BẠN ĐÃ BIẾT VÌ SAO HẠT MẮC CA ĐƯỢC GỌI LÀ "HOÀNG HẬU ...

Bạn có biết hạt mắc ca được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại quả khô”? Nhờ nguồn dinh dưỡng dồi dào và vị béo bùi đặc trưng, hạt mắc ca đã trở thành một món ăn vặt quen thuộc mang lại những lợi ích sức khỏe không ngờ!

Hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng rất lớn trong thế giới các loại hạt, trong đó có chứa nhiều đạm thực vật, omega 3, omega 6, omega 9 và có hơn 20 loại vitamin cùng khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Bạn hãy cùng tìm hiểu những thông tin thú vị xoay quanh loại hạt này và những cách ăn hạt mắc ca phổ biến qua bài viết sau nhé.

Hạt mắc ca là gì?

Hạt mắc ca có xuất xứ từ Úc, sau này được trồng phổ biến ở nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Tùy vào nguồn gốc xuất xứ mà hương vị của hạt mắc ca có thể có đôi chút khác biệt.

1. Xuất xứ của hạt mắc ca

hạt mắc ca

Hạt mắc ca (tên tiếng Anh là macadamia) lấy từ cây mắc ca, loại cây nhiệt đới bản địa ở Úc. Hạt mắc ca còn có một số tên gọi ít phổ biến hơn là hạt Queensland hay hạt cây bụi. Vỏ hạt mắc ca thường rất cứng, có đỉnh nhọn và có thể chứa một hoặc hai hạt nhỏ bên trong.

Loại hạt này sau đó được du nhập vào Hawaii nên nó còn có tên gọi là hạt Hawaii. Nhiều nơi trên thế giới sau này cũng bắt đầu trồng hạt mắc ca như Brazil, Nam Phi, Kenya… Những năm gần đây, ở Việt Nam cũng trồng được hạt mắc ca nhưng ít được ưa chuộng vì chất lượng không được tốt. Do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nên hạt mắc ca nội địa thường bị sâu, lép hạt nên mọi người vẫn thường ưa chuộng hạt mắc ca có xuất xứ từ Úc hoặc Nam Phi hơn.

2. Thành phần dinh dưỡng của hạt mắc ca

Hạt mắc ca cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, trong đó có vitamin A, các vitamin nhóm B, sắt, folate, magie, protein, các chất béo lành mạnh và các chất oxy hóa cho cơ thể. Loại hạt này cũng rất giàu axit oleic và axit béo không bão hòa đơn omega 9.

Trong 28g hạt mắc ca có chứa tới 201 calo, 21g chất béo, không chứa cholesterol và lượng natri không đáng kể. Ngoài ra, trong hạt còn có một số thành phần khoáng chất quan trọng có thể kể đến như:

  • 1mg sắt (6% nhu cầu hàng ngày)
  • 2g protein (4% nhu cầu hàng ngày)
  • 2mg đồng (11% nhu cầu hàng ngày)
  • 4g chất xơ (10% nhu cầu hàng ngày)
  • 37mg magie (9% nhu cầu hàng ngày)
  • 53mg phố pho (5% nhu cầu hàng ngày)
  • 3mg thiamine (23% nhu cầu hàng ngày)
  • 1mg vitamin B6 (4% nhu cầu hàng ngày)

    3. Cách bảo quản hạt mắc ca

    Bạn nên bảo quản hạt mắc ca ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Hạt chưa xé bịch thông thường có thể để được khoảng 6 tháng kể từ ngày sản xuất. Sau khi đã xé bịch, bạn nên ăn hết hạt trong vòng  3 – 5 ngày hoặc cho vào lọ kín để tủ lạnh và ăn trong vòng 2 tháng.

    Tác dụng của hạt mắc ca

    Hạt mắc ca không chỉ hấp dẫn với hương vị béo bùi mà giá trị của loại hạt này chính là ở hàm lượng chất dinh dưỡng cao và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.

