BÀN VỀ CÔNG DUNG NGÔN HẠNH TRONG CÁC SÁCH GIA HUẤN NÔM TS. Lã Minh Hằng Viện Nghiên cứu Hán Nôm TIỂU DẪN Xã hội Việt Nam vẫn được nhận định là một xã hội mang đậm mầu sắc Nho giáo, bởi vì trong một thời gian dài suốt hàng ngàn năm, đạo Nho đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt trong đời sống xã hội – từ tư tưởng, đạo đức, phong tục tập quán đến lối sống của mọi người dân Việt Nam. Quá trình truyền bá, tiếp nhận tư tưởng Nho giáo ở Việt Nam không thể thực hiện được nếu thiếu phương tiện truyền tải của nó là chữ Hán. Khi chữ Nôm xuất hiện, nền văn học Nôm được hình thành, các sách gia huấn viết bằng chữ Nôm (gọi tắt là gia huấn Nôm) cũng đã đóng vai trò rất tích cực trong việc truyền bá tư tưởng Nho gia đến mọi tầng lớp nhân dân trong các hang cùng ngõ hẻm. Bài viết muốn thông qua việc khảo sát nguồn sách gia huấn Nôm để tìm hiểu về tư tưởng công dung ngôn hạnh của nhà Nho Việt Nam trước đây. 1. TỔNG QUAN VỀ NGUỒN TÀI LIỆU GIA HUẤN NÔM Nguồn thư tịch Nôm mang nội dung Nho giáo ở Việt Nam có số lượng khá phong phú. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát qua bộ Di sản Hán Nôm – thư mục đề yếu và tạm chia nguồn thư tịch này thành 02 nhóm như sau (1) - Nhóm các tài liệu kinh điển(2) - Nhóm các tài liệu gia huấn Nôm Lần khảo cứu này chúng tôi tập trung vào nhóm các tài liệu gia huấn Nôm Nho giáo đặc biệt coi trọng gia đình, gia đình được coi là nền tảng của xã hội. Theo quan niệm của nhà Nho: nhà có yên “tề gia” thì mới có thể cai trị được Thiên hạ, mới có thể “trị quốc, bình Thiên hạ” được. Việc tề gia đã trở thành yêu cầu số một của các nhà Nho: “Lại khuyên con việc tề gia Phải cho cần kiệm thuận hòa là hơn Đi về dạy vợ dạy con Thức khuya dạy sớm chuyên cần làm ăn”[18] Đó cũng chính là lý do mà nguồn sách gia huấn Nôm chiếm phần chủ yếu trong các tài liệu mang nội dung giáo dục. Chủ thể giáo dục trong mỗi bài gia huấn không xuất hiện với tư cách một ông thày nghiêm khắc, một ông huấn đạo uy nghiêm đặt ra khuôn phép cho dân làng mà chỉ là một gia sư, một người cha gần gũi thân thương dạy con cái trong nhà : “Ấy lời cha dạy con trai, Cùng khuyên con gái lấy vài bốn câu” [12]. Theo sơ bộ khảo sát, trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn lưu giữ được 50 bản sách gia huấn Nôm (gồm 60 ký hiệu sách)(3). Nội dung đề cập của các sách gia huấn Nôm gồm: a. Khuyên con cháu trong nhà nên giữ trọn đạo ngũ luân, những lẽ luân thường đạo lý, loại này có 4/50 sách đề cập đến(4), như: Ngũ luân ký (AC.58), Giáo huấn ca (AN.201), Ca văn thi phú (VNv.520); Nhật tỉnh ngâm (gồm 03 ký hiệu AB.449, AB.18 và VNv.58) b. Khuyên con cháu phải luôn luôn trau dồi đạo đức, có nếp sống cần kiệm ngay thẳng, ăn ở hoà thuận với xóm giềng...gồm 14/50 sách gia huấn Nôm, ví dụ: Giáo huấn diễn ca (VNv. 44), Hiếu cáo (AB.122).... c. Loại sách nhắc nhở con cháu phải hiếu kính với cha mẹ có 5/50 văn bản: Tây Nam 28 hiếu diễn ca (VNv. 62), Huấn tục Quốc âm ca (AB 287) d. Khuyên con cháu nên chuyên cần học tập, loại này có 5/50 cuốn: Ca văn thi phú (VNv.520), Dương công huấn tử ca (AB. 605), Ngũ ngôn thi diễn ca (AB. 303)... e. Đặc biệt các nhà nho Việt Nam đã giành nhiều trang viết bàn về công dung ngôn hạnh, về các phép tắc cần phải có đối với người phụ nữ, loại sách này khá nhiều, chiếm 17/50 sách gia huấn Nôm, như: Giáo huấn ca (AN. 201), Huấn nữ diễn âm ca (AC.552), Huấn nữ tử ca (AB.85), Lan phòng pháp ngữ (AB.162), Nữ học diễn ca (VNv.59), Nữ huấn tam tự thư (AB.22), Nữ huấn truyện (AB.423), Nữ tắc diễn âm (AN.47), Phụ nữ bảo châm (AB.437), Tam quang Phạm đại nhân gia huấn thi (VNv.263), Tào đại gia nữ giới (AB.557)... g. Ngoài ra để việc giáo dục con cháu trong nhà thêm phần hiệu quả, một số sách “người tốt việc tốt” có tác dụng “nhân điển hình tiên tiến”; một số sách dùng thuyết nhân quảcủa nhà Phật cũng đã góp phần tích cực trong việc giáo dục đạo đức, loại này chiếm 13/50 sách, như: Nhị thập tứ nữ tắc diễn âm (AB.307) (kể chuyện 24 phụ nữ tiết hạnh, hiếu nghĩa thời xưa), Tây Nam hai mươi tám hiếu (VNv.62) (nêu gương 28 người hiếu thảo của nước Nam và nước Tây như Trần Anh Tông, Bùi Huy Tấn ... ), Nhân quả chư kinh trích yếu diễn âm (AB.351 và AB.96)... Những nội dung giáo dục nêu trên đều đã được các nhà nho Việt Nam lồng vào các bài thơ, bài ca có vần điệu giúp cho việc giáo dục được sâu rộng hơn, người học cũng có thể dễ học hơn, nhớ lâu hơn. Đúng như Đào Duy Anh đã nhận định “Những nhà Nho nghiệp lại thường đem những sách gia huấn nữ tắc để dạy con em. Những sách ấy phần nhiều viết bằng Quốc văn có vần cho con trẻ dễ nhớ, đại khái đối với con trai thì dạy những nghĩa vụ với cha mẹ... đối với con gái thì dạy tứ đức, nghĩa là dáng dấp đứng ngồi và cử chỉ phải thế nào .....và tam tòng...”