Ban Hành Phương án Tổ Chức Giãn Cách Xã Hội; Phong Tỏa, Cách Ly ...

Nội dung cụ thể như sau:

Căn cứ tình hình và thực tiễn diễn biến rất phức tạp dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt tại tỉnh Nghệ An và huyện Nông Cống giáp ranh với huyện Như Thanh đã phát hiện các ca dương tính với virút SAR-CoV-2 trong cộng đồng. Nhiều địa phương phải thực hiện cách ly theo chỉ thị 16/CT-TTg, số ca tử vong ngày càng tăng. Tại Như Thanh số người đi làm ăn xa về nhất là các khu vực có dịch đang được cách ly tại các khu cách ly tập trung và tại nhà rất nhiều. Đã có 03 trường hợp F0 trong các khu cách ly tập trung. Vì vậy nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập và lây lan trên địa bàn huyện Như Thanh là rất cao và hiện hữu;

Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh Covd-19 trên địa bàn huyện, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 huyện Như Thanh ban hành phương án Tổ chức phong tỏa, cách ly một khu vực dân cư khi xảy ra dịch bệnh để phòng, chống dịch bệnh Covd-19 lây lan trên diện rộng, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và nghiêm túc, khẩn trương thực hiện, cụ thể các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Công điện 24/CĐ-UBND  ngày 11/8/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

2. Chủ động triển khai thực hiện các biện pháp để kiểm soát, phòng chống lây lan dịch bệnh, bảo đảm an ninh, trật tự, trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng vẫn phải duy trì cho phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện.

3. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương để kiểm soát, quản lý chặt chẽ nhân khẩu đi, đến trong mỗi gia đình, khu phố, thôn, bản trong địa phương, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

4. Các lực lượng được huy động tham gia Phương án  phải được thành lập và huy động từ huyện, xã, thôn, khu phố và phải có tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chấp hành nghiêm mệnh lệnh chỉ huy, ứng xử văn hóa khi thi hành công vụ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

II. TÌNH HUỐNG GIẢ ĐỊNH

Khi dịch Covid-19 đã có sự lây lan trong cộng đồng hoặc ca bệnh có tiền sử tiếp xúc phức tạp nguy cơ lớn lây lan tại khu vực dân cư và địa bàn khác trong khi hầu hết các khu vực và địa bàn khác chưa có ca bệnh.

- Tình huống 1: Tại khu dân cư của một hoặc nhiều xã của huyện, có một số công dân đi làm ăn, du lịch ở trong nước, du học sinh, công dân Việt Nam lao động, làm ăn ở các địa phương hoặc quốc gia có dịch trở về địa phương không khai báo hoặc khai báo không rõ ràng. Cơ quan chức năng tiến hành xác minh phát hiện, trong thời gian về gia đình, một trong số công dân trên không khai báo trung thực, không được cách ly tập trung, đồng thời đã gặp và tiếp xúc với nhiều người trên địa bàn. Các trường hợp này hiện tại vẫn chưa được kiểm soát và cách ly triệt để.

- Tình huống 2: Có một số công dân tiếp xúc gần với trường hợp F0 có biểu hiện ho, sốt…đã được lấy mẫu xét nghiệm Covid – 19 bằng phương pháp RT-PCR nhưng chưa có kết quả.

- Tình huống 3: Phát hiện 1-2 công dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở được gia đình đưa về Trạm y tế và Bệnh viện đa khoa. Sau khi tiến hành các thủ tục xét nghiệm; 01 công dân trên cho kết quả dương tính với Covid-19 và được đưa về Bệnh viện Phổi tiến hành điều trị.

- Tình huống 4: Trên địa bàn xuất hiện một số người dân chết (do tuổi cao, bệnh tật khác...), tuy nhiên một số phần tử đã tung tin đồn ốm chết do mắc Covid-19. Tình trạng đầu cơ, tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm sinh hoạt đã xuất hiện tràn lan. Các cửa hàng, siêu thị ... đã gần như không còn đủ khả năng cung ứng; một số phần tử trộm cắp, thậm chí gây rối, kích động đã xuất hiện ở một số nơi. Qua nắm bắt dư luận, một số hộ gia đình đã có dấu hiệu thu gom tài sản, chuẩn bị hành lý để rời khỏi địa bàn. Tình hình dư luận nhân dân hết sức hoang mang, lo sợ.

- Tình huống 5: một  xã có nhiều F0 trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây, dịch bệnh đang tiềm ẩn, nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, phải báo cáo khẩn, đề xuất cách ly toàn huyện.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của huyện nhận định: Các trường hợp tiếp xúc F1, F2, F3,... liên quan đến các bệnh nhân dương tính với Covid- 19 trên địa bàn huyện ngày càng tăng và phức tạp. Diễn biến tình hình dịch bệnh chuyển sang giai đoạn cao hơn có thể lây lan diện rộng và khó kiểm soát trên địa bàn nếu không thực hiện biện pháp phong tỏa, cách ly theo chỉ thị 16/CT-TTg đối với khu dân cư hoặc với cả xã; không khoanh vùng diện rộng tại khu dân cư và cả xã thì nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 là rất lớn. Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh và ra quyết định phong tỏa, cách ly y tế khu dân cư, địa bàn xã, cao hơn đề xuất tỉnh cho thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ Tướng chính phủ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

III. CÁC BIỆN PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Khi xuất hiện các tình huống trên, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp huyện họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp cấp bách xử lý dịch bệnh, đồng thời báo cáo Ban thường vụ Huyện ủy, Ban chỉ đạo tỉnh; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo huyện để triển khai thực hiện; Quyết định phân công lãnh đạo huyện cùng cán bộ trực phòng chống dịch 24/24h để xử lý các tình huống phòng chống dịch; Thành lập tổ thư ký giúp việc cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch.

