Bàn Về Một Số Nội Dung Của Dự Thảo Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự

1. Về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự

 Đề nghị quy định ngắn gọn về phạm vi các vụ việc dân sự tham khảo khái niệm được sử dụng tại Điều 1 dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để bao quát hết các vụ việc thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, Bộ luật Tố tụng dân sự điều chỉnh việc giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu phát sinh từ các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng (đã được định nghĩa tại Bộ luật Dân sự).

Ngoài ra, chủ thể tham gia tố tụng trong dự thảo BLTTDS nên thống nhất với chủ thể trong dự thảo BLDS, tức theo hướng chỉ gồm cá nhân, pháp nhân. Trên cơ sở đó, khi xác định năng lực pháp luật tố tụng dân sự của các chủ thể là cá nhân, pháp nhân nước ngoài (các Điều 461 đến 463 dự thảo). Các chủ thể là pháp nhân có quy định đặc biệt về quyền miễn trừ sẽ có quy định riêng. Chi nhánh, văn phòng đại diện là các đơn vị phụ thuộc của pháp nhân tham gia tố tụng theo ủy quyền không cần được quy định với tư cách một chủ thể riêng biệt.

2. Về công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài

2.1 Công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (Tòa án, trọng tài) là một loại việc dân sự nhưng được tách thành một phần riêng. Do đó, ngoài những quy định đặc thù của loại vụ việc này tại Phần thứ bảy, cần bổ sung quy định dẫn chiếu đến những quy định tại Phần thứ sáu (thủ tục giải quyết việc dân sự) và Phần thứ tám (thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài) để đảm bảo giải quyết được các trường hợp phát sinh trong thực tiễn như sau: “Trường hợp Phần này không quy định cụ thể, các quy định tương ứng của Phần thứ sáu (Thủ tục giải quyết việc dân sự) và Phần thứ tám (Thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài) của Bộ luật này được áp dụng.”

2.2 Về phân loại các bản án, quyết định được công nhận và cho thi hành

 Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc đưa ra tiêu chí phân loại thống nhất đối với các bản án, quyết định được công nhận và cho thi hành vì các loại bản án, quyết định khác nhau sẽ được áp dụng các trình tự, thủ tục khác nhau.

 Các Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự có quy định rất khác nhau, phần lớn quy định điều kiện để các bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác sẽ được đương nhiên công nhận mà không cần thủ tục tố tụng nào khác trong trường hợp các bản án, quyết định đó không liên quan đến tài sản hoặc không có tính chất tài sản (Hiệp định với Cu ba, Bungary, Hungary, Liên bang Nga), một số sử dụng tiêu chí không có yêu cầu thi hành (Ucraina, Bê la rút) và một số sử dụng chung cả hai tiêu chí (Campuchia, Ca dắc xtan). Phạm vi các bản án, quyết định này cũng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình mà có thể trong lĩnh vực dân sự nói chung (Hiệp định với Mông Cổ, Liên bang Nga).

 Như vậy, nên bỏ Điều 423 và Điều 430 dự thảo, Điều 422 cần chỉnh sửa như sau

“Điều 422 Nguyên tắc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài

1. Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Trường hợp bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài mà giữa nước ngoài đó và Việt Nam không có điều ước quốc tế về vấn đề này, các bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài giải quyết nội dung vụ việc có thể được:

a) đương nhiên công nhận tại Việt Nam mà không phải qua thủ tục tại Tòa án đối với phần nhân thân của các bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân gia đình, trừ trường hợp thuộc quy định tại Điều 438 Bộ luật này (Những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam). Phần nhân thân của các bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân, gia đình được ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

b) công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo các quy định tại Bộ luật này trên cơ sở có đi có lại. Tòa án Việt Nam có thể từ chối công nhận bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài nếu có căn cứ rõ ràng rằng nước ngoài đó không thực hiện công nhận bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc phán quyết của trọng tài Việt Nam.”