    1. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim

    Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra nhận định rằng ăn hạt mắc ca thường xuyên cũng có thể làm giảm nguy cơ tử vong sớm, biệt là ở những người ăn hạt mắc ca ít nhất 8 lần mỗi tuần. Một nghiên cứu thực hiện năm 2017 ở nam giới có lượng cholesterol cao cũng phát hiện thấy nguy cơ mắc bệnh mạch vành giảm sau 4 tuần ăn hạt mắc ca.

    Axit béo bão hòa đơn có trong loại hạt này đặc biệt rất tốt cho tim mạch, trong đó axit béo palmitoleic là loại axit có khả năng:

    • Hạ huyết áp
    • Giảm nhiễm trùng
    • Giảm nồng độ lipid
    • Tăng cường sức khỏe tim mạch
    • Hạ lượng triglyceride (triglyceride cao có thể gây xơ vữa động mạch, đột quỵ, đau tim).

    2. Cải thiện hội chứng chuyển hóa và tiểu đường

    Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các tình trạng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đột quỵ và tim mạch. Các tình trạng thường gặp là huyết áp cao, đường huyết cao, nồng độ cholesterol HDL cao, lượng triglycerid cao và lượng mỡ bụng dư thừa.

    Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hợp chất MUFAs (chất béo đơn không bão hòa) như các chất có trong hạt mắc ca có thể làm giảm các nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa hoặc giảm thiểu tác hại ở những người đang mắc phải. Một nghiên cứu từ năm 2016 đã cho thấy một chế độ ăn có hàm lượng chất MUFAs cao có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 2.

    Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư

    Hạt mắc ca có chứa hàm lượng lớn một loại vitamin E gọi là tocotrienols có khả năng chống lại ung thư. Ngoài ra, loại hạt này còn có chứa hợp chất thực vật flavonoid có thể ngăn ngừa ung thư bằng cách tiêu diệt các gốc tự do trong cơ thể.

    4. Bảo vệ sức khỏe của não bộ

    hạt mắc ca

    Ngoài chức năng bảo vệ cơ thể chống lại ung thư, tocotrienol còn có tác dụng bảo vệ não bộ. Một nghiên cứu cho thấy tăng cường bổ sung tocotrienol có thể giúp bảo vệ các tế bào não khỏi tác động của glutamate, nguyên nhân gây bệnh Alzheimer và Parkinson.

    Một nghiên cứu khác cũng cho thấy axit oleic, một loại chất béo không bão hòa đơn có trong loại hạt này cũng có tác dụng giúp não bộ ngăn ngừa trạng thái căng thẳng.

    5. Hỗ trợ giảm cân lành mạnh

    Hạt mắc ca và dầu chiết xuất từ loại hạt này chính là nguồn cung cấp axit palmitoleic hay còn gọi là omega 7 dồi dào. Loại axit này nhiều khả năng có thể giúp giảm bớt lượng mỡ trong cơ thể. Chất xơ có trong hạt mắc ca liên kết với nước có thể làm tăng cảm giác no, khiến bạn ăn ít hơn.

    Loại hạt này cũng chứa rất ít calo, 28g hạt mắc ca có chứa 201 calo, hầu hết là từ các loại chất béo lành mạnh. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra chế độ ăn ít calo có hiệu quả giảm cân tốt hơn hẳn so với chế độ ăn ít chất béo.

    6. Tăng cường sức khỏe của xương

    Chất phốt pho trong các loại hạt giúp tăng cường quá trình khoáng hóa của xương và răng. Trong trường hợp bạn mắc bệnh thận, khả năng hấp thụ canxi và magie của cơ thể sẽ suy giảm, dẫn đến các bệnh về xương khớp. Hạt mắc ca có thể bổ sung các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của xương.

    Duy trì làn da sáng khỏe

    hạt mắc ca

    Theo thời gian, lượng axit palmitoleic tự nhiên trong cơ thể sẽ mất đi. Axit palmitoleic có trong hạt mắc ca có thể giúp giữ ẩm cho da, thúc đẩy quá trình liền da và củng cố màng tế bào da. Axit palmitoleic còn giúp làm chậm sự xuất hiện của các dấu hiệu lão hóa da thường thấy như nếp nhăn hay đốm nâu.

