Bạn Văn ôn Kỷ Niệm Về Tô Hoài - VnExpress

Nhiều nhà nghiên cứu, tác giả, họa sĩ tề tựu trong tọa đàm "Tô Hoài - nhà văn của mọi lứa tuổi", diễn ra hôm 26/9, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà văn.

Nhiều năm gắn bó với Tô Hoài, nhà thơ Vũ Quần Phương không phân tích các tác phẩm của ông mà kể nhiều kỷ niệm gắn bó cố nhà văn. Ông nhớ khi mới học cấp một, đọc truyện Đôi ri đá của Tô Hoài in trong sách giáo khoa, ông cảm động vô cùng. Khi gặp nhà văn ở Hội văn Nghệ Hà Nội những năm 1960, ông không thể tin thần tượng tuổi thơ đang đứng trước mặt mình. Trong ký ức của ông, nhà văn Tô Hoài là người giản dị, hóm hỉnh, gặp chuyện gì ông cũng nói: "Thường thôi".

Nhà văn Tô Hoài khi còn sống. Ảnh: An Thành Đạt.

Nhà văn Tô Hoài khi còn sống. Ảnh: An Thành Đạt.

Nhà văn Hồ Anh Thái từng nói "Tô Hoài thản nhiên như nước". Vũ Quần Phương cho rằng nhận định này bao quát về con người ông. Ông hiền lành, mát tính nên ở tổ chức nào cũng được tin tưởng, giao nhiều chức vụ. Có đợt, ông còn làm tổ trưởng dân phố ở khu dân cư, thường xuyên phải đi giải quyết các tranh chấp, cãi cọ trong xóm. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng những dịp đó là cơ hội để ông gần dân, tìm nhiều chất liệu thú vị đưa vào sáng tác.

Được xem như nhà văn cùng thời Nguyễn Tuân, thế nhưng, lúc nào Tô Hoài cũng thể hiện thái độ tôn kính, khiêm nhường với đàn anh. Hai người hay ngồi uống rượu với nhau. Tô Hoài nói: "Uống rượu mà tâm sự với ông Nguyễn Tuân là nhầm rồi. Ông ấy khi uống chỉ biết có rượu thôi, chẳng cần biết thằng ngồi trước mặt là ai, nói gì cũng bằng thừa". Nhà thơ Vũ Quần Phương kể: "Ông không uống rượu cuốc lủi, chỉ mê rượu Tây. Nhiều lần, nhà văn ứng tiền lương để mua rượu. Ông thọ đến 94 tuổi. Những năm cuối đời, bạn bè ra đi hết, không còn ai uống cùng, ông mê thế mà bỏ hẳn rượu".

Các nhà nghiên cứu lý giải Tô Hoài thành công nhờ thái độ nghiêm túc với văn học. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - nói việc viết nhiều, không ngừng nghỉ tạo nên tầm vóc của ông. "Tô Hoài mang phẩm chất của cây bút chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở chỗ ngày nào ông cũng sờ đến bút, ngày nào cũng viết, mà viết kỹ chứ không sản xuất công nghiệp", ông Nguyễn Đăng Điệp nói.

Ông lấy ví dụ: "Ông viết mọi lúc, mọi nơi, khi đi công tác trong, ngoài nước, trong các hội thảo, hội nghị. Một lần dự hội nghị, trong khi các nhà văn khác chán nản ngồi nghe đại biểu đọc tham luận, mọi người thấy ông Tô Hoài lúi húi ghi chép. Đến giờ nghỉ giải lao, ông nói trong thời gian nghe họp, ông sắp viết xong một truyện ngắn". Ông mượn lời nhà thơ Tế Hanh nói về việc viết lách của Tô Hoài: "Có những người như Picasso sinh ra để vẽ. Ở mức độ nào đó, cũng có thể nói Tô Hoài sinh ra để viết".

Nhà thơ Hữu Việt kể thêm khi còn bé, anh thường được cha - nhà văn Hữu Mai - sai sang nhà Tô Hoài mỗi khi có việc. Lần nào sang, anh cũng thấy cố nhà văn ăn mặc chỉnh tề, cần mẫn ngồi trên bàn làm việc. Nhà văn Hồ Anh Thái nói không thể quên hình ảnh Tô Hoài vẫn miệt mài sáng tác ở tuổi ngoài 90.

Dế mèn phiêu lưu ký - tác phẩm viết cho thiếu nhi nổi tiếng của ông - được đề cập nhiều ở buổi tọa đàm. Ông Vũ Quần Phương dẫn lời nhà nghiên cứu Ngọc Nại: "Con Dế đã cõng Tô Hoài đến hơn 100 nước", ý nói về độ phổ biến của tác phẩm. Tiến sĩ Giáo dục Thủy Anh nhận xét văn chương dành cho thiếu nhi của ông gửi gắm nhiều bài học về sự xê dịch, tinh thần quả cảm - những điều không thể dạy trẻ em bằng lý thuyết. Theo chị, độc giả nhỏ tuổi ấn tượng với sự hài hước, hóm hỉnh của nhà văn.

Bộ Dế Mèn phiêu lưu ký do họa sĩ Ngô Xuân Khôi và Thành Chương minh họa. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Bộ "Dế Mèn phiêu lưu ký" do họa sĩ Ngô Xuân Khôi và Thành Chương minh họa. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Tiến sĩ Thủy Anh phát biểu: "Nhiều từ của ông không có trong từ điển. Các em nhỏ biết rằng nếu muốn hiểu tường tận văn chương của ông, phải dùng cảm giác, cảm xúc, sự tưởng tượng và tập trung suy nghĩ về điều đó. Khi đọc được những bài văn quá khuôn mẫu, chúng tôi thường khuyến khích học sinh: Hãy suy nghĩ khác đi, hãy nhớ đến Tô Hoài".

Tô Hoài là "bậc thầy" chơi chữ, lắm chiêu trò. Chẳng hạn, trong truyện Dế mèn phiêu lưu ký, ông viết về đoạn hai con cóc nói chuyện: "Nhị vị tiên sinh có gặp thằng cháu trời đánh thánh vật của tôi ở đâu không?". Theo ông Nguyễn Đăng Điệp, cách nói theo kiểu võ hiệp hóm hỉnh, sinh động của ông lôi cuốn độc giả nhỏ. Nhiều người đồng tình ý kiến các tác giả viết cho thiếu nhi cần học hỏi Tô Hoài bí quyết đưa thông điệp một cách tự nhiên, không giáo lý, nặng tính tuyên truyền.

Ngoài mảng viết cho thiếu nhi, nhà văn Trương Quý nói Tô Hoài là "nhà văn của mọi lứa tuổi" bởi ông thành công ở nhiều thể loại, đặc biệt là tùy bút, tạp văn về Hà Nội. Thế giới nhân vật thị dân Hà Nội của ông hiện lên với những vất vả, cần lao. "Tô Hoài viết văn tựa như chụp bộ ảnh Hà Nội từ đen trắng sang ảnh màu, tạo ra dữ liệu thuyết phục cho bất cứ ai muốn nhận diện đô thị này. Bộ ảnh có nét cảm động, hài hước, buồn bã. Nhưng điều thú vị nhất là độc giả có thể hình dung bóng dáng Tô Hoài luôn ở một góc những khung hình đó, thong dong và thâm trầm", nhà văn Trương Quý cho biết.

Hà Thu

  • Bộ sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài
  • 'Dế mèn phiêu lưu ký' ra bản minh họa màu
  • Ra mắt ba tác phẩm quý của nhà văn Tô Hoài

Từ khóa » Tô.hoài