Quy định này sẽ giảm bớt gánh nặng cho Tòa án và phù hợp hơn với tinh thần của Luật Hôn nhân và gia đình. Vì Luật Hôn nhân và gia đình không đặt ra các điều kiện nào khác ngoài hai điều kiện: bản án quyết định không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam hoặc không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam đối với việc ghi chú, trong trường hợp việc công nhận bản án, quyết định của nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (ví dụ: các nước có quy định về hôn nhân đồng giới và một bên đề nghị được công nhận bản án ly hôn tại Việt Nam hoặc các nước cho phép phẫu thuật chuyển giới, mang thai hộ có tính chất thương mại và các bên đề nghị được công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài xác định về nhân thân của các bên có liên quan sau khi thực hiện chuyển giới hoặc mang thai hộ có tính chất thương mại) thì phải có điều kiện là bản án, quyết định không thuộc trường hợp quy định tại Điều 438 của Bộ luật này.

Bỏ các quy định mới về điều kiện xem xét công nhận và cho thi hành đối với bản án, quyết định của tòa án nước ngoài và phán quyết của trọng tài nước ngoài (khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 dự thảo) vì các điều kiện này trùng lặp với các trường hợp không công nhận quy định tại Điều 438 và Điều 455 dự thảo và có thể gây vướng mắc trong thực tiễn do chưa làm rõ các điều kiện này sẽ được Tòa án xem xét trong quá trình thụ lý hay quá trình xét đơn yêu cầu sau thụ lý. Quy định của khoản 4 và 5 Điều 422 đã được quy định tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Mặt khác, các quy định tại Điều 422 và 423 dự thảo đều nhắc đến nguyên tắc có đi có lại nhưng không làm rõ nguyên tắc này.

 Pháp luật của nhiều nước khi nhắc đến phạm vi các bản án, quyết định được công nhận và cho thi hành cũng không đưa ra các quy định cụ thể rằng bản án quyết định đó phải là bản án, quyết định giải quyết toàn bộ hay một phần nội dung vụ tranh chấp. Vấn đề này thường được giải thích ở một văn bản dưới luật, văn bản của Tòa án hoặc các án lệ. Mặt khác, khi cho phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của đương sự trên cơ sở quyết định về áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tại khoản 4 Điều 111 dự thảo nên có thể loại nhóm các quyết định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời khỏi phạm vi yêu cầu công nhận và cho thi hành.

Có thể tham khảo thêm tài liệu hướng dẫn Công ước New York (Handbook for judges của Pieter Sanders) về phạm vi các phán quyết được công nhận của trọng tài (các phán quyết giải quyết nội dung vụ việc: giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc, về chi phí tố tụng, thời hiệu, luật điều chỉnh các vấn đề nội dung, ghi nhận thỏa thuận của các bên… không bao gồm quyết định về các trình tự thủ tục tố tụng trọng tài hoặc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời).

 Dự thảo bổ sung quy định làm rõ nguyên tắc có đi có lại, theo đó tòa án Việt Nam có thể quyết định từ chối công nhận và cho thi hành nếu có căn cứ rõ ràng rằng nước ngoài đó không thực hiện công nhận bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc phán quyết của trọng tài Việt Nam. Căn cứ này có thể do các bên đương sự hoặc các cơ quan nhà nước như Bộ Ngoại giao cung cấp hoặc do Tòa án xác định trong quá trình thực tiễn xét xử loại việc công nhận và cho thi hành. Tòa án có thể quyết định công nhận và cho thi hành ngay cả khi có căn cứ nêu trên để đảm bảo quyền lợi của công dân, pháp nhân Việt Nam.

2.3 Về quyền yêu cầu không công nhận bản án quyết định của tòa án nước ngoài

 Dự thảo đã bổ sung quy định về quyền yêu cầu không công nhận bản án, quyết định của tòa án nước ngoài tại Điều 424. Tuy nhiên, Điều này cần được chỉnh sửa để đảm bảo quyền yêu cầu của bên được thi hành và bên phải thi hành tương ứng với nhau:

“Điều 424 Quyền yêu cầu công nhận hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài

1. Người được thi hành có quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài trong trường hợp người phải thi hành cư trú tại Việt Nam đối với cá nhân hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với pháp nhân hoặc người phải thi hành có tài sản tại Việt Nam tại thời điểm gửi đơn yêu cầu.

2. Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án Việt Nam không công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam trong các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều này.

3. Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan hộ tịch không công nhận các bản án, quyết định quy định tại điểm a khoản 2 Điều 422 của Bộ luật này.”

Bên cạnh đó, đối với những bản án, quyết định thuộc trường hợp đương nhiên được công nhận, cũng cần quy định cho cơ quan ghi chú các bản án, quyết định trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình có thẩm quyền xem xét đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định này để tránh gây phức tạp trong thủ tục giải quyết (Việc công nhận không phải qua tòa án nhưng việc không công nhận vẫn phải qua tòa án). Trên cơ sở đó bỏ các quy định tại Điều 443 đến 445 trong dự thảo Bộ luật hiện hành, vì các thủ tục giải quyết này không còn thuộc phạm vi của tố tụng dân sự nữa.

Mặt khác, đề nghị bổ sung một quy định riêng về nội dung và hình thức đơn yêu cầu không công nhận của bên phải thi hành như sau:

“Điều … Đơn yêu cầu không công nhận và cho thi hành bản án quyết định

1. Đơn yêu cầu không công nhận và cho thi hành có các nội dung tương tự như đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành quy định tại Điều 431 Bộ luật này và phải kèm theo bản sao hợp pháp bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và các giấy tờ tài liệu cần thiết để chứng minh yêu cầu không công nhận là có căn cứ.

2. Thời hiệu xét đơn và trình tự thủ tục giải quyết đơn yêu cầu không công nhận và cho thi hành tương tự như đối với đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành.”

Đồng thời cần làm rõ quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành trong phiên họp xét đơn yêu cầu công nhận, không công nhận phán quyết của Tòa án nước ngoài.

Trên thực tế có trường hợp các bên trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài thỏa thuận từ bỏ quyền yêu cầu không công nhận đối với bản án, quyết định của tòa án, trọng tài nước ngoài đã được các bên lựa chọn (ví dụ: thỏa thuận không phản đối việc thi hành phán quyết của tòa án, hoặc trọng tài do các bên thỏa thuận lựa chọn). Như vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc có ghi nhận quyền thỏa thuận này của các bên đương sự hay không và hậu quả pháp lý, hướng xử lý đối với vụ việc khi ghi nhận quyền này.

2.4 Về yêu cầu công nhận quyết định của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài

Việc gộp các quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài trong phạm vi các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Điều 430 dự thảo là chưa chính xác. Trong trường hợp nguyên tắc công nhận và cho thi hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cũng tương tự như bản án, quyết định của tòa án thì cần làm rõ trong phạm vi Điều 422 hoặc tách nội dung này thành một quy định riêng.

2.5 Về công nhận và cho thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án, trọng tài nước ngoài và ban hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án Việt Nam theo yêu cầu của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài

Hiện nay dự thảo chưa có cơ chế cho phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để hỗ trợ cho tố tụng được thực hiện tại nước ngoài.

 Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời này có thể phát sinh trên cơ sở yêu cầu tương trợ tư pháp của phía nước ngoài (Ví dụ: trước đây Bộ Tư pháp đã nhận được yêu cầu của Tòa án Brazil đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hỗ trợ thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời là giữ lại đứa trẻ và cấm xuất cảnh đối với trẻ trong vụ việc người cha có hành vi đưa con về Việt Nam mà không có sự đồng ý của người mẹ) hoặc phát sinh theo quy định của điều ước quốc tế (Ví dụ: điểm a khoản 2 Điều 54 Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên quy định “Mỗi quốc gia thành viên, để tương trợ pháp lý theo yêu cầu được lập theo khoản 2 của Điều 55 của Công ước này, căn cứ các nguyên tắc của pháp luật quốc gia, sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép các cơ quan có thẩm quyền phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản dựa trên một lệnh phong tỏa hoặc tạm giữ được ban hành bởi một tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên yêu cầu…” Có thể cân nhắc các phương án công nhận và cho thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hay coi các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án nước ngoài là một trong các căn cứ để Tòa án Việt Nam ban hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời tương ứng hay thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp ban hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Nếu cho phép công nhận các quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án nước ngoài thì cần quy định trình tự thủ tục cần đảm bảo nhanh gọn phù hợp với tính chất của các biện pháp khẩn cấp tạm thời, nếu cần thiết có thể buộc người yêu cầu thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện các biện pháp bảo đảm.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với tố tụng, có thể chỉnh sửa các quy định của Điều 111 dự thảo bằng cách bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Trường hợp Tòa án nước ngoài đang giải quyết vụ việc không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam và Tòa án Việt Nam chưa thụ lý vụ việc này, thì theo yêu cầu của đương sự , Tòa án Việt Nam có thể xem xét áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với người hoặc tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam vào thời điểm yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên cơ sở quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nước ngoài.”

