Bản đồ Lũ Lụt Trực Tuyến Góp Phần Phòng Chống Lũ Lụt Hiệu Quả

Các chuyên gia Viện Nước, Môi trường và Sức khỏe của Đại học Liên Hợp Quốc (UNU-INWEH) ở Hamilton, Canada đã phối hợp với Google, MapBox và đối tác khác để phát triển và ra mắt công cụ tạo bản đồ chính xác và nhanh chóng về lũ lụt

Công cụ miễn phí với độ phân giải chi tiết

Các chuyên gia của Đại học Liên Hợp Quốc đánh giá, lũ lụt trong thập kỷ qua đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 500 triệu người, đa số ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, gây thiệt hại lên đến gần 500 tỉ USD. Biến đổi khí hậu đã gây ra những trận lũ lụt gần đây trên toàn cầu, làm gia tăng nhanh chóng số người bị ảnh hưởng, thiệt hại và tử vong. Khoảng 1,5 tỉ người phải sống trong nguy cơ hứng chịu các trận lũ lụt lớn.

Các chuyên gia Viện Nước, Môi trường và Sức khỏe của Đại học Liên Hợp Quốc (UNU-INWEH) ở Hamilton, Canada đã phối hợp với Google, MapBox và đối tác khác để phát triển và ra mắt công cụ tạo bản đồ chính xác và nhanh chóng về lũ lụt trên toàn thế giới kể từ năm 1985. Trong bối cảnh các trung tâm dự báo lũ lụt của nhiều nước thiếu khả năng vận hành các mô hình dự báo phức tạp, công cụ lập bản đồ lũ lụt thế giới trực tuyến miễn phí với độ phân giải chi tiết đến từng đường phố sẽ là công cụ đắc lực cho tất cả nước trên toàn cầu.

Để có thể sử dụng dễ dàng bản đồ lũ lụt, người sử dụng cần truy cập đường link website https://floodmapping.inweh.unu.edu. Công cụ cho phép người dùng điều chỉnh các biến số để giúp xác định các lỗ hổng trong phòng chống và ứng phó với lũ lụt, đồng thời, lập kế hoạch phát triển trong tương lai đối với tất cả hạng mục như: địa điểm an toàn để xây dựng hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoặc phát triển nông nghiệp.

Bản đồ mới có độ chính xác 82%

Công cụ lập bản đồ lũ lụt thế giới sử dụng Google Earth Engine kết hợp với dữ liệu vệ tinh Landsat thu thập trong nhiều thập kỷ kể từ năm 1985 sẽ tạo ra một bản đồ chi tiết về tình trạng ngập lụt trong những thập kỷ gần đây trên thế giới. Các nhà nghiên cứu cho biết, bản đồ có chứa các lớp phủ dữ liệu sẵn có về dân số, các tòa nhà và việc sử dụng đất, do đó, rất hữu ích cho việc lập kế hoạch cộng đồng, phân vùng xây dựng, cũng như đánh giá bảo hiểm.

Để minh chứng cho điều này, các nhà khoa học đã dùng công cụ mới nhanh chóng tạo ra bản đồ lũ lụt trong vòng 1 phút và so sánh với các sự kiện lũ lụt được xác nhận ở Australia, Bangladesh, Canada, Campuchia, Ấn Độ, Mozambique, Sri Lanka và Thái Lan. Kết quả cho thấy, bản đồ được tạo ra bằng công cụ mới của Liên Hợp Quốc sát với thực tế và đạt độ chính xác lên đến 82%.

Bản đồ cho phép người dùng phóng to đến mức đường phố, hiển thị các khu vực có nước bằng màu xanh đậm và các khu vực bị ngập do lũ lụt tại các điểm trong quá khứ bằng màu đỏ

Kể từ năm 1985, đã có 103 trận lũ lụt lớn và công cụ cho thấy thông tin về mỗi trận lũ lụt đó. Không những thế, công cụ còn cung cấp thông tin về những trận lũ lụt mới ngay sau khi chúng xảy ra nhằm cung cấp bản đồ cập nhật nhất có thể.

Tiến sĩ Duminda Perera của UNU-INWEH, cộng tác viên dự án nhận định, việc đưa ra thông tin cụ thể về những nơi từng xảy ra lũ lụt và tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với các cơ quan quy hoạch đô thị và khu vực đó.

Các nhà khoa học của Liên Hợp Quốc dự định mở rộng công cụ và đưa vào vận hành để sử dụng miễn phí từ năm 2022. Công cụ sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo bản đồ nguy cơ lũ lụt hiện tại và tương lai cho 3 kịch bản biến đổi khí hậu ở cấp thành phố, quận/huyện và lưu vực sông.

Từ khóa » Bản đồ Lũ