2. Ra quyết định giãn cách xã hội; phong tỏa, cách ly khu dân cư; xã (thị trấn) để khoanh vùng dập dịch.

3. Ra quyết định lập các chốt kiểm soát dịch bệnh tại các nơi giãn cách; phong tỏa, cách ly. Nhanh chóng kiểm tra, xác minh toàn bộ số công dân cư trú, lưu trú trên địa bàn; khảo sát, lên sơ đồ, xác định các tuyến đường ra, vào khu dân cư và xã; lập hàng rào, thành lập các chốt kiểm soát, lập sổ ghi chép người ra vào vùng dịch, giám sát dịch tễ, khử khuẩn người và các phương tiện giao thông trước khi ra, vào địa bàn.

4. Thực hiện nghiêm túc phòng chống dịch “4 tại chỗ”; đảm bảo các phương án nhân lực, hậu cần, vật tư y tế và lãnh đạo phòng chống dịch.

5. Thực hiện các hoạt động y tế trong vùng cách ly, thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 08/02/2021 của Ủy ban nhân dân huyện về đáp ứng với các tình huống phòng chống dịch Covid 19  trên địa bàn huyện Như Thanh; thiết lập hệ thống giám sát phát hiện chủ động bệnh dịch tại cộng đồng; tổ chức cách ly y tế; tiến hành xét nghiệm sàng lọc SARS-COV-2 những trường hợp F1, F2 liên quan; Cần thiết xét nghiệm toàn bộ dân cư nơi cách ly, phong tỏa; tổ chức đưa các trường hợp F0 đi điều trị ở bệnh viện; tổ chức phun tiêu độc khử trùng toàn bộ các hộ gia đình và môi trường khu dân cư; toàn xã. Tổ chức các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng cách ly; bảo đảm công tác kiểm soát phòng chống lây nhiễm tại cơ sở điều trị; hoạt động truyền thông phòng chống dịch trong vùng cách ly.

6. Thành lập tổ phản ứng nhanh, gồm Giám đốc TTYT huyện làm Tổ trưởng, các thành viên có đại diện cán bộ y tế BV đa khoa huyện, TTYT huyện, Công an huyện để tham mưu thực hiện truy vết khẩn cấp; xử lý công tác y tế phòng chống dịch. Chỉ đạo tiến hành điều tra hành trình đi lại, giao tiếp của người đã nhiễm bệnh, xác định những người tiếp xúc gần (F) để phân loại, cách ly.

7. Bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế bảo đảm điều trị các ca nhiễm bệnh tại địa phương, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom chất thải, tránh để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ các khu dân cư và các khu vực lân cận xét thấy cần thiết.

8. Tổ chức tốt công tác truyền thông để nhân dân nhận thức đúng về tình hình dịch bệnh, tránh tâm lý hoang mang, lo sợ, chấp hành nghiêm lệnh phong tỏa và có tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch.

9. Bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân và các đơn vị, lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại khu vực phong tỏa, cách ly; có phương án điều tiết, ổn định thị trường; kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng hàng hóa và gian lận thương mại.

10. Chỉ đạo các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất, tiếp tục sản xuất kinh doanh trong thời gian địa phương bị phong tỏa, cách ly.

IV. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Công tác chỉ đạo, điều hành.

- Tổ chức họp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với Ban chỉ đạo cấp trên để quán triệt, triển khai nhiệm vụ.

- Quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đến các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân biết để thực hiện.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin kịp thời để không để Nhân dân hoang mang, nhưng cũng không chủ quan; vận động để mỗi một người dân chấp hành đầy đủ quy định cách ly, giãn cách.

2. Lập các điểm chốt kiểm soát dịch: Căn cứ địa giới hành chính cụ thể của từng địa phương để xác định các điểm chốt kiểm soát dịch bệnh, cụ thể:

- Thành phần chốt kiểm soát: Mỗi chốt kiểm soát gồm 03 thành phần, gồm:

+ Lực lượng Công an: Làm trưởng chốt, phụ trách chung, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa ra, vào khu cách ly.

+ Lực lượng Quân đội: Kiểm soát, ghi chép, lập danh sách theo dõi 100% người, phương tiện, hàng hóa ra vào khu cách ly.

+ Lực lượng Y tế: Kiểm tra sức khỏe, đo nhiệt độ cho người ra vào khu cách ly; hướng dẫn pha hóa chất phun tiêu độc, khử trùng các phương tiện ra vào; hướng dẫn việc khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh, sử dụng khẩu trang và thu gom chất thải y tế vào nơi quy định tại chốt kiểm soát và khu dân cư để xử lý  (theo đúng quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn).

- Nhiệm vụ của chốt kiểm soát: Thực hiện 24/24 giờ trong ngày chia thành 03 ca, chốt kiểm soát có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa người ra, người vào vùng cách ly. Người ra vào vùng cách ly phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương.        

- Huy động bố trí lực lượng cho các chốt kiểm soát:

+ Lực lượng Công an: Do Công an huyện điều động.

+ Lực lượng Bộ đội: Do Ban chỉ huy Quân sự huyện điều động.

+ Y tế: Do Phòng Y tế tham mưu UBND huyện điều động.

Vận động lực lượng Thanh niên, phụ nữ hỗ trợ thêm tại các chốt (do UBND xã nơi lập chốt  điều động).

3. Đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong vùng cách ly

- Chính quyền và các cơ quan chức năng của huyện, xã, thị trấn triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự cho người dân trong vùng cách ly.

- Kiểm tra, đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ trong vùng cách ly.

- Dừng toàn diện, kịp thời các hoạt động, sự kiện tập trung đông người như vui chơi, giải trí, lễ hội, sự kiện ăn uống đông người, ... trên địa bàn toàn huyện.