 2.6. Về các căn cứ không công nhận bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài

- Một căn cứ quan trọng để không công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài là Tòa án nước ngoài không có thẩm quyền giải quyết đối với vụ việc có yếu tố nước ngoài đó. Tuy nhiên, quy định tại Điều 439 dự thảo chưa thực sự hợp lý. Trong mọi trường hợp, nếu Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt với vụ việc thì Tòa án nước ngoài không có thẩm quyền đối với vụ việc đó. Điểm b khoản 2 Điều này trùng với điều kiện tại khoản 5 Điều 438 dự thảo. Cụ thể các điều khoản nêu trên nên được chỉnh sửa như sau:

Điều 439 Tòa án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, yêu cầu

“ Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định mà bản án, quyết định đó đang được xem xét để công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự đó trong trường hợp thỏa mãn các điều kiện sau đây:

1. Vụ việc dân sự không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam quy định tại Điều 466 Bộ luật này

2. Trường hợp vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam quy định tại Điều 465 của Bộ luật này thì bị đơn tham gia tố tụng mà không có ý kiến phản đối thẩm quyền của Tòa án nước ngoài đó.”

Hoặc có thể tham khảo quy định của Điều 26 Luật Tư pháp quốc tế của Thụy sĩ để quy định nhưng trường hợp thuộc thẩm quyền của cơ quan nước ngoài như sau:

“Cơ quan của nước ngoài có thẩm quyền

a) Nếu thẩm quyền phát sinh từ quy định của Luật này, hoặc không có quy định như vậy thì bị đơn đã cư trú (domicile) tại quốc gia nơi quyết định được tuyên

b) Nếu vụ việc liên quan đến một lợi ích kinh tế, các bên đã tuân theo thẩm quyền của cơ quan đã ra quyết định bằng thỏa thuận có hiệu lực theo quy định của Luật này

c) Nếu vụ việc liên quan đến một lợi ích kinh tế, bị đơn đã tham gia việc giải quyết nội dung vụ việc mà không phản đối; hoặc

d) Nếu, trong trường hợp phản tố, cơ quan đã ra phán quyết, đã giải quyết yêu cầu khởi kiện chính và có mối liên hệ giữa yêu cầu khởi kiện chính và yêu cầu phản tố”

- Về căn cứ không công nhận phán quyết trọng tài do phán quyết của trọng tài chưa có hiệu lực với các bên( điểm e khoản 1 Điều 454 dự thảo). Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài cũng không quy định cụ thể về pháp luật áp dụng để xác định phán quyết của trọng tài là có hiệu lực với các bên. Quy định này còn có cách hiểu khác nhau nhưng vì mục tiêu của Công ước là cắt giảm các thủ tục áp dụng đối với việc công nhận và cho thi hành, điều khoản này thường được hiểu là phán quyết không được xem xét lại dưới bất kỳ hình thức nào tại Tòa án hoặc tại trọng tài. Nếu dự thảo không bổ sung phần giải thích nêu trên thì đề nghị văn bản hướng dẫn Bộ luật Tố tụng dân sự cần làm rõ quy định này.

3. Về các quy định liên quan đến điều ước quốc tế

Do đã có quy định tại khoản 3 Điều 2 dự thảo về việc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế, Vụ PLQT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, loại bỏ các quy định riêng nhắc đến nội dung của điều ước quốc tế như khoản 1 Điều 433, khoản 1 Điều 449… (trừ các nội dung về trình tự thủ tục nội bộ để thực thi điều ước quốc tế như trình tự chuyển hồ sơ công nhận và cho thi hành từ Bộ Tư pháp sang Tòa án nếu Bộ Tư pháp là cơ quan tiếp nhận hồ sơ).

