Bản Tin Biển Đông Số 99

(Tuần từ 21/03 – 28/03/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Hoàng Cẩm Thanh, Lưu Đức Tâm, Đoàn Thị Hằng Ni, Trần Phạm Bình Minh

Biên tập: Phạm Huệ Việt

Tư liệu: South China Sea News

Hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại Lô 06.1, Lô 05.2 và Lô 05.3. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic

Tải bản PDF ở

Ban Tin Bien Dong So 99_SCSCIDownload

—————

Trong Bản Tin Biển Đông Số 99 có những nội dung sau:

I- QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

II- TRÊN BIỂN

III- THOẢ THUẬN HỢP TÁC AN NINH GIỮA TRUNG QUỐC VÀ QUẦN ĐẢO SOLOMON

IV- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á

V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

VI- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

VII- QUAN HỆ MỸ – TRUNG QUỐC

VIII- QUAN HỆ EU – TRUNG QUỐC

IX- TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU CỦA CUỘC CHIẾN NGA – UKRAINE

X- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

XI- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/ BÁO CÁO CHÍNH SÁCH

—————

I- QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

Việt Nam tiếp tục ký hiệp định viện trợ với Trung Quốc

Hôm 15/3/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Việt Nam Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị quyết số 36/NQ-CP về việc ký Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa chính phủ Việt Nam và Trung Quốc.

Chưa rõ nội dung của hiệp định năm nay. Trong khi đó, Công báo Chính phủ Việt Nam có đăng tải toàn văn các bản hiệp định năm 2021 (được ký ngày 10/9/2021 với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hà Nội), năm 2019 (được ký trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Bắc Kinh), năm 2017 (được ký trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Bắc Kinh) và năm 2016 (được ký trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Bắc Kinh).

Theo hai văn bản năm 2016 và 2017 căn cứ theo nhu cầu của Việt Nam, số tiền viện trợ là 200 triệu nhân dân tệ và được nói rõ là nhằm thực hiện cam kết viện trợ không hoàn lại 1 tỷ nhân dân tệ được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra năm 2015.

Bản hiệp định năm 2016 cho biết 129,5 triệu nhân dân tệ là vốn bổ sung cho dự án Cung hữu nghị Việt Trung, trong khi bản hiệp định năm 2017 cho biết khoản viện trợ dành cho các dự án do hai bên nghiên cứu xác định như Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.

Trong khi đó, hai bản hiệp định năm 2021 và 2019 nhắc đến số tiền là 400 triệu nhân dân tệ, nhưng không nhắc đến cam kết của ông Tập hay các dự án cụ thể.

Ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn ký các hiệp định “hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại” tương tự với một số quốc gia khác như Rwanda, Fiji, Syria…

Xem thêm:

Báo điện tử Chính phủ ngày 15/3/2022: Đồng ý ký Hiệp định cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Việt Nam và Trung Quốc

Toàn văn nghị quyết 36/NQ-CP tại đây

Các bản hiệp định năm 2016, 2017, 2019, 2021

Các thỏa thuận tương tự của Trung Quốc với Rwanda, Fiji, Syria

Trung Quốc tiếp tục tập trận trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tại khu vực Vịnh Bắc Bộ và phía nam đảo Hải Nam

Cục Hải sự Hải Nam mới đây thông báo 4 khu vực tập trận tại Vịnh Bắc Bộ (từ ngày 30/3 đến 1/4/2022) và phía nam đảo Hải Nam (từ 27-30/3, 25/3 đến 7/4/2022) và khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ (từ 19/3 đến 9/4/2022). Trong đó, khu vực tập trận ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ chính là vị trí mà Trung Quốc đã diễn tập từ ngày 4-15/3, trong đó một phần khu vực đã vượt qua đường trung tuyến bờ – bờ về phía vùng biển Việt Nam nhiều nhất đến gần 20 hải lý. Ba vị trí tập trận còn lại đều nằm trong vùng biển Trung Quốc (trong Vịnh Bắc Bộ) hoặc nằm về phía vùng biển Trung Quốc nếu so sánh với đường trung tuyến bờ – bờ và chỉ cách bờ biển nước này từ 15 đến 30 hải lý.

Bản đồ các khu vực tập trận của Trung Quốc. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Cục Hải sự Trung Quốc

Như Bản tin Biển Đông số 97 đã đưa, Trung Quốc tiếp tục điều 3 tàu khảo sát nghiên cứu khoa học biển là Thám Tác 1 (đã trở về cảng ngày 23/3), Thám Tác 2 và Hải Dương Địa Chất 6 cùng tàu Hải cảnh 5401 tác nghiệp tại khu vực mà nước này tuyên bố tập trận ở cửa Vịnh Bắc Bộ. Về phía Việt Nam, chúng tôi tiếp tục phát hiện tàu định danh Kiểm Ngư 314 hoạt động gần vị trí tập trận.

Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hoặc lên kế hoạch ít nhất 17 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 5 cuộc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ.

Xem thêm:

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 15/3/2022: Bản tin Biển Đông số 97

Báo Thanh Niên ngày 27/3/2022: Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở vịnh Bắc bộ

Hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại Lô 06.1, Lô 05.2 và Lô 05.3

Tại vùng biển phía nam của Việt Nam, tàu Hải cảnh lớn và hiện đại nhất của Trung Quốc mang số hiệu 5901 tiếp tục hoạt động tại khu vực phía tây nam bãi Tư Chính và đã 3 lần tiếp cận các khu vực khai thác dầu, khí của Việt Nam tại Lô 05.2, 05.3 và Lô 06.1 vào các ngày 15, 20 và 25/3/2022 với mục tiêu là khu vực mỏ Lan Tây, mỏ Hải Thạch và mỏ Mộc Tinh.

Sơ đồ hoạt động của Hải cảnh 5901. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic

———-

II- TRÊN BIỂN

Phiên bản nâng cấp của máy bay J-11B Trung Quốc tham gia tập trận ở Biển Đông

Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã nhận được phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu J-11B với ít nhất một chiếc tham gia cuộc tập trận gần đây ở Biển Đông. Một bản tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mới đây đưa tin, cuộc tập trận do Bộ Tư lệnh Quân khu phía Nam của PLA tổ chức cùng với Lực lượng Không quân Hải quân mới đây bao gồm các hoạt động diễn tập chiến thuật tấn công và phòng thủ bằng đường không với sự tham gia của hơn 10 máy bay chiến đấu. Các đoạn video của CCTV và Bộ Tư lệnh Quân khu phía Nam cho thấy cái nhìn thoáng qua về máy bay chiến đấu J-11B với mái vòm radar màu xám trắng thay vì màu đen như những chiếc J-11 cũ. Nhiều người suy đoán rằng sự thay đổi trên cho thấy J-11B đã được nâng cấp và có thể đã chuyển từ radar Doppler xung cũ sang radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) mới.

Xem thêm:

Global Times ngày 22/3/2022: PLA Navy’s upgraded J-11B fighter jet joins S.China Sea exercise

Defense World ngày 23/3/2022: Chinese Navy’s Upgraded J-11B Likely with New AESA Radar Joins S.China Sea Exercises

Philippines tố hải cảnh Trung Quốc quấy rối ở bãi cạn Scarborough

Cảnh sát biển Philippines ngày 27/3/2022 cho biết tàu hải cảnh 3305 của Trung Quốc đã di chuyển với khoảng cách gần so với tàu BRP Malabrigo của lực lượng này hôm 2/3, khi tàu BRP Malabrigo tuần tra tại khu vực bãi cạn Scarborough. Tư lệnh Cảnh sát biển Philippines Artemio Abu cho biết đây là lần thứ tư tàu Trung Quốc hoạt động ở cự ly gần tàu Philippines ở Scarborough kể từ tháng 5/2021.

Trước đó, hôm 25/3, Cảnh sát biển Philippines cho biết số lượng tàu cá nước này gần Scarborough đang gia tăng.

Xem thêm:

Inquirer ngày 25/3/2022: PCG notes increased presence of Filipino fishermen in Scarborough Shoal

Inquirer ngày 27/3/2022: PCG reports China Coast Guard’s ‘close distance maneuvering’ anew in Bajo de Masinloc

Cập nhật vị trí các tàu sân bay, tàu đổ bộ tấn công của Hoa Kỳ

Theo các bài viết được đăng tải trên website của Stratfor và USNI News ngày 24 và 28/3/2022, tàu sân bay USS Harry S. Truman đang hoạt động tại vùng biển Địa Trung Hải; USS Gerald R. Ford và tàu đổ bộ tấn công USS Kearsarge hoạt động tại vùng biển phía đông Hoa Kỳ; tàu sân bay USS Nimitz và cá tàu đổ bộ USS Boxer và USS Makin Island hoạt động tại ven biển phía Tây Hoa Kỳ; tàu sân bay USS Ronald Reagan neo tại căn cứ Yokosuka, tàu đổ bộ USS America neo tại căn cứ Sasebo, Nhật Bản và tàu sân bay USS Abraham Lincoln đã đến Manila, Philippines vào ngày 25/3 sau khi hoạt động tại Biển Philippines và Biển Đông vào ngày 23/3. Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay của Hoa Kỳ ghé thăm Philippines trong hơn 2 năm qua sau chuyến thăm của USS Ronald Reagan và các tàu hộ tống đến Manila vào ngày 7/8/2019. Ngoài ra, Hải quân Hoa Kỳ cũng công bố các thông tin cho thấy các tàu khu trục USS Dewey (DDG-105) và USS Milius (DDG-69) đã tiến hành tập trận tại Biển Philippines ngày 24/3/2022.

Bản đồ Hải quân Mỹ của USNI News ngày 28/3/2022.
Bản đồ vị trí tàu sân bay Mỹ trên toàn cầu được cập nhật ngày 24/3/2022. Ảnh: Stratfor

Xem thêm:

USNI News ngày 21/3/2022: USNI News Fleet and Marine Tracker: March 21, 2022

Stratfor ngày 24/3/2022: U.S. Naval Update Map: March 24, 2022

Hải quân Mỹ triển khai cùng lúc 3 tàu do thám gần Trung Quốc để hỗ trợ tác chiến tàu ngầm

Ngày 23/3/2022, Tổ chức Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), một tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh, công bố Hải quân Mỹ đã triển khai đồng thời 3 tàu do thám đến các vùng biển nhạy cảm gần Trung Quốc trong một động thái mà họ cho là “khiêu khích” nhằm tăng cường khả năng tác chiến chống tàu ngầm đối với Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sau khi Mỹ thừa nhận những sai sót trong vụ tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut gặp nạn ở Biển Đông hồi năm ngoái. Theo đó, kể từ ngày 17/3, 3 tàu do thám của Hải quân Hoa Kỳ là USNS Bowditch ở vùng biển phía nam đảo Hải Nam, tàu USNS Effective hoạt động ở vùng biển phía bắc bãi cạn Scarborough và tàu USNS Loyal hoạt động ở khu vực phía đông đảo Đài Loan. Theo SCSPI, Hải quân Mỹ thường xuyên cử các tàu do thám thường thực hiện các nhiệm vụ trinh sát các mục tiêu dưới nước và hỗ trợ tác chiến chống tàu ngầm đến gần Trung Quốc trong những năm gần đây nhưng việc có nhiều tàu cũng xuất hiện cùng thời điểm là bất thường.

Dữ liệu AIS từ Marine Traffic cho thấy, USNS Effective đã hoạt động tại khu vực phía đông nam đảo Hải Nam từ ngày 27/2 đến 18/3 và khu vực phía tây nam eo Bashi từ 19/3 đến 25/3 sau đó di chuyển qua eo biển Bashi để rời Biển Đông; USNS Bowditch hoạt động tại khu vực phía nam đảo Hải Nam gần vùng biển từ Huế đến Quảng Nam từ ngày 18/3. Trong khi đó, USNS Loyal đã hoạt động tại khu vực phía đông eo Bashi và phía đông đảo Đài Loan từ ngày 14/3. Đáng chú ý, khu vực hoạt động của USNS Bowditch khá gần vị trí Trung Quốc đã tuyên bố tập trận từ ngày 4 đến 15/3 sau đó gia hạn thêm từ ngày 19/3 đến 9/4/2022.