- Tạm dừng việc dạy và học của giáo viên, học sinh khu vực bị cách ly (BCĐ huyện quyết định).

- Tổ chức tuần tra, bảo vệ thường xuyên khu vực cách ly 24/24h.

4. Đảm bảo an sinh xã hội trong vùng cách ly

- Triển khai thực hiện việc đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về an sinh xã hội cho người dân trong vùng cách ly.

- Thực hiện việc cung cấp các vật tư y tế, trang phục bảo hộ chống lây nhiễm, khẩu trang,…cho các lực lượng làm nhiệm vụ phong toả, cách ly, phòng chống dịch.

- Thành lập Tổ thu gom phân loại rác thải ở khu dân cư đang cách ly, mỗi 01 tổ (ít nhất 02 người) có nhiệm vụ hàng ngày thu gom, phân loại và vận chuyển rác thải đến nơi tập trung, chờ xử lý. Triển khai hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải y tế hàng ngày.

+ Thành lập Tổ hỗ trợ hậu cần (là người tình nguyện hoặc nhân lực từ thôn, bản, khu phố), mỗi tổ tối thiểu 03 người có nhiệm vụ hỗ trợ hậu cần, cung cấp đồ ăn, nước uống và các vật dụng cần thiết, tối thiểu cho các lực lượng tham gia thường trực, làm nhiệm vụ trong khu cách ly (số lượng tổ hỗ trợ hậu cần có thể thay đổi theo số chốt, trạm kiểm soát ra/vào vùng cách ly).

- Kiểm soát các điểm bán hàng bình ổn giá trong khu vực cách ly để cung ứng lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất của nhân dân trong thời gian thực hiện phong tỏa, cách ly (phụ thuộc vào thực tế khu vực cách ly).

5. Thực hiện các hoạt động y tế trong vùng cách ly

5.1. Thiết lập, duy trì hoạt động hệ thống giám sát chủ động phòng dịch tại cộng đồng:

- Thành lập các tổ giám sát, mỗi tổ 3 người nhân viên y tế là tổ trưởng và các thành viên là: trưởng khu phố, thôn hoặc hội viên hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên. Số lượng tổ giám sát tùy thuộc mật độ dân số tại khu cách ly. Trung tâm y tế huyện tổ chức tập huấn nhanh cho các thành viên các Tổ công tác về theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ và ghi chép biểu mẫu báo cáo.

- Nhiệm vụ của các Tổ giám sát:

+ Lập danh sách toàn bộ các hộ gia đình và các thành viên trong gia đình do tổ mình phụ trách, tuyệt đối không bỏ sót.

+ Giám sát sức khỏe và hướng dẫn người dân vùng cách ly đo thân nhiệt mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Ghi chép kết quả vào biểu mẫu giám sát, theo dõi sức khỏe hộ gia đình.

+ Hỗ trợ cho người có biểu hiện bất thường về sức khỏe thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên.

+ Khi có trường hợp bất thường về sức khỏe của người dân trong vùng cách ly phải thông báo ngay cho tổ giám sát y tế để được thăm khám tại nhà hoặc được vận chuyển đến điểm khám và điều trị.

+ Trường hợp phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 (sốt, ho, khó thở,...) tại hộ gia đình, lập tức cho bệnh nhân đeo khẩu trang và báo cáo ngay bằng điện thoại cho tổ giám sát y tế, sau đó tiếp tục thực hiện việc rà soát, lập danh sách toàn bộ những người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ.

+ Tổ giám sát y tế báo cáo và phối hợp với Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế huyện đưa bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh cũng như người tiếp xúc gần đến cơ sở cách ly, điều trị và lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đi xét nghiệm theo quy định.

+ Các tổ giám sát thực hiện ghi chép đầy đủ và báo cáo hàng ngày cho Sở chỉ huy dã chiến để tổng hợp báo cáo về Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện và theo hệ thống lên cấp trên.

Thiết lập đường dây nóng báo dịch và cung cấp, công khai rộng rãi cho toàn thể nhân dân trong vùng cách ly biết đẻ người dân chủ động khai báo, cung cấp thông tin khi bản thân hoặc người trong gia đình, hàng xóm có biểu hiện nghi mắc bệnh.

Xây dựng bản tin ngắn phát trên loa phát thanh hằng ngày “Thông báo cho người dân về hoạt động theo dõi sức khỏe hộ gia đình” để nhân dân được biết và hợp tác.

Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa Khoa trên địa bàn phân công cán bộ cùng y tế xã cắm chốt tại Trạm y tế xã để nắm bắt thông tin về dịch bệnh và đảm bảo việc khám chữa bệnh, cấp cứu các bệnh thông thường cho nhân dân.

5.2. Tổ chức cách ly y tế:

Trong vùng cách ly cần thực hiện các biện pháp cách ly y tế đối với cá nhân ở mức nghiêm ngặt hơn so với các nơi khác, cụ thể như sau :

- Ca bệnh xác định mắc Covid-19(F0) :

+ Đưa bệnh nhân đi điều trị tại các cơ sở điều trị theo quy định của Bộ y tế. Cơ sở điều trị bệnh Covid-19 (Bệnh viện phổi Thanh Hóa, Bệnh viện đa khoa Như Thanh).

- Nhóm tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (F1):

Đưa đi cách ly y tế tập trung trong vòng  21 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2 thì xử lý như ca bệnh xác định. Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính thì tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe hằng ngày (đo thân nhiệt, phát hiện các triệu chứng) tại cơ sở cách ly y tế đủ 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định.

- Ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19:

+ Cho bệnh nhân đeo khẩu trang và đưa đi cách ly ngay tại cơ sở điều trị. Bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh cần được sắp xếp cách ly ở khu riêng với khu điều trị bệnh nhân xác định.

