Bản đồ Thụy Sĩ - Địa Ốc Thông Thái
Có thể bạn quan tâm
Thụy Sỹ (còn được viết là Thuỵ Sĩ), tên đầy đủ là Liên bang Thụy Sỹ, là một nước cộng hòa liên bang tại châu Âu. Quốc gia này gồm có 26 bang, và thành phố Bern là nơi đặt trụ sở nhà đương cục liên bang. Quốc gia này nằm tại Tây – Trung Âu, có biên giới với Ý về phía nam, với Pháp về phía tây, với Đức về phía bắc, và với Áo cùng Liechtenstein về phía đông. Thụy Sỹ là quốc gia không giáp biển, có tổng diện tích 41.285 km² và về địa lý bao gồm dãy Alps, cao nguyên Thụy Sỹ và dãy Jura. Mặc dù dãy Alps chiếm phần lớn diện tích lãnh thổ quốc gia, song khoảng 8 triệu dân Thụy Sỹ hầu hết tập trung tại khu vực cao nguyên. Các thành phố lớn nhất toàn quốc cũng nằm tại khu vực cao nguyên, trong đó có hai thành phố toàn cầu và trung tâm kinh tế là Zurich và Geneva.
Mốc thành lập Cựu Liên bang Thụy Sỹ là vào thời kỳ Trung Cổ, là kết quả từ một loạt thắng lợi quân sự chống lại Áo và Burgandy. Thụy Sỹ được chính thức công nhận độc lập từ Thánh chế La Mã theo Hòa ước Westfalen vào năm 1648. Thụy Sỹ có lịch sử trung lập về quân sự từ thời kỳ Cải cách Tin Lành; quốc gia này không nằm trong tình trạng chiến tranh trên bình diện quốc tế từ năm 1815 và không gia nhập Liên Hợp Quốc cho đến năm 2002. Tuy thế, Thụy Sỹ theo đuổi chính sách đối ngoại tích cực và thường xuyên tham gia vào các tiến trình kiến tạo hòa bình trên toàn cầu. Thụy Sỹ là nơi khai sinh của tổ chức Chữ thập đỏ, là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có văn phòng lớn thứ nhì của Liên Hợp Quốc. Trên cấp độ châu Âu, Thụy Sỹ là một thành viên sáng lập của Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu, song không phải là thành viên của Liên minh châu Âu và Khu vực kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, Thụy Sỹ tham gia Khu vực Schengen và Thị trường chung châu Âu thông qua các hiệp định song phương.
Thụy Sỹ nằm tại nơi giao nhau của châu Âu German và châu Âu La Tinh, có bốn khu vực ngôn ngữ và văn hóa: Đức, Pháp, Ý và Romansh. Đa số dân chúng nói tiếng Đức, song bản sắc dân tộc Thụy Sỹ bắt nguồn từ một bối cảnh lịch sử chung, chia sẻ các giá trị như chủ nghĩa liên bang và dân chủ trực tiếp, và chủ nghĩa tượng trưng Alpes. Do đa dạng về ngôn ngữ, Thụy Sỹ có nhiều tên gọi bản địa: Schweiz [ˈʃvaɪts] (tiếng Đức); Suisse [sɥis(ə)] (tiếng Pháp); Svizzera [ˈzvittsera] (tiếng Ý); và Svizra [ˈʒviːtsrɐ] hoặc [ˈʒviːtsʁːɐ] (Romansh). Trên tiền xu và tem bưu chính, tên gọi trong tiếng Latinh (thường được rút ngắn thành “Helvetia”) được sử dụng thay vì bốn ngôn ngữ chính thức. Tiền tệ của vùng đất chocolate – sô cô la là Franc
Thụy Sỹ nằm trong số các quốc gia phát triển nhất trên thế giới, có của cải bình quân cao nhất (2010) và GDP PPP bình quân cao thứ 8 theo IMF (2011). Thụy Sỹ nằm vào hàng đứng đầu toàn cầu trên một vài số liệu về thành tựu quốc gia, bao gồm tính minh bạch chính phủ, tự do dân sự, chất lượng sinh hoạt, tính cạnh tranh kinh tế và phát triển con người. Zürich và Genève nằm trong số các thành phố đứng đầu thế giới về chất lượng sinh hoạt, theo Mercer năm 2009.