Sơ đồ hoạt động của tàu USNS Loyal. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic
Sơ đồ hoạt động của tàu USNS Effective. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic
Sơ đồ hoạt động của tàu USNS Bowditch. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic

Xem thêm:

Global Times ngày 24/3/2022: US Navy deploys 3 spy ships near China at once ‘in support of submarine warfare’

“Căn cứ viễn chinh di động” của Hoa Kỳ lần đầu đến Biển Đông

Ngày 21/3 vừa qua, căn cứ viễn chinh di động USS Miguel Keith của Hải quân Hoa Kỳ, một loại tàu lớn hỗ trợ hậu cần, chỉ huy và kiểm soát được cho là đã đến Biển Đông lần đầu tiên. Với lượng choán nước 90.000 tấn, USS Miguel Keith là tàu thứ ba trong số các “căn cứ viễn chinh” lớp Lewis B. Puller có thể thực hiện một số nhiệm vụ như cất hạ cánh máy bay trực thăng hạng nặng; cung cấp và hỗ trợ hậu cần bao gồm bảo trì, sửa chữa, tiếp liệu, tái vũ trang và bổ sung cho các tàu chiến và máy bay trực thăng khác giúp tăng đáng kể năng lực tác chiến xa bờ đồng thời có thể hoạt động như một trung tâm chỉ huy và kiểm soát.

Xem thêm:

The Times ngày 23/3/2022: US navy boosts presence in South China Sea with expeditionary base. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

———-

III- THOẢ THUẬN HỢP TÁC AN NINH GIỮA TRUNG QUỐC VÀ QUẦN ĐẢO SOLOMON

Dự thảo “Thỏa thuận chung về hợp tác an ninh giữa Chính phủ quần đảo Solomon và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”

Ngày 24/3/2022, một quan chức của Quần đảo Solomon cho biết, đảo quốc Thái Bình Dương này đang xem xét ký một thỏa thuận khung với Trung Quốc cho phép Trung Quốc sử dụng quân đội để bảo vệ an toàn cho nhân viên và công dân nước này cũng như các dự án lớn ở quần đảo Solomon, đồng thời cho phép Bắc Kinh tiếp cận một căn cứ hải quân cách bờ biển Australia chưa đầy 2.000 km. Thỏa thuận cũng sẽ cho phép cảnh sát vũ trang Trung Quốc, quân đội và các lực lượng thực thi pháp luật khác của nước này đóng quân tại Quần đảo Solomon vốn được xem là sân sau của Australia và New Zealand. Tài liệu được cho là Dự thảo bản thỏa thuận bị rò rỉ cho thấy chưa ghi ngày tháng với nội dung là “Thỏa thuận chung về hợp tác an ninh giữa Chính phủ quần đảo Solomon và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” cho phép các tàu Trung Quốc có thể đến thăm để bổ sung hậu cần, dừng chân và chuyển tiếp tại Solomon.

Các tờ báo Sydney Morning Herald và The Age cũng như Tập đoàn Phát thanh và Truyền hình Australia đều đã xác nhận rằng tài liệu này là thật và chính phủ Australia đã biết về thỏa thuận này từ trước.

Quần đảo Solomon đã chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh vào năm 2019 và điều này đã làm dấy lên sự bất mãn dẫn đến bạo lực tại thủ đô Honiara vào tháng 11/2019. Australia sau đó đã hỗ trợ an ninh cho quần đảo này và thành lập phái bộ trị an để khôi phục trật tự trên cơ sở Thỏa thuận An ninh đã được ký kết giữa hai nước từ năm 2017 theo yêu cầu của Thủ tướng Manasseh Sogavare.

Trong những bình luận đầu tiên về vấn đề này, chính quyền Quần đảo Solomon xác nhận họ đang “đa dạng hóa quan hệ đối tác an ninh, bao gồm cả Trung Quốc và sẽ ký kết một số thỏa thuận với nước này để tiếp tục tạo ra môi trường an ninh, an toàn cho người bản địa người nước ngoài cũng như các dự án đầu tư”. Thông báo được đăng tải trên website của Chính phủ Quần đảo Solomon ngày 25/3 nhấn mạnh nước này coi trọng Thỏa thuận An ninh năm 2017 với Australia nhưng cũng khẳng định đang nỗ lực ký kết và thực hiện một số khuôn khổ hợp tác với Trung Quốc nhằm tạo ra “môi trường an ninh và an toàn hơn nữa cho các khoản đầu tư trong và ngoài nước” cũng như đa dạng hóa quan hệ đối tác an ninh. Thông báo cũng khẳng định, Quần đảo Solomon hoan nghênh sự hỗ trợ phát triển từ tất cả các đối tác bao gồm Trung Quốc, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Indonesia cũng như các đối tác khác.

Phản ứng của Australia

Các quan chức Australia tỏ ra lo lắng về Thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon này do quan ngại rằng nó sẽ có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực của Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, tuyên bố “chúng tôi quan ngại rõ ràng về bất kỳ căn cứ quân sự nào được thành lập” cách xa bờ biển chưa đầy 2.000 km. Nếu thành sự thật, căn cứ này sẽ là lần đầu tiên Australia có một đối thủ chiến lược trong khoảng cách “gần” với bờ biển như vậy kể từ Thế chiến thứ hai. Trong khi đó, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Australia cho biết “sẽ lo ngại về bất kỳ hành động nào gây mất ổn định an ninh trong khu vực của chúng tôi”.

Đại sứ Australia tại Quần đảo Solomon, Lachlan Strahan, đã gặp Thủ tướng Manasseh Sogavare vào 24/3 trước khi thỏa thuận với Trung Quốc bị rò rỉ để trao đổi với lãnh đạo Quần đảo Solomon về việc Australia sẽ mở rộng lực lượng hỗ trợ cho đến năm 2023 đồng thời xây dựng một mạng lưới vô tuyến mới và tài trợ 21 triệu đô la hỗ trợ ngân sách.

Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd nói với Đài ABC rằng Thỏa thuận được đề xuất là “một trong những bước chuyển an ninh quan trọng nhất mà chúng tôi phải đối mặt trong nhiều thập kỷ và đó là một trong những bất lợi cho lợi ích an ninh quốc gia của Australia”.

Rory Medcalf, học giả thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho rằng thỏa thuận, nếu có thật sẽ là cửa sau để Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương.

Phản ứng của New Zealand

Ngoại trưởng New Zealand, Nanaia Mahuta, cho biết trong một tuyên bố rằng các đối tác Thái Bình Dương nên minh bạch trong các hành động của họ đồng thời cảnh báo thỏa thuận này có thể “gây mất ổn định các thể chế và thỏa thuận hiện có vốn từ lâu đã củng cố an ninh của khu vực Thái Bình Dương”.

Anna Powles, giảng viên cao cấp về an ninh quốc tế và chuyên gia ngoại giao Thái Bình Dương tại Đại học Massey của New Zealand, cho biết dự thảo thỏa thuận này rất mơ hồ và có phạm vi rất rộng; các điều khoản trong thỏa thuận có khả năng tác động đến địa chính trị khu vực bao gồm việc cho phép Trung Quốc tiếp cận các cơ sở hậu cần tại Quần đảo Solomon.

Cựu chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của New Zealand, Nghị sĩ Quốc gia Simon O’Connor, cho biết việc Đảng Cộng sản Trung Quốc lựa chọn quần đảo Solomon là có chủ ý.

Phản ứng của Trung Quốc

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 25/3 vừa qua, ông Uông Văn Bân, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hợp tác giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon dựa trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với tập quán và luật pháp quốc tế. “Sự hợp tác này có lợi cho việc duy trì ổn định ở Quần đảo Solomon, thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như nâng cao lợi ích chung của Trung Quốc, Quần đảo Solomon và các nước khác trong khu vực”, ông Uông Văn Bân nói.

Xem thêm:

Reuters ngày 24/3/2022: EXCLUSIVE Solomon Islands considers security cooperation with China – official

Stuff ngày 25/3/2022: China to sign first Pacific security deal which will give them warships on Australia’s doorstep

The Times ngày 24/3/2022: Solomon Islands deal gives China foothold in Australia’s ‘backyard’. Bản toàn văn được lưu ở đây.

The New York Times ngày 25/3/2022: China and Solomon Islands Draft Secret Security Pact, Raising Alarm in the Pacific

News ngày 25/3/2022: Solomon Islands confirms proposed security deal with China

The Age ngày 25/3/2022: Australia, NZ warn Solomons over ‘destabilising’ the Pacific with China deal

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 25/3/2022: Foreign Ministry Spokesperson Wang Wenbin’s Regular Press Conference on March 25, 2022

———-

IV- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á

Việt Nam cứu tàu quốc tịch Panama tại Trường Sa

Ngày 17/3/2022, tàu Pacific 07 (quốc tịch Panama, có 19 thuyền viên người Việt Nam) bị hỏng máy, có nguy cơ mắc cạn ở khu vực cách đảo Song Tử Tây khoảng 30 hải lý về phía đông, khi trên đường từ Hong Kong tới Indonesia. Nhận tín hiệu cứu nạn, Hải quân Việt Nam đã điều tàu KN 464 và tàu 905 đang thực hiện nhiệm vụ trên biển tới kéo tàu ra khỏi vị trí có nguy cơ mắc cạn. Tiếp đó, tàu Pacific 07 đã được tàu cứu hộ Tân Cảng EAGLE kéo về bờ.

Xem thêm:

Báo Tin tức ngày 18/3/2022: Cứu nạn tàu quốc tịch Panama có nguy cơ mắc cạn tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa

Báo Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 25/3/2022: Cứu thành công tàu Pacific 07 và 19 thuyền viên

Thủ tướng Malaysia thăm Việt Nam – Malaysia không nhân nhượng hành vi xâm lược

Từ ngày 20-22/3/2022, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã có chuyến thăm tới Việt Nam. Trong tuyên bố báo chí chung của hai nước nhân chuyến thăm, hai bên thống nhất sẽ tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp giữa các lực lượng hải quân và cảnh sát biển nhằm ứng phó với các vấn đề phát sinh trên biển. Hai bên cũng ủng hộ việc đẩy mạnh hợp tác trên biển trong các lĩnh vực như phát triển bền vững kinh tế biển, quản lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Về Biển Đông, hai bên khẳng định lại lập trường của ASEAN, tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi bởi luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Hai bên cũng kêu gọi việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và được khích lệ bởi tiến độ đàm phán cụ thể COC theo hướng thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Hai bên nhấn mạnh việc cần thiết duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.

Trả lời phỏng vấn truyền thông Malaysia sau chuyến thăm, thủ tướng Malaysia bày tỏ mong muốn Việt Nam lập tức có hành động để ngăn chặn vấn đề ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển Malaysia. Ông cũng cho biết hai nhà lãnh đạo nhất trí giữ trung lập trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh rằng Malaysia sẽ không nhân nhượng về hành vi xâm lược của nước ngoài đối với bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào.