+ Nếu bệnh nhân nghi ngờ với kết quả xét nghiêm dương tính với Covid-19 thì chuyển bệnh nhân sang điều trị và cách ly là ca bệnh xác định.

+ Nếu bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 thì chuyển bệnh nhân sang khu cách ly y tế tập trung.

+ Nếu bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm mùa: cho bệnh nhân đeo khẩu trang, chuyển bệnh nhân sang khu riêng điều trị bệnh cúm mùa để tránh lây nhiễm cúm mùa cho bệnh nhân khác cũng như cho cộng đồng. Tiếp tục điều trị, cách ly đủ 21 ngày.

- Nhóm tiếp xúc gần với ca bệnh(F2, F3):

+ Yêu cầu cách ly tại nhà, hướng dẫn cách tự phòng bệnh, tự theo dõi sức khỏe trong khi chờ kết quả xét nghiệm của ca bệnh nghi ngờ và có sự cam kết của người cách ly với chính quyền xã.

+ Nếu ca bệnh nghi ngờ dương tính với Covid-19 thì F2 trở thành F1 và F3 trở thành F2 xử lý các trường hợp này như trên.

+ Nếu ca bệnh nghi ngờ có kết quả xét nghiệm âm tính: tiếp tục theo dõi sức khỏe những người này như những người dân khác trong vùng cách ly.

Các trường hợp khác:

+ Đối với những người đã ra khỏi địa bàn xã và không có tiếp xúc gần với những người cư trú tại địa bàn xã trong thời điểm 21 ngày trước thời điểm cách ly: yêu cầu ở lại nơi tạm trú, không về nơi cư trú;

5.3. Hoạt động xử lý môi trường, khử trùng khu vực ổ dịch:

- Xác định rõ hiện trạng, thực trạng phân bố dân cư, giao thông trong khu vực cách ly để có biện pháp khử trùng, tiêu độc phù hợp với thực tiễn địa bàn phải cách ly.

- Thành lập các tổ tiêu độc khử trùng hoạt động trong vùng cách ly mỗi tổ 04 người bao gồm: 01 cán bộ y tế và 03 thanh niên tình nguyện, có nhiệm vụ thực hiện phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại các gia đình, khu vực có ca bệnh và các F theo chỉ định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã; kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn người dân dùng nước xà phòng, dung dịch sát khuẩn lau, rửa nền nhà, tay nắm cửa, bàn ghế và bề mặt các đồ vạt khác trong nhà.

- Đối với hộ gia đình có bệnh nhân Covid-19:

+ Xử lý môi trường, khử trùng tại nhà bệnh nhân: Lau nền nhà, tay nắm cửa, bàn ghế và bề mặt các đồ vật khác trong nhà bằng dung dịch khử trùng chứa 0,5% clo hoạt tính.

+ Phun khử trùng dung dịch khử trùng chứa 0,5% clo hoạt tính các khu vực khác như nhà bếp, nhà vệ sinh, sân, xung quanh nhà,...

+ Thực hiện đóng cổng/ cửa nhà bệnh nhân, không cho người ngoài ra vào nhà trong khi bệnh nhân và thành viên gia đình bệnh nhân đang được cách ly tại cơ sở y tế.

Đối với hộ gia đình liền kề xung quanh:

Thực hiện khử trùng: lau nền nhà, tay nắm cửa, bàn ghế và bề mặt các đồ vật khác trong nhà bằng dung dịch khử trùng chứa 0,5% clo hoạt tính.

Phun khử trùng dung dịch khử trùng chứa 0,5% clo hoạt tính các khu vực khác như nhà bếp, nhà vệ sinh, sân, xung quanh nhà,...

Đối với hộ gia đình có bệnh nghi ngờ (có sốt, ho, khó thở phải cách ly ở cơ sở y tế các tuyến: Xử lý như đối với ca bệnh xác định).

- Đối với các khu vực khác:

+ Trụ sở UBND xã, trường học, Trạm Y tế, chợ... phun khử trùng dung dịch khử trùng chứa 0,5% clo hoạt tính.

+ Tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khu phố tiến hành phun khử trùng dung dịch khử trùng chứa 0,5% clo hoạt tính những nơi có nguy cơ ô nhiễm....

5.4. Tổ chức các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhan dân vùng cách ly.

Bệnh viện đa khoa, Trạm y tế xã trên địa bàn phải bảo đảm công tác y tế thiết yếu, bao gồm: cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh thông thường, bệnh mạn tính, các dịch vụ y tế, tiêm chủng cho một số nhóm đối tượng đặc biệt, chăm sóc giảm nhẹ, v.v... Để đảm bảo cho công tác này, cần triển khai các hoạt động sau:

- Duy trì hoạt động khám, chữa bệnh: Duy trì thường xuyên, trong đó phải phân làm 2 khu riêng biệt để tránh lây nhiễm, gồm:

+ Khu tiếp nhận, khám, cách ly tạm thời các bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh Covid-19: Tiếp nhận tất cả các trường hợp ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, khó thở…vv.

+ Khu tiếp nhận, khám, cấp cứu các bệnh nhân thông thường khác.

+ Tại cơ sở y tế cần có 1 bàn hướng dẫn và phân loại bệnh nhân ngay từ đầu và có biển chỉ dẫn rõ ràng.

- Nhân lực: Bệnh viện đa khoa huyện bố trí nhân lực hỗ trợ Trạm y tế xã thành lập 02 kíp khám chữa bệnh thường trực 24/24h để thực hiện công tác sơ cấp cứu, khám chữa bệnh tại Trạm y tế xã.