Quốc kỳ: | |
---|---|
Châu lục: | Châu Âu |
Khu vực: | Tây Âu |
Mã vùng: | 41 |
Thủ đô: |
|
Quốc khánh: | 1 tháng 8 |
Diện tích: | 41,277 km² (Nguồn: WorldAtlas) |
Dân số: | 8.591.365 người (2019) |
GDP: | 703,08 tỉ đô la (USD) – cập nhật 2019 |
GDP đầu người: | $81,993.73 |
Tiền tệ: | Swiss francs (CHF) |
Bản đồ Thụy sĩ online
Bạn có thể nhấn vào để xem bản đồ toàn màn hình.
Thụy sĩ ở đâu? Bản đồ vị trí Thụy sĩ
Thụy sĩ là một quốc gia thuộc khu vực Tây Âu của Châu Âu
Bản đồ hành chính Thụy sĩ
Lịch sử
Lịch sử sơ khởi
Dấu tích cổ nhất về sự hiện diện của họ Người tại Thụy Sỹ có niên đại khoảng 150.000 năm trước. Các khu định cư nông nghiệp cổ nhất được biết đến tại Thụy Sỹ nằm tại Gächlingen và có niên đại khoảng 5300 TCN.
Các “bộ lạc văn hóa” sớm nhất được biết đến là thành viên của văn hóa Hallstatt và La Tène. Văn hóa La Tène phát triển và thịnh vượng vào cuối thời đại đồ sắt từ khoảng năm 450 TCN, có thể là dưới một số ảnh hưởng từ văn minh Hy Lạp và văn minh Etrusca (tại Ý ngày nay). Helvetii là một trong số các nhóm bộ lạc quan trọng nhất tại khu vực nay là Thụy Sỹ. Do thường xuyên bị các bộ lạc German quấy nhiễu, đến năm 58 TCN người Helvetii quyết định từ bỏ cao nguyên Thụy Sỹ và di cư đến miền tây Gallia, song quân đội của Julius Caesar truy kích và đánh bại họ trong trận Bibracte tại miền đông của Pháp ngày nay, buộc bộ lạc này chuyển về quê hương ban đầu của họ. Năm 15 TCN, Hoàng đế La Mã tương lai Tiberius cùng em trai là Drusus chinh phục dãy Alpes, hợp nhất khu vực này vào Đế quốc La Mã. Khu vực do người Helvetii chiếm giữ đầu tiên trở thành bộ phận của tỉnh Gallia Belgica thuộc La Mã, sau đó thuộc tỉnh Thượng Germania của đế quốc, trong khi phần miền đông của Thụy Sỹ ngày nay được hợp nhất vào tỉnh Raetia của đế quốc.
Trong thế kỷ thứ nhất và thứ hai, cư dân sống trên cao nguyên Thụy Sỹ được hưởng một thời kỳ thịnh vượng. Một số đô thị như Aventicum, Iulia Equestris và Augusta Raurica đạt đến quy mô đáng kể, có hàng trăm bất động sản nông nghiệp (Villae rusticae) được phát hiện tại vùng nông thôn. Khoảng năm 260, khu vực Agri Decumates phía bắc sông Rhine thất thủ khiến Thụy Sỹ lúc này trở thành vùng biên giới của Đế quốc La Mã. Các vụ tập kích lặp đi lặp lại của các bộ lạc Alamanni khiến các đô thị và kinh tế Lã Mã bị tàn phá, buộc cư dân phải tìm nơi trú ẩn gần các công sự La Mã. Đế quốc cho xây dựng một tuyến phòng thủ khác tại biên giới phía bắc (được gọi là Donau-Iller-Rhine-Limes), song đến cuối thế kỷ IV thì áp lực gia tăng từ người German buộc người La Mã từ bỏ quan niệm phòng thủ theo tuyến, và cao nguyên Thụy Sỹ cuối cùng mở ra cho các khu định cư của người German.