[4, tr.316] 2. QUAN NIỆM VỀ TỨ ĐỨC CỦA NHO GIÁO TRUYỀN THỐNG 2.1. Người phụ nữ là nhân tố chủ chốt trong xây dựng gia đình. Muốn xây dựng một gia đình hòa thuận, hạnh phúc trước hết phải giáo dục để có được một người chủ chốt với đầy đủ đức hạnh. Giáo dục phụ nữ cũng đồng thời với việc bảo vệ gia thanh, gia đạo của gia đình Nho giáo. Nếu người phụ nữ không được giáo dục cẩn thận thì sẽ gây nên hậu quả “Vậy nên cư xử lỗi thường, Hổ trong gia đạo cùng đường tề gia”. Ý thức được vai trò của người phụ nữ trong gia đình như vậy, các nhà Nho cũng đã nhận thấy sự thiếu hụt về tri thức của họ trong xã hội đương thời (do họ không được đến trường, không biết chữ nên không thể tự mở rộng tri thức cho bản thân). Đó cũng chính là lý do mà những người viết sách gia huấn đã tự đặt cho mình trách nhiệm phải giáo hóa và trang bị tri thức cho người phụ nữ. 2.2. Bàn về chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ xưa, sách Lan phòng pháp ngữ đã nêu “Tam tòng giả tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Tứ đức nữ đức nữ công nữ ngôn nữ dung” [16] Tạm dịch (người phụ nữ) có ba điều nên theo: khi còn ở nhà thì phải theo cha, khi lấy chồng thì phải theo chồng, chồng chết thì theo con. Bốn đức (của người phụ nữ) là đức hạnh của người phụ nữ, công việc của người phụ nữ, lời nói của người phụ nữ và dung nghi của người phụ nữ. Tứ đức là nội dung không thể thiếu của người phụ nữ Trung Quốc truyền thống. Bà Ban Chiêu khi soạn sách Nữ giới để răn dạy con gái đã đưa ra một nội hàm cụ thể cho tứ đức: “Con gái có bốn nết (bốn nết bèn là bốn đức ấy vậy): thứ nhất rằng đức đàn bà, thứ hai rằng lời nói đàn bà, thứ ba rằng dáng nết đàn bà, thứ tư rằng công việc đàn bà. Ôi rằng đức đàn bà chẳng lọ là tài sáng tuyệt lạ (8b) Lời nói đàn bà chẳng lọ là mau miệng nhẹ lời vậy. Công việc đàn bà chẳng lọ là nghề khéo hơn người ta vậy, êm ả nhàn nhã ngay chức sáng lẽ, giữ tiết đứng đắn. Ở trong mình có biết thẹn, lúc động lúc lặng có phép. Ấy bảo rằng đức đàn bà. Chọn lời mà nói, chẳng nói lời nói dữ, phải rộng vậy sau mới nói. Nói ra thì chẳng chán chưng tai người ta. Ấy bảo rằng lời nói đàn bà. Rửa giặt bụi ô, đồ mặc đồ sắm sửa sáng và sạch vậy, gội tắm lấy từng thời, mình chẳng ô nhục. Ấy bảo rằng rạng nết đàn bà. (9a) Yên lòng vương tơ dệt cửi, chẳng muốn cợt cười, sạch sẽ điều hoà rượu cơm mà vâng đãi khách thứ. Ấy bảo rằng công việc đàn bà. Ấy bốn điều ấy là chưng tiết cả người con gái, mà chẳng khá bỏ thiếu bỏ không ấy vậy”[10, Thiên phụ hạnh] 3. BÀN VỀ CÔNG DUNG NGÔN HẠNH TRONG GIA HUẤN NÔM Tiếp thu tinh thần căn bản trong Thiên phụ hạnh của Ban Chiêu, tứ đức trong các sách gia huấn Nôm được thể hiện dưới hình thức những lời khuyên rất cụ thể về lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt và những việc làm thường ngày của người phụ nữ. Để làm rõ hơn nội dung này, chúng tôi sẽ khảo sát ở 2 khía cạnh sau: 3.1. Nội hàm của công dung ngôn hạnh 3.1.1. Về nữ công Nói đến nữ công là nói đến những công việc trong gia đình mà người phụ nữ phải lo toan hàng ngày: lo cho chồng, cho con, chăm lo cho nhà cửa vườn tược ... tất thảy mọi công việc trong nhà đều phải được trọn vẹn, vẻ vang. Tác giả sách Nhật tỉnh ngâm đã nêu rõ các công việc mà người phụ nữ phải biết, phải thạo: “Học nghề dệt, tập nghề may Khi khâu vá áo, lúc thay đổi quần Nữ công khuya sớm chuyên cần Chốn khuê môn ắt có phần vẻ vang” [11] Tuy phải lo toan mọi công việc trong nhà, phải “sửa sang thu xếp mọi bề” như vậy nhưng họ vẫn phải hoàn thành công việc thật chu đáo, nhà cửa thật ngăn nắp, gọn gàng: “Cửa nhà có nắp có ngăn, Việc làm có mực cơm ăn có chừng” [12] 3.1.2. Về nữ dung Bàn về dung của người phụ nữ (nữ dung) là muốn nói đến dáng vẻ bề ngoài từ hàm răng mái tóc, từ dáng đi dáng đứng, cách nằm ngồi cho đến trang phục của người phụ nữ. Ban Chiêu đã đưa ra yêu cầu rất cụ thể cho nữ dung “dung của người phụ nữ không ắt phải nhan sắc mĩ lệ” mà là “Rửa giặt ô uế, trang phục sạch sẽ, tắm gội phải thời, thân không cáu nhơ”. Cái đẹp ở người phụ nữ được đo bằng đức hạnh, cái đẹp nội dung (đức hạnh) sẽ lấn át cái đẹp hình thức bên ngoài, là “cái nết đánh chết cái đẹp”. Nhà Nho quan niệm vẻ đẹp của người phụ nữ chính là ở đạo đức chứ không phải ở hình dáng bề ngoài. Tiếp thu tư tưởng đạo Nho truyền thống, gia huấn Nôm đã đưa ra những lời khuyên rất cụ thể cho phái nữ: vẻ đẹp của người phụ nữ trong gia huấn Nôm là vẻ đẹp ở sự giản dị, chân quê không chải chuốt cầu kỳ, không “mắt xanh mỏ đỏ” như những nam thanh nữ tú thời hiện đại: “Ăn mặc chớ mỹ miều chải chuốt, Hình dáng đừng vẻ vuốt ngắm trông” [15]. Với tác giả sách Giáo huấn diễn ca thì chuẩn mực của cái đẹp lại ở sự chân chất, giản dị, không son phấn “Bóng đừng son phấn điểm trang, Hình thần chất phác dung quang vẹn toàn” [17]. Bởi lẽ nhà Nho quan niệm, nếu trang điểm cầu kỳ cũng đồng nghĩa với việc muốn gây sự chú ý, gây cảm tình của người khác, là làm cho “con mắt thế gian mỏi nhiều”. Điều đó ít nhiều sẽ dẫn đến việc làm trái với đạo tam tòng – một quy định khá khắt khe của Nho giáo giành cho phụ nữ thời xưa. Vậy nên gia huấn yêu cầu: “Đẹp gì cái vẻ hồng nhan Làm cho con mắt thế gian mỏi nhiều Dung nghi nghiêm chỉnh trăm chiều Đường ăn mặc chớ chút nào xa hoa Lòng này không tưởng nọ kia Thì đừng, mộc mạc nhà quê thế mà”[11] 3.1.3. Về nữ ngôn Khi đề cập đến tứ đức của người phụ nữ, nữ ngôn được xếp vào hàng ưu tiên thứ ba. Phạm Vân Dung trong Luận văn Thạc sĩ của mình đã khảo sát số câu đề cập đến tứ đức trong Huấn nữ tử ca của Nguyễn Huy Oánh và cho thấy số câu nói về nữ ngôn là ít nhất(5). Phải chăng nhà Nho Việt nam xưa không quan tâm đến nữ ngôn ? Theo thiển nghĩ, khảo sát trên chỉ đúng với một tác phẩm, nếu khảo cứu rộng hơn thì có lẽ số liệu sẽ khác đi. Ông cha ta thường nói “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, cuộc sống con người có vô vàn các quan hệ xã hội. Nhất là xưa kia, các họ tộc của người Việt thường sống tụ cư trong một làng. Sau lũy tre làng, bên giếng nước sân đình là biết bao mối quan hệ làng xóm, họ tộc. Chúng ta phải cư xử, nói năng ra sao để cho mọi công việc của làng xã, họ tộc vẫn tiến triển mà mọi mối quan hệ lâu nay vẫn không bị sứt mẻ. Đó cũng chính là lý do mà nữ ngôn được nhà Nho đặc biệt coi trọng. Chúng tôi đã tìm hiểu bộ Luật Hồng Đức thì thấy rằng trong tứ đức của người phụ nữ, bộ Luật đã đưa ra các mức xử phạt cho những vi phạm các quy định về nữ công, nữ ngôn và nữ hạnh. Mức xử phạt cho những vi phạm về nữ hạnh nhẹ nhất và chỉ ở mức nhắc nhở. Mức xử phạt cho những sai phạm về nữ ngôn gồm 3 điều trong đó có 2 điều ở mức phạt rất nặng(6). Điều này cho thấy các nhà Nho xưa đã đặt ra yêu cầu rất cao đối với phụ nữ về lời ăn tiếng nói. Trong số 10 văn bản đưa ra khảo sát lần này, thì cả 10 văn bản đã đưa ra những lời răn cụ thể về nữ ngôn, chiếm tỷ lệ 100% văn bản khảo sát (xem bảng 1 dưới đây). Số câu chữ đề cập đến nữ ngôn cũng không hề ít hơn so với số câu bàn về nữ dung và nữ hạnh. Bảng 1 Khảo sát về tứ đức trong các sách gia huấn ghi bằng chữ Nôm STT | Tác phẩm | Công | Dung | Ngôn | Hạnh | 1 | Nhật tỉnh ngâm | x | x | x | x | 2 | Giáo huấn ca | x | x | x | 3 | Huấn nữ diễn âm ca | x | x | x | x | 4 | Huấn nữ tử ca | x | x | x | x | 5 | Lan phòng pháp ngữ | x | x | x | x | 6 | Phụ nữ bảo châm | x | x | x | x | 7 | Giáo huấn diễn ca | x | x | x | 8 | Tam tự kinh thích nghĩa | x | x | x | 9 | Tân nữ huấn | x | x | x | x | 10 | Nữ tắc diễn âm | x | x | x | x | Tổng số văn bản đề cập đến | 10 | 7 | 10 | 10 | Tỷ lệ | 100% | 70% | 100% | 100% |