- Huy động và bổ sung trang thiết bị, phương tiện cần thiết

+ Bệnh viện đa khoa huyện luôn sẵn sàng: Máy chụp Xquang, máy siêu âm, monitor theo dõi người bệnh, xét nghiệm nhanh đường máu; bổ sung thêm máy đo huyết áp, nhiệt kế điện tử và các phương tiện, dụng cụ thăm khám người bệnh đảm bảo sử dụng riêng cho người bệnh nghi nhiễm và người bệnh không thuộc diện nghi nhiễm (nếu có đủ nguồn lực). Nếu không đủ nguồn lực, phương tiện, máy móc... thì phải đảm bảo phân luồng, tránh tiếp xúc gần, lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

- Bảo đảm về thuốc, vật tư y tế: Bệnh viện đa khoa lập kế hoạch bổ sung cho Trạm y tế xã bảo đảm tối thiểu danh mục và số lượng thuốc, vật tư y tế đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh các bệnh thường gặp, bệnh mãn tính ngay tại Trạm y tế xã, sử dụng danh mục thuốc BHYT theo quy định của Bộ y tế.

- Tổ chức công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh vượt khả năng điều trị của Trạm y tế xã lên tuyến trên: Người bệnh vượt quá khả năng điều trị tại Trạm y tế xã được vận chuyển về khu vực điều trị cách ly theo quy dịnh bằng xe ô tô cứu thương cả chiều đi và chiều về. Thống nhất quy trình chuyển người lên bệnh viện đa khoa huyện và tuyến trên để điều trị và các đầu mối thông tin liên lạc, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ. Lưu ý vẫn phải bảo đảm cách ly y tế với ngưới dân trong vùng được cách ly.

- Bảo đảm một số dịch vụ y tế thiết yếu khác:

+ Duy trì việc ngậm Buprenorphine tại Trung tâm Y tế huyện

+ Liên hệ với các bệnh viện tuyến trên để cung ứng kịp thời các thuốc đặc thù đối với người bệnh của vùng cách ly đang được quản lý, điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm và các bệnh mạn tính khác, chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh viện tuyến  trên.

+ Trung tâm Y tế huyện phối hợp với trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cung ứng dịch vụ tiêm chủng đối với một số dịch vụ tiêm chủng không thể trì hoãn như: tiêm phòng uốn ván cho bà mẹ mang thai, tiêm phòng bệnh dại....

+ Tạm hoãn việc tiêm chủng thường xuyên trong tháng tại vùng cách ly cho đến khi hết thời gian cách ly để tránh lây nhiễm chéo trong công tác giám sát và phòng chống dịch tại vùng cách ly.

5.5. Bảo đảm công tác kiểm soát phòng chống lây nhiễm tại cơ sở điều trị:

- Công tác phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm: Tại Bệnh viện đa khoa huyện, Trạm y tế, cơ sở cách ly điều trị người bệnh phải được thực hiện nghiêm ngặt, thường xuyên, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, không để lây nhiễm sang người bệnh khác và không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, cụ thể như sau:

+ Rà soát, đánh giá lại toàn bộ các điều kiện cần thiết cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại trạm y tế, cơ sở thu dung điều trị người bệnh và người nghi nhiễm , Bệnh viện nơi thu dung điều trị người bệnh.

+ Lập danh mục các trang thiết bị, phương tiện cần thiết cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Đề nghị bổ sung ngay các phương tiện còn thiếu, đồng thời huy động sự hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến trên và cac đơn vị khác nếu cần.

+ Tổ chức tập huấn chi tiết về kiểm soát lây nhiễm cho nhân viên y tế của Trạm y tế xã, cơ sở thu dung điều trị người bệnh và người nghi nhiễm, Bệnh viện nơi thu dung điều trị người bệnh.

+ Trung tâm Y tế huyện cử 02 cán bộ có năng lực, có trách nhiệm cao làm giám sát về kiểm soát nhiễm khuẩn (được tập huấn về công tác giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn) dưới sự chỉ đạo, giám sát của các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn từ Trung tâm kiểm soát bênh tật tỉnh.

+ Chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn trực tiếp kiểm tra thực hành kiểm soát lây nhiễm tại các đơn vị. Qua kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực thực hành và sự thay đổi trong nhận thức, thái độ và thực hành kiểm soát lây nhiễm của nhân viên y tế.

- Khu tiếp nhân, xử lý bệnh nhân: Tại Trạm y tế xã, thị trấn; Bệnh viện đa khoa huyện tiếp nhận khám bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19, phải phân khu và tiếp nhận điều trị và cách ly nhóm bệnh nhân một cách riêng biệt, cụ thể như sau:

+ Khu vực cách ly bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh Covid - 19 đến khám.

+ Khu vực cách ly bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh Covid - 19 đang chờ chuyển đến nơi điều trị.

6. Hoạt động truyền thông phòng chống dịch trong vùng cách ly

- Truyền thông vận động nhân dân về vai trò, trách nhiệm của mỗi người cần đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt trong việc trong việc đồng thuận thực hiện cách ly tại vùng dịch.

- Cập nhật tình hình dịch bệnh tại địa phương, đảm bảo bám sát diễn biến của dịch bệnh, truyền thông cho người dân tại các tổ dân cư, khu phố biết, qua đó ổn định tâm lý của bà con trên địa bàn.

- Truyền thông về sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành y tế trong việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, để nhân dân yên tâm.

- Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn xã, cụ thể: Truyền thông rộng rãi các văn bản chỉ đạo; hướng dẫn việc phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh của ngành y tế; các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh đến từng tổ dân cư, khu phố và từng người dân địa phương.

- Phổ biến kiến thức; phát tờ rơi, cung cấp tài liệu hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hướng dẫn các hộ gia đình về cách phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt sử dụng hệ thống loa phát thanh để tuyên truyền trong khu cách ly.

- Phối hợp phát hiện và ngăn chặn việc tuyên truyền, đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh tại địa phương, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Nêu gương một số cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu nghiêm chỉnh thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cũng như cách ly tại địa phương.