Về việc thi hành các biện pháp trừng phạt Nga, Malaysia chỉ công nhận các lệnh trừng phạt được quyết định bởi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Xem thêm:

VOV ngày 21/3/2022: Tuyên bố báo chí chung giữa Việt Nam và Malaysia

Bernama ngày 22/3/2022: PM wants Vietnam to stop fishermen’s encroachment into Malaysian waters

Việt – Mỹ đối thoại về lĩnh vực không gian dân sự

Đối thoại Việt Nam – Mỹ về Không gian dân sự lần thứ ba đã được tổ chức từ ngày 22-24/3 theo hình thức trực tuyến. Các cuộc thảo luận tập trung vào hoạt động quan sát trái đất từ không gian. Phái đoàn Mỹ dẫn đầu bởi đại sứ Marc Knapper, trong khi phái đoàn Việt Nam dẫn đầu bởi ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ. Mặc dù thông tin công khai là thảo luận tập trung vào khu vực dân sự, trong thành phần phái đoàn hai bên có sự tham dự của Bộ Quốc phòng.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25/3/2022: Third U.S.-Vietnam Civil Space Dialogue

Tham tán Bộ Ngoại giao Mỹ sang thăm Philippines, Việt Nam và Nhật Bản từ 28/3

Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tham tán Derek Chollet sẽ đến Philippines, Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 28/3 đến ngày 2/4/2022. Mục đích của chuyến đi nhằm tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ với các đồng minh và đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tham gia với các bên liên quan chính về các vấn đề song phương và khu vực, bao gồm các nỗ lực nhằm tìm kiếm một sự trở lại hòa bình cho nền dân chủ ở Miến Điện. Ông cũng sẽ thảo luận về tác động của cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Tại Philippines, Chollet sẽ tham vấn với các quan chức về nỗ lực chung hai bên nhằm ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp và đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, thảo luận về quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN và các vấn đề khu vực, bao gồm cả cuộc khủng hoảng ở Miến Điện.

Tại Việt Nam, ông sẽ gặp gỡ các quan chức chính phủ cấp cao để khẳng định quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam và cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Miến Điện, các các cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền.

Cuối cùng, ông sẽ dừng chân tại Nhật Bản để gặp gỡ các quan chức chính phủ cấp cao để thảo luận về Miến Điện, Ukraine và các vấn đề khác.

Chuyến đi của ông Chollet diễn ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN đã bị hoãn lại.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 28/3/2022: Counselor Chollet’s Travel to the Philippines, Vietnam, and Japan

Philippines, Indonesia họp trù bị về phân định thềm lục địa

Ngày 11/3/2022, phiên họp trù bị lần thứ 2 về phân định thềm lục địa giữa Philippines và Indonesia đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hai bên đã đạt đồng thuận về các nguyên tắc, hướng dẫn phân định thềm lục địa, cũng như thảo luận về việc chuẩn bị cho phiên họp đầu tiên của nhóm làm việc chung, dự kiến sẽ diễn ra trực tiếp trong năm nay.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 25/3/2022: Philippines, Indonesia Convene 2nd Preparatory Meeting for the Delimitation of Continental Shelf Boundary

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN bị hoãn – Thủ tướng Singapore thăm Mỹ

Trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN đã bị hoãn lại do một số nước ASEAN không thống nhất được thời gian phù hợp, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ có chuyến thăm làm việc tới Mỹ từ ngày 26/3-2/4/2022, Văn phòng Thủ tướng Singapore cho biết. Ông sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden hôm 29/3, cũng như các cuộc gặp với Phó Tổng thống Kamala Harris và các quan chức trong nội các Mỹ tại Washington, trước khi tới New York.

Xem thêm:

Straits Times ngày 25/3/2022: PM Lee Hsien Loong to make working visit to US from March 26 to April 2

Nikkei Asia ngày 26/3/2022: Singapore’s Lee to meet with Biden at White House on Tuesday

Bộ trưởng An ninh Singapore nói về lập trường của Singapore đối với chiến tranh Nga – Ukraine

Trả lời phỏng vấn Tổng biên tập Straits Times Warren Fernandez, Bộ trưởng cấp cao, Bộ trưởng điều phối về an ninh quốc gia Singapore Tiêu Chí Hiền cho biết Singapore luôn ủng hộ luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của hiến chương Liên Hợp Quốc và không thể chấp nhận việc quốc gia này tấn công, hoặc cố gắng lật đổ chính phủ của quốc gia kia, mà không có lý do. Đây là nguyên nhân Singapore lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Ông chỉ ra Singapore luôn xem trọng mọi hình vi vi phạm các nguyên tắc cơ bản trên, như bỏ phiếu chống Mỹ tấn công Grenada tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1983 hay phản đối Việt Nam tấn công Campuchia. Theo ông, điều này không có nghĩa Singapore thù địch với Mỹ hay ủng hộ Khmer Đỏ.

Theo cựu Phó thủ tướng Singapore, hành động của Singapore nhằm mục đích kiềm chế khả năng gây chiến tranh chống Ukraine, gây tổn hại chủ quyền Ukraine của Moscow.

Ông cho rằng trong khu vực cũng tồn tại các điểm nóng có nguy cơ leo thang. Các nước cần nghiên cứu các sự việc ở Châu Âu, kiềm chế và có sự sáng suốt để tránh xung đột. Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” sẽ dễ dàng dẫn đến tính toán sai lầm với hậu quả đầy bi kịch. Ông cũng kêu gọi các nước xây dựng các cơ chế để thu hẹp khác biệt và thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

Xem thêm:

Straits Times ngày 26/3/2022: Why Singapore had to take a strong stand against Russia’s attack on Ukraine

———-

V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Mỹ đang chạy đua để giảm bớt sự phụ thuộc vào đất hiếm vào Trung Quốc

Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ đã thảo luận về những nỗ lực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc – quốc gia thống trị phần lớn nguồn cung đất hiếm toàn cầu. Chương trình Phân tích và Duy trì Cơ sở Công nghiệp của Bộ Quốc phòng đã cung cấp 35 triệu đô chương trình MP Material 35 triệu đô la. Công ty sẽ tách và xử lý các nguyên tố đất hiếm nặng tại cơ sở của mình ở Mountain Pass, California, “thiết lập một chuỗi cung ứng nam châm vĩnh cửu nội địa từ đầu đến cuối đầy đủ”. Ngoài ra, Nhà Trắng cho biết Berkshire Hathaway Energy Renewables sẽ khởi động một cơ sở ở California nhằm kiểm tra khả năng tồn tại của quy trình khai thác lithium bền vững tại các khu vực ở California.

Xem thêm

Oil Price ngày 14/3/2022: The US Is Racing To Reduce Its Rare Earths Dependence On China

Vương quốc Anh và Fiji ký thỏa thuận mới về An ninh Hàng hải

Ngày 19/3/2022, Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen đã ký kết Biên bản ghi nhớ mới về an ninh hàng hải với Chính phủ Fiji cho phép Hải quân Hoàng gia Anh và một số cơ quan hàng hải dân sự và quân sự của Fiji có thể trao đổi nhân sự trong đóng tàu, hỗ trợ đào tạo nhằm hợp tác chặt chẽ hơn nữa để “chống lại các hoạt động hàng hải bất hợp pháp ở Thái Bình Dương”.

Xem thêm:

GOV.UK ngày 24/3/2022: UK and Fiji seal new deal on Maritime Security

OECD đăng cai tổ chức cuộc họp nhóm tư vấn điều hành Blue Dot Network (Mạng lưới Chấm Xanh)

Vào ngày 21 tháng 3, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản đã tham gia cuộc họp lần thứ ba của Nhóm Tư vấn Điều hành Mạng lưới Blue Dot (ECG) do OECD tổ chức. Thông qua hỗ trợ kỹ thuật được tài trợ bởi Ban chỉ đạo Mạng lưới Chấm xanh (Blue Dot), OECD đã tổ chức Nhóm tư vấn điều hành ECG để triệu tập các đại diện từ khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các viện để tư vấn về thiết kế và thực hiện sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng này.

Các thành viên ECG hầu như đã tham gia cùng đại diện chính phủ để thảo luận về tiến độ thực hiện và tiềm năng Mạng lưới Blue Dot trong việc chuyển đổi phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới bằng cách tặng thưởng các phương pháp hay nhất và thúc đẩy “cuộc đua đến đỉnh cao” về chất lượng cơ sở hạ tầng.

Xem thêm

US Department of State ngày 21/3/2022:OECD Hosts Executive Consultation Group Meeting on Blue Dot Network – United States Department of State

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: một khu vực có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với EU

Vào ngày 22/3/2022, Ủy ban Đối ngoại Nghị viện EU đã thông qua một báo cáo phản ánh cách EU nên bảo vệ lợi ích của mình và hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Báo cáo đề xuất EU theo đuổi quan hệ song phương hiệu quả với các đối tác và quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các quốc gia Châu Phi ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, khối cũng nên hợp tác chặt chẽ với các nền dân chủ tự do khác và các đồng minh lịch sử, chẳng hạn như NATO, Mỹ và Anh. Đồng thời, báo cáo kêu gọi EU nên khai thác triệt để vị thế và danh tiếng của mình như một tác nhân toàn cầu, đáng tin cậy vì hòa bình trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng giữa các cường quốc toàn cầu và khu vực trong khu vực.

Xem thêm:

European Parliament ngày 22/3/2022: Indo-Pacific: a region of key strategic significance for the EU

———-

VI- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Sri Lanka đàm phán với Trung Quốc để được hỗ trợ tín dụng 2,5 tỷ USD, quan chức Trung Quốc cho biết

Một quan chức hàng đầu của Trung Quốc cho biết vào hôm 21/3/2022, Trung Quốc đang xem xét cung cấp một khoản tín dụng trị giá 1,5 tỷ USD cho Sri Lanka và một khoản vay riêng biệt lên tới 1 tỷ USD, như một phần trong nỗ lực giúp đỡ quốc đảo này trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Nghiên cứu mới đã tiết lộ rằng các nước đang phát triển sẽ trả cho Trung Quốc và những người cho vay gần 14 tỷ USD nợ trong năm nay.

Xem thêm:

Reuters ngày 21/3/2022: Sri Lanka in talks with China for $2.5 billion credit support, Chinese official says | Reuters

Bloomberg ngày 21/3/2022: Poorest Nations to Repay China $14 Billion in 2022, Report Says. Một bản PDF được lưu trữ tại đây. 

———-

VII- QUAN HỆ MỸ – TRUNG QUỐC

Kelly và các thành viên lưỡng đảng giới thiệu Đạo luật tạo điều kiện cho chất bán dẫn do Mỹ sản xuất

Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Mike Kelly (R-PA), Đồng Chủ tịch của nhóm nghị sĩ về ôtô tại Hạ viện, và một nhóm lưỡng đảng gồm các thành viên của Hạ viện đã giới thiệu Đạo luật Tạo điều kiện thuận lợi cho các chất bán dẫn do Mỹ xây dựng (Đạo luật FABS) – một dự luật nhằm thúc đẩy đầu tư dài hạn vào Mỹ để thiết kế và sản xuất chip bán dẫn. Khi cạnh tranh toàn cầu về kiểm soát chất bán dẫn ngày càng gia tăng, các quốc gia như Trung Quốc đã thu hút các công ty sản xuất chất bán dẫn. Với sự ra đời của Đạo luật FABS và các chương trình khác, Mỹ có thể cung cấp một gói ưu đãi toàn diện giúp để tạo thế cạnh tranh trên quy mô toàn cầu, đảm bảo quyền tiếp cận của Mỹ với công nghệ quan trọng này và nâng cao vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc nghiên cứu và thiết kế loại chip mũi nhọn này.

Xem thêm

Ngày 17/3/2022: Kelly and Bipartisan Members Introduce Facilitating American-Built Semiconductors Act

Mỹ khôi phục miễn trừ thuế quan đối với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc

Thứ tư vừa qua, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết họ đã khôi phục miễn trừ thuế đối với 352 mặt hàng đã hết hạn ở “Mục 301” đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12/10/2021 đến hết ngày 31/12/2022. Theo USTR, danh sách này bao gồm các mặt hàng như các bộ phận công nghiệp như máy bơm và động cơ điện, một số bộ phận xe hơi và hóa chất, ba lô, xe đạp, máy hút bụi và các mặt hàng tiêu dùng khác. Những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá ước tính là 370 tỷ đô-la mà cựu Tổng thống Donald Trump đã đánh thuế phạt từ 7,5% đến 25%.