Nhà Nho không thích phụ nữ đa ngôn một chút nào, vì một lẽ đơn giản ngồi lê la chuyện này chuyện nọ mất thời gian, bỏ bê trễ công việc nên không quán xuyến được việc gia đình. Vậy nên gia huấn đã khuyên chị em: “Thói sấc láo ngồi dai bỏ hết Hễ chuyện gì nói ít thì hay Lân la trò chuyện hết ngày Đã hư công việc lại rày tiếng tăm”[15] Lời ăn tiếng nói của người phụ nữ phải thật nhu hòa, không giảo ngôn, không to tiếng. Các thói lớn tiếng chửi bới chua ngoa, nanh nọc chiểu theo Luật Hồng Đức đều bị phạt rất nặng. Người phụ nữ chẳng nên ngồi lê la đem chuyện nhà kể cho người ngoài nghe, càng không nên đem chuyện nhà chồng về nhà mình kể lể lôi thôi (vì như thế không khỏi ảnh hưởng đến quan hệ thông gia) cũng không nên bàn chuyện nhà người khác và tuyệt đối không được bàn chuyện triều đình: “Chẳng nên bàn việc triều đình Chẳng nên đại ngữ cao thanh lăng loàn Việc người chớ nói chớ bàn Chỗ ngồi chưa đặt đã toan đặt lời” [17] 3.1.4. Về nữ hạnh Để đạt được nết hạnh của người phụ nữ, sách gia huấn Nôm đã đưa ra một loạt những điều ngăn cấm: nết ở thì phải “nhiệm nhặt khoan thai”, khi ngồi thì “chớ động chân”, khi đi thì không được “động quần”, bước đi thì không được “đổ giẹo đổ nghiêng”. Người phụ nữ luôn tự giam kín mình sau những bức bình phong nhằm che chắn mọi cám dỗ bên ngoài, họ rất ít được đi ra đến ngoài. Đưa ra những lời răn đe như vậy, nhà Nho muốn bảo vệ người con gái tránh “mắc tiếng bờm xơm” và để “vững một bề tiết trinh”. Bởi vậy gia huấn đã nêu ra yêu cầu đối với người phụ nữ “Ở thì ghín tiếng náu hình, Chớ cho kẻ lạ dòm hàng biết ta” [20]. Khi có việc cần đi ra ngoài thì phải biết chào già yêu trẻ, phải cẩn thận khi đi đêm tối, thận trọng khi qua bến đò nhà hàng và chú ý tránh tiếp xúc với con trai: “Đi đêm phải có người đông Lại thêm đuốc giắt đèn giong rõ ràng Nơi bến dọc, nơi nhà hàng Giữ mình kẻo nỡ lỡ làng ra chăng” [13] phải luôn giữ vẻ uy nghi, nghiêm nghị để tránh mọi sự chọc ghẹo của con trai “Dù khi có bước chân ra, Khoan thai nghiêm nghị ai hòa dám đương” [20] và nên luôn ghi nhớ một điều là phải đi đến nơi về đến chốn: “Dầu làm tư sự việc gì Đi cho đến chốn về thì đến nơi Ra đường dầu gặp con trai Hai tay sửa áo chớ hề ngỏ hương Đàn ông tính khí lăng quăng Con gái thì phải giữ giàng nết na Kẻo khi nó bỏ tay ra Rằng thì nên dại nói ra mất lòng”[14] Gia huấn khuyên con gái phải “ở cho nhiệm nhặt” phải chuyên tâm ở mọi nơi mọi lúc và phải giữ mình đoan chính cả khi nói khi cười lẫn khi tức giận “Dù vui cũng chớ cả cười, Dù giận cũng chớ cả lời đành hanh” [20]. Ngay cả khi rỗi rãi ở nhà một mình thì cũng phải giữ mình cho đoan chính: “Khi không chớ sửa áo quần Khi may chớ có tần ngần dừng kim Vắng người chớ có ca ngâm Tiếng khi ngồi dựa nương cầm ngẩn ngơ” [20] 3.2. Giáo dục về tứ đức là yêu cầu suốt đời đối với người phụ nữ Giáo dục về tứ đức là nhiệm vụ trọng tâm số một của các nhà Nho. Những lời răn dạy về tứ đức vẫn đi theo người phụ nữ suốt đời từ khi là con gái còn tại gia đến khi lấy chồng trở thành người vợ, người mẹ trong gia đình. Tứ đức là tiêu chuẩn để người con gái có thể đi xuất giá, là thước đo để đánh giá người vợ hiền, người mẹ gương mẫu, người chủ gia đình đảm đang, tần tảo. Tìm hiểu kỹ hơn nội dung sách gia huấn Nôm, chúng tôi thấy nội dung của tứ đức đã được cụ thể hóa cho từng đối tượng phụ nữ: người con gái, người vợ, người mẹ, người bà trong gia đình. Sau đây, chúng tôi sẽ khảo cứu yêu cầu về tứ đức giành cho từng đối tượng phụ nữ 3.2.1. Nội dung giáo dục tứ đức giành cho lứa tuổi thiếu nữ Quá trình giáo dục người con gái khi còn tại gia tới khi xuất giá là quá trình rèn dũa để cho ra “một sản phẩm” cho xã hội. Người phụ nữ đó được ca ngợi hay chê trách đều không khỏi ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình, đến bậc sinh thành. Đây là điều nhà Nho rất coi trọng. Nhà Nho quan niệm “dâu hiền là báu trong nhà” [20]. Bởi vậy, khi đã chọn được cô con dâu thảo hiền rồi thì việc giáo dục tứ đức vẫn không vì thế mà lơi là. Nhà Nho quan niệm “Dạy con từ thuở còn thơ, Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, dâu con vẫn tiếp tục được dạy dỗ theo đúng gia phong của nhà chồng. Lời của bố mẹ chồng tuy chỉ gói gọn trong 6 câu nhưng đã bao hàm đầy đủ những lời khuyên về công, ngôn và hạnh cho nàng dâu mới “Dạy từ con về làm dâu Trước kính cha mẹ thì sau