Đến Sơ kỳ Trung Cổ, từ cuối thế kỷ IV, miền tây của Thụy Sỹ ngày nay là bộ phận lãnh thổ của Vương quốc Burgundia. Người Alemanni định cư tại Cao nguyên Thụy Sỹ vào thế kỷ V và tại các thung lũng thuộc dãy Alpes trong thế kỷ VIII, hình thành Alemannia. Lãnh thổ Thụy Sỹ ngày nay vào lúc đó bị phân chia giữa hai vương quốc này. Trong thế kỷ VI, sau chiến thắng của Clovis I trước người Alemanni tại Tolbiac vào năm 504 và rồi người Frank thống trị người Bourgogne, toàn thể khu vực trở thành bộ phận của Đế quốc Frank.
Trong phần còn lại của thế kỷ VI, trong thế kỷ VII và VIII khu vực Thụy Sỹ tiếp tục nắm dưới quyền bá chủ của Frank (các triều đại Meroving và Caroling). Tuy nhiên, sau khi bành trướng dưới thời Charlemagne, Đế quốc Frank bị phân chia theo Hiệp ước Verdun vào năm 843. Khu vực nay là Thụy Sỹ bị phân chia giữa Trung Frank và Đông Frank cho đến khi thống nhất dưới quyền Thánh chế La Mã (một tập hợp các lãnh địa) vào khoảng năm 1000.
Đến năm 1200, cao nguyên Thụy Sỹ gồm các lãnh địa của các gia tộc Savoy, Zähringer, Habsburg và Kyburg. Một số khu vực (Uri, Schwyz, Unterwalden sau gọi là Waldstätten) do thánh chế trực tiếp quản lý. Do không có hậu duệ theo dòng nam giới vào năm 1263, Triều đại Kyburg sụp đổ vào năm 1264; sau đó Gia tộc Habsburg dưới quyền Quốc vương Rudolph I (Hoàng đế Thánh chế vào năm 1273) đưa ra yêu sách đối với đất của nhà Kyburg và sáp nhập chúng để bành trướng lãnh thổ của họ đến miền đông cao nguyên Thụy Sỹ.
Liên bang Thụy Sỹ Cũ
Liên bang Thụy Sỹ Cũ là một liên minh giữa các cộng đồng trong thung lũng tại miền trung dãy Alpes. Liên minh tạo thuận tiện cho quản lý các lợi ích chung và đảm bảo hòa bình trên các tuyến mậu dịch miền núi quan trọng. Hiến chương Liên bang năm 1291 được đồng thuận giữa các công xã nông thôn Uri, Schwyz và Unterwalden, được cho là văn kiện hình thành liên bang, mặc dù các liên minh tương tự có vẻ tồn tại từ nhiều thập niên trước đó.
Đến năm 1353, liên minh tiếp nhận thêm các bang Glarus, Zug và các thành bang Lucerne, Zürich và Bern để hình thành “Liên bang Cũ” gồm tám bang và tồn tại cho đến cuối thế kỷ XV. Việc mở rộng này làm gia tăng quyền lực và thịnh vượng cho liên bang. Đến năm 1460, liên bang kiểm soát hầu hết lãnh thổ nằm về phía nam và phía tây của Sông Rhine cho đến dãy Alpes và dãy Jura, đặc biệt là sau các chiến thắng trước Vương triều Habsburg tại Áo, trước Charles Dũng cảm của Bourgogne trong thập niên 1470, và thành công của các lính đánh thuê Thụy Sỹ. Chiến thắng của Thụy Sỹ trong Chiến tranh Schwaben trước Liên minh Schwaben dưới quyền Hoàng đế Thánh chế La Mã Maximilian I vào năm 1499 giúp đem lại độc lập thực tế cho Thụy Sỹ trong Thánh chế La Mã.
Liên bang Thụy Sỹ Cũ có được danh tiếng bất khả chiến bại trong các cuộc chiến ban đầu này, song việc mở rộng liên bang gặp phải một bước lùi vào năm 1515 khi Thụy Sỹ thất bại trong trận Marignano trước Pháp và Venezia. Chiến tranh kết thúc điều được gọi là kỷ “anh hùng” trong lịch sử Thụy Sỹ. Cải cách Tin Lành dưới quyền lãnh đạo của Zwingli thành công tại một số bang, song dẫn đến xung đột tôn giáo giữa các bang vào năm 1529 và năm 1531. Đến năm 1648, theo Hòa ước Westfalen, các quốc gia châu Âu công nhận Thụy Sỹ độc lập từ Thánh chế La Mã và tính chất trung lập của nước này.