Chính quyền Donald Trump trước đây đã cấp hơn 2.200 miễn trừ thuế quan để giảm nhẹ gánh nặng cho một số ngành công nghiệp và nhà bán lẻ. Hầu hết đều đã hết hạn, 549 mục đã được gia hạn thêm một năm và đã hết hạn cuối năm 2020. Chính quyền Biden sẽ xem xét tiếp 549 mục này.

Xem thêm

AP News ngày 25/3/2022: US reinstates 352 product exclusions from China tariffs | Reuters

———-

VIII- QUAN HỆ EU – TRUNG QUỐC

Gần 50% công ty Châu Âu tại Hong Kong muốn chuyển hoạt động

Khảo sát của Phòng Thương mại Châu Âu tại Hong Kong cho thấy 25%  doanh nghiệp Châu Âu tại Hong Kong dự định rời hoàn toàn khỏi thành phố này trong năm tới, trong khi 24% dự định chuyển hoạt động một phần. 34% tỏ ra không chắc chắn, trong khi chỉ 17% khẳng định không muốn chuyển đi trong vòng 12 tháng tới. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 260 doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ giữa tháng 1 – tháng 2/2022.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 24/3/2022: Nearly 50% of European Firms in Hong Kong Plan to Relocate Staff. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

Trung Quốc gia tăng thu mua các công ty

Hoạt động thâu tóm doanh nghiệp của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Đức và Châu Âu đã tăng nhẹ trở lại. Theo một phân tích mới của các nhà tư vấn quản lý EY, năm 2021, các công ty Trung Quốc đã mua 155 công ty Châu Âu với tổng trị giá 12,4 tỷ USD, nhiều hơn 23 công ty so với năm 2020 nhưng chỉ bằng một nửa năm 2016. Bên cạnh đó, Vương quốc Anh đã vượt qua Đức để trở thành mục tiêu hàng đầu để Trung Quốc thu mua, trong đó, 36 công ty đã lọt vào tay Trung Quốc. Tuy nhiên, theo EY, những con số này không bao gồm các khoản đầu tư mạo hiểm trị giá 1,9 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp của Đức, trong đó các công ty Trung Quốc tham gia với tư cách là một phần của các nhóm nhà đầu tư quốc tế. Phát biểu tại Stuttgart vào ngày 22/3/2022, Giám đốc Dịch vụ Kinh doanh Trung Quốc tại EY ở Tây Âu Sun Yi cho biết các công ty Trung Quốc vẫn thận trọng về việc đầu tư vào Châu Âu nói chung. Tuy nhiên, điều này không chỉ do đại dịch mà là hầu hết các công ty Trung Quốc đã quan tâm đến việc tái cấu trúc ở Châu Âu hơn là việc mở rộng trong những năm gần đây.

Xem thêm:

China.Table ngày 23/3/2022: Takeovers of EU companies pick up again • China.Table. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây.

Xuất khẩu Trung Quốc của Lithuania giảm

Do lệnh cấm vận thương mại của Trung Quốc đang diễn ra, xuất khẩu của nước thành viên EU Lithuania sang Trung Quốc đã giảm mạnh vào đầu năm 2022. Theo số liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc, Trong tháng 1 và tháng 2, xuất khẩu đã giảm 88,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 0,5 triệu USD.

Xem thêm:

China.Table ngày 23/3/2022: Lithuania’s China exports declined. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây.

Các quan chức EU và Trung Quốc gặp nhau để thảo luận về thương mại

Đại diện của Trung Quốc và Liên minh Châu Âu sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh chung vào ngày 1/4/2022 để thảo luận về tương lai của mối quan hệ của họ, đặc biệt là liên quan đến thương mại. Trung Quốc dự kiến sẽ thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán về Thỏa thuận toàn diện giữa EU và Trung Quốc mà Liên minh Châu Âu đã xếp lại vào năm ngoái sau khi Trung Quốc trừng phạt 5 thành viên của Nghị viện Châu Âu do phản ứng của EU đối với các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Vào thời điểm đó, Nghị viện Châu Âu lưu ý rằng các cuộc đàm phán sẽ không tiếp tục cho đến khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Mối quan hệ của EU với Trung Quốc đã trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây do cuộc chiến thương mại không chính thức của Trung Quốc chống lại Litva và sự hỗ trợ ngầm cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Cuộc họp thượng đỉnh về Thỏa thuận toàn diện giữa EU và Trung Quốc bởi vậy khó có thể đạt được tiến triển.

———-

IX- TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU CỦA CUỘC CHIẾN NGA – UKRAINE

Tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO

Ngày 23/3/2022, NATO đã cảnh báo về việc cuộc chiến của Nga ở Ukraine biến thành một cuộc đối đầu hạt nhân giữa Moscow và phương Tây. Tại một cuộc họp báo, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết “Nga nên dừng luận điệu vô trách nhiệm về vấn đề hạt nhân nguy hiểm” và “Nga phải hiểu rằng nước này không bao giờ có thể chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân”.

Trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích các quốc gia phương Tây vì đã không cố gắng để giúp đất nước của ông tự vệ trước Nga, các nhà lãnh đạo NATO đã cam kết tăng cường khả năng phòng thủ của họ trước mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học và hạt nhân. Tại Hội nghị Thượng đỉnh tại Brussels ngày 24/3/2022, Tổng thư ký Nato, Jens Stoltenberg, cho biết liên minh đã “kích hoạt các yếu tố phòng thủ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân của Nato và các đồng minh đang triển khai các hệ thống phòng thủ hóa học, sinh học và hạt nhân bổ sung” để đối phó với các mối đe dọa từ Nga.

NATO cũng tuyên bố bảo vệ Ukraine khỏi các mối đe dọa hóa học, sinh học, hạt nhân. Theo tuyên bố chung của các nước NATO, việc Nga sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề đối với Điện Kremlin. Tuy nhiên, tuyên bố không nêu rõ những hậu quả này là gì.

Xem thêm:

Reuters ngày 23/3/2022: NATO head tells Russia it cannot win nuclear war | Reuters

Financial Times ngày 24/3/2022: Nato steps up defence against chemical and nuclear attacks in response to Russian threats | Financial Times. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

NATO ngày 24/3/2022: Statement by NATO Heads of State and Government – Brussels 24 March 2022, 24-Mar.

Video Clip: WATCH LIVE | Biden meets with European leaders in Brussels

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 – Brussels, ngày 24/ 3/2022

Các nhà Lãnh đạo của G7, đã gặp nhau vào ngày 24/3/2022 tại Brussels theo lời mời của Chủ tịch G7 của Đức, nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác của các quốc gia trước hành động xâm lược vô cớ và bất hợp pháp của Nga cũng như cuộc chiến của Tổng thống Putin lựa chọn chống lại Ukraine độc ​​lập và có chủ quyền. Thông qua cuộc họp, các quan chức lãnh đạo của G7 thống nhất quyết tâm khôi phục hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế, lên án hành động xâm lược quân sự của Nga, những đau khổ và mất mát nhân mạng mà nước này tiếp tục gây ra. Đồng thời, kêu gọi các nhà chức trách Belarus tránh leo thang thêm và kiềm chế sử dụng lực lượng quân sự của họ chống lại Ukraine. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng đang cùng nhau thực hiện các bước tiếp theo để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Xem thêm:

Council of the European Union ngày 24/3/2022: G7 Leaders’ Statement – Brussels, 24 March 2022

Thỏa thuận năng lượng mới giữa Mỹ và EU

Trong tuần qua, hàng loạt các tin tức thảo luận về việc Mỹ và EU thảo luận để có thể đạt được thỏa thuận giảm phụ thuộc năng lượng từ Nga. Tóm tắt từ một số bài và tin từ các hãng thông tấn quốc tế về vấn đề này như sau:

Trao đổi với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen thứ sáu vừa rồi, ông Biden cho biết vấn đề cốt lõi là “giúp Châu Âu giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga càng nhanh càng tốt”. Hiện tại, Châu Âu phụ thuộc vào Moscow với 40% lượng khí đốt tự nhiên được sử dụng để sưởi ấm nhà cửa, tạo ra điện và thúc đẩy ngành công nghiệp.

Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu sẽ thúc đẩy tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để các nước Châu Âu có thể thay thế khí đốt của Nga vào cuối năm 2022; các công ty phải xem xét chi tiết khuôn khổ chính trị mới này.

Theo thỏa thuận, Châu Âu sẽ nhận được ít nhất 15 tỷ mét khối nguồn cung cấp khí LNG bổ sung vào cuối năm nay, mặc dù không rõ nguồn cung cấp này từ đâu. Các quốc gia thành viên cũng sẽ nỗ lực để đảm bảo nhu cầu đối với 50 tỷ mét khối nhiên liệu của Mỹ cho đến ít nhất là đến năm 2030. Mục đích của việc này là làm sao làm việc với các đối tác quốc tế để giúp lục địa này loại bỏ khí đốt của Nga.

EU cũng dựa vào Nga do Nga chiếm thị phần lớn nhất trong nhập khẩu than và dầu vào EU do đó EU đã luôn vật lộn để chính sách năng lượng bớt phụ thuộc vào Moscow. Chi tiết về cách thức hoạt động của kế hoạch hiện đang nằm trong tay các công ty năng lượng, với các công ty vận chuyển khí LNG của Mỹ và các công ty mua khí LNG của Đức, các công ty này sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Berlin để tìm ra các thỏa thuận khả thi.

Mỹ đã và đang cung cấp nhiều khí LNG hơn cho Châu Âu, với lượng xuất xưởng tăng gấp đôi lên mức kỷ lục 4,4 tỷ mét khối vào tháng một và mức tương tự vào tháng hai vừa qua. Việc cung cấp thêm 15 tỷ mét khối có thể khả thi khi mà Châu Âu tiếp tục trả giá cao hơn so với các nước mua khí này từ Châu Á. Nguồn cung LNG toàn cầu sẽ tăng đáng kể từ năm 2025, khi các dự án mới được lên kế hoạch đi vào hoạt động. Nhưng ngay cả khi nhiều khí đốt hơn có thể được vận chuyển đến Châu Âu, châu lục này có thể phải vật lộn để nhận được nó. Các bến nhập khẩu nằm ở các khu vực ven biển và hệ thống đường ống của Châu Âu không có tất cả các kết nối cần thiết để vận chuyển khí tự nhiên đi khắp lục địa.

Các tin tức đều có nghi ngại rằng phần lớn những tuyên bố này sẽ mang tính biểu tượng, ít nhất là trong ngắn hạn, bởi vì trên thực tế Hoa Kỳ không có đủ năng lực để xuất khẩu nhiều khí đốt hơn và Châu Âu không có khả năng nhập khẩu nhiều hơn đáng kể.

Xem thêm:

AP News ngày 25/3/2022: Biden plans gas shipments to Europe to cut Russian leverage

ABC News ngày 26/3/2022: US, EU announce new partnership to undercut Russian energy

The New York Times ngày 25/3/2022: Why the US Can’t Quickly Wean Europe From Russian Gas. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Bloomberg ngày 25/3/2022: US, EU Reach Energy Supply Deal to Cut Dependence on Russia. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Energy Voice ngày 21/3/2022: US commits to additional LNG supplies for Europe

Stratfor ngày 24/3/2022: How the Ukraine Invasion Will Affect Oil Markets. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga: Chiến tranh kinh tế của Mỹ phát động chống lại Nga có thể làm sụp đổ hoàn toàn quan hệ song phương

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phát biểu trong cuộc họp hôm thứ Năm rằng Hoa Kỳ đã tuyên chiến kinh tế với Nga, điều này có nguy cơ làm sụp đổ hoàn toàn quan hệ song phương, nhưng hai bên vẫn có thể xem xét bằng cách tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.