Đồng thời, cần bổ sung quy định cho phép các cơ quan có thẩm quyền hoặc đương sự áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự nếu các quy định này có lợi hơn cho các bên đương sự so với quy định của điều ước quốc tế, chẳng hạn dự thảo cho phép đương sự gửi thẳng các yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định cho các Tòa án có thẩm quyền mà không cần thông qua Bộ Tư pháp trong khi một số điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự như Hiệp định với Campuchia, Ca-dắc-xtan, Lào vẫn quy định yêu cầu công nhận và cho thi hành phải được gửi qua Bộ Tư pháp. Không nên áp dụng cứng nhắc các quy định về điều ước quốc tế do việc gửi thẳng các quy định cho Tòa án sẽ tiết kiệm thời gian giải quyết vụ việc cho các đương sự.

Dự thảo cần tập hợp các quy định riêng trong trường hợp yêu cầu công nhận và cho thi hành đối với các bản án, quyết định của Tòa án được gửi qua Bộ Tư pháp (như Điều 431, 440, 450…): làm rõ vai trò của Bộ Tư pháp (có  kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ khi là cơ quan tiếp nhận hồ sơ hay không). Ngoài ra, trong trường hợp yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện theo các điều ước quốc tế thì cần có cơ chế thông báo kết quả công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài cho Bộ Tư pháp để thực hiện chức năng cơ quan đầu mối của các điều ước này, không chỉ gửi thông qua Bộ Tư pháp nếu đương sự ở nước ngoài như quy định tại Điều 440 dự thảo.

Tương tự đối với việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, Bộ Tư pháp  đã được giao là cơ quan đầu mối quốc gia trong thực hiện Công ước New York theo thông báo tại Công văn số 1001/VPCP-PL ngày 20/5/2015 của Phó Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, đề nghị cũng có cơ chế thông báo kết quả công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài cho Bộ Tư pháp.

“Điều 440

1. … Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát cùng cấp. ( Bỏ câu thứ hai vì nếu đương sự ở nước ngoài đã có quy định riêng về tống đạt tại Phần thứ tám,đã có quy định chỉ dẫn tại khoản 4  không cần nhắc lại tại đây và nhắc lại cũng không đầy đủ)

2. … Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát cùng cấp.

…”

“Điều 456

1…, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát cùng cấp.

2…, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát cùng cấp.( Bỏ câu thứ hai vì nếu đương sự ở nước ngoài đã có quy định riêng về tống đạt tại Phần thứ tám,đã có quy định chỉ dẫn tại khoản 3  không cần nhắc lại tại đây và nhắc lại cũng không đầy đủ)

…”

4. Về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

- Thẩm quyền riêng biệt theo loại vụ việc:

Đề nghị tiếp tục cân nhắc giao một số Tòa án tại các thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh) giải quyết loại việc công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài để tăng cường chuyên môn hóa cho các thẩm phán giải quyết vụ việc đặc thù này.

- Thẩm quyền của Tòa án phát sinh theo thỏa thuận của các bên

Để đảm bảo tính khả thi, quy định về thẩm quyền của tòa án Việt Nam trong trường hợp các bên có thỏa thuận lựa chọn tòa án (điểm g khoản 1 Điều 465) cần phải được quy định chi tiết giống như quy định về thẩm quyền của trọng tài hình thành trên cơ sở thỏa thuận trọng tài của các bên.

 Do đó, nên tách quy định về thẩm quyền của tòa án trong trường hợp các bên có thỏa thuận thành một quy định riêng, không gộp chung với trường hợp thẩm quyền chung như hiện nay.

Đồng thời trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Công ước về thỏa thuận lựa chọn tòa án vừa mới có hiệu lực vào ngày 1/10/2015 (hiện nay đã có 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu và Mexico là thành viên Công ước). Các nước ASEAN cũng rất quan tâm đến Công ước này. Vì vậy, Việt Nam nên bổ sung các quy định trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Công ước.