    Các axit béo có trong hạt mắc ca, đặc biệt là trong dầu chiết xuất từ loại hạt này có thể giúp bạn chăm sóc làn da sáng khỏe.

    8. Tăng cường sức khỏe cho bà bầu

    Tác dụng của hạt mắc ca với bà bầu là cung cấp nguồn năng lượng dồi dào với hàm lượng calo cao gần gấp đôi so với các loại hạt khác. Nguyên nhân là do trong nhân hạt mắc ca có chứa rất nhiều loại vitamin và omega 3.

    Bổ sung loại hạt này trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ làm phong phú thực đơn cho các mẹ bầu, giúp thai kỳ khỏe mạnh và góp phần tích lũy năng lượng cho thai nhi.

    Cách ăn hạt mắc ca

    Có nhiều cách giúp bạn có thể tận hưởng được tối đa các giá trị dinh dưỡng từ loại hạt quý này bằng cách ăn trực tiếp hoặc chế biến thành các món ăn vặt đơn giản tại nhà.

    1. Ăn hạt mắc ca trực tiếp

    Cách ăn hạt mắc ca phổ biến nhất vẫn là thưởng thức hạt ngay khi vừa tách vỏ. Lúc này, hạt vẫn giữ được hương vị vốn có và bạn sẽ thưởng thức được tối đa các chất dinh dưỡng trong hạt. Do lớp vỏ dày và cứng nên bạn phải cần dùng đến dụng cụ chuyên dụng thì mới tách vỏ hạt được.

    2. Làm sữa hạt mắc ca

    hạt mắc ca

    Hạt mắc ca có thể chế biến thành sữa thơm ngon, bổ dưỡng lại rất đơn giản và bạn có thể tự chế biến loại thức uống này ngay tại nhà.

    Nguyên liệu cần chuẩn bị

    • 1l nước lọc
    • 4 muỗng cà phê đường
    • 130g hạt mắc ca đã tách vỏ
    • 500ml sữa tươi không đường
    • 1 muỗng cà phê tinh chất vani

    Cách thực hiện

    Bước 1: Bạn cho toàn bộ hạt mắc ca vào một tô lớn, sau đó đổ nước ngập hạt. Do hạt mắc ca dễ ngấm nước nên bạn chỉ cần ngâm hạt trong khoảng 2 giờ đồng hồ là được.

    Bước 2: Sau đó, bạn đổ phần nước ngâm đi và rửa sạch lại thêm vài lần nữa rồi vớt ra để ráo.

    Bước 3: Bạn cho hạt mắc ca vào máy xay sinh tố, đổ thêm nước lọc vào và bắt đầu xay đến khi thấy hỗn hợp mịn là được.

    Bước 4: Trước khi đổ ra, bạn nhớ cho hương vani và đường vào xay lần cuối để tạo mùi thơm và vị ngọt cho sữa.

    Bước 5: Đến đây, bạn tiếp tục dùng rây lọc hoặc vải xô để lọc bỏ những lợn cợn trong sữa, sau đó đem sữa đun cùng sữa tươi đến khi vừa sôi là có thể tắt bếp.

    3. Kem chuối hạt mắc ca

    Kem chuối là món ăn giải nhiệt quen thuộc, có thể biến tấu với hạt mắc ca cho ra loại kem độc đáo lạ miệng.

    Nguyên liệu cần chuẩn bị

    • 50ml sữa đặc
    • 100ml sữa tươi
    • 200ml sữa chua
    • 4 quả chuối tây
    • 200g hạt mắc ca
    • 100ml nước cốt dừa
    • 100g cơm dừa nạo sợi

    Cách thực hiện

    Bước 1: Đầu tiên, bạn bóc sạch vỏ chuối và cắt mỗi trái ra thành 3 – 4 lát mỏng theo chiều dọc. Hạt mắc ca thì bạn tách vỏ và giã nhuyễn.

    Bước 2: Bạn xếp chuối vào hộp xen kẽ 1 lớp chuối, 1 lớp hạt mắc ca sao cho lớp cuối cùng là lớp hạt mắc ca và rắc thêm một chút cơm dừa nạo đã chuẩn bị.

    Bước 3: Sau đó, bạn trộn hỗn hợp sữa chua, sữa tươi, sữa đặc, nước cốt dừa vào tô lớn và khuấy đều rồi rưới hỗn hợp vào hộp chuối xếp sẵn.

    Bước 4: Bạn vỗ nhẹ hai bên hộp để nguyên liệu dàn đều rồi đậy nắp hộp và cho vào ngăn đá tủ lạnh.

    Bước 5: Bạn có thể để hộp kem chuối hạt mắc ca trong tủ lạnh khoảng 5 – 6 tiếng là có thể lấy ra dùng. Khi lấy ra, bạn đợi khoảng 1 – 2 phút cho kem tách khỏi lớp vỏ hộp để dễ lấy rồi sau đó cắt thành miếng vừa ăn.

    4. Bánh quy hạt mắc ca chocolate trắng

    hạt mắc ca

    Cách làm bánh quy không quá khó nhưng bạn cần theo đúng liều lượng các nguyên liệu để cho ra bánh thơm ngon, giòn xốp.

    Nguyên liệu cần chuẩn bị

    • 130g bơ
    • 160g bột mì
    • 2 quả trứng gà
    • 100g đường nâu
    • 1/2 muỗng cà phê muối
    • 130g hạt mắc ca băm nhỏ
    • 1 muỗng cà phê baking soda
    • 435g chocolate trắng cắt nhỏ
    • 1/2 muỗng cà phê tinh chất vani

    Cách thực hiện

    Bước 1: Bạn cho bơ và 1/2 lượng chocolate trắng vào chén và quay trong lò vi sóng đến khi bơ chảy hết và chocolate mềm là được.

    Bước 2: Bạn tiếp tục thêm đường vào bơ và trộn đều để hỗn hợp thật mịn. Sau đó, bạn cho thêm vào tinh chất vani, muối vào trộn, tiếp đến, thêm vào baking soda, bột mì và dùng phới trộn đều. Cuối cùng, bạn cho phần chocolate trắng còn lại và hạt mắc ca vào hỗn hợp bột.

    Bước 3: Bạn múc hỗn hợp bột vào các cốc giấy đã chuẩn bị trước, có thể thoa chút bơ hoặc dầu ăn để chống dính cho khuôn bánh. Bạn chỉnh nhiệt độ lò nướng ở mức 180°C và nướng trong khoảng 20 phút đến khi bánh chuyển sang màu nâu vàng. Khi bạn ấn tay nhẹ vào, thấy bánh trở lại hình dạng cũ là đạt yêu cầu.

    Bước 4: Bạn lấy bánh ra khỏi lò, để nguội rồi lấy bánh ra khỏi khuôn và thưởng thức.

    Hạt mắc ca có hàm lượng dinh dưỡng cao nên trên thị trường khai thác rất nhiều nguồn hàng với xuất xứ khác nhau. Các loại hạt nhập khẩu chất lượng cao thường sẽ có giá thành đắt hơn những loại hạt thông thường khác. Khi chọn mua, bạn nên chọn loại hạt có kích thước đồng đều, màu vỏ không quá sáng bóng, vỏ cũng không nên bị giập nát và phải bọc được hết phần nhân bên trong.

    Giá bán hạt mắc ca trên thị trường hiện nay trung bình khoảng 300.000 đến 350.000 đồng/1kg thay đổi tùy vào xuất xứ và cách thức xử lý hạt. Bạn cần lưu ý chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, xem kỹ nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng để mua được hạt mắc ca vừa thơm ngon vừa tốt cho sức khỏe!

  • Tác giả: Tuyết Trinh
  • Tham vấn y khoa: BS. Nguyễn Thường Hanh
  • nguồn: trích từ hellobacsi.com

Từ khóa » Vỏ Mắc Ca Có Tác Dụng Gì