- Thông báo trong cộng đồng và yêu cầu những người nghi mắc bệnh truyền nhiễm nói chung và người nghi mắc Covid-19 nói riêng trong vùng cách ly chỉ đi khám bệnh ban đầu tại vùng cách ly

V. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Ban Chỉ đạo cấp huyện về phòng chống dịch bệnh Covid-19

- Chỉ đạo điều hành phối hợp giữa các phòng, ngành, địa phương liên quan trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong toàn huyện và các địa bàn tiếp giáp với địa bàn giãn cách; cách ly, phong tỏa.

- Nắm chắc tình hình mọi mặt, diễn biến của dịch bệnh và có phương án ứng phó, phòng, chống, dập dịch.

- Đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh trên địa bàn, chủ động đề xuất với Ban chỉ đạo tỉnh và các Sở, ngành liên quan trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19.

- Kịp thời ban hành các quyết định liên quan đến việc giãn cách, phong tỏa, cách ly; lập chốt kiểm dịch.

- Chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo đời sống nhân dân, an ninh trật tự, tránh tình trạng hỗn loạn, phát sinh các tệ nạn xã hội.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khắc phục khó khăn, tiếp tục sản xuất kinh doanh, bảo đảm an toàn cho người lao động.

2. Ban Chỉ huy Quân sự huyện

- Chủ trì báo cáo, đề xuất phương án, đề nghị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chi viện lực lượng quân y, phương tiện, vật tư y tế; triển khai lực lượng phòng hóa và phương tiện chuyên dụng tiến hành phun hóa chất khử trùng, diệt khuẩn tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu vực cách ly trên địa bàn xã.

- Chỉ đạo các lực lượng phối hợp với Công an tiến hành phong tỏa, cách ly và bảo đảm an ninh trật tự khu vực có dịch; tham gia kiểm soát tai chốt kiểm dịch.

- Phối hợp với ngành Y tế thành lập khu vực cách ly, thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh tại các khu vực dân cư còn lại của địa bàn.

- Sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác khi có tình huống phát sinh.

3. Công an huyện

- Chủ trì xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự đối với địa bàn xã và trong toàn huyện.

- Chủ trì phối hợp với các lực lượng và chính quyền địa phương nhanh chóng lập hàng rào, hình thành chốt kiểm soát, phong tỏa; phân công nhiệm vụ cụ thể tại chốt kiểm soát; thực hiện khoanh vùng, cách ly khu dân cư để quản lý hành chính; bảo đảm an ninh, an toàn quy trình giám sát dịch tễ, khử khuẩn người và các phương tiện giao thông trước khi ra/vào địa bàn giãn cách, cách ly, phong tỏa.

- Tổ chức rà soát, xác minh, quản lý chặt chẽ hoạt động tạm trú, tạm vắng của các công dân trên địa bàn; phối hợp với các địa phương có liên quan rà soát, kiểm soát và thực hiện các biện pháp y tế đối với những người đã ra khỏi địa bàn kể từ ngày có ca nghi ngờ.

- Phối hợp với ngành Y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh; bảo đảm an ninh cho việc cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh. Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng.

- Phối hợp với các địa phương tiếp giáp địa bàn giãn cách, phong tỏa, cách ly (trong hoặc ngoài huyện, ngoài tỉnh) để giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch và chia sẻ các thông tin về người rời đi hoặc đến địa phương.

- Quản lý, nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đang có dịch cũng như trên địa bàn huyện.

- Sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khi có tình huống phát sinh.

4. Phòng Y tế - Trung tâm Y tế

- Chủ trì tham mưu, điều phối, triển khai tổng thể tất cả các hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện; xây dựng phương án tổ chức cách ly, xét nghiệm đối với các công dân trong vùng dịch.

- Tham mưu và trực tiếp chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn huyện và xã đang giãn cách, cách ly triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình dịch trong khu vực cách ly, phong tỏa; báo cáo BCĐ huyện và tỉnh thường xuyên để tăng cường lực lượng, phương tiện bảo đảm tốt phòng, chống dịch bệnh ở các cấp độ.

- Phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện và các cơ quan chức năng để triển khai, thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh tại các khu vực cách ly.

- Hướng dẫn địa bàn giãn cách, cách ly thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm; quản lý chặt chẽ các trường hợp nhiễm bệnh, giám sát, cách ly tại gia đình, tại cơ sở y tế địa phương; công tác vệ sinh môi trường trong phòng chống dịch bệnh tại các cơ quan, trường học, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở kinh doanh ăn uống, nơi tập trung đông người...vv

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, chỉ đạo Trạm y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn phải bố trí khu vực riêng và tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh ngay tại nơi tiếp nhận bệnh nhân tới khám; bố trí phòng khám cách ly các trường hợp ho, sốt, khó thở; tiến hành các biện pháp phòng ngừa, quản lý, theo dõi, cách ly ngay sau khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ (tiến hành cách ly trong vòng 21 ngày); tăng cường giám sát đối với tất cả người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt lưu ý những người có tiền sử bị bệnh trở về từ vùng có dịch.

- Phối hợp Phòng Văn hóa - Thông tin huyện và các cơ quan liên quan thực hiện công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh; quản lý thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh.

- Tổng hợp nhu cầu kinh phí, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng hộ cho đội ngũ bác sĩ, tình nguyện viên phòng chống dịch tại địa bàn giã cách, cách ly, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; điều phối nguồn dự trữ thuốc, vật tư, hóa chất và có kế hoạch đề xuất mua bổ sung trường hợp dịch bệnh kéo dài hoặc bùng phát trên diện rộng.

- Sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khi có tình huống phát sinh.