Có thể tham khảo quy định tại Điều 6 Luật TPQT Bỉ

“1. Theo pháp luật của Bỉ, đối với vấn đề mà các bên có thể tự do định đoạt quyền của mình mà các bên đã đồng ý một cách hợp pháp trao thẩm quyền cho tòa án Bỉ ( một tòa án hoặc các tòa án của Bỉ) phát sinh hoặc có thể phát sinh từ một quan hệ pháp luật thì tòa án Bỉ có thẩm quyền riêng biệt.

Trừ khi Bộ luật này có quy định khác, Tòa án Bỉ nơi bị đơn xuất hiện để tham gia tố tụng có thẩm quyền giải quyết vụ việc trừ khi sự xuất hiện của bị đơn chỉ là để phản đối thẩm quyền của tòa án.

2. Trong các trường hợp được quy định tại khoản 1, Tòa án có thể từ chối thẩm quyền nếu các tình tiết của vụ việc cho thấy tranh chấp không có mối liên hệ đáng kể nào với Bỉ.”

 Hoặc Luật TPQT của Thụy Sĩ  Điều 5

“1. Trong các vấn đề liên quan đến lợi ích kinh tế, các bên có thể lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp đã hoặc có thể sẽ phát sinh từ một quan hệ pháp luật cụ thể.Thỏa thuận có thể bằng văn bản, telegram, telex hoặc bất cứ hình thức thông tin liên lạc nào cho phép chứng minh được bằng văn bản. Trừ khi có thỏa thuận khác, thỏa thuận về lựa chọn tòa án là riêng biệt. ( thỏa thuận xác định thẩm quyền riêng biệt cho tòa án được chọn).

2. Thỏa thuận lựa chọn tòa án không có hiệu lực nếu hậu quả của nó khiến một bên rõ ràng không được hưởng sự bảo vệ của nơi có Tòa án mà pháp luật Thụy sĩ đã trao cho bên đó (abusively deprive from)

3. Tòa án được chọn không được từ chối thẩm quyền nếu:

a) một bên có nơi cư trú, nơi thường trú hoặc nơi kinh doanh tại bang nơi có tòa án đó;hoặc

b)theo luật này, pháp luật Thụy Sĩ được áp dụng với tranh chấp.”

Theo đó có thể thiết kế quy định này như sau:

“Điều… Thỏa thuận lựa chọn tòa án

1. Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh từ hợp đồng hoặc từ quan hệ pháp luật dân sự khác theo quy định của luật Việt Nam, trừ trường hợp tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam.

2. Thỏa thuận lựa chọn tòa án xác định thẩm quyền riêng biệt của tòa án được chọn trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

3. Thỏa thuận lựa chọn tòa án phải lập bằng văn bản hoặc các hình thức khác tương đương với văn bản.

4. Thỏa thuận lựa chọn tòa án có thể xác lập dưới hình thức điều khoản lựa chọn tòa án trong hợp đồng hoặc thỏa thuận riêng. Hiệu lực của thỏa thuận lựa chọn tòa án độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận lựa chọn tòa án.”

“Điều … Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong trường hợp có thỏa thuận lựa chọn tòa án nước ngoài

1. Tòa án Việt Nam phải trả lại đơn hoặc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài nếu có thỏa thuận lựa chọn tòa án nước ngoài trừ khi

a) thỏa thuận lựa chọn tòa án là vô hiệu theo pháp luật của nước nơi có tòa án được chọn;

b) một bên không có năng lực ký kết thỏa thuận theo pháp luật của Việt Nam;

c) thỏa thuận có hiệu lực sẽ dẫn đến hậu quả rõ ràng trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam

d) vì các lý do đặc biệt nằm ngoài khả năng kiểm soát của các bên, thỏa thuận không thể thực hiện được một cách hợp lý; hoặc

e) tòa án được chọn đã quyết định từ chối giải quyết vụ án.”