Bà nhấn mạnh rằng phía Nga trong nhiều năm qua đã đề nghị với Mỹ “một cuộc đối thoại bình thường, cởi mở dựa trên các nguyên tắc có đi có lại và tôn trọng lợi ích quốc gia của Nga.” Đồng thời, bà nhấn mạnh vẫn còn cơ hội để hai bên có thể đạt được thỏa thuận; song nếu Mỹ tiếp tục hành động như hiện nay thì cả hai nước sẽ bỏ lỡ cơ hội này. Tình hình trở nên trầm trọng hơn do quyết định của Hoa Kỳ trong việc ngừng cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Nga tại đại sứ quán của họ ở Nga. Rõ ràng là nếu các cơ quan đại diện ngoại giao ở Washington và Moscow bị đóng cửa – đây là điều không tốt cho cả hai và đơn giản là sẽ không thể giải quyết vấn đề.

Xem thêm

Russian News Agency ngày 24/3/2022: US economic war against Russia can completely collapse bilateral relations

Putin làm Hoa Kỳ lo ngại rằng Putin sẽ quan tâm và có thể nổi giận

Các quan chức chính quyền Biden lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể ngày càng hành động nguy hiểm khi quân đội Nga thấy mình sa lầy ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây bắt đầu có hiệu lực. Xu hướng của Putin đang bắt đầu leo thang hơn là lùi bước. Sự lựa chọn của nhà lãnh đạo Nga tiếp theo có thể là ném bom hàng loạt vào các thành phố của Ukraine hoặc sử dụng vũ khí hóa học – hoặc thậm chí là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Cái khó nhất mà Mỹ và các đồng minh Châu Âu phải đối mặt là cố gắng dự đoán động thái tiếp theo này của Putin.

Bất chấp những lo ngại về những động thái tiếp theo của Putin, các quan chức Mỹ cho biết họ tin tưởng vào phản ứng mạnh mẽ và thống nhất của các đồng minh nếu Putin quyết định leo thang. Chẳng hạn, điều này sẽ buộc các quốc gia như Đức ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu năng lượng của Nga, một động thái mà Berlin và các nước khác cho đến nay vẫn đang xem xét và không thực hiện.

Xem thêm

Bloomberg ngày 25/3/2022: Putin Stirs U.S. Concern That He Feels Cornered and May Lash Out. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Ông Biden tiếp tục duy trì chính sách lâu đời của Mỹ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân giữa áp lực từ các đồng minh

Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, Tổng thống Biden đã viết trên tạp chí Foreign Affairs rằng “mục đích duy nhất của kho vũ khí hạt nhân Hoa Kỳ là để răn đe — và nếu cần, trả đũa – một cuộc tấn công hạt nhân.”

Tuy nhiên, ông Biden đã xem xét lại lời cam kết này khi ông chấp nhận duy trì chính sách lâu đời của Mỹ sử dụng khả năng đe dọa hạt nhân để ngăn chặn các mối đe dọa thông thường và cả những đe dọa phi hạt nhân lẫn hạt nhân. Quyết định mới này mở ra khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong những “trường hợp cực đoan” để ngăn chặn kẻ thù sử dụng tấn công từ thông thường, sinh học, hóa học và cả tấn công an ninh mạng.

Quyết định này được đưa ra sau khi Biden có cuộc họp với các đồng minh Châu Âu, trong một nỗ lực duy trì lập trường thống nhất của phương Tây chống lại cuộc xâm lược của Nga và các đồng minh lo ngại Điện Kremlin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc hóa học. Việc đánh giá lại sử dụng khả năng răn đe hạt nhân sẽ ủng hộ cho việc hiện đại hóa sâu rộng bộ ba hạt nhân của Mỹ là tên lửa đất đối không, tên lửa từ tàu ngầm và máy bay ném bom – dự kiến trị giá hơn 1000 tỷ đô-la.

Xem thêm

The Wall Street Journal ngày 25/3/2022: Biden Sticks With Longstanding US Policy on Use of Nuclear Weapons Amid Pressure From Allies. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Mỹ đe dọa trừng phạt các bên thứ ba giúp Moscow trốn tránh lệnh trừng phạt

Mỹ đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và công ty bên ngoài Nga đang giúp nước này tránh được các hình phạt của phương Tây thực thi do cuộc chiến ở Ukraine.

“Chúng tôi có một số công cụ để đảm bảo tuân thủ và một trong những công cụ đó là thực hiện tài phán đối với các cá nhân hoặc tổ chức trong khu vực pháp lý của bên thứ ba không tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ hoặc đang thực hiện các nỗ lực có hệ thống nhằm làm suy yếu hoặc né tránh chúng,” Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà trắng nói.

Xem thêm:

Financial Times ngày 25/3/2022: US threatens to punish third parties helping Moscow evade sanctions. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Những người bạn phương Tây của Ukraine trung thành như thế nào?

Trên tờ Politico, hai tác giả Ryan Heath & Beatrice Jin đã lập ma trận tổng hợp nhằm cho biết quốc gia nào trong số 35 quốc gia đang tham gia các hội nghị thượng đỉnh EU, NATO và G-7 tại Brussels trong tuần vừa qua đang nỗ lực nhiều nhất để bảo vệ Ukraine và những phức tạp nào tồn tại để giảm sự phụ thuộc vào Nga. Hãy click vào từng nước trong bài viết để biết thông tin chi tiết.

Xem thêm:

POLITICO Matrix: How loyal are Ukraine’s Western allies?

Trung Quốc lặng lẽ mua dầu từ Nga, trong khi Sinopec dừng dự án với Nga

Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang lặng lẽ mua nguồn dầu thô giá rẻ – như dầu ESPO hay Ural – từ Nga, Bloomberg đưa tin. Các cuộc đàm phán diễn ra một cách riêng tư.

Trong khi đó, tập đoàn dầu khí quốc doanh Sinopec của Trung Quốc đã dừng các cuộc đàm phán về việc đầu tư vào các dự án hóa dầu và khí lớn tại Nga, Reuters đưa tin. Các nguồn tin cho biết kể từ khi chiến tranh bùng phát, ba ông lớn năng lượng của Trung Quốc – Sinopec, CNPC và CNOOC – đều được Bộ Ngoại giao triệu tập để đánh giá lại tác động của các lệnh cấm vận lên hoạt động tại Nga.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 24/3/2022: China Is Quietly Taking Cheap Russian Crude as India Buys More. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

Reuters ngày 26/3/2022: Exclusive: China’s Sinopec pauses Russia projects, Beijing wary of sanctions

Mỹ cho rằng Trung Quốc tìm cách tuân thủ cấm vận của Mỹ về Nga

Các công ty và quan chức Trung Quốc đang tìm cách để tuân thủ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đang liên hệ với phía Mỹ để hỏi về chi tiết của các biện pháp trừng phạt, trong khi hầu hết công ty Trung Quốc đã hành động để tránh bị trừng phạt. Điều này làm giảm các mối lo ngại tại Washington rằng Trung Quốc sẽ giúp Nga tránh cấm vận.

Xem thêm:

Blomberg ngày 25/3/2022: China Damps U.S. Concern on Russian Sanctions by Drilling Into Their Details. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Lavrov phê phán các đòn trừng phạt “tổng lực”, nói rằng các giá trị của phương Tây ‘không đáng một xu’

Vào ngày 25/3/2022, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết “một cuộc chiến tranh hỗn hợp thực sự, một ‘cuộc chiến tổng lực’ đã được tuyên bố chống lại” Nga. Ông đã chỉ trích “đợt trừng phạt” của Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Anh, cũng như một số quốc gia khác và chỉ ra rằng tất cả các giá trị mà những người ở phương Tây đã rao giảng cho Nga, như quyền tự do ngôn luận, nền kinh tế thị trường, sự tôn nghiêm của tài sản tư nhân và sự giả định vô tội, không đáng một xu.

Xem thêm:

Tass ngày 26/3/2022: Lavrov slams all-out sanctions spree, says West’s values ‘aren’t worth a red cent’ – Russian Politics & Diplomacy – TASS

Suzanne Lynch & Jacopo Barigazzi: Sự kết thúc của tính trung lập

Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã đẩy mối lo ngại về an ninh lên tầm cao chưa từng thấy kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đối với các nước thuộc Liên minh Châu Âu không phải là thành viên của NATO, khả năng xảy ra đối đầu giữa Moscow và phương Tây không còn khó tưởng tượng. Và một nghi vấn được đặt ra rằng: liệu trung lập quân sự có còn được mong muốn – hay thậm chí còn có thể tiếp tục tồn tại hay không?

Ngay cả ở Ireland, một trong những quốc gia Châu Âu nằm xa nơi giao tranh nhất, các nhà hoạch định chính sách đang bắt đầu xem xét lại vị trí trung lập chiến lược bắt nguồn từ lịch sử hậu thuộc địa của đất nước và kể từ đó nhiều lần được tái khẳng định trong suốt cả thế kỷ. Có những lo ngại về sự chuẩn bị của quốc gia này đối với bất kỳ sự xâm lược nào có thể xảy ra, bao gồm cả các cuộc tấn công hỗn hợp. Cuộc tấn công mạng vào năm ngoái của tội phạm Nga vào hệ thống y tế của đất nước và một cuộc tập trận theo kế hoạch của hải quân Nga ngay ngoài khơi bờ biển Ireland chỉ vài tuần trước cuộc xâm lược Ukraine đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của Ireland – một quốc gia EU không liên kết tách biệt về địa lý với phần còn lại của Lục địa.

Dublin không phải là thủ đô quốc gia duy nhất tham gia vào cuộc đối thoại quốc gia về an ninh và tính trung lập; ngay cả các nước EU trung lập về quân sự cũng đã cùng với phần còn lại của khối này “tát” Nga bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Vladimir Putin đã tố cáo là “giống như một lời tuyên chiến”. Các cuộc tranh luận về khả năng tham gia NATO hay hay các sáng kiến an ninh của EU đang diễn ra sôi nổi ở những nước vốn nổi tiếng truyền thống trung lập là Phần Lan, Thuỵ Điển, Áo, Đan Mach.

Và nhiều quốc gia có lẽ cũng sẽ lưu tâm đến định nghĩa về chính sách không liên kết, được Phần Lan và Thụy Điển tán thành – rằng sự trung lập thực sự chỉ có thể có nếu một quốc gia có khả năng tự bảo vệ mình.

Xem thêm:

Politico ngày 24/3/2022: The end of neutrality

Gideon Rachman: Cuộc chiến của Putin đang định hình lại các liên minh của Châu Âu như thế nào

Đã hơn một tháng kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine diễn ra, thế giới phương Tây đang lo ngại rằng cuộc xung đột này có thể tồn tại trong nhiều tháng, thậm chí có thể là nhiều năm. Các nhân tố mới của cuộc chiến cần được xem xét đó là về vị trí của Nga trên thế giới, tương lai của Châu Âu, liên minh phương Tây và toàn cầu hóa. Và một nghi vấn được đặt ra rằng: Cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm tái sinh thế giới như thế nào? Đối với nhiều nước láng giềng gần gũi của Nga, cuộc chiến ở Ukraine gây lo ngại về tương lai và những ký ức tồi tệ trong quá khứ. Một chính trị gia Phần Lan, Alexander Stubb cho rằng về lâu dài, cuộc chiến tranh này sẽ làm thay đổi cơ bản cấu trúc an ninh của Châu Âu và một Châu Âu sẽ hoàn toàn bị chia cắt trong tương lai. Thay vì kỷ nguyên phi quân sự hóa, ông khẳng định thế giới đang tiến tới kỷ nguyên khu vực hóa quyền lực. Bên cạnh đó, những gì mà các nhà lãnh đạo Châu Âu sẽ phải đối mặt trong vài tuần và tháng tới là lạm phát tràn lan, giá lương thực, giá năng lượng, giá xăng dầu. Điều đó có nghĩa rằng Châu Âu sẽ phải giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất, các nhà lãnh đạo chính trị ở Châu Âu phải thông báo cái giá phải trả của cả chiến tranh và hòa bình và làm cho mọi người hiểu rằng chúng ta đang phải trả giá rất đắt cho việc này. Thứ hai là đảm bảo rằng khi cuộc chiến này kết thúc, Châu Âu vẫn đoàn kết và thống nhất trong cách giải quyết mọi vấn đề, tuy nhiên sẽ không thống nhất được như hiện tại. Ngoài ra, Alexander Stubb khẳng định những người Châu Âu đã quá ngây thơ về hai điều: một là dựa vào năng lượng của Nga và hai là phụ thuộc lâu dài vào an ninh của Mỹ.