kính chồng Chữ rằng nữ hữu tam tòng Tề gia nội trợ một dòng thuận trinh Chẳng nên bàn việc triều đình Chẳng nên đại ngữ cao thanh lăng loàn”[12] Tác giả sách Phụ nữ bảo châm lại có phần khắt khe hơn với dâu con “Với dâu dạy dỗ từng lời, Bắt khoan bắt nhặt nào ai dám bừa” [15] 3.2.2. Nội dung giáo dục tứ đức giành cho vị “nội tướng” trong gia đình Khi đã xuất giá, gánh nặng gia đình lại càng đè nặng lên vai người phụ nữ: họ phải quán xuyến mọi công việc trong nhà, lo toan chăm sóc tới mọi thành viên trong gia đình hai bên, lo cho ông bà bố mẹ, lo cho con riêng của chồng khi người vợ trước của chồng đã qua đời, giữ mối quan hệ tốt với các bà vợ cả vợ lẽ, với họ hàng nội ngoại, hàng xóm... Ý thức được vị trí chủ chốt của người phụ nữ trong gia đình như vậy, sách gia huấn Nôm đã giành khá nhiều câu chữ để đưa ra những lời khuyên thật tỉ mỉ về tứ đức cho người phụ nữ trong gia đình Nho giáo. Gia huấn khuyên phụ nữ rằng việc lấy chồng là do số trời đã định sẵn trên Thiên tào: lấy chồng thì phải theo chồng dù giàu nghèo thế nào cũng phải cam chịu. Trong cuộc sống vợ chồng thì cái quý nhất là phải giữ lấy chữ nhẫn. Giữ được chữ nhẫn là giữ được hạnh phúc gia đình, giữ được nết hạnh cao quý của người phụ nữ: “Vợ chồng là phúc là duyên Số trời đã định ở trên nam tào Đói no giàu khó thế nào Giàu ăn khó chịu làm sao cũng đành Chẳng nên đại ngữ cao thanh Kể việc nhà mình cũng chẳng ai thương Đói no đắp điếm mọi đường Tục ngữ có nói xấu chàng hổ ai Chồng giận thì vợ bớt lời Cơm sôi bớt lửa chẳng rơi hạt nào Lửa cháy chớ đổ dầu vào Đương cơn tức giận trách sao vội vàng Chữ nhẫn là chữ tương vàng” [18] Tam tòng là tiêu chuẩn để đánh giá đức hạnh của người phụ nữ. Gia huấn khuyên chị em nên giữ trọn đạo tam tòng, chớ bề ghen tuông “Canh cánh giữ đạo tam tòng, Phận gái theo chồng chớ có ghen tuông” [18]. Quan niệm của Nho gia cho phép đàn ông được lắm vợ, nhiều con. Gia huấn khuyên chị em phải lấy lòng bao dung độ lượng để cư xử với các vợ bé của chồng, rằng “Khi chồng lấy bảy lấy ba, Có dung kẻ dưới mới là người trên” [13]. Người phụ nữ có đức hạnh là người khéo giữ tình thân ái như chị em trong một nhà với các bà vợ khác của chồng, giữ sao cho gia đình được hòa thuận, êm ái: “Chồng ta lắm vợ nhiều con Thê thê thiếp thiếp tử tôn đề huề Ở sao cho vẹn mọi bề Chị phải đạo chị em thì đạo em Ấy là chị em trong nhà Thuận hòa êm ái chồng con được nhờ” [18] Nho giáo chủ trương “nam chủ ngoại, nữ chủ nội” người phụ nữ là “nội tướng” trong gia đình. Ý thức được vai trò của người phụ nữ trong gia đình như vậy, gia huấn Nôm đã giành nhiều trang dòng để khuyên bảo vị nội tướng này. Gia huấn khuyên dạy phụ nữ về nết hạnh, về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử với mọi thành viên trong gia đình và họ hàng nội ngoại hàng xóm. Với cha mẹ hai bên thì phải cư xử cho thật công bằng “Mẹ chồng xem bằng mẹ mình, Cha chồng xem bằng cha sinh khác nào” [12] và phải chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ sao cho thật chu đáo: “Bằng khi đến chợ qua hàng Đồng quà tấm bánh ta mang về nhà Của ngon vật lạ kính già Còn dư chút ít hãy quà cho con Khi chén thuốc, khi lưng cơm Tiền nong phụng dưỡng nào còn tiếc đâu” [13] với họ mạc hàng xóm thì cũng nên cư xử cho thật hòa thuận: “Tự họ mạc xung quanh hàng xóm Cũng ở cho trong ấm ngoài êm Tiếng chào tiếng hỏi cho mềm Chẳng khinh ai cũng chẳng hiềm oán ai Ấy ngôn hành các điều thường giữ Lại ghín điều cư xử cho toàn”[15] Sách cũng không quên đưa ra những chỉ dẫn khá tỉ mỉ về nữ công gia chánh, từ đồ ăn thức uống sao cho “Biết mùi mặn lạt chua cay, Làm ăn trong sạch thực này nữ công” [20] và còn phải biết quán xuyến trông nom công việc làm ăn trong nhà “Dưa cà tương mắm làm ăn, Trông nom thu vén nhà trong nhà ngoài” [19]. Gia huấn còn khuyên phụ nữ phải biết chăm chỉ làm ăn, biết thu vén công việc sao cho trong gia đình luôn có bát ăn bát để. Như thế mới thực sự là người phụ nữ đảm đang, mới đạt được đầy đủ yêu cầu về nữ công theo như quan niệm của nhà Nho: “Nào là dưa muối tương cà Nào là cấy gặt, nào là cửi canh Kiệm cần, ấy thói nhà mình Lúc dư con phải để giành lúc không”[13] 3.2.3. Nội dung