Bản Lĩnh Hồ Chí Minh | Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Tác giả: TƯƠNG LAI
Dám nghĩ đến những “nghịch lý táo bạo” chính là sự thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm đối với sự nghiệp mình đang theo đuổi, dám chịu trách nhiệm với chính mình. Cái đó chính là bản lĩnh
Bản lĩnh Hồ Chí Minh là sự kết tụ và phát huy mạnh mẽ và sáng tạo bản lĩnh dân tộc Việt Nam ta trong tư tưởng, trong hành động, trong mọi ứng xử của “con người giàu chất người nhất trên thế giới này” (1)
Kỷ niệm 120 ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh giục giã những ai đang suy tư về vận nước nghĩ về bản lĩnh cần phải có để đủ trí lự và quyết tâm vượt lên mọi thử thách, có cái đã có tiền lệ mà ông cha ta cũng như Hồ Chí Minh đã chủ động đối phó một cách tuyệt vời, đồng thời cũng có những cái chưa có tiền lệ. Suy ngẫm kỹ về thực trạng, xem ra lúc này, bài học từ Hồ Chí Minh cấp bách nhất, trực tiếp nhất song cũng thuộc loại khó nhất là bài học về bản lĩnh của Bác.
Bản lĩnh là một khái niệm vừa trừu tượng, nhưng cũng vừa rất cụ thể. Bản lĩnh Hồ Chí Minh được hun đúc từ truyền thống dân tộc, một dân tộc vốn nằm trong thế kẹt oái oăm của vị trí địa-chính trị, mà muốn tồn tại và phát triển thì phải phát huy đến mức cao nhất khí phách “có cứng mới đứng được đầu gió”, “sóng cả không ngả tay chèo” sóng gió hung bạo và dữ dằn của Biển Đông, không chỉ từ trời mà thường trực hơn, xảo quyệt hơn là từ người.
Bàn về sự phát trịển của các nền văn minh, nhà sử học lớn nhất thế kỷ XX, Arnold Toynbee đưa ra luận điểm: “Thiên nhiên phải đến với con người như một khó khăn cần phải vượt qua. Nếu con người chọi lại thách thức thì sự chống trả của nó tạo những nền tảng cho nền văn minh của họ”.
Lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc ta là một minh chứng sống động cho luận điểm đó. Chúng ta có đủ bản lĩnh vượt qua những nghịch lý để đi tới. Thiên nhiên đã vậy, nhưng con người Việt Nam không chỉ phải “chọi lại thách thức” của thiên nhiên mà quyết liệt hơn là phải thường trực “chọi lại” với những thế lực ngoại xâm hung bạo vốn trường kỳ theo đuổi mục tiêu thôn tính cái dân tộc nằm ngay trên ngã tư giao thương quốc tế từ Ấn Độ dương sang Thái Bình dương, đầu cầu của vùng Đông Nam Á, cứ khăng khăng không chịu thần phục, không chịu đồng hóa. Nếu không có bản lĩnh, dân tộc này đã bị diệt vong từ lâu rồi.
Xin gợi một ví dụ thay cho những giải thích dài dòng : Khi cuộc đàm phán về Hiiệp định Paris sắp ngã ngũ, H. Kissinger nói một câu đại ý: “nếu Việt Nam chỉ anh dũng thì Mỹ thừa sức đè bẹp, nhưng chúng tôi không thể đè bẹp được vì các anh vừa anh dũng vừa thông minh”.
Trong chuyến thăm Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, dừng lại trước các cọc gỗ Bạch Đằng và được nghe về ba lần đánh thắng Nguyên Mông, trả lời câu hỏi đùa của ông Lê Đức Thọ : Mỹ có muốn đánh với Việt Nam ba lần không, ông Kissinger nói “Tôi xin ông, một lần đã là quá đủ lắm rồi”! Khi xem bản ghi câu thơ của Lý thường Kiệt “Nam q1uốc sơn hà nam đế cư”…Kissinger lại nói : “hình như tôi đã nghe câu này ở đâu nhiều lần rồi”, và tiếp “À, đây là chương I điều 1 của bản Hiệp định Paris”! (2)
Liệu ông Kissinger có biết những chiếc cọc gỗ mà ông nhìn thấy đó không chỉ đã dìm chết quân Nguyên vào thế kỷ XIII, mà trước đó hai thế kỷ đã được Ngô Quyền sử dụng để chọc thủng thuyền, dìm chết quân xâm lược nhà Tống. Và sẽ càng thú vị hơn, nếu học giả Kissinger lại được biết thêm rằng, hiện vẫn còn miếu thờ một bà lão mở quán nước bên đường đã mách nước cho Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương để ngài bày binh bố trận tiêu diệt quân xâm lược. Sau khi thắng trận, Trần Hưng Đạo đã cho lập nên miếu thờ ấy!