Xem thêm:

Financial Times ngày 24/3/2022: How Putin’s war is reshaping Europe’s alliances

Minxin Pei: Chiến tranh Ukraine có thể bùng phát một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Châu Á

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine cùng với những hành động đe doạ bóng gió về khả năng dùng vũ khí hạt nhân đã tạo ra nguy cơ tăng cường vũ khí hạt nhân của các quốc gia Châu Á. Điều này không chỉ gây ra mối đe doạ hiện hữu đối với Châu Á, mà sẽ giáng một đòn nữa vào chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Xem thêm:

Project Syndicate ngày 22/3/2022: The Ukraine War Could Trigger a Nuclear-Arms Race in Asia by Minxin Pei – Project Syndicate

Hoàng Tĩnh: Cơ hội, thách thức và lựa chọn mà chiến tranh Nga – Ukraine mang lại cho Trung Quốc

Tác giả, là giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, nhận định cơ hội mà cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đem lại cho Trung Quốc vượt xa thách thức. Đầu tiên, các cường quốc ngoài Trung Quốc đã bị kéo vào “cái bẫy” Ukraine. Thứ hai, cái bẫy này làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn giữa ý chí và khả năng trong chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc của Mỹ. Thứ ba, chính sách về Trung Quốc của Mỹ có thể rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa gây sức ép lên Trung Quốc và tránh liên minh Trung – Nga. Thứ tư, những khác biệt lợi ích cơ bản giữa Mỹ và châu Âu không được giải quyết. Thứ năm, sự kỳ vọng và nhiệt tình của Ấn Độ với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương suy giảm. Thứ sáu, “sự phản công” của Nga và việc Mỹ từ chối can thiệp trực tiếp để lại tác động tới các nước Đông Nam Á.

Dù vậy, cuộc chiến vẫn đem lại một số thách thức. Đầu tiên, cuộc chiến tạo ra sự tương phản giữa Nga – “kẻ phá hoại” trong quan hệ quốc tế và Trung Quốc – quốc gia phát triển hòa bình. Nếu không cẩn thận, Trung Quốc sẽ rơi vào bẫy. Thứ hai, việc thay đổi nhận thức về Trung – Nga như “một gia đình” của thế giới, nhất là phương Tây, sẽ là điều khó khăn. Thứ ba, hai sự kiện “thiên nga đen” đang tiềm ẩn: Nguy cơ Nga và Mỹ xích lại “kiểu Nixon” khi hai nước có nhà lãnh đạo mới, hoặc tình hình có thể thay đổi đột ngột.

Theo tác giả, cuộc chiến cho thấy lực lượng chống Nga đã không “nhất thống được thiên hạ”, bản thân bên trong lực lượng này cũng có sự khác biệt về quan điểm. Mỹ gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề Ukraine cũng nhằm tận dụng “quyền lực chuẩn tắc” của Trung Quốc nhằm củng cố phe chóng Nga và tăng cường địa vị lãnh đạo của Mỹ. Do đó, tác giả cho rằng Trung Quốc nên giữ bình tĩnh, giữ quyền lựa chọn và quyền chủ động.

Tác giả cũng đề ra thêm một số đề xuất với Trung Quốc. Thứ nhất, tận dụng thế khó trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc để giao lưu, đối thoại với Mỹ. Thứ hai, tăng cường đầu tư, giao lưu với châu Âu. Thứ ba, cuộc chiến khiến sự chú ý chiến lược của Mỹ tới Trung Á, Trung Đông, Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và thậm chí cả Mỹ Latinh đều suy giảm, cho Trung Quốc không gian để “bố trí”. Cuối cùng, Trung Quốc cần nắm bắt cơ hội để “ổn định khu vực xung quanh”, bao gồm cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Xem toàn văn bài viết tại đây

Báo Nga: 10 điều Trung Quốc hưởng lợi từ cuộc chiến Nga – Ukraine

Ngày 12/3/2022, tờ Vzglyad (Взгляд) của Nga liệt kê 10 điều Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến Nga – Ukraine và các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây.

1. Hệ thống thanh toán Union Pay hưởng lợi

2. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc hưởng lợi

3. Đồng nhân dân tệ hưởng lợi

4. Thương mại Nga – Trung tiếp tục tăng cao

5. Hàng tiêu dùng Trung Quốc sẽ xuất hiện tại Nga nhiều hơn

6. Ngành ôtô Trung Quốc hưởng lợi

7. Trung Quốc có thể tiếp cận năng lượng, tài nguyên của Nga mà châu Âu từ chối

8. Các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đầu tư vào Nga với điều kiện tốt hơn, khi các đối thủ rời đi

9. Vai trò của Trung Quốc như “tuyến đường trung chuyển” cho Nga sẽ được tăng cường

10. Các hãng hàng không Trung Quốc hưởng lợi.

Xem thêm:

China Scope ngày 16/3/2022: Russian Newspaper Listed 10 Ways in which China Benefits from the Russia-Ukraine War

George Magnus: “Thịnh vượng chung” của Trung Quốc có vượt qua cuộc chiến của Putin hay không?

Tác giả nhận định trong bối cảnh việc kiểm soát dịch Covid-19 và thái độ với cuộc chiến của Nga đe dọa cô lập thêm Trung Quốc, việc theo đuổi chiến dịch “thịnh vượng chung” có thể gây ra nhiều nguy cơ. Theo tác giả, để giải quyết các vấn đề về xã hội, thay vì áp dụng các chính sách an sinh như các nền dân chủ phương Tây, Trung Quốc dựa vào chiến dịch chính trị. Tuy vậy, việc kiểm soát chính trị đối với khu vực tư nhân có thể phá hủy động lực đổi mới sáng tạo và tăng năng suất.

Xem thêm:

Project Syndicate ngày 21/3/2022: Will China’s “Common Prosperity” Survive Putin’s War?

Joseph Brouwer: Bốn bài viết bị kiểm duyệt ở Trung Quốc về khủng hoảng Ukraine

China Digital Times lưu trữ bốn bài viết bị giới chức Trung Quốc kiểm duyệt về cuộc khủng hoảng Ukraine. Bài viết thứ nhất của một học viên cao học ngành báo chí – truyền thông người Trung Quốc tại Đan Mạch, kể về câu chuyện của một sinh viên Trung Quốc tại Kyiv phải sơ tán sang Ba Lan bằng xe máy. Bài viết thứ hai – của một blogger nổi tiếng – nhận định Nga và Ukraine đã rơi vào thế bế tắc và chỉ có thể thoát ra nếu một bên nhân nhượng. Bài viết thứ ba phỏng vấn các vận động viên Ukraine tham gia Paralympic. Bài viết thứ tư trình bày về cuộc tranh luận giữa hai giáo sư John Mearsheimer và Paul Poast và đưa ra kết luận đây là ví dụ của cách tranh luận mang tính xây dựng về một chủ đề nhạy cảm.

Xem thêm:

China Digital Times ngày 21/3/2022: Four Censored Essays on Ukraine Crisis

Stuti Bhatnagar: Mảnh ghép Ấn Độ trong vấn đề nan giải Nga – Ukraine

Cuộc chiến Nga – Ukraine đã làm sáng tỏ những hạn chế cũng như vị thế của Ấn Độ như một cường quốc trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ đã nhiều lần bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết chống lại Nga tại Liên Hợp Quốc, và vẫn chưa công khai lên án Nga về vụ tấn công Ukraine bởi New Delhi còn nhiều hạn chế trong mối quan hệ với Moscow và có lợi thế địa chính trị trong cuộc khủng hoảng này. Nga có mối quan hệ sâu sắc trong lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ thông qua các mối quan tâm về năng lượng và Nga cũng là nhà cung cấp chính về công nghệ hạt nhân. Về chính trị, Nga cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và vẫn là một đối tác quan trọng trong diễn đàn Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS). Tuy nhiên, cũng chính mối quan hệ sâu sắc này đã khiến Ấn Độ rơi vào tình thế khó khăn do quan hệ đối tác đang phát triển với Hoa Kỳ. Trong đó, Thỏa thuận mua tên lửa S-400 do Nga sản xuất đã đặt Ấn Độ dưới cái bóng của Đạo luật trừng phạt đối thủ của Washington. Mặt khác, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực cũng gây phức tạp cho quan hệ của Ấn Độ với Nga. Ấn Độ muốn duy trì tình hữu nghị với Nga để hướng tới các mục tiêu song phương và ngăn chặn Nga xích lại gần hơn với Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có cổ phần ở Ukraine do các hợp đồng quốc phòng, đặc biệt là hợp đồng trị giá 400 triệu đô la Mỹ để nâng cấp phi đội An-32 của Không quân Ấn Độ.

Trong khi các đối tác của Ấn Độ bày tỏ sự thất vọng về việc New Delhi không có khả năng hoặc không sẵn sàng lên án Nga, thì chính phủ Ấn Độ đã thể hiện mong muốn tiếp tục con đường ‘đa cực’, đặc biệt là đối với Nga. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã làm nổi bật những hạn chế về sức mạnh của Ấn Độ và đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của nước này với tư cách là một tác nhân ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Xem thêm:

East Asia Forum ngày 24/3/2022: The Indian piece of the Russia–Ukraine puzzle

Brahma Chellaney: Cuộc chiến của Putin và ảo tưởng trật tự thế giới dựa trên luật lệ

Theo tác giả, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ để lại nhiều hậu quả to lớn cho trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Các nước mạnh đang không ngần ngại dựa vào biện pháp đơn phương và sẵn sàng phá vỡ luật lệ. Các mối tương tác thương mại toàn cầu – một trong những điều có thể ngăn xung đột giữa các cường quốc – trở nên yếu đi. Trung Quốc cũng sẽ là bên hưởng lợi từ cuộc chiến, và ưu thế của nước này ở cấp độ toàn cầu sẽ là “cái đinh đóng vào cỗ quan tài của trật tự thế giới dựa trên luật lệ”. Trong khi đó, luật pháp quốc tế tỏ ra không có sức nặng đối với các cường quốc và sẽ là nạn nhân đầu tiên của các thay đổi với thế giới.

Xem thêm:

The Strategist ngày 23/3/2022: Putin’s war and the mirage of the rules-based order

———-

X- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Nguyễn Hồng Thao: Nhìn lại quá trình phân định biển giữa Việt Nam và Indonesia

Theo tác giả, giữa Indonesia và Việt Nam có một vùng chồng lấn do quan điểm sử dụng nguyên tắc phân định và điểm cơ sở khác nhau. Từ trước 1975, chính quyền Sài Gòn và Indonesia đã có bất đồng về cách phân định thềm lục địa (Việt Nam chủ trương trung tuyến bờ – bờ, còn Indonesia chủ trương trung tuyến giữa Natuna Bắc và Côn Đảo).

Năm 1978, Việt Nam và Indonesia tiếp tục nối lại đàm phán phân định thềm lục địa. Giải pháp Việt Nam đưa ra lấy căn cứ thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền ra biển, nên ranh giới là rãnh ngầm phân chia thềm lục địa của hai nước nằm rất gần nhóm đảo Natuna Bắc của Indonesia. Đường đề nghị này tạo với đường yêu sách của Indonesia thành vùng chồng lấn khoảng 98.000 km2.

Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) công nhận quy chế quốc gia quần đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho Indonesia và bất lợi cho Việt Nam. Việc Indonesia sử dụng đường cơ sở quần đảo vạch cả tới những đảo rất nhỏ để vạch đường trung tuyến đã tạo ra hoàn cảnh đặc biệt dẫn tới một kết quả không công bằng.