Trong thời kỳ cận đại của lịch sử Thụy Sỹ, chủ nghĩa chuyên chế của các gia đình quý tộc phát triển, kết hợp với một cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Chiến tranh Ba mươi Năm dẫn đến nông dân khởi nghĩa vào năm 1653. Trong bối cảnh cuộc đấu tranh này, xung đột giữa các bang Công giáo La Mã và Tin Lành vẫn dai dẳng, bùng phát thành bạo lực hơn nữa trong Chiến tranh Villmergen lần thứ nhất vào năm 1656, và Chiến tranh Toggenburg (Chiến tranh Villmergen lần thứ hai) vào năm 1712.
Thời đại Napoléon
Năm 1798, chính phủ Cách mạng Pháp xâm chiếm Thụy Sỹ và áp đặt một hiến pháp thống nhất mới. Đây là hành động nhằm trung ương tập quyền hóa chính phủ quốc gia, bãi bỏ các bang trên thực tế. Ngoài ra, Mülhausen gia nhập Pháp còn thung lũng Valtellina gia nhập Cộng hòa Cisalpina (nay thuộc Ý). Chế độ mới mang tên Cộng hòa Helvetii, song rất không được lòng dân. Nó do quân đội ngoại quốc xâm lược áp đặt và phá hoại truyền thống từ nhiều thế kỷ, biến Thụy Sỹ thành một quốc gia vệ tinh của Pháp.
Khi chiến tranh bùng phát giữa Pháp với các kình địch của họ, quân của Nga và Áo xâm chiếm Thụy Sỹ. Người Thụy Sỹ từ chối chiến đấu bên phía Pháp nhân danh Cộng hòa Helvetii. Năm 1803, Napoléon tổ chức một hội nghị gồm các chính trị gia hàng đầu Thụy Sỹ từ cả hai bên tại Paris. Kết quả là Đạo luật Điều giải, theo đó khôi phục phần lớn quyền tự trị của Thụy Sỹ và đưa lại một Liên bang gồm 19 bang. Từ đó về sau, chính trường Thụy Sỹ phần lớn liên quan đến cân bằng giữa truyền thống tự trị của các bang và nhu cầu về một chính phủ trung ương.
Năm 1815, Đại hội Wien tái lập hoàn toàn nền độc lập của Thụy Sỹ và các cường quốc châu Âu đồng ý công nhận vĩnh viễn tính chất trung lập của Thụy Sỹ. Hiệp định cho phép Thụy Sỹ gia tăng lãnh thổ của mình, với việc tiếp nhận các bang Valais, Neuchâtel và Genève. Biên giới Thụy Sỹ không thay đổi kể từ đó, ngoại trừ một số điều chỉnh nhỏ.
Quốc gia liên bang
Khôi phục quyền lực cho giai cấp quý tộc chỉ là tạm thời. Sau một giai đoạn bất ổn với các xung đột bạo lực liên tiếp, nội chiến (Sonderbundskrieg) bùng phát vào năm 1847 khi một số bang Công giáo La Mã nỗ lực lập một liên minh riêng biệt (Sonderbund). Chiến tranh kéo dài trong chưa đến một tháng, có ít hơn 100 người thiệt mạng. Mặc dù có quy mô nhỏ so với các náo loạn và chiến tranh khác tại châu Âu trong thế kỷ XIX, tuy thế nội chiến này có tác động lớn đến tâm lý và xã hội Thụy Sỹ. Chiến tranh thuyết phục hầu hết người Thụy Sỹ về tính cần thiết của việc đoàn kết và sức mạnh trước các láng giềng. Người Thụy Sỹ từ tất cả tầng lớp xã hội, theo Công giáo La Mã hay Tin Lành, từ khuynh hướng tự do đến bảo thủ, nhận thấy rằng các bang sẽ có lợi hơn nếu các lợi ích kinh tế và tôn giáo của họ được hợp nhất.