Trên đất nước này, cơ man là những miếu thờ, đền thờ những vị anh hùng cứu nước xuất thân áo vải chân đất, và nếu thống kê tất cả các vị thành hoàng được thờ tại các làng để thấy ngoài những tổ phụ ngành nghề thì tuyệt đại bộ phận là những người có công với nước. Có hiểu sâu điều này, mới hiểu được về bản lĩnh Hồ Chí Minh.
Bản lĩnh ấy được thôi thúc và định hình từ truyền thống một gia đình sĩ phu, khoa bảng, nơi con người xứ Nghệ được tôi luyện trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà trước hết là đất đai và thời tiết. Bản lĩnh ấy được khẳng định từ buổi khởi đầu của hành trình tìm đường cứu nước với hai bàn tay và nghị lực phi thường được nung nấu từ trái tim yêu nước mãnh liệt của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, bôn ba khắp năm châu, bốn biển để rồi trở thành Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ quốc tế vốn nặng lòng vì đất nước .
Từ những bước đi ban đầu trên hành trình tìm đường cứu nước cho đến khi trở thành người lèo lái con thuyền đất nước vượt qua bao phong ba bão táp để cập bến an toàn là sự chứng minh sinh động bản lĩnh ấy.
Nguyễn Ai Quốc, đến với học thuyết của C.Mác và Ph. Angghen, từ thân phận của một người mất nước, một người dân thuộc địa, một người được hấp thu nền học vấn và triết lý phương Đông, rồi được bổ sung văn hóa và triết lý phương Tây, trước hết là văn hóa Pháp. Con người ấy, so với C.Mác, Ph Angghen và V. I Lênin, thì trải nhiều oan nghiệt, cay đắng về thân phận cá nhân hơn nhiều. Từ thân phận ấy, Hồ Chí Minh dễ có sự thông cảm sâu sắc hơn và mãnh liệt hơn với người dân thuộc địa nói riêng và những người lao động nghèo khổ, những dân tộc đang bị nô lệ, phải gánh chịu áp bức, bất công trên thế giới nói chung.
Sự cảm thông ấy không chỉ dừng lại ở thân phận cá nhân để nhìn ngắm và suy đoán về thế giới, mà đã vượt khỏi chính mình để có được cái tầm cao của người chiến sĩ cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Chính với cái tầm ấy mà Nguyễn Ái Quốc trở thành Hồ Chí Minh. Vào những thập kỷ đầu của thế kỷ trước, phải trở thành người chiến sĩ cách mạng quốc tế thì mới thực hiện được sự nghiệp cứu nước, vì vậy, từ bước khởi đầu sự nghiệp cho đến khi từ biệt thế giới này, mục tiêu nhất quán của con người yêu nước Hồ Chí Minh là cứu nước, là giải phóng dân tộc.
So với C.Mác, Ph. Angghen và V.I Lênin, cũng như so với những chí sĩ Việt Nam khác như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…, học vấn của Hồ Chí Minh không bằng. Nhưng bù vào đấy là sự thâm nhập vào cuộc sống, lăn lộn nhiều hơn, đi nhiều hơn, thấy nhiều hơn, đến được nhiều chân trời hơn, sống với nỗi khổ đau của con người nhiều hơn. Những con người ở nhiều đất nước, nhiều châu lục, nhiều màu da, nhiều tiếng nói, nhất là tiếng nói của những người cùng khổ.
