Bàn Tay Sắt?

Ông Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Và cũng không riêng ĐB Phạm Trọng Nhân, trong suốt một ngày QH tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, những kiến nghị mạnh mẽ và quyết liệt như vậy đã được nhiều ĐBQH đưa ra. Điều này một mặt cho thấy sự đồng thuận và quyết tâm của các ĐBQH trong việc thúc đẩy cải cách tổ chức bộ máy hành chính thời gian tới. Nhưng đồng thời, cũng phản ánh một thực tế không thể tránh né là ở thời điểm hiện nay, chúng ta đã không còn đường lùi, không thể nấn ná thêm trong việc cắt bỏ những bộ phận trung gian, cồng kềnh, rườm rà để sắp xếp lại một bộ máy thực sự tinh gọn, hiệu quả.

Dẫu vậy, ẩn sau những đề xuất quyết liệt ấy vẫn có thể cảm nhận được nỗi lo của chính các ĐBQH. Không lo sao được khi tiến trình cải cách đang đứng trước hàng loạt thách thức, đụng chạm đến những thành trì kiên cố nhất mà thực tiễn 30 năm qua đã cho thấy, quyết tâm chính trị thôi vẫn chưa đủ.

Đơn cử như tình trạng bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng, nấc trung gian, như Đoàn giám sát của QH đã chỉ rõ là “bộ trong bộ” thì khắc phục như thế nào? Dự thảo Nghị quyết trình QH hôm qua đề nghị phải “giảm cấp trung gian”. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Nhưng câu hỏi đặt ra: Cấp trung gian là cấp nào?

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết, ông rất chú tâm tìm hiểu xem tổng cục có phải cấp trung gian không, là “bộ trong bộ” hay không, thì thấy có đến 17 trên tổng số 22 bộ, cơ quan ngang bộ hiện nay có tổng cục với con số lên tới 40 tổng cục. Dưới tổng cục có các cục, vụ, văn phòng, phòng, chi cục. Trong bộ máy của các bộ này lại vừa có văn phòng bộ vừa có văn phòng tổng cục. Trong khi đó, cả 5 bộ, cơ quan ngang bộ không có tổng cục là Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu, thời gian qua vẫn hoạt động bình thường. Vậy thì tổng cục có phải cấp trung gian hay không? Nếu là cấp trung gian thì sau giám sát tối cao của QH, chúng ta có xóa bỏ hoàn toàn được hay không?

Thật khó có thể trả lời chính xác các câu hỏi này. Bởi lẽ, đa phần trong các tổng cục hiện nay đều được sáp nhập cơ học từ các bộ quản lý đơn ngành trước đây để thành lập bộ quản lý đa ngành. Nhưng điều đáng nói là, trong hàng chục năm qua, việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh một cách chuyên sâu chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc cơ cấu bên trong các bộ quản lý đa ngành diễn ra rất chậm chạp. Ngay trong một bộ, giữa các tổng cục, các vụ cũng vẫn còn tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, chứ chưa nói gì đến giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Ở những đơn vị này, như đánh giá của nhiều chuyên gia trong Đoàn giám sát của QH, rất ngại nói đến cơ chế phân cấp, phân quyền và xã hội hóa.

Một loại tổ chức khác cũng cần được khẳng định có phải là tầng nấc trung gian hay không là các phòng trong vụ. Chủ trương của Bộ Chính trị và ngay trong Nghị định của Chính phủ đều đã khẳng định quan điểm không thành lập phòng trong vụ.  Nhưng đến nay, 20/22 bộ có tổ chức phòng trong vụ, trung bình cứ 1 vụ có 4 phòng, thậm chí có vụ có đến 7 phòng. Có bộ đã giải thể các phòng trong tổng cục nhưng một số vụ thuộc tổng cục lại được nâng cấp lên thành cục và khi đó lại được tổ chức phòng trong cục, thậm chí với số lượng nhiều hơn trước. Hệ quả là, nhiều trường hợp, cấp phòng trong vụ đã gây khó khăn khi phối hợp công tác, đồng thời làm cho đơn vị có quá nhiều tầng nấc trung gian, khó điều hành, giảm hiệu quả công việc. Trong khi đó, Nghị định về cơ cấu, nhiệm vụ của các bộ hiện nay vẫn có những quy định mềm dẻo “để ngỏ” khả năng nâng cấp cục, vụ thành tổng cục, thành lập thêm các phòng hoặc thậm chí cả tổng cục, mà lý lẽ cho việc thành lập, nâng cấp ấy không phải lúc nào cũng thực sự là đòi hỏi bức bách của thực tiễn, như một ĐBQH đã ví von “tách ra là để chuyên sâu, nhập vào là để giảm đầu mối”. Vì thế, một số bộ, ngành có cấp tổng cục hiện nay, theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu là “đang nhìn nhau”. Nếu xảy ra tình trạng “quyết không đi đầu” thì biết bao giờ chúng ta mới giảm được cấp trung gian?

Rõ ràng, để cải cách tổ chức bộ máy hành chính thành công, phải thay đổi cách làm. Như trong ví dụ kể trên, phải chỉ rõ những cơ quan, tổ chức nào là cấp trung gian, không cần thiết và phải mạnh tay cắt bỏ; phải siết lại những quy định pháp lý về cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, thậm chí, như một ĐBQH đã nói, dù phải lấy đá ghè chân chính mình cũng phải làm.  

Nguyễn Bình

Theo: daibieunhandan.vn

Từ khóa » Tách Ra Là để Chuyên Sâu