Do đó, trong khi phần còn lại của châu Âu xảy ra các cuộc khởi nghĩa cách mạng, thì người Thụy Sỹ lập ra một hiến pháp đề ra bố cục liên bang, phần lớn được lấy cảm hứng từ mô hình Hoa Kỳ. Hiến pháp này tạo ra một nhà đương cục trung ương, trong khi để lại cho các bang quyền tự quản về các vấn đề địa phương. Quốc hội được chia thành một thượng viện (Hội đồng Các bang, mỗi bang có hai đại biểu) và một hạ viện (Hội đồng Quốc gia, có đại biểu được bầu từ toàn quốc). Bắt buộc phải trưng cầu dân ý để sửa đổi bất kỳ nội dung nào trong hiến pháp này.
Một hệ thống cân và đo lường duy nhất được định ra và đến năm 1850 franc Thụy Sỹ trở thành đơn vị tiền tệ duy nhất của quốc gia. Điều 11 của hiến pháp ngăn cấm đưa binh sĩ đi phục vụ tại ngoại quốc. Một điều khoản quan trọng trong hiến pháp là nó có thể được soạn lại hoàn toàn nếu được cho là cần thiết, do đó cho phép việc phát triển toàn thể thay vì sửa đổi một phần tại một thời điểm. Điều này nhanh chóng chứng minh tính cần thiết khi dân số gia tăng và cách mạng công nghiệp tiếp sau đó dẫn đến các yêu cầu thay đổi hiến pháp cho phù hợp. Một dự thảo ban đầu bị dân chúng bác bỏ vào năm 1872 song bản sửa đổi được thông qua vào năm 1874. Nó xác định trưng cầu dân ý không cưỡng bách đối với pháp luật tại cấp độ liên bang. Nó cũng xác định liên bang chịu trách nhiệm về các sự vụ phòng thủ, mậu dịch và lập pháp.
Năm 1891, hiến pháp được điều chỉnh với các yếu tố dân chủ trực tiếp mạnh mẽ khác thường, điều này vẫn còn là độc nhất thế giới cho đến ngày nay.
Lịch sử hiện đại
Thụy Sỹ không bị xâm chiếm trong hai đại chiến thế giới. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Thụy Sỹ là nơi Vladimir Lenin sống lưu vong cho đến năm 1917. Tính trung lập của Thụy Sỹ bị nghi ngờ nghiêm trọng do một chính trị gia Thụy Sỹ tên là Robert Grimm thương lượng hòa bình giữa Đức và Nga vào năm 1917. Năm 1920, Thụy Sỹ gia nhập Hội Quốc Liên có trụ sở tại Genève, với điều kiện là họ được miễn bất kỳ yêu cầu quân sự nào.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, người Đức soạn thảo các kế hoạch xâm lược chi tiết đối với Thụy Sỹ, song nước này chưa từng bị tấn công. Thụy Sỹ có thể duy trì độc lập nhờ kết hợp răn đe quân sự, nhượng bộ với Đức, và may mắn do các sự kiện lớn hơn trong chiến tranh khiến Đức trì hoãn xâm lược. Chiến lược về quân sự của Thụy Sỹ thay đổi từ phòng thủ chiến lược tại biên giới để bảo vệ khu trung tâm kinh tế, sang chiến lược mang tên Reduit nhằm tiêu hao địch lâu dài có tổ chức và triệt thoái đến các vị trí cao kiên cố, có đủ dự trữ trên dãy Alpes. Thụy Sỹ là một căn cứ quan trọng về hoạt động tình báo đối với cả hai phe xung đột và thường làm trung gian giao thiệp giữa lực lượng Phe Trục và Đồng Minh.
Trong suốt cuộc chiến, Thụy Sỹ giam giữ trên 300.000 người tị nạn và Chữ thập đỏ quốc tế có trụ sở tại Genève giữ vai trò quan trọng trong xung đột. Các chính sách nhập cư và tị nạn nghiêm ngặt cũng như quan hệ tài chính với Đức Quốc xã gây ra tranh luận, song chúng không kéo dài đến cuối thế kỷ XX.