Các vòng đàm phán tiếp theo đã được tiến hành theo nguyên tắc thỏa thuận, thu hẹp dần diện tích vùng còn lại để đi đến một giải pháp công bằng mà hai bên chấp nhận. Ngày 11/6/2003, Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam-Indonesia được ký kết và có hiệu lực từ tháng 6/2007. Hiệp định này là trường hợp duy nhất mà phương pháp đường trung tuyến có điều chỉnh không được áp dụng trực tiếp (đối với Việt Nam).

Ngoài ra, trong đàm phán, Việt Nam đề xuất sử dụng chung một đường phân định cho cả thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước, nhưng Indonesia chỉ muốn giải quyết vấn đề thềm lục địa. Ngư dân Việt Nam cho rằng ranh giới thềm lục địa cũng là ranh giới EEZ Việt Nam được phép đánh bắt. Lực lượng chấp pháp biển của Indonesia lại cho rằng ranh giới EEZ là đường trung tuyến giữa đảo Natuna và Côn Đảo, phù hợp với UNCLOS 1982. Các cách hiểu khác nhau tạo ra một vùng chồng lấn và các xung đột nghề cá đòi hỏi hai nước tiếp tục đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế trên cơ sở các nguyên tắc của UNCLOS 1982.

Xem thêm:

Thế giới & Việt Nam ngày 25/3/2022: Nhìn lại quá trình phân định biển giữa Việt Nam và Indonesia

Arrizal Jaknanihan: Củng cố quyết tâm của ASEAN về Biển Đông

Theo tác giả, các cơ chế “tiểu đa phương” bên trong ASEAN về Biển Đông phải đối mặt với một số thách thức. Đầu tiên, các nước có quan điểm khác nhau đối với tranh chấp. Thứ hai, chính trị nội bộ có thể khiến tình hình thêm phức tạp. Thứ ba, nhiều nước Đông Nam Á vẫn coi Trung Quốc là cường quốc kinh tế không thể thay thế. Thứ tư, giữa các nước vẫn còn tồn tại những bất đồng. Theo tác giả, các nước cùng chí hướng cần tìm kiếm sự thống nhất để đối phó với chiến lược “chia để trị” của Bắc Kinh.

Xem thêm:

The Interpreter ngày 25/3/2022: Stiffening the ASEAN spine in the South China Sea

Ngoại giao Nhật Bản ở Campuchia gần đây đạt thành quả

Theo tác giả, Trung Quốc là mối lo ngại lớn nhất của Nhật Bản khi tiến hành các hoạt động ngoại giao gần đây với Campuchia – như chuyến thăm của Thủ tướng Kishida Fumio đầu tuần qua. Tác giả chỉ ra Campuchia đã nhận thấy các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước này không đạt được hiệu quả mang tính bước ngoặt như Thủ tướng Hun Sen mong muốn, trong khi gây ra lo ngại từ dư luận. Trong khi đó, Nhật Bản có cả quyền lực mềm, cũng như các đòn bẩy để tác động tới Campuchia khi Phnom Penh muốn tăng cường xuất khẩu, xuất khẩu lao động hay thu hút đầu tư từ Tokyo.

Xem thêm:

Geopolitical Monitor ngày 24/3/2022: Japan’s Recent Diplomacy in Cambodia Bears Fruit

Susannah Patton: Quad Plus có ý nghĩa không?

Tác giả chỉ ra bốn cách thức để Quad thực hiện lời hứa về tính chất “bao trùm” và tương tác với các nước phi thành viên trong khu vực: Đầu tiên, khối này có thể thiết lập hệ thống “đối tác đối thoại” với các quốc gia khác. Thứ hai, Quad có thể tham vấn phi chính thức với một nhóm rộng hơn, giống như với New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam trong đại dịch. Thứ ba, Quad có thể đề nghị trở thành đối tác đối thoại với các thiết chế khu vực như ASEAN. Thứ tư, khối này có thể cho các nước bên ngoài cơ hội tham gia các hoạt động theo từng trường hợp.

Tác giả chỉ ra, cách tiếp cận ưu tiên thúc đẩy tham vấn phi chính thức với các nước trong khu vực phù hợp nhất với các điểm mạnh và ưu tiên của Quad. Quad có thể triệu tập một hội nghị về một vấn đề được ưu tiên bên cạnh một hội nghị khác mà một thành viên Quad là chủ nhà (như G20 tại Ấn Độ năm 2023). Cách tiếp cận này có thể xây dựng sự ủng hộ đối với các cơ chế do Quad dẫn dắt, trong khi không ngăn cản Quad xây dựng cơ chế đối tác đối thoại với các nước khác trong những năm tới.

Xem thêm:

The Interpreter ngày 21/3/2022: Does the Quad Plus add up?

Peter McCawley: Liên kết kinh tế Australia với Đông Nam Á: Cần nói ít hơn, làm nhiều hơn

Theo các tác giả, mối liên kết kinh tế giữa Australia và Đông Nam Á hiện nay chưa tương xứng với lợi ích của nước này với khu vực. Dù đã có nhiều sáng kiến được đưa ra, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Các tác giả chỉ ra Australia cần thay đổi tư duy, có các cải cách nội bộ và từ bỏ tâm lý “pháo đài Australia”. Nước này cũng cần có kế hoạch ngoại giao kinh tế dài hạn, với hiểu biết sâu sắc về Châu Á.

Các tác giả đề ra một số kiến nghị cụ thể cho Canberra: Thiết lập một chương trình hợp tác kinh tế Đông Nam Á mới, thiết lập một cơ chế cung cấp tài chính hay thiết lập cơ quan phụ trách chương trình hợp tác kinh tế.

Xem thêm:

East Asia Forum ngày 17/3/2022: Less talk and more action for Australia’s Southeast Asia economic links

MERICS: Cuộc chiến tại Ukraine, bùng phát Covid-19 và hỗn loạn trong lĩnh vực tài chính gây áp lực lên kinh tế Trung Quốc

Bài viết chỉ ra sự tự tin của giới doanh nghiệp Trung Quốc đang bị tác động của tình hình chiến sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga hay các đợt bùng phát dịch Covid-19. Điều này khiến thị trường tài chính Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Sự can thiệp của Bắc Kinh cho thấy có thể nước này đang hướng tới đảm bảo tốc độ tăng trưởng và giữ ổn định.

Xem toàn văn phân tích tại đây

Lingling Wei: Bước lùi trong chiến dịch kinh tế của Tập Cận Bình cho thấy rạn nứt trong quyền lực

Bài viết chỉ ra các chính sách của Trung Quốc – như thắt chặt kiểm soát kinh tế tư nhân, chính sách chống dịch, quan hệ với Nga hay đối đầu với trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt – đang ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nước này. Trong bối cảnh trên, đã xuất hiện những tiếng nói, những đánh giá khác biệt ngay bên trong Trung Quốc, và nước này đang đảo ngược một số chính sách được đưa ra năm ngoái trong những tháng qua. Tác giả cho biết một số “nguyên lão” như cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ cũng đã đặt câu hỏi về chính sách của ông Tập.

Xem thêm:

Wall Street Journal ngày 15/3/2022: Rollback of Xi Jinping’s Economic Campaign Exposes Cracks in His Power. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

MERICS: Lạc Ngọc Thành: Chuyên gia sắc bén về Nga có thể trở thành ngoại trưởng Trung Quốc tiếp theo

Bài viết điểm lại quá trình công tác của ông Lạc – người được cho là có khả năng trở thành Bộ trưởng Ngoại giao tiếp theo của Trung Quốc. Ông học tiếng Nga ở Đại học, từng công tác ở Liên Xô/Nga và là một trong những tiếng nói chính trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc về quan hệ Trung – Nga. Ông cũng có các mối quan hệ tốt. Trong 2 năm qua, ông đã có nhiều bài phát biểu quan trọng, chỉ dấu của việc được quy hoạch cho chức vụ cao hơn.

Xem toàn văn phân tích tại đây

Quan điểm của một số chuyên gia Trung Quốc về quan hệ Trung – Mỹ

Nhân dịp Tết Nguyên đán năm nay, một số học giả hàng đầu của Trung Quốc về quan hệ Trung – Mỹ, bao gồm cả các nhà ngoại giao cấp cao nghỉ hưu, đã có buổi thảo luận về mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

ChinaTalk chỉ ra quan điểm chung của các học giả là giai đoạn “rơi tự do” của quan hệ song phương đã kết thúc vào năm 2021. Hầu hết đồng thuận quan hệ song phương đang rơi vào trạng thái “bế tắc chiến lược”. Một số chuyên gia còn cho rằng thời kỳ này có thể kéo dài cả một thế hệ. Ngoài ra, ChinaTalk cũng chỉ ra hầu hết học giả đồng thuận với tư tưởng Tập Cận Bình về đối ngoại, và không có học giả nữ nào được trích dẫn trong bản tóm tắt chính thức của buổi thảo luận.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định hai bên vẫn cần trao đổi, đối thoại với nhau để giải quyết bất đồng, tăng cường hợp tác.

Cựu đại tá Chu Ba (Zhou Bo) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh, Đại học Thanh Hoa (CISS) chỉ ra cạnh tranh Mỹ – Trung có một số điểm khác với Mỹ – Xô: tập trung hơn vào một khu vực, không bao gồm hai khối hay phạm vi ảnh hưởng.

Học giả Đào Văn Chiêu (Tao Wenzhao) tại Viện Nghiên cứu Mỹ, Viện KHXH Trung Quốc cho rằng Mỹ đã xác định khuôn khổ chiến lược của mình qua hàng loạt cam kết, và giờ đây đến lượt Trung Quốc quyết định làm thế nào. Trung Quốc cần tuyên bố với Mỹ không nên tiếp tục thêm xung đột hay không tìm cách thay đổi chế độ – điều quan trọng nhất với Trung Quốc.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ Nghê Phong (Ni Feng) cho rằng cách xử sự bình tĩnh của ông Biden đến từ xu hướng “pro-establishment” của Tổng thống Mỹ, và ông đã tiếp cận quan hệ với Trung Quốc một cách truyền thống hơn. Trong khi đó, chuyên gia Hà Vĩ Văn (He Weiwen) tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng chính sách của ông Biden được thúc đẩy bởi việc Tổng thống Mỹ không chấp nhận thực tế là chế độ xã hội và giá trị của Trung Quốc khác với bản thân ông, Trung Quốc sẽ phát triển lớn hơn Mỹ, và khả năng Trung Quốc tác động tới trật tự thế giới do Mỹ chi phối.

Xem thêm:

ChinaTalk ngày 22/2/2022: China’s Top US-China Experts’ Hottakes on the Relationship

Bản gốc tiếng Trung tại đây

Peter Hartcher: ‘Lằn ranh chiến lược’: Kế hoạch của Kevin Rudd về cách Mỹ có thể tránh chiến tranh với Trung Quốc

Theo cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, lãnh đạo của Đảng Lao động Úc, chính sách ngoại giao Chiến binh sói của Bắc Kinh trong vài năm qua đã sớm trở thành một hành động gây hấn công khai và đã phản tác dụng, tạo ra “nhiều xung đột” với các nước trên thế giới. Một nghi vấn được đặt ra rằng “Làm thế nào để quản lý sự cạnh tranh chiến lược đó một cách tinh vi mà không dẫn đến khủng hoảng, xung đột, chiến tranh do ngẫu nhiên hoặc do lựa chọn?”. Và trong cuốn sách mới có tựa đề “Cuộc chiến có thể tránh được” ông đã đề xuất rằng Washington và Bắc Kinh nên thiết lập các cơ chế tương tự như những cơ chế được tạo ra giữa Washington và Moscow sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đặt thế giới vào đỉnh của cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Trong đó, Tổng thống của mỗi quốc gia nên đề cử hai hoặc ba quan chức hàng đầu đáng tin cậy nhất gặp mặt để “xác định một số giới hạn chiến lược, các ranh giới không thể vượt qua hoặc sẽ không biết được điều gì sẽ xảy ra”. Ngoài ra, những “giới hạn” này sẽ được đặt ra trong bí mật. Mặc dù những nỗ lực thiết lập “lan can chiến lược” này sẽ không ngăn chặn được chiến tranh, nhưng nó có thể làm giảm nguy cơ chiến tranh. Cuối cùng, Kevin Rudd đề cập đến định hướng chiến lược của Trung Quốc, bao gồm: Thứ nhất, tiếp tục tích lũy toàn diện sức mạnh quốc gia – sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, sức mạnh công nghệ; Thứ hai, làm cho các quốc gia khác ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc và vào thời điểm mà cán cân quyền lực của Trung Quốc đối với Mỹ đang áp đảo, để bắt đầu phát huy nhiều quyền lực hơn đối với khu vực và trật tự thế giới.

