Bàn Về Chế độ “song Trùng” Trực Thuộc Và Pháp Chế - Tạp Chí Kiểm Sát

Gửi đồng chí Stalin, để chuyển đến Bộ Chính trị.

Vấn đề Viện công tố (2) đã gây ra những ý kiến bất đồng trong nội bộ Tiểu ban do Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ định ra để lãnh đạo các công việc trong khóa họp của Ban chấp hành Trung ương các Xô-viết toàn Nga. Nếu những ý kiến bất đồng ấy không đến nỗi bắt buộc phải đưa thẳng vấn đề ra trước Bộ Chính trị, thì riêng về phần tôi, tôi cho đó là một vấn đề rất quan trọng, nên tôi đề nghị đệ trình lên Bộ Chính trị để giải quyết.

Lê Nin với Cách mạng Tháng Mười Nga. (Ảnh tư liệu)

Nội dung của những ý kiến bất đồng đó là như thế này: Về vấn đề Viện công tố, đa số trong Tiểu ban do Ban chấp hành Trung ương các Xô-viết toàn Nga chỉ định ra, đã phản đối nguyên tắc ấn định rằng những đại biểu địa phương của các cơ quan kiểm soát của Viện công tố nhất thiết phải do Trung ương chỉ định và chỉ trực thuộc Trung ương mà thôi. Đa số ấy đòi phải thi hành cái mà người ta gọi là chế độ “song trùng” trực thuộc, đã được quy định chung cho tất cả những cán bộ địa phương, nghĩa là các cán bộ địa phương, một mặt, phải trực thuộc Trung ương, cụ thể là Bộ Dân ủy sở quan, và mặt khác, phải trực thuộc Ban chấp hành tỉnh.

Cũng đa số đó trong Tiểu ban của Ban chấp hành Trung ương đã không tán thành cho các đại biểu địa phương của những cơ quan kiểm soát của Viện công tố có quyền kháng nghị, về phương diện pháp luật, đối với những quyết định của các Ban chấp hành tỉnh và của các cơ quan chính quyền địa phương, nói chung.

Khó mà tưởng tượng được người ta có thể viện ra lý lẽ nào để bênh vực một quyết định sai lệch rõ rệt đến như thế của đa số trong Tiểu ban ấy của Ban chấp hành Trung ương. Tôi chỉ mới nghe được lý lẽ cho rằng việc bênh vực cho chế độ “song trùng” trực thuộc đây, là một cuộc đấu tranh chính đáng chống chế độ tập trung quan liêu, nhằm bảo vệ sự tự trị cần thiết của các tổ chức địa phương, chống lại thái độ kiêu kỳ mà Trung ương thường có đối với Ban chấp hành tỉnh. Phải chăng vì thái độ kiêu kỳ mà người ta chủ trương rằng pháp chế sẽ không thể là pháp chế của tỉnh Ca-lu-ga hoặc của tỉnh Ca-dan được, mà phải là pháp chế duy nhất cho toàn nước Nga và cho cả toàn thể Liên bang Cộng hòa Xô-viết nữa? Quan niệm đã thắng thế trong đa số của Tiểu ban của Ban chấp hành Trung ương các Xô-viết toàn Nga có chỗ này là sai lầm nhất, tức là Tiểu ban ấy đã áp dụng nguyên tắc “song trùng” trực thuộc một cách sai lệch. Chế độ “song trùng” trực thuộc chỉ cần thiết ở nơi nào cần phải chú trọng đến những sự khác nhau thực sự đã có và nhất thiết phải có. Nông nghiệp ở tỉnh Ca-lu-ga không giống như nông nghiệp ở tỉnh Ca-dan. Đối với toàn bộ công nghiệp thì cũng thế. Và đối với tất cả mọi vấn đề trong việc hành chính và việc lãnh đạo, thì cũng thế thôi. Trong tất cả những vấn đề đó mà không chú trọng đến những sự khác nhau của các địa phương, như thế tức là rơi vào chế độ tập trung quan liêu,…; như thế là sẽ ngăn cản, không cho những người công tác ở địa phương chú ý đến những đặc điểm của địa phương, nhưng điều này lại chính là cơ sở của một công tác đúng đắn. Vả lại, pháp chế thì chỉ có một mà thôi; và mối nguy hại to lớn nhất cho tất cả đời sống của chúng ta, cũng như nguyên nhân của tình trạng kém văn hóa của chúng ta, đều là do chúng ta dung túng quan điểm muôn thuở của nước Nga và những tập quán nửa man rợ đã cố ý muốn duy trì pháp chế của tỉnh Ca-lu-ga cho khác với pháp chế của tỉnh Ca-dan. Không được quên rằng, khác hẳn với các cơ quan hành chính, Viện công tố, trong khi làm công việc kiểm soát của mình, không bao giờ được thi hành quyền hành chính, nó không có quyền biểu quyết trong bất cứ một vấn đề nào thuộc phạm vi hành chính. Ủy viên công tố có quyền và có bổn phận chỉ làm một công việc mà thôi tức là: Làm thế nào cho trong toàn nước Cộng hòa có một sự nhận thức thật sự nhất trí về pháp chế, dù là ở các địa phương có những đặc điểm và những ảnh hưởng như thế nào chăng nữa. Quyền duy nhất và bổn phận của ủy viên công tố là đưa các vụ án ra trước Tòa. Nhưng đó là những Tòa án nào? Tòa án của chúng ta là Tòa án địa phương. Các viên Thẩm phán đều do các Xô-Viết địa phương bầu ra. Bởi vậy, Tòa án có thẩm quyền xét xử những vụ vi phạm pháp luật mà ủy viên công tố đưa ra truy tố, là Tòa án địa phương, tòa án này, một mặt, có trách nhiệm phải triệt để tuân theo những luật pháp duy nhất đã đặt ra cho toàn Liên bang; mặt khác, trong khi quyết định hình phạt, nó có trách nhiệm phải chiếu cố đến tất cả những hoàn cảnh địa phương; làm như thế thì, dù cho luật pháp quả thật là đã bị vi phạm trong trường hợp này hay trường hợp khác, Tòa án địa phương vẫn còn quyền nói rằng những hoàn cảnh mà mọi người ở địa phương đều biết rõ và đã được trình bày trước Tòa, làm cho Tòa nhận thấy cần thiết phải giảm bớt hình phạt đối với những người nào đó, hoặc ngay cả tha bổng họ. Nếu chúng ta không áp dụng cho bằng được điều kiện cơ bản ấy để thiết lập pháp chế thống nhất trong toàn Liên bang, thì không thể nào nói đến vấn đề bảo vệ và xây dựng bất cứ một nền văn hóa nào được.

Về phương diện nguyên tắc, người ta cũng sẽ sai lầm nếu nói rằng ủy viên công tố không được quyền kháng nghị đối với những quyết định của Ban chấp hành tỉnh và của các cơ quan chính quyền khác của địa phương; về phương diện luật pháp, các đồng chí thấy không, quyền xử lý, chính là phải thuộc về Bộ Dân ủy kiểm tra công nông.

Bộ Dân ủy kiểm tra công nông xử lý, không những về phương diện pháp luật, mà cả về phương diện lợi ích nữa. Ủy viên công tố chịu trách nhiệm về điều sau đây: Bất cứ quyết định nào của bất cứ một cơ quan hành chính địa phương nào cũng tuyệt nhiên không được đi ngược lại pháp luật, và chỉ có trên quan điểm đó, ủy viên công tố mới có trách nhiệm kháng nghị đối với mọi quyết định ngược với pháp luật; làm như thế, ủy viên công tố không có quyền đình chỉ việc thi hành quyết định ấy, mà chỉ có trách nhiệm dùng những biện pháp cần thiết để làm cho sự nhận thức về pháp luật được hoàn toàn nhất trí trong toàn nước Cộng hòa. Vì vậy, quyết định của đa số trong Tiểu ban của Ban chấp hành Trung ương các Xô-viết toàn Nga, không những là một sự sai lầm to lớn về phương diện nguyên tắc, không những đã áp dụng chế độ “song trùng” trực thuộc một cách lệch lạc về căn bản, mà lại còn làm tổn hại đến mọi công tác nhằm thiết lập pháp chế và một nền văn hóa tối thiểu.