5. Bệnh viện Đa khoa huyện

- Phân công cán bộ cắm chốt tại Trạm Y tế xã và tham gia vào các tổ công tác của khu vục cách ly, phong tỏa để nắm bắt thông tin về dịch bệnh và đảm bảo việc khám chữa bệnh, cấp cứu các bệnh thông thường cho nhân dân.

- Bố trí xe cứu thương để chở bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid- 19 đến khu cách ly tập trung hoặc đi bệnh viện.

- Đảm bảo công tác y tế thiết yếu, bao gồm: cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh thông thường, bệnh mạn tính, các dịch vụ y tế, tiêm chủng vắc xin VGB sơ sinh, chăm sóc giảm nhẹ, v.v... Để bảo đảm cho công tác này, cần triển khai các hoạt động sau:

+ Bảo đảm về thuốc, vật tư y tế: lập kế hoạch bổ sung cho Trạm Y tế xã bảo đảm tối thiểu danh mục và số lượng thuốc, vật tư y tế đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh các bệnh thường gặp, bệnh mạn tính ngay tại Trạm Y tế xã, sử dụng Danh mục thuốc BHYT theo quy định của Bộ Y tế.

+ Tổ chức công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh vượt khả năng điều trị của Trạm Y tế xã lên tuyến trên: Người bệnh vượt quá khả năng điều trị tại Trạm Y tế xã được vận chuyển về khu vực điều trị cách ly theo qui định bằng xe ô tô cứu thương cả chiều đi và chiều về. Thống nhất quy trình chuyển người bệnh lên Bệnh viện đa khoa huyện và tuyến trên để điều trị và các đầu mối thông tin liên lạc, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ. Lưu ý vẫn phải bảo đảm công tác cách ly y tế đối với người dân trong vùng được cách ly.

+ Tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác xét nghiệm và điều trị.

- Thường trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thuốc, vật tư nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân kịp thời.

- Sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khi có tình huống phát sinh.

6. Phòng Kinh tế - Hạ tầng

- Phối hợp với UBND xã: Thống kê chi tiết nhu cầu nhu yếu phẩm, ký hợp đồng với các nhà cung cấp hàng hoá cung ứng hàng hoá tận nơi vùng dịch. Không để thiếu trong bất kỳ tình huống nào. Đáp ứng cho nhu cầu kể cả trường hợp kéo dài 30 ngày hoặc hơn nữa tại khu vực bị cách ly; (thống nhất phương án vận chuyển, tập kết, phân phối hàng hoá, thực phẩm cho nhân dân khu vực cách ly đảm bảo khoảng cách, vệ sinh dịch tễ, khử khuẩn người, phương tiện vận chuyển khi ra, vào địa phương; Theo dõi sát sao diễn biến cung - cầu hàng hóa khu vực cách ly, lên phương án điều phối, kịp thời hỗ trợ, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong vùng cách ly.

- Phối hợp với UBND xã thiết lập hệ thống các điểm bán hàng bình ổn giá hoặc thành lập Đội bán hàng lưu động cho các thôn, khu phố vùng dịch; Có phương án cung ứng hàng hoá bổ sung cho các khu vực lân cận.

- Phối hợp với đội Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân xã và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng hàng hóa và gian lận thương mại.

- Phối hợp Điện lực huyện đảm bảo nguồn điện phục vụ nhân dân trên địa bàn toàn huyện.

- Xây dựng phương án bảo đảm giao thông vận tải, triển khai thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch cho các hành khách trên các phương tiện vận tải khi phải lưu thông qua xã, huyện. Huy động phương tiện chở hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân tại khu vực cách ly theo đề nghị của xã.

- Phối hợp với Quân sự huyện sẵn sàng bảo đảm lực lượng, phương tiện tham gia tiếp nhận, vận chuyển công dân theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện.

- Phối hợp với Công an huyện kiểm soát, phân luồng giao thông các phương tiện ra, vào, đi qua xã. Triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ hành trình của các phương tiện giao thông, taxi,... trên địa bàn.

- Sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khi có tình huống phát sinh.

7. Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm VHTTTT&DL huyện

- Thực hiện công tác nắm tình hình dư luận, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nắm rõ tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống của chính quyền, đề cao trách nhiệm bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội trong việc tự phòng, tránh dịch bệnh.

- Phối hợp với Phòng Y tế, Ủy ban nhân dân xã tuyên truyền để người dân không quá hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh, nhưng không được chủ quan, lơ là, phải nghiêm túc thực hiện khai báo y tế và tham gia tích cực khám, sàng lọc; khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, có các triệu chứng cúm phải đến ngay các cơ sở y tế theo quy định để cách ly, theo dõi và thực hiện xét nghiệm.

- Chủ động nắm bắt, định hướng thông tin dư luận đảm bảo chính xác, kịp thời, toàn diện, hiệu quả; đấu tranh mạnh mẽ, bác bỏ các thông tin sai lệch làm ảnh hưởng tới sự ổn định, an ninh trật tự, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, nhất là trên Internet, mạng xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về an ninh thông tin và an ninh mạng.

- Chỉ đạo các xã tổ chức hệ thống loa phát thanh tại các điểm chốt, khu dân cư để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, chỉ đạo về nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch trên hệ thống truyền hình của địa phương theo tình hình hàng ngày của địa phương để nhân dân nắm bắt và cộng tác thực hiện.

- Phối hợp các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc trên địa bàn xã và toàn huyện.

- Sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khi có tình huống phát sinh.

8. Phòng Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các cấp trường học tại xã, huyện tiếp tục cho học sinh nghỉ học; đề xuất trưng dụng một số trường THPT, THCS... có trên địa bàn làm cơ sở cách ly, điều trị khi dịch bệnh tiếp tục gia tăng.