( tham khảo Điều 6 quy định của Công ước La Hay về thỏa thuận lựa chọn Tòa án)

Tuy nhiên cần cân đối quy định này với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 468 dự thảo (đoạn 2 điểm a khoản 1 có thể chỉ cần quy định về thỏa thuận trọng tài còn thỏa thuận lựa chọn tòa án dẫn chiếu đến điều khoản riêng này)

 -Đề nghị bổ sung quy định như sau vào sau điểm c và d khoản 1 Điều 468 hoặc bổ sung thêm một khoản mới :

“Các trường hợp quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều này, đương sự có quyền khởi kiện lại tại Tòa án Việt Nam nếu bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài không được công nhận và cho thi hành hoặc không được công nhận tại Việt Nam.”

5. Về thời hạn đối với các vụ việc có yếu tố nước ngoài

Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc điều chỉnh thời hạn gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành đối với bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài (một năm) (Điều 431) và đơn yêu cầu không công nhận (30 ngày) (Điều 443) dài hơn cho tương xứng với thời hạn gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài (3 năm) (Điều 447).

Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ các quy định về thời hạn áp dụng đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài để tránh mâu thuẫn.

Ví dụ Điều 203 dự thảo quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử và loại trừ các trường hợp vụ việc có yếu tố nước ngoài nhưng Phần thứ tám của dự thảo Bộ luật này đều chưa có quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử. Hoặc điểm c khoản 3 Điều 473 dự thảo mâu thuẫn với quy định về ngày mở lại phiên họp, phiên tòa tại Điều 472 dự thảo (cần phải chỉnh sửa quy định của điểm c là đến ngày mở lại phiên tòa đương sự ở nước ngoài không có mặt, không có đơn đề nghị tòa án xét xử vắng mặt…)…

6. Về xác định nội dung của pháp luật nước ngoài

Về vai trò của Bộ Tư pháp trong thủ tục xác định và cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài (Điều 477 dự thảo), cần khẳng định pháp luật nước ngoài được áp dụng với tư cách là nguồn luật điều chỉnh quan hệ dân sự giữa các bên. Do đó, Tòa án có trách nhiệm xác định nội dung của pháp luật nước ngoài. Tuy nhiên, trường hợp các bên thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài thì các bên có nghĩa vụ cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài đó. Nếu tài liệu pháp luật nước ngoài được cung cấp từ các nguồn thông tin chính thức như công báo của nước ngoài, trang thông tin chính thức của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề tại nước ngoài cung cấp thì nội dung pháp luật nước ngoài được tòa án chấp nhận.

Bộ Tư pháp chủ yếu có được thông tin về pháp luật nước ngoài qua việc trao đổi thông tin pháp luật các nước theo kênh chính thức giữa các cơ quan trung ương trong Hiệp định tương trợ tư pháp, hiện nay phương thức này cũng mất rất nhiều thời gian, không đảm bảo việc xử lý hiệu quả kịp thời các vụ việc theo thủ tục tố tụng. Mặt khác các trường đại học, viện nghiên cứu, luật sư được đào tạo và có chứng chỉ hành nghề tại nước ngoài có thể cung cấp nhiều thông tin cập nhật về pháp luật nước ngoài cho Tòa án. Vì vậy, Điều 477 nên được quy định chung theo hướng: “Tòa án có thể yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có chuyên môn về pháp luật nước ngoài cung cấp thông tin về nội dung pháp luật nước ngoài để tòa án giải quyết vụ việc.”

Trong trường hợp giữ nguyên như dự thảo, đề nghị bổ sung các quy định mở rộng các chủ thể có khả năng cung cấp nội dung của pháp luật nước ngoài đối với cả trường hợp pháp luật áp dụng được xác định bởi quy phạm xung đột (không chỉ giới hạn trong trường hợp các bên được lựa chọn pháp luật áp dụng như quy định tại khoản 1 Điều 477 dự thảo hiện nay)

7. Về các hoạt động tương trợ tư pháp

Mặc dù tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự chủ yếu là hoạt động tống đạt giấy tờ và thu thập chứng cứ. Tuy nhiên còn có những hoạt động khác như triệu tập người làm chứng, người giám định (khoản 2 Điều 10 Luật Tương trợ tư pháp) và có thể trong tương lai mở rộng ra các hình thức tương trợ tư pháp khác như cