Bản Đồ Vị Trí Thị Xã Phú Mỹ - Diamond Real

Vị Trí Thị xã Phú Mỹ nằm ở phía tây tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có vị trí địa lý:

  • Phía đông giáp huyện Châu Đức
  • Phía đông nam giáp thành phố Bà Rịa
  • Phía tây giáp huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh với ranh giới là sông Thị Vải
  • Phía tây bắc giáp huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
  • Phía nam giáp thành phố Vũng Tàu
  • Phía bắc giáp huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

Thị xã Phú Mỹ có diện tích tự nhiên là 333,84 km², dân số năm 2019 là 221.030 người.

Thị xã nằm dọc theo quốc lộ 51, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60 km, cách thành phố Vũng Tàu khoảng 40 km và cách thành phố Bà Rịa khoảng 20 km.

Thị xã Phú Mỹ có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 5 phường: Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Phước Hòa, Tân Phước và 5 xã: Châu Pha, Sông Xoài, Tân Hải, Tân Hòa, Tóc Tiên.

Tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lập tỉnh Phước Tuy gồm địa bàn tỉnh Bà Rịa và quần đảo Trường Sa. Vùng đất thị xã Phú Mỹ ngày nay tương ứng với tổng An Phú Tân, quận Châu Thành, tỉnh Phước Tuy.

Ngày 23 tháng 12 năm 1961, quận Đức Thạnh được thành lập trên cơ sở bốn xã tách từ quận Châu Thành. Năm 1962, quận Châu Thành đổi tên thành quận Long Lễ.

Từ tháng 2 năm 1976, chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam sáp nhập tỉnh ba tỉnh Biên Hòa, Phước Tuy và Long Khánh thành tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, các quận chuyển thành huyện. Hai quận Long Lễ và Đức Thạnh được hợp lại thành huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai.

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, huyện Châu Thành thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới thành lập.

Ngày 2 tháng 6 năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 45-CP. Theo đó:

  • Thành lập huyện Tân Thành trên cơ sở tách các xã Phú Mỹ, Hội Bài, Phước Hòa, Mỹ Xuân, Hắc Dịch, Châu Pha; khu kinh tế mới Tóc Tiên; 800 ha diện tích tự nhiên của thôn Phước Tân, thị trấn Bà Rịa thuộc huyện Châu Thành cũ
  • Chuyển xã Phú Mỹ thành thị trấn Phú Mỹ, thị trấn huyện lỵ huyện Tân Thành
  • Chia xã Hắc Dịch thành 2 xã Hắc Dịch và Sông Xoài
  • Thành lập xã Tóc Tiên trên cơ sở khu kinh tế mới Tóc Tiên.

Huyện Tân Thành có 8 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Phú Mỹ và 7 xã: Châu Pha, Hắc Dịch, Hội Bài, Mỹ Xuân, Phước Hòa, Sông Xoài, Tóc Tiên.

Ngày 9 tháng 12 năm 2003, chia xã Hội Bài thành 2 xã: Tân Hải và Tân Hòa, chia xã Phước Hòa thành 2 xã: Phước Hòa và Tân Phước.

Ngày 7 tháng 10 năm 2013, thị trấn Phú Mỹ mở rộng thuộc huyện Tân Thành được công nhận là đô thị loại IV.

Từ đó đến cuối năm 2017, huyện Tân Thành có 1 thị trấn Phú Mỹ và 9 xã: Châu Pha, Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phước Hòa, Sông Xoài, Tân Hải, Tân Hòa, Tân Phước, Tóc Tiên.

Ngày 12 tháng 4 năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 492/NQ-UBTVQH14. Theo đó:

  • Thành lập thị xã Phú Mỹ trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Tân Thành.
  • Chuyển thị trấn Phú Mỹ và 4 xã: Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phước Hòa, Tân Phước thành 5 phường có tên tương ứng.

Sau khi thành lập, thị xã Phú Mỹ có 333,84 km² diện tích tự nhiên và 175.872 người với 10 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường: Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Phước Hòa, Tân Phước và 5 xã: Châu Pha, Sông Xoài, Tân Hải, Tân Hòa, Tóc Tiên.

Ngày 24 tháng 11 năm 2020, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 1484/QĐ-BXD về việc công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh

Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về phát triển kinh tế, sự hình thành các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp đã tạo ra những tác động mang tính đột phá mạnh mẽ, đánh thức những tiềm năng kinh tế của huyện Tân Thành. Tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn huyện đã bắt đầu sự thay đổi sâu sắc. Có thể nói khởi đầu gần như từ chưa có gì, sau 24 năm, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 09/10 khu công nghiệp và 03/05 cụm công nghiệp đang hoạt động với quy mô gần 5000ha, tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động trong khu công nghiệp đến nay là 215 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 13 tỷ USD, trong đó có 116 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn hơn 8 tỷ USD và 99 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn hơn 5,4 tỷ USD. Các dự án này hầu hết có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội không chỉ của huyện mà của cả tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và của cả toàn quốc, tiêu biểu là các dự án đường ống dẫn khí và trạm phân phối khí đốt, tổ hợp các nhà máy điện, các nhà máy sản xuất phân bón, các nhà máy thép, xi măng... tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp mới chất lượng và đa dạng.

Cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp, hệ thống cảng Cái Mép- Thị Vải được qui hoạch 32 cảng, hiện có 17 cảng đang khai thác, khối lượng hàng hóa thông quan cảng trong năm 2017 đạt khoảng 74,1 triệu tấn. Trong đó, hàng trực tiếp qua cảng đạt 48 triệu tấn; hàng quá cảnh trên tàu đạt 26,1 triệu tấn, hàng Container trực tiếp qua cảng đạt 15,5 triệu tấn.

Đồng hành với quy mô phát triển của ngành công nghiệp, cảng biển lớn trên địa bàn, huyện đã tập trung đầu tư phát triên mạng lưới công nghiệp-tiêu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ địa phương; tính đến nay, mạng lưới công nghiệp-tiêu thủ công nghiệp của huyện phát triển nhanh chóng; trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng lên. Từ chỗ giá trị sản xuất công nghiệp tạo ra trên địa bàn chỉ có 43 tỷ đồng vào năm 1995, đến năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đạt trên 13.079 tỷ đồng, tăng hơn 304 lần so với năm 1995. Ngành thương mại, dịch vụ vào năm 1995 chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể với số vốn nhỏ. Đến nay, đã có bước phát triển mạnh mẽ, đa dạng về loại hình và không ngừng nâng cao về chất lượng; hiện nay có 3.967 cơ sở kinh doanh thương mại-dịch vụ, trong đó 2.179 doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, Công ty cổ phần, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và 1.788 hộ kinh doanh; tăng 2.613 cơ sở với năm 1995.

Từ khóa » Bản đồ Phường Phú Mỹ Thị Xã Phú Mỹ