Bản đồ ẩm Thực: Bơ Sáp Đắk Lắk – Món Quà Của đất Trời Tây Nguyên

(SGTT) - Bơ sáp Đắk Lắk nức tiếng gần xa không chỉ bởi hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe mà còn mang hương vị béo ngậy, thơm và bùi đặc trưng.
  • Bản đồ ẩm thực: Măng đắng Điện Biên, món quà của núi rừng
  • Bản đồ ẩm thực: Gỏi gà măng cụt Bình Dương
  • Bản đồ ẩm thực: Ghé Ninh Bình, không thể bỏ qua đặc sản dê núi

Theo trang web giongcayanqua, bơ sáp có nguồn gốc từ quốc gia Mexico và được người Pháp mang vào trồng ở Việt Nam từ năm 1940. Tại Việt Nam, bơ sáp đem lại giá trị kinh tế cao và được trồng ở nhiều vùng khác nhau như Lâm Đồng, Phú Thọ, Bình Phước... với đa dạng chủng loại. Thế nhưng, nổi tiếng nhất phải nhắc đến bơ sáp Đắk Lắk, loại quả được ví như món quà của đất trời Tây Nguyên.

Điều kiện khí hậu phù hợp, thổ nhưỡng màu mỡ của nơi đây đã tạo môi trường thuận lợi để bơ sáp phát triển tốt, cho năng suất cao. Dường như, mọi tinh hoa của mảnh đầy nắng và gió đều hội tụ vào vị ngon hấp dẫn trong từng trái bơ. Điều khiến cho bơ sáp trở nên đặc biệt là không phải mùa nào trong năm cũng có. Theo người dân nơi đây, mùa bơ thường kéo dài từ tháng Năm đến tháng Tám. Những trái bơ thu hoạch vào thời gian này sẽ cho hương vị thơm ngon, ăn một lần là nhớ mãi.

Hiện nay, cây bơ sáp được trồng nhiều bằng phương pháp ghép và chiết nhằm giữ lại toàn bộ ưu điểm từ cây mẹ, không bị phân ly về giống như phương pháp trồng bằng hạt. Vì là loại cây ưa ẩm, thời điểm thích hợp nhất để trồng bơ sáp vào mùa mưa khoảng tháng Năm đến tháng Bảy. Thông thường, đến năm thứ hai hay thứ ba là bơ sáp đã bắt đầu bói quả (cây ra quả đầu tiên), tùy vào điều kiện chăm sóc.

Thoạt nhìn, bơ sáp Đắk Lắk có quả to, hình bầu dục, dài từ 7-15cm, trọng lượng khoảng 400-800g/quả. Vỏ bơ mỏng nhưng căng, có màu xanh lá đậm bóng bẩy. Phía bên trong, hạt bơ không quá to, dính liền với thịt mà vẫn dễ dàng tách ra khi ăn. Lớp cùi vàng óng, không sơ, dẻo mịn mang vị béo, thơm, ngọt, bùi là “điểm nhấn” khi nhắc về bơ sáp Đắk Lắk. Cụ thể, khi thưởng thức, từng miếng bơ dẻo thơm, béo ngậy như tan trên đầu lưỡi rồi đọng lại ngọt thanh ở hậu vị.

Bơ ngon thường có vỏ màu xanh, căng bóng, điểm lấm tấm chấm vàng. Sau khi cạy bỏ cuống, nếu có lõi màu vàng thì bơ vừa chín tới, ăn ngon và chuẩn vị nhất. Vào mùa thu hoạch, người hái phải lựa những trái bơ lắc thấy long hạt, cắt chéo cuống. Bơ chín từ 1 đến 2 ngày sau khi hái xuống, do đó, nên đặt trái bơ trong rổ ở nơi thoáng mát, phần cuống lên trên để bơ chín dần.

Những món ăn hấp dẫn từ bơ sáp có thể kể đến như salad bơ, sinh tố bơ, kem bơ… hoặc ăn với chút đường cũng rất ngon. Bơ sáp Đắk Lắk chứa lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin (K, C, B5, B6, E…) giúp cải thiện sức khỏe, cho vóc dáng cân đối, làm đẹp da cũng như phòng ngừa các bệnh nan y. Đặc biệt, bơ còn là thực phẩm phù hợp dành cho những người giảm cân nhờ hàm lượng lớn chất xơ, chất béo gây cảm giác no lâu.

Mỗi khi có dịp ghé thăm Đắk Lắk vào mùa bơ sáp trĩu quả, du khách nhất định phải thưởng thức hương vị thơm ngon độc đáo của loại trái cây này. Không những thế, bơ sáp Đắk Lắk cũng là gợi ý thú vị để biếu tặng người thân cũng là gửi gắm thứ đặc sản của núi rừng Tây Nguyên đến họ.

Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn

Quỳnh Hân – Huỳnh Diễm

Từ khóa » Bơ đặc Sản Daklak