Kế đó, muốn giải quyết được vấn đề ấy, cần phải quan tâm đến ảnh hưởng của địa phương. Quả thật là chúng ta đang sống trong tình trạng mà đâu đâu cũng có những hiện tượng không tôn trọng pháp luật, và ảnh hưởng của địa phương là một trở ngại lớn nhất, hay ít ra cũng là một trong những trở ngại lớn nhất cho công cuộc thiết lập pháp chế và nền văn hóa. Tôi tin rằng không có người nào lại không nghe nói rằng việc thanh Đảng đã phát hiện ra những hành động trả thù cá nhân và trả thù có tính chất địa phương trong quá trình công tác ấy, những hành động đó đã được coi như là một sự việc quan trọng nhất trong một phần lớn các tiểu ban thẩm tra ở địa phương. Đó là một sự việc không ai có thể chối cãi được và khá có ý nghĩa. Tôi tin rằng không còn có một ai dám phủ nhận rằng, đối với Đảng ta, tìm ra mười người đảng viên cộng sản chắc chắn, có một trình độ học thức đầy đủ về mặt luật pháp và có khả năng chống lại tất cả các loại ảnh hưởng thuần túy địa phương, là một việc dễ hơn là tìm ra hàng trăm người như thế. Chung quy thì vấn đề “song trùng” trực thuộc của Viện công tố và vấn đề cần thiết phải định cho nó trực thuộc vào một cơ quan Trung ương duy nhất, cũng chỉ có như thế mà thôi. Nhưng, ở cấp Trung ương này, chúng ta cần phải tìm ra cho được mười người thi hành quyền trung ương của Viện công tố, cụ thể là của viên Chưởng lý của Tòa án tối cao và của toàn thể các nhân viên phụ trách trong Bộ dân ủy Tư pháp (tôi xin gác lại vấn đề xét xem có nên để cho viên Chưởng lý được trọn quyền, hay là viên Chưởng lý sẽ cùng với Tòa án tối cao và toàn thể các nhân viên phụ trách trong Bộ dân ủy Tư pháp, đảm nhận quyền hành đó, bởi vì đó là một vấn đề hoàn toàn thứ yếu và có thể được quyết định theo phương hướng này hay phương hướng khác, tùy theo Đảng có ý muốn giao quyền hành rộng lớn cho một người thôi, hay là phân chia quyền hành đó cho ba cấp có thẩm quyền nói trên). Mười người đó làm việc tại Trung ương, dưới một sự kiểm soát chặt chẽ nhất và có liên hệ trực tiếp nhất với ba cơ quan của Đảng là những cơ quan có bảo đảm đầy đủ nhất trong việc chống lại những ảnh hưởng của địa phương và của cá nhân, tức là: Bộ tổ chức của Ban chấp hành Trung ương và Ban Kiểm tra trung ương, nên nói thêm rằng cơ quan thứ ba này, tức là Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan chỉ chịu trách nhiệm trước Đại hội Đảng mà thôi, phải được cấu tạo như thế nào để cho các ủy viên của mình tuyệt đối khỏi phải kiêm nhiệm thêm chức vụ của bất cứ Bộ Dân ủy nào, cơ quan hành chính nào và cơ quan nào của chính quyền Xô-Viết cả. Hiển nhiên là trong những điều kiện đó, chúng ta có được một sự bảo đảm đầy đủ hơn tất cả những sự bảo đảm mà từ trước đến nay người ta đã tưởng tượng ra, và hiển nhiên là Đảng sẽ lập ra một tập thể nhỏ phụ trách ở Trung ương có khả năng thực tế chống lại những ảnh hưởng của địa phương, chống lại chủ nghĩa quan liêu của địa phương.v.v…, và có khả năng gìn giữ như thế nào cho luật pháp được áp dụng một cách thực sự thống nhất trong toàn nước Cộng hòa và trong toàn Liên bang. Cho nên, những sai lầm có thể xảy ra của tập thể phụ trách tư pháp ở Trung ương đó, sẽ được các cơ quan của Đảng sửa chữa tức thời, ngay tại chỗ, những cơ quan này của Đảng, nói chung, quy định ra tất cả các nguyên tắc chủ yếu và tất cả các quy tắc chủ yếu cho toàn bộ hoạt động của Đảng và của các cơ quan chính phủ trong toàn nước Cộng hòa.

Xa rời đường lối ấy là vô hình trung thừa nhận một quan niệm mà không có ai đứng ra bảo vệ một cách thẳng thắn và công khai cả, quan niệm cho rằng, trong nước ta, nền văn hóa và pháp chế gắn chặt vào nền văn hóa đó, đều đã được phát triển rất cao, cao đến mức chúng ta có thể đảm bảo cho trong nước chúng ta, có được hàng trăm ủy viên công tố thật là hoàn hảo, nghĩa là họ sẽ không bao giờ lùi bước trước bất cứ một ảnh hưởng nào của địa phương và tự họ, họ sẽ quy định ra được một pháp chế thống nhất trong toàn nước Cộng hòa.

Cuối cùng tôi xin kết luận như thế này: Bênh vực cho chế độ “song trùng” trực thuộc của Viện công tố và tước mất quyền kháng nghị của Viện công tố đối với mọi quyết định của các cơ quan chính quyền địa phương, như thế không những là sai về phương diện nguyên tắc, không những gây khó khăn cho nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta là thường xuyên thi hành đúng pháp chế, mà lại còn bênh vực cho những lợi ích và thiên kiến của đám người quan liêu ở địa phương và của những ảnh hưởng địa phương, tức là của bức rào tệ hại nhất nó ngăn cách, một bên là những người lao động, và một bên nữa là chính quyền Xô-Viết ở địa phương và Trung ương, cùng với chính quyền Trung ương của Đảng cộng sản Nga.

Bởi vậy cho nên tôi đề nghị với Ban chấp hành Trung ương, trong trường hợp này, nên bác bỏ chế độ “song trùng” trực thuộc, nên quy định cho Viện công tố địa phương chỉ trực thuộc vào Trung ương, và để cho Viện công tố có quyền và bổn phận kháng nghị đối với bất cứ những quyết định nào của các cơ quan chính quyền địa phương, về phương diện pháp chế của những quyết định hay nghị định đó, nhưng không có quyền đình chỉ việc thi hành những quyết định hay nghị định đó, mà chỉ có quyền đưa các vụ án ra trước Tòa mà thôi.

Tạp chí Kiểm sát

(1) Bức thư này được đăng lần đầu tiên vào ngày 23/4/1925, trên báo Sự thật, số 91. V.Lê-nin: Toàn tập, Nga văn, xuất bản lần thứ 4, tập 33, tr.326-330.

(2) Chúng ta hiểu đây là Viện kiểm sát.

Từ khóa » Trực Thuộc ý Nghĩa Là Gì