quan hệ từ pháp học; cấp độ cú pháp học (câu, phát ngôn) và các quan hệ cú pháp học; cấp độ văn bản (trên câu và phát ngôn) và các quan hệ liên kết trong văn bản. Thông tin do các quan hệ này đưa lại thường không phải là các thông tin về định danh học (nghĩa từ vựng của từ) cũng không phải là các thông tin logic học (thông tin logic của một câu) mà là những thông tin về giá trị của tín hiệu thông tin đó trong hệ thống, những thông tin về hệ thống, cấu trúc hay nói như Nguyễn Tài Cẩn đó là các nghĩa cấu trúc.

Tín hiệu (hạng tử) Các tín hiệu (quy luật)
Thực thể cbh: vật chất hoá tín hiệu – cđbh: phi vật chất, ý niệm → mã ngôn ngữ tín hiệu: đơn vị – quan hệ tín hiệu: theo các cấp độ xác định (4 cấp)
Sự dùng (usage) – định danh, phân cắt – dấu hiệu ngữ pháp phản ánh tính trọn vẹn của thực tại vào tư duy

Theo nội dung bài giảng của TS. Hoàng Cao Cương tại lớp K46 Ngôn ngữ, 2004.

[1] Ngoài ra, một lí do khác là âm thanh là kênh sử dụng tốn ít năng lượng nhất.

Đọc thêm:

  • Khái niệm tín hiệu
  • Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đặc biệt (Nguyễn Thiện Giáp)

Chia sẻ:

  • Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Twitter (Mở trong cửa sổ mới)
  • Nhấp để chia sẻ trên WhatsApp (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ lên LinkedIn (Mở trong cửa sổ mới)

Từ khóa » Bản Chất Tín Hiệu Ngôn Ngữ Là Gì