- Thời gian này, học sinh trên địa bàn phải nghỉ học do đó ngành Giáo dục và đào tạo tiếp tục triển khai việc dạy học và ôn tập trên hệ thống trực tuyến, công nghệ thông tin cũng như bảo quản trường lớp thật tốt để thực hiện nhiệm vụ khi hết dịch.

9. Phòng Tài chính - Kế hoạch

- Đề xuất bảo đảm đủ và kịp thời kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ưu tiên cấp kinh phí mua sắm bổ sung thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện đáp ứng phương án phong tỏa, cách ly tại xã giãn cách, cách ly và trong toàn huyện để phòng chống dịch.

- Đề xuất thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động, dân quân tự vệ… làm nhiệm vụ trong khu vực phong tỏa, cách ly.

- Đề xuất chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện việc phong tỏa, cách ly tại địa bàn báo cáo BCĐ.

10. Điện lực Như Thanh, Các doanh nghiệp viễn thông

Đảm bảo an ninh điện, thông tin liên lạc không để xảy ra các hiện tượng mất điện, thông tin liên lạc tại xã và các địa phương trên địa bàn huyện.

11. Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức chính trị xã hội

- Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch với phương châm “người dân là trung tâm, hộ gia đình làm nòng cốt”.

- Vận động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong triển khai phòng, chống dịch của huyện.

12. Cấp ủy, Ủy ban nhân dân thực hiện giãn cách, cách ly.

- Trên cơ sở Kế hoạch này và các chỉ đạo của cấp ủy, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện, chấp hành nghiêm và nhanh chóng tiến hành các biện pháp phong tỏa tổ dân cư địa bàn. Tiếp tục phát huy hiệu quả phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, nguyên tắc “Phát hiện sớm, cách ly sớm, điều trị sớm”, triển khai kiên quyết, đồng bộ các giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh Covd-19 ở các cấp độ, các địa bàn xã, thôn (khu), tổ dân (xóm).

- Phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch trên địa bàn; khai báo y tế để lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe cho người dân một cách có hệ thống; thường xuyên nắm chắc tình hình tạm trú, tạm vắng của người dân trên địa bàn, đặc biệt là các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ đến/đi qua vùng dịch và tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 để kiểm soát nghiêm ngặt.

- Chủ động ứng phó với các tình huống phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất số người mắc, không để dịch lây lan ra cộng đồng; hạn chế số người tử vong; bố trí khu vực cách ly tập trung, khu vục điều trị cho bệnh nhân.

- Chủ động phối hợp với ngành y tế và các ban ngành, các địa phương bạn trong việc triển khai các hoạt động, bảo đảm cung cấp một phần nhu yếu phẩm, phương tiện, vật tư, thuốc, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

- Chỉ đạo, triển khai công tác quản lý, giám sát chặt chẽ đối với các trường hợp thực hiện cách ly tại nhà, tại nơi làm việc.

- Chỉ đạo cơ sở (thôn, khu phố, ...), cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt việc cách ly theo quy định; tổ chức giám sát chặt chẽ mọi công dân ra vào, tiến hành nghiêm việc khai báo lưu trú, chỉ đạo xử lý kiên quyết các trường hợp không chấp hành hoặc có hành vi chống đối lệnh phong tỏa và các quy định về phòng chống dịch bệnh. Trường hợp đặc biệt khi ra khỏi địa bàn phải tiến hành khai báo, xét nghiệm y tế và được sự cho phép của cơ quan chức năng (có giấy ra vào địa bàn).

- Rà soát toàn bộ vật chất, phương tiện trên địa bàn có khả năng đáp ứng, sẵn sàng trưng dụng phục vụ bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Chỉ đạo lựa chọn địa điểm thiết lập các điểm bán hàng bình ổn giá; bố trí nhân lực phối hợp, hỗ trợ đơn vị cung ứng vận chuyển hàng hóa và các biện pháp đảm bảo vệ sinh dịch tễ trong khu vực bị phong tỏa, cách ly có phương án tổ chức làm việc, cung ứng nhu yếu phẩm cho các gia đình gặp khó khăn về đi lại (nếu có).

- Triển khai giải pháp đồng bộ bảo đảm vừa phong tỏa, cách ly, vừa tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh.

13. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch trên địa bàn; chú ý khai báo y tế để lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe cho người dân một cách có hệ thống; thường xuyên nắm chắc tình hình tạm trú, tạm vắng của người dân trên địa bàn.

- Phối hợp xã giãn cách, cách ly tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các chốt và các tuyến đường. Kiên quyết không cho bất kỳ trường hợp người dân nào tại khu vực đang cách ly, giãn cách được phép sang địa bàn và ngược lại.

- Chủ động xây dựng phương án đáp ứng công tác phòng, chống dịch khi xảy ra tình huống phong tỏa, cách ly một đơn vị hành chính hoặc toàn xã.

- Sẵn sàng phối hợp thực hiện nhiệm vụ khác khi có tình huống phát sinh.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xí nghiệp, các Ban, ngành, đoàn thể trên cơ sở phương án này, xây dựng kế hoạch của đơn vị mình, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện có hiệu quả khi tình huống xảy ra; đồng thời duy trì công tác kiểm soát chung để đảm bảo việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Trên đây là nội dung Phương án giãn cách; phong tỏa, cách ly một khu dân cư; xã (thị trấn) để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của huyện Như Thanh. Đối với cấp huyện, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ đề nghị tỉnh xem xét quyết định giãn cách, cách ly, phong tỏa.

Trong quá trình triển khai thực hiện có những khó khăn, vướng mắc đề nghị các phòng chuyên môn UBND huyện, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo cấp huyện và Ủy ban nhân dân huyện để tổng hợp, xem xét, giải quyết.

Toàn văn Quyết định

Từ khóa » Sự Khác Nhau Giữa Phong Toả Và Cách Ly