Sau chiến tranh, chính phủ Thụy Sỹ xuất khẩu tín dụng thông qua quỹ từ thiện mang tên Schweizerspende và cũng đóng góp cho Kế hoạch Marshall nhằm giúp châu Âu phục hồi, các nỗ lực này cuối cùng cũng làm lợi cho kinh tế Thụy Sỹ.
Trong Chiến tranh Lạnh, nhà đương cục Thụy Sỹ từng xem xét chế tạo một bom hạt nhân. Các nhà vật lý học hạt nhân hàng đầu tại Viện Công nghệ Liên bang Zürich biến điều này trở thành khả thi. Tuy nhiên, các vấn đề tài chính và ngân sách quốc phòng ngăn cản cung cấp lượng kinh phí đáng kể, và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968 được cho là một lựa chọn có giá trị. Toàn bộ các kế hoạch còn lại về phát triển vũ khí hạt nhân bị dừng lại vào năm 1988.
Thụy Sỹ là nước cộng hòa phương Tây cuối cùng trao quyền tuyển cử cho nữ giới. Một số bang của Thụy Sỹ phê chuẩn quyền này vào năm 1959, còn ở cấp liên bang là vào năm 1971. Sau khi giành được quyền đi bầu ở cấp độ liên bang, tầm quan trọng chính trị của nữ giới nhanh chóng nổi lên, nữ giới đầu tiên trong Hội đồng Liên bang là Elisabeth Kopp, có nhiệm kỳ 1984–1989, và nữ tổng thống đầu tiên là Ruth Dreifuss vào năm 1999.
Thụy Sỹ gia nhập Ủy hội châu Âu vào năm 1963. Năm 1979, một số khu vực của bang Bern giành được độc lập và hình thành bang Jura. Ngày 18 tháng 4 năm 1989, dân chúng Thụy Sỹ và các bang bỏ phiếu tán thành thay đổi hoàn toàn hiến pháp liên bang.
Năm 2002, Thụy Sỹ trở thành một thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc. Thụy Sỹ là một thành viên sáng lập của Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu, song không phải là thành viên của Khu vực kinh tế châu Âu. Đơn xin làm thành viên Liên minh châu Âu được gửi đi vào tháng 5 năm 1992, song không có tiến bộ từ khi dân chúng bác bỏ Khu vực Kinh tế châu Âu vào tháng 12 năm 1992. Từ đó có một số cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề Liên minh châu Âu; do phản ứng khác nhau từ dân chúng nên đơn xin làm thành viên bị đóng băng. Tuy thế, pháp luật Thụy Sỹ dần được điều chỉnh để phù hợp với pháp luật Liên minh châu Âu, và chính phủ ký kết một số thỏa thuận song phương với tổ chức này. Ngày 5 tháng 6 năm 2005, cử tri Thụy Sỹ chấp thuận tham gia Hiệp ước Schengen.
Bản đồ vật lý Thụy sĩ
Bản đồ giao thông của Thụy sĩ
Bản đồ vệ tinh Thụy sĩ
Bản đồ độ cao địa hình
Xem thêm
- Tra cứu nhanh bản đồ các nước trên thế giới
Từ khóa » Bản đồ đất Nước Thụy Sĩ
-
Bản đồ đất Nước Thuỵ Sĩ (Switzerland) Khổ Lớn Năm 2022
-
1# Bản đồ Thụy Sĩ Khổ Lớn Phóng To Năm 2022
-
Bản đồ Nước Thuỵ Sĩ (Switzerland) & 10 điều Chỉ Có ở Thuỵ Sĩ
-
Thụy Sĩ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bản đồ đất Nước Thụy Sĩ
-
Thụy Sĩ - Switzerland - Các Nước Tây Âu
-
Thụy Sĩ Trên Bản Đồ Thế Giới
-
Bản đồ Quốc Gia Của Thụy Sĩ - Wikimedia Tiếng Việt
-
Bản đồ - Thụy Sĩ (Swiss Confederation) - MAP[N]ALL.COM
-
Bản đồ Thành Phố Thụy Sĩ Và Hướng Dẫn Du Lịch - TRAASGPU.COM
-
Bản đồ Thụy Sĩ - The Planets World
-
Bản đồ đất Nước Thuỵ Sĩ (Switzerland) Khổ Lớn Năm 2022