Quả là hiếm có lãnh tụ cách mạng nào có điều kiện tắm mình trong những quằn quại suy tư, những khát vọng rộng lớn của con người đến như vậy. Đấy là một nét độc đáo trong nhân cách và phẩm chất Hồ Chí Minh. Điều này khiến cho Hồ Chí Minh biết cảm nhận và rung động mãnh liệt, sâu lắng với con người trong sự sống đa dạng và phức tạp để hiểu ra rằng: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng. Cay đắng chi bằng mất tự do”. Chính những yếu tố đó đã nung nấu, chưng cất và kết tụ lại để định hình bản lĩnh Hồ Chí Minh!
Làm sao có thể kể ra đủ những sự kiện, những hành vi, những tư tưởng thể hiện bản lĩnh ấy, xin chỉ nói đôi điều gợi ý trực tiếp nhất cho viện rèn bản lĩnh theo gương Bác Hồ đối với tuổi trẻ, để mà dồn trọn niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng của dân tộc vào nguồn sinh lực bất tận của dân tộc.
Trước hết là dám có chính kiến và đấu tranh để bảo vệ chính kiến đó. Về bước khởi đầu, trong trả lời nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, Bác nói: “Những người Việt Nam, trong đó có cả cha tôi, thường tự hỏi nước nào có thể giúp phá bỏ ách đô hộ của người Pháp. Một số cho rằng Nhật Bản, những người khác cho rằng nước Anh và một số khác lại cho rằng nước Mỹ. Tôi cho rằng cần phải ra nước ngoài để tự tìm lấy câu trả lời cho mình”.
Mùa Xuân năm 1925, trong thư gửi một học giả yêu nước, Nguyễn Ái Quốc viết : “Thay vì trách cứ người khác, tôi cho rằng trước hết là tự trách mình. Chúng ta phải tự hỏi rằng “tại sao người Pháp lại có thể đàn áp chúng ta? Tại sao dân ta lại ngu muội như vậy? Tại sao cách mạng của chúng ta chưa thành công?” (3) Quả thật không dễ gì có những câu “tự hỏi” ấy!
Nhưng chính là bắt đầu từ những câu hỏi đó mà hành trình tư duy của Người ngày càng mở rộng và bay cao cùng với những bước chân bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm con đường cứu nước.
Trong các cuộc tranh luận để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Pháp mà Nguyễn Ái Quốc là một trong những thành viên sáng lập, Nguyễn dám mạnh mẽ chất vấn : “Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì “? (4)
Từ quan điểm đó, Nguyễn tự mình vận động, thuyết phục bạn bè, đồng chí của mình để rồi cuối cùng sáng lập nên một tờ báo nhằm tuyên truyền phổ biến “quan điểm cách mạng” ấy. Tờ báo “Người cùng khổ” ra đời từ ý tưởng ấy mà Nguyễn vừa là người chủ bút, người in ấn, người phát hành cùng vài người đồng chí chí cốt giúp đỡ.
Từ chính kiến của mình mà dám đặt lại những vần đề lý luận mang ý nghĩa đột phá của sự vận dụng sáng tạo học thuyết cách mạng. Chẳng hạn, vào năm 1924 người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã dám đặt ra vấn đề : “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại” vì thế, theo Nguyễn, phải “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”! (5)
Có hiểu bối cảnh đề xuất luận điểm ấy, khi mà quyền lực và ý chí của Stalin được áp đặt một cách tuyệt đối trong đời sống lý luận cũng như trong hoạt động của các đảng cộng sản mới thấy hết được bản lĩnh của Hồ Chí Minh khi dám đưa ra những kiến nghị “động trời” đó! Không phải là Nguyễn không dự kiến được những hệ lụy mà mình sẽ phải gánh chịu, và thực tế thì Người đã từng phải gánh chịu. Thế nhưng Nguyễn không thể không nói lên một sự thật đang diễn ra là ở Việt Nam, “cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây…Người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ” (6)
Độc lập suy nghĩ và dám chịu trách nhiệm về những suy nghĩ và những kiến nghị của mình vì Nguyễn có một trái tim đập cùng nhịp với đời sống của nhân dân mình.