giáo dục tứ đức giành cho người phụ nữ mang thai Nho giáo rất chú trọng đến việc giáo dục con cái từ khi còn thơ ấu và đặc biệt là khi còn ở trong bào thai. Nhà Nho chủ trương “giáo tử dĩ thai”, lời nói việc làm của người mẹ khi đang mang thai không khỏi ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của đứa trẻ sau này. Vậy nên gia huấn Nôm đã giành cho các bà mẹ đang mang thai những lời khuyên thật bổ ích. Bên cạnh những lời chỉ dẫn tỉ mỉ nhằm đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và thai nhi (từ dáng đi đứng, cách nằm ngồi nghỉ ngơi cho đến đồ ăn thức uống), gia huấn Nôm đã rất chú ý đến việc giáo dục đạo đức tư tưởng cho người phụ nữ mang thai, với hy vọng người mẹ sẽ truyền cho con những điều hay lẽ phải, những chuẩn mực đạo đức Nho giáo và để có thể “sinh con như phượng như lân khác thường” [13]. Vậy nên gia huấn khuyên người phụ nữ khi mang thai phải “Hễ khi thai dựng ở thì phải lương”. Theo quan niệm của nhà Nho, thì đạo Nho và chữ Thánh hiền còn có thể được đứa trẻ tiếp thu ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Sách gia huấn đã khuyên phụ nữ khi mang thai phải: “Thấy ai đọc chữ thánh nhân Dỏng tai nghe lấy ân cần cho thông Vậy thì sinh con minh lòng Trai thì tư chất hình dung hơn người Gái thì diện khăn tốt tươi Nữ công nữ tắc khác người phàm gian Chớ lấy lời dạy chẳng tin Thai dựng dạy bảo đã qua”[14] Những tác động về âm thanh từ bên ngoài mà người mẹ nghe được, tâm trạng người mẹ khi mang thai cũng sẽ truyền vào thai nhi, ảnh hưởng không ít đến việc hình thành nhân cách của đứa trẻ sau này. Sách gia huấn khuyên người mẹ tương lai nên giữ gìn mọi cử chỉ, việc làm sao cho thật đoan trinh: “Việc thai nghén quan phòng gìn giữ Học cổ nhân huấn tử dưỡng thai Dâm thanh chớ để vào tai Ác ngôn chớ có nửa lời sàm sưa Từ xuất nhập khởi cư hành động Có lễ nghi nghiêm trọng đoan trinh”[15] Người phụ nữ mang thai cũng chẳng nên tức giận đâu đâu, không nghe điều xấu, không coi điều gian tà. Bởi vì, những điều không hay đó không khỏi ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của đứa trẻ sau này: “Bụng đừng tức giận đâu đâu Miệng đừng nói chuyện cãi nhau khinh người Tiếng dâm đừng để vào tai Sắc gian tà ấy đừng hoài mắt trông”[11] Những lời khuyên trên đây có lẽ cũng không xa lắm so với phương pháp dạy con nghe nhạc từ trong bào thai nhằm kích thích trí thông minh của thai nhi mà khoa học hiện đại ngày nay đưa ra. VÀI LỜI NHẬN XÉT Qua khảo cứu nguồn tư liệu Nôm mang nội dung giáo dục tứ đức cho phụ nữ truyền thống, chúng tôi tạm thời đưa ra vài lời nhận xét sau đây 1. Công dung ngôn hạnh là nội dung không thể thiếu trong cách giáo dục người phụ nữ truyền thống. Trong các sách gia huấn Nôm, công dung ngôn hạnh không còn chỉ dừng lại ở tên gọi mà đã được cụ thể hóa trong từng lời giáo huấn. 2. Nội dung giáo dục về công dung ngôn hạnh rất phong phú và đã được cụ thể hóa trong từng lời giáo huấn. Nó đề ra cho người phụ nữ hàng loạt các chuẩn mực về lời ăn tiếng nói; không ít những phép ứng xử với mọi người trong gia đình, họ hàng làng xóm; vô vàn những phép tắc về chuẩn mực đạo đức theo quan điểm Nho gia cùng những chỉ dẫn cặn kẽ về nữ công gia chánh.... 3. Để có thể đạt được tứ đức theo yêu cầu của nhà Nho, người phụ nữ phải trải qua một quá trình tu thân thật khắc nghiệt: từ khi còn là cô gái bé cho đến khi xuất giá, cũng là một yêu cầu thường nhật trong suốt quá trình họ là người vợ, người mẹ và cả đến khi đã là người bà trong gia đình. Giáo dục về công dung ngôn hạnh là yêu cầu đầu tiên và cũng là yêu cầu suốt đời đối với người phụ nữ. * * * Có thể nói, tứ đức là sự kết tinh của một vẻ đẹp nền nã, đoan trang, giản dị được toát lên từ cách ăn mặc, cách nói năng cư xử cho đến việc làm thường ngày của người phụ nữ truyền thống. Trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới hiện nay, đặc biệt khi mà ngày nay vị thế xã hội của người phụ nữ đã thay đổi (ngoài trọng trách với gia đình, người phụ nữ còn tham gia công tác xã hội, đóng góp phần không nhỏ trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước) đòi hỏi nội dung giáo dục phụ nữ cần có sự điều chỉnh ít nhiều. Chúng