Xem thêm:

The Sydney Morning Herald ngày 19/3/2022: China relations: Kevin Rudd’s plan for how America can avoid a war with China

Andrey V. Vinogradov: Tầm quan trọng của Nga trong chính sách đối ngoại Trung Quốc

Theo tác giả, bất chấp những khác biệt về ý thức hệ trong quá khứ, mối quan hệ Nga – Trung được xây dựng dựa trên sự thực dụng và tính toán chiến lược, dựa trên các lợi ích về chính trị và kinh tế. Dù vậy, trong mắt Trung Quốc, vai trò về chiến lược của Nga vượt hơn hẳn vai trò về kinh tế: Trung Quốc cần một đồng minh mạnh mẽ trong cuộc đối đầu với Mỹ, trong khi Nga có năng lực quân sự để bù lại sự thiếu hụt của Trung Quốc. Nga còn có thể hướng sự chú ý của Mỹ ra khỏi việc kiềm chế Bắc Kinh. Tác giả chỉ ra giữa hai nước đang hình thành sự “không thể chia tách” về an ninh, và phương Tây có tác động không nhỏ trong việc đẩy hai quốc gia này lại gần nhau.

Xem thêm:

Think China ngày 14/3/2022: The importance of Russia in China’s foreign relations

Ryan Martinson: Tàu lặn – công cụ mới trong bảo vệ an ninh dưới biển của Trung Quốc

Hiện nay, tàu lặn có cánh, giống ngư lôi của Trung Quốc đang được triển khai trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ Vịnh Bengal đến Bering, từ các vùng biển xa đến các vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền để thu thập thông về môi trường biển. Các tàu lặn này di chuyển dưới nước theo mô hình răng cưa thẳng đứng, sử dụng các cảm biến trên tàu để đo đạc nhiệt độ, độ mặn, nồng độ oxy hòa tan và tốc độ dòng chảy ở các độ sâu khác nhau nhằm củng cố năng lực của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc cũng đang phát triển thế hệ tàu lặn mới có thể tham gia nhiều hơn vào tác chiến hải quân như phát hiện tàu ngầm đối phương bằng các cảm biến âm thanh thụ động nhằm tăng cường khả năng tác chiến chống ngầm, điểm yếu của Hải quân PLA.

Xem thêm:

CIMSEC ngày 21/3/2022: Gliders with Ears: A New Tool in China’s Quest for Undersea Security

Báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Hoa Kỳ về Hợp tác Hạt nhân AUKUS

Ngày 1/12/2021, Tổng thống Joseph Biden đã đệ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ “Thỏa thuận giữa Australia, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ về Hợp tác tăng cường năng lực Hạt nhân Hải quân” cho phép ba nước “liên lạc, trao đổi thông tin về phát triển động cơ đẩy chạy bằng năng lượng hạt nhân Hải quân” liên quan đến dự án phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia. Dự án này là một phần của “quan hệ đối tác an ninh ba bên” mang tên AUKUS được công bố vào ngày 15/9 năm ngoái. Theo tuyên bố chung này, sáng kiến đầu tiên là nghiên cứu kéo dài 18 tháng nhằm “tìm kiếm giải pháp tối ưu để cung cấp” động cơ đẩy chạy bằng năng lượng hạt nhân cho tàu ngầm của Australia nhưng chưa xác định bất kỳ chi tiết cụ thể nào.

Thỏa thuận được ký kết vào ngày 22/11/2021 cho phép các bên “trao đổi thông tin về động cơ đẩy hạt nhân của hải quân bao gồm: nghiên cứu, phát triển, thiết kế, chế tạo, vận hành, điều chỉnh và thải bỏ các lò phản ứng hạt nhân quân sự”. Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 8/2/2022 đến 31/12/2023 và có thể tự động gia hạn thêm 4 lần, mỗi lần 6 tháng có các điều khoản để bảo vệ dữ liệu được chuyển giao. Theo đó, không bên nào có quyền chuyển giao thông tin, dữ liệu được điều chỉnh bởi Thỏa thuận cho “những người không được phép hoặc nằm ngoài quyền tài phán hoặc quyền kiểm soát của bên đó”.

 Tải toàn văn Báo cáo ở đây.

———-

XI- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/ BÁO CÁO CHÍNH SÁCH

Stacie L. Pettyjohn (2022) War with China: Five Scenarios

Một số sĩ quan cao cấp của quân đội Hoa Kỳ trong đó có Đô đốc John Aquilino, nguyên Tư Lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDAPACOM) đã khẳng định khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan ngày càng gia tăng, nhưng người đứng đầu cơ quan tình báo cũng tại INDAPACOM lại lưu ý vào tháng 7/2021 rằng Đài Loan chỉ là một kịch bản nhưng không phải là khả năng xảy ra chiến tranh cao nhất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong 5 năm tới. Ngoài cuộc chiến toàn diện tại Đài Loan, kịch bản về cuộc chiến toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc có thể diễn ra như sau:

– Biển Đông: Có hai con đường chính dẫn đến chiến tranh ở Biển Đông: Trung Quốc đánh chiếm một thực thể địa lý do một quốc gia khác kiểm soát; và leo thang vô tình hoặc ngẫu nhiên trong một cuộc khủng hoảng. Ví dụ như Trung Quốc có thể tiến hành xây dựng ở bãi cạn Scarborough, tấn công các lực lượng của Philippines, sử dụng tàu chiến va chạm với tàu hải quân Mỹ đang làm nhiệm vụ tuần tra hoặc bắn hạ máy bay tuần tra, thu thập thông tin tình báo của Hoa Kỳ bằng tên lửa hoặc máy bay tiêm kích. Tất cả những kịch bản này đều có thể kéo Mỹ vào cuộc chiến với Trung Quốc.

– Chiến tranh Biển Hoa Đông có thể bắt đầu do sự cố ý gây hấn của Trung Quốc, hoặc do tai nạn hoặc tính toán sai lầm, dẫn tới việc Hoa Kỳ buộc phải phải tham chiến vì Hiệp ước phòng thủ Hoa Kỳ – Nhật Bản.

– Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng có thể tham gia vào cuộc chiến tranh quy mô lớn trên Bán đảo Triều Tiên.

Nhận thức của giới lãnh đạo về sự cân bằng quyền lực tương đối và khả năng Hoa Kỳ sẽ đến bảo vệ Đài Bắc là yếu tối tối quan trọng ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định của Bắc Kinh về việc liệu nỗ lực xâm lược có đáng để chịu rủi ro thất bại hay không. Bởi nếu thất bại sẽ giáng một đòn mạnh vào sức mạnh quân sự của Trung Quốc, gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể và khiến tính hợp pháp của sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp nguy hiểm. Bởi vậy, các khả năng xảy ra khi bị thua cũng quan trọng không kém các khả năng để xảy ra xung đột.

Tải toàn văn Báo cáo ở đây.

Ketian Zhang (2022) Explaining China’s large-scale land reclamation in the South China Sea: Timing and rationale

Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp và xây dựng trên diện rộng một số bãi đá ngầm thuộc chuỗi đảo Trường Sa ở Biển Đông. Kể từ đó, Trung Quốc đã bổ sung các công trình xây dựng và công sự mới vào các vùng đất đã được bồi đắp từ cuối năm 2013 đến năm 2015, nhưng không có dự án mới nào sánh được với việc bồi đắp quy mô lớn từ năm 2014–15. Điều gì giải thích thời điểm Trung Quốc tiến hành bồi đắp xây đảo quy mô lớn ở Biển Đông? Tại sao Trung Quốc quyết định tiến hành quy mô lớn ngay từ đầu? Bài báo này thực hiện một nghiên cứu điển hình toàn diện phân tích các quyết định xây đảo của Trung Quốc. Tác giả cho rằng hoạt động xây đảo của Trung Quốc là kết quả của năng lực, những tính toán lý trí, và nắm bắt các cơ hội trong đó có sự tính toán về quyết tâm của Hoa Kỳ. Nghiên cứu này có ý nghĩa trong việc tìm hiểu quá trình ra quyết định chính sách đối ngoại của Trung Quốc và góp phần vào cuộc tranh luận về thực hành cưỡng ép của Trung Quốc.

Tải toàn văn bài báo ở đây.

Nien-chung Chang-Liao (2022) Why Have Chinese Diplomats Become So Aggressive?

Theo tác giả, có ba nguyên nhân chính thúc đẩy các nhà ngoại giao Trung Quốc trở nên “đối đầu” hơn: thuyết phục cộng đồng quốc tế chấp thuận quan điểm của nước này về đại dịch Covid-19, chiều theo tâm lý dân tộc chủ nghĩa trong nước, cũng như bày tỏ sự trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tác giả nhận định điều này cho thấy chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang bớt thực dụng hơn, và có thể ảnh hưởng tới chính lợi ích của nước này.

Xem toàn văn nghiên cứu tại đây.

Gabriel Collins (2022) China’s Energy Import Dependency – Potential Impacts on Sourcing Practices, Infrastructure Decisions, and Military Posture

Báo cáo nhận định Trung Quốc nhiều khả năng tiếp tục phụ thuộc nặng nề vào nguồn nhập khẩu dầu thô – và ở mức độ thấp hơn là khí hóa lỏng – từ đường biển. Dù vậy, việc giá dầu và khí ở mức cao có thể khiến tình hình thay đổi khi thúc đẩy việc tiết kiệm, khai thác trong nước, chuyển đổi sang phương tiện chạy bằng điện và tăng khả năng lưu trữ dầu khí của Trung Quốc. Trong khi đó, lượng khí nhập khẩu từ Nga cũng sẽ tăng.

Theo báo cáo, Trung Quốc sẽ tìm cách tối đa hóa lợi ích với chi phí nhỏ nhất và vẫn dựa vào sự kiểm soát của Mỹ với hàng hải quốc tế bên ngoài Đông Á. Không rõ Trung Quốc có cố gắng thay thế Mỹ để trở thành quốc gia đảm bảo an ninh chính với tất cả gánh nặng đi kèm hay không.

Việc tập trung vào các tuyến đường vận chuyển dầu khí trên lục địa (trừ từ Nga) sẽ gây ra hậu quả kinh tế lớn cho người tiêu dùng Trung Quốc, khi chi phí có thể lên tới 50 tỷ USD mỗi năm. Do đó, Trung Quốc sẽ dựa nhiều hơn vào các biện pháp thị trường và chuyển đổi công nghệ – đặc biệt là xe điện – để giảm nguy cơ liên quan đến sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa hải quân cả về chất lẫn lượng. Nước này có thể tìm kiếm khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng như cảng nước sâu, sân bay ở các khu vực giàu nguồn cung năng lượng, cũng như đạt các hiệp định cho phép bố trí vũ khí và hoạt động vũ trang tại đó.

Xem toàn văn báo cáo tại đây.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
  • Email
  • Print
  • LinkedIn
  • More
  • Reddit
  • Tumblr
  • Pocket
  • Telegram
  • Pinterest
  • WhatsApp
Like Loading...

Related

Từ khóa » đài Abc Nói Về Biển đông