Theo William J. Duiker, tác giả của cuốn sách về Hồ Chí Minh xuất bản ở New York năm 2000 thì “đây là một nghịch lý táo bạo, nhưng lại là một thực tế tuyệt vời “. Không dám nghĩ về những “nghịch lý táo bạo”, chỉ biết đi theo con đường mòn, người đi sau dẫm lên dấu chân của người đi trước trong một thề giới đầy biến động mà mọi dự đoán đều không chắc chắn thì làm sao có thể hướng đến mục tiêu mong muốn.
Chính vì thế, trong những cuộc tranh luận để đi tới thành lập Đảng cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc suy nghĩ nhiều về một câu nói của Jaurès, nhà cách mạng Pháp được người ta nhắc đến: “trung thành với truyền thống không có nghĩa là quay về những thế kỷ đã lụi tàn để ngắm một dãy dài những bóng ma, mà trái lại đem hết sức mình tiến về phía tương lai, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó”.
Cho nên, nói đến truyền thống là nói đến yếu tố “động’ của truyền thống mà không thể dừng lại ở những cái tĩnh, cái “đã định hình” ru ngủ cái gọi là sự “ổn định” vốn có quán tính là khước từ mọi sự canh tân. Nó củng cố tính bảo thủ được khoác cho những tấm áo đủ mọi màu sắc để xoa dịu những số phận bị kìm hãm, để đánh lừa những đầu óc muốn đổi mới.
Cung cách “sống lâu lên lão làng”, cái trật tự “lão quyền”, “ông bảy mươi phải hỏi ông bảy mươi mốt” đã làm thui chột sức trẻ và sự năng động sáng tạo của tuổi trẻ. Chính đấy là mảnh đất nuôi dưỡng sự trì trệ, được củng cố bằng chủ nghĩa bình quân, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa quan liêu!
Biện chứng của cuộc sống, biện chứng của sự phát triển đòi hỏi phải tấn công vào sự “ổn định trì trệ” ấy. Nếu chỉ quen với con đường mòn, người đi sau dẫm lên dấu chân của người đi trước, sẽ dẫn đến thảm hoạ vì con đường mòn đó không có lối ra trong một thế giới đầy biến động với những bước đột phá mà mọi sự dự đoán đều không chắc chắn như đã nói ở trên.
Dám nghĩ đến những “nghịch lý táo bạo” chính là sự thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm đối với sự nghiệp mình đang theo đuổi, dám chịu trách nhiệm với chính mình. Cái đó chính là bản lĩnh.
Và khi đã xác định rõ con đường, bản lĩnh thể hiện ở quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu đã vạch ra. Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một đoạn giúp khắc họa rõ nét bản lĩnh ấy : “Đêm ấy tôi nghỉ lại với Bác trên cái lán giữa rừng. Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình : “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Mỗi lúc nhớ ra điều gì, Bác lại dặn. Bác lúc ấy chắc cũng thấy mình yếu quá, có ý muốn dặn lại công việc. Chỉ có công việc!”.
Chính bản lĩnh ấy giúp dự liệu mọi khó khăn và giải pháp vượt qua khó khăn. Chẳng hạn như, ngày 11.9.1946, trả lời phóng viên “Thời báo New York” liệu chiến tranh có phải là tất yếu không, Hồ Chí Minh khẳng định: “Có. Chúng tôi buộc phải chiến đấu…. Chiến tranh là gian nan và đau buồn nhưng chúng tôi sẽ thắng. Chúng tôi có một vũ khí hùng mạnh như những khẩu đại bác hiện đại, đó là tinh thần dân tộc…Tinh thần con người còn mạnh mẽ hơn máy móc. Và máy móc không thể có hiệu quả trong đầm lầy và rừng rậm. Hàng triệu mái lều tranh có thể được coi như con ngựa thành Tờ-roa để ngăn chặn quân xâm lược…”.