ta cần phải tiếp thu những nét đẹp của công dung ngôn hạnh đồng thời cũng cần bỏ bớt những chi tiết vụn vặt tỉ mỉ đến mức quá khắt khe để đưa ra những nội dung giáo dục cho phù hợp để có thể xây dựng một lớp người phụ nữ mới vừa mang yếu tố hiện đại nhưng cũng không để mất đi những nét đẹp của người phụ nữ Á Đông truyền thống./. Chú thích: 1. Trịnh Khắc Mạnh đã khảo sát toàn bộ hệ thống thư tịch chữ Hán và chữ Nôm của Việt Nam, và đã chia làm 04 loại – tài liệu nhập môn, tài liệu gia huấn, tài liệu kinh điển và tài liệu văn chương cử nghiệp. Xem Trịnh Khắc Mạnh, Thư tịch Hán Nôm Việt Nam luận giải về Tứ thư và Ngũ kinh hiện có ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong Nho giáo ở Việt Nam, Nxb KHXH, H.2006. Lần khảo cứu này, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát nguồn thư tịch gia huấn Nôm hiện còn được lưu giữ tại kho sách AB, AN, AC và VNb của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. 2. Đề mục dẫn ra ở đây nhằm giúp cho độc giả thấy được nét khái quát chung về hệ thống thư tịch Nôm mang nội dung Nho giáo. Trong tiểu luận này, chúng tôi tập trung nhiều hơn đến những tài liệu mang nội dung giáo dục, đặc biệt là những tài liệu mang nội dung giáo dục về tứ đức cho phụ nữ truyền thống 3. Khảo sát gia huấn Nôm và Hán, Lê Thu Hương đưa ra 47 văn bản. Xem Lê Thu Hương, Châu Xuyên gia huấn, giới thiệu và tuyển dịch, Luận văn Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, H.1998 Phạm Vân Dung đã tách bạch nữ huấn Nôm và nữ huấn Hán, có 26 nữ huấn Nôm và 17 nữ huấn Hán. Xem Phạm Vân Dung, Nữ huấn trong di sản Hán Nôm Việt nam, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002 Ở khảo luận này chúng tôi chỉ quan tâm đến các sách Nôm giáo dục đạo đức cho nữ giới ở các kho sách AB, AN, AC và VNb của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. 4. Một văn bản có thể đề cập đến 2 nội dung, bởi vậy tổng số các số liệu liệt kê ở phần này sẽ lớn hơn 50 văn bản (50 văn bản gia huấn ghi bằng chữ Nôm) 5. “... Riêng phần giáo dục về tứ đức chiếm tới 124 câu, trong đó “dung” gồm 20 câu, “ngôn” gồm 16 câu, “công” gồm 18 câu và riêng phần “hạnh” chiếm tới 72 câu. Xem Phạm Vân Dung, Nữ huấn trong di sản Hán Nôm Việt nam, Luận văn Thạc sĩ, sđd 6. Điều 25, chương Hộ hôn, sách Hồng Đức thiện chính thư quy định “Người đàn bà nanh nọc hung ác, hay lớn tiếng chửi bới, không theo giáo hóa thì bị phạt đánh 80 trượng, sung làm phu đàn bà”. Xem Nguyễn Ngọc Nhuận (chủ biên), Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, tập 1 (từ thế kỷ XV - XVIII) Nxb KHXH, H. 2006. tr, 439. Điều 36, ban bố ngày 20 tháng 4 năm Hồng Đức thứ 7 quy định thêm “Nàng dâu nanh nọc chua ngoa, khinh nhờn cha mẹ, lăng mạ anh em thì phải phạt đánh 50 roi và phạt tiền tạ, theo luật thi hành không tha thứ”. Xem Nguyễn Ngọc Nhuận (chủ biên), sđd, tr, 486. TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH A. Tài liệu tiếng Việt [1]. Di sản Hán Nôm Việt Nam – thư mục đề yếu, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Viễn đông bác cổ Pháp, Nxb KHXH, H. 1993 [2]. Tạp chí Hán Nôm - 100 bài tuyển chọn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, H. 2000. [3]. Nho giáo ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Viện Harvard Yenching Hoa Kỳ, Nxb KHXH, H. 2006. [4]. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin, H. 2002. [5]. Nguyễn Ngọc Nhuận (chủ biên), Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, tập 1 (từ thế kỷ XV - XVIII) Nxb KHXH, H. 2006. [6]. Phạm Vân Dung, Nữ huấn trong di sản Hán Nôm Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002. [7]. Lê Thu Hương, Châu Xuyên gia huấn – giới thiệu và tuyển dịch, Luận văn Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, H. 1998. [8]. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001. [9]. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, H. 1988 B. Tài liệu Hán Nôm [10]. Tào đại gia nữ giới, AB. 557, VNCHN [11]. Nhật tỉnh ngâm, Nc. 187, VNCHN [12]. Giáo huấn ca, AB. 201, VNCHN [13]. Huấn nữ diễn âm ca, AC. 552, VNCHN [14]. Huấn nữ tử ca, AB. 85, VNCHN [15]. Phụ nữ bảo châm, AB. 437, VNCHN [16]. Lan phòng pháp ngữ, Nc. 264, VNCHN [17]. Giáo huấn diễn ca, VNb. 44, VNCHN [18]. Tam tự kinh thích nghĩa, Nc. 407, VNCHN [19]. Nữ huấn truyện, AB. 423, VNCHN [20]. Nữ tắc diễn âm, AN. 47, VNCHN [Tóm tắt] Quá trình tiếp nhận chữ Hán và văn hóa Hán đã lưu lại ảnh hưởng khá sâu rộng ở Việt Nam: đạo Nho đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và đi theo nó là một kho thư tịch chữ Hán và chữ Nôm đồ sộ thuộc đủ mọi lĩnh vực đã ra đời. Trong nguồn thư tịch đó, ở bài viết này chúng tôi muốn giành phần quan tâm nhiều hơn đến mảng sách gia huấn Nôm. Xã hội phong kiến với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã trói buộc người phụ nữ trong gia đình, họ không được đến trường không được tham gia mọi hoạt động xã hội. Vậy phải chăng yêu cầu giáo hóa đã không đặt ra với họ? Với số văn bản gia huấn Nôm được lựa chọn, chúng tôi muốn tìm hiểu nội dung giáo dục về công dung ngôn hạnh cho phụ nữ trong gia đình Nho giáo. Bài viết chia làm 3 phần chính: 1. Tổng quan về nguồn tài liệu gia huấn Nôm: giới thiệu nội dung phản ánh của gia huấn qua đó có thể thấy được vị trí của sách dạy công, dung, ngôn, hạnh trong thư tịch gia huấn Nôm. 2.Quan niệm về tứ đức của Nho giáo truyền thống 3. Bàn về công dung ngôn hạnh trong gia huấn Nôm là nội dung chính của bài viết. Ở phần này được chia làm 2 tiểu mục nhỏ để khảo sát 3.1. Nội hàm của công dung ngôn hạnh được thể hiện qua các sách gia huấn Nôm 3.2. Giáo dục về tứ đức là yêu cầu suốt đời đối với người phụ nữ. Phần này sẽ khảo cứu nội dung giáo dục công, dung, ngôn, hạnh đối với từng đối tượng phụ nữ khác nhau Qua các biện luận ở trên đây, chúng tôi muốn chứng minh một điều giáo dục về công, dung, ngôn, hạnh là yêu cầu đầu tiên và cũng là yêu cầu suốt đời đối với người phụ nữ truyền thống; và để đạt được tứ đức theo yêu cầu của nhà Nho, người phụ nữ phải trải qua một quá trình tu thân thật khắc nghiệt. Vài nhận xét thay lời kết *** On the Four Attributes of an Ideal Woman (Domestic skills, Appearance, Speech, Behavior) in Nôm Family Education Books Dr. Lã Minh Hằng The Institute of Han- Nôm Studies The process of adopting the Han script and Han culture had a broad and deep influence on Việt Nam. Confucianism influenced every aspect of social life in Việt Nam, and created conditions for amassing a voluminous depository of Han and Han-Nôm books in all fields of study. In that bibliographical source, we have paid special attention to Nôm books on family education. A feudal system characterized by male chauvinism confined women to their families, not allowing them to go to school or participate in social activities. The question is whether this meant they were therefore not expected to receive an education. With a selective bibliography of Nôm books on family education, we would like to study the content of the four attributes of an ideal woman in Confucian family education. This paper has three major sections: 1. Overview of Nôm books on family education: introduces the content of those family education books to show the important position of the four attributes of an ideal woman. 2. The conception of the four virtues of an ideal woman in traditional Confucianism. 3. Discussing the four attributes of an ideal woman (domestic skills, appearance, speech, behavior) in Nôm books on family education. This is the main content of this paper. In this section, the content is split into two smaller parts for studying. 3.1 The connotation of the domestic skills, appearance, speech, and behavior of an ideal woman through expression in Nôm books on family education. 3.2 The four attributes of an ideal woman’s education as a woman’s whole life. This part studies the content of the four attributes in the education of an ideal woman with each different type of woman. Through the arguments above, we would like to prove that the domestic skills, appearance, speech, behavior of an ideal woman was not only the leading but the entire demand of traditional woman; and to meet these requirements in accordance with the standards of Confucian scholarship, women had to experience a very harsh process of self-improvement. |