Niềm tin không gì lay chuyển nổi ấy là hệ quả của tính kiên định và sự minh triết trong tư duy của một bản lĩnh đã được tôi luyện khiến nhiều dự phóng của Bác Hồ như những lời tiên tri. Ví như, năm 1941, trong cuốn sách nhỏ viết làm tài liệu tuyên truyền về “Lịch sử nước ta”, ở cuối có mục “Những năm tháng quan trọng”, Bác viết : “1945-Việt Nam độc lập”! Cũng trong Hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, lúc ấy có người hỏi Bác về điều này, Bác chỉ trả lời : “Để xem sao”!
Một ví dụ khác: trong diễn văn đọc tại lễ mừng Quốc khánh 2.9.1960, Bác nói : “Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc-Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Trong bút tích bản thảo in trên báo “Nhân Dân” số ra ngày 30.4.1985 cho thấy : Bác gạch dưới những chữ “chậm lắm là 15 năm nữa”! Hay như chuyện Bác từng căn dặn Tư lệnh của bộ đội Phòng không-Không quân: “Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội! (7)
Có người nói đó là dấu ấn của thiên tài. Có thể như vậy. Thế nhưng, phải chăng những dấu ấn của thiên tài ấy là sự thăng hoa kỳ diệu của một bản lĩnh tuyệt vời, bản lĩnh Hồ Chí Minh. Bản lĩnh dám đặt ra và giải quyết những vấn đề lý luận có ý nghĩa thực tiễn.
Vì mục tiêu trước sau như một là giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân mà vì mục tiêu đó Hồ Chí Minh dám có quyết định táo bạo cho dù đau đớn là tuyên bố Đảng tự giải tán, thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật chính vào lúc giành được chính quyền vào năm 1945. Không kiên định tinh thần Tổ quốc trên hết, không thể bản lĩnh vạch ra quyết sách sáng suốt tuy đau đớn ấy.
Cũng với bản lĩnh đó mà Hồ Chí Minh chủ trương đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam vào năm 1951 mà mục tiêu trước hết là để “nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”.
Đúng là “Hồ Chí Minh là người linh hoạt, chủ động, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ tuổi thanh niên đến cuối đời. Có thể nói con người ấy có sự dị ứng bẩm sinh với bệnh giáo điều rập khuôn, bệnh công thức sáo mòn”. Có được điều đó vì “Hồ Chí Minh có sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, thấu hiểu cuộc sống con người, có nhận thức sâu về vận mệnh dân tộc, về hướng đi của thời đại” (8).
Với những phẩm chất được hun đúc, trui rèn trong ngọn lửa chiến đấu hơn nửa thế kỷ, đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử, người thanh niên yêu nước, bằng bản lĩnh phi thường của mình đã trở thành Hồ Chí Minh. Đúng là không phải chiếc ghế nguyên thủ quốc gia mà chính là sự “nhạy cảm”, sự “thấu hiểu”, “sự nhận thức” đó khiến cho Người được lịch sử chọn lựa làm lãnh tụ của nhân dân ở vào thời điểm có ý nghĩa nhất, đáp ứng được đòi hỏi của đất nước, của cuộc sống đất nước cần bước vào quỹ đạo chung của thời đại.
Trong dòng chảy bất tận của thời gian, có những thời điểm xuất hiện những con người đáp ứng một cách tuyệt vời đòi hỏi đã chín mùi của lịch sử, người ta gọi đó là sự xuất hiện của thiên tài. Điều này cho thấy thiên tài không ra đời từ những cuộc tranh bá đồ vương để giành nhau chiếc ghế quyền lực.
Đành rằng trong lịch sử không thiếu những nhân vật đã bước vào lịch sử bằng con đường như vậy, đó là hôn quân, bạo chúa và những gian hùng bị người đời phỉ nhổ. Phải chăng sự bi hài của lịch sử là có sự trộn lẫn chính tà ấy để giúp cho nhân dân có dịp nhận ra chuyện vàng thau lẫn lộn ấy. Đó cũng là cách để cho nhân dân tự vượt lên chính mình, biết tự “xoay chung quanh mặt trời của chính mình” mà không để bị lừa bịp như C.Mác đã từng chỉ ra. [“Lời nói đầu của Phê phán triệt học pháp quyền của Hégel]. Hạnh phúc và may mắn biết bao khi dân tộc ta có được một lãnh tụ như Hồ Chí Minh, một bản lĩnh Hồ Chí Minh.
Điều cần nói thiên tài Hồ Chí Minh không đứng cao vời vợi tách khỏi cuộc sống bình thường của người dân mà ngược lại. Thiên tài Hồ Chí Minh, bản lĩnh Hồ Chí Minh được hun đúc, được hình thành từ cuộc sống của nhân dân mình. Mỗi người Việt Nam đều có thể nhìn thấy mình trong sự nghiệp Hồ Chí Minh, trong trái tim của Hồ Chí Minh. Cái làm nên thiên tài Hồ Chí Minh, rèn đúc nên bản lĩnh ấy nhịp đập của trái tim “Người Yêu Nước” Hồ Chí Minh luôn gắn quyện với nhịp đập của cuộc sống đất nước, nơi mà Người gửi gấm một “ham muốn, ham muốn đến tộc bậc” là làm sao đem lại cuộc sống ấm no cho con người, đem lại tự do và hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân, vì “nếu nước độc lập mà nhân dân không được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”!
Không có trái tim ấy, không thể có bản lĩnh ấy. Vì rằng, “ở đâu nội dung của sự tất yếu phổ biến không nhất trí được với trái tim, thì sự tất yếu ấy – xét về nội dung- không là gì cả, và phải nhường chỗ cho quy luật của trái tim”9. Có lẽ thực chất của “quy luật trái tim” mà Hégel nói đây trước hết là sự trung thực với chính mình, là bản sắc cá nhân được thể hiện một cách chân thực. Vì nói cho đến cùng , quy luật của trái tim là sự phản ánh chân thực nhất biện chứng của cuộc sống với tất cả những sắc thái phong phú và phức tạp của nó. Cho nên, những gì mà trái tim thờ ơ thì mắt cũng không nhìn thấy được !
__________________
Chú thích : Ghi để biết xuất xứ, không cần phải đăng nếu tòa soạn thấy không cần thiết
1. Theo Việt Phương. Vietnamnet ngày 15.5,2010 2. Theo Võ Văn Sung. “Suy ngẫm về trường phái ngoại giaoHồ Chí Minh”NXBCTQG.2010, tr. 62 3. Theo William Ducker trong “Hồ Chí Minh” Heperion New York 2000 4.5,6 Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 1. NXBCTQG. 1995, tr. 466 7. “Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh” NXBQĐND. Hà Nội, 1990. tr.224 8. Phạm Văn Đồng “Hồ Chí minh, Quá khứ Hiện tại và Tương lai” Tập I. NXB ST. Hà Nội 1991,tr.29, tr.98 9. G.W.F.Hegel. “Hiện tượng học tinh thần.” Bùi văn Nam Sơn dịch. NXB Văn học 2006, tr.769.
tuanvietnam.vietnamnet.vn
Chia sẻ:
- Tumblr
Có liên quan
Từ khóa » Ví Dụ Về Sự Bản Lĩnh
-
BẢN LĨNH LÀ GÌ? RÈN LUYỆN BẢN LĨNH THẾ NÀO?
-
Bản Lĩnh Là Gì? Rèn Luyện Bản Lĩnh đàn ông Thế Nào?
-
Suy Nghĩ Về Tuổi Trẻ Cần Sống Có Bản Lĩnh (7 Mẫu) - Văn 12
-
Văn Mẫu Lớp 9: Nghị Luận Xã Hội Về Bản Lĩnh Sống Của Con Người ...
-
[CHUẨN NHẤT] Bản Lĩnh Là Gì? - TopLoigiai
-
Nghị Luận Xã Hội 200 Chữ Về Bản Lĩnh
-
Nghị Luận Xã Hội Về Bản Lĩnh Sống Của Con Người - Con đường Tôi
-
SỐNG CÓ BẢN LĨNH VÀ NGHỊ LỰC, CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN ...
-
Hành Trình Vượt Thử Thách để Khẳng định Bản Lĩnh Của Thế Hệ Trẻ Việt
-
Bản Lĩnh Và Khát Vọng Việt Nam - Báo Lao Động
-
Đề Bài : Nghị Luận Xã Hội Về Bản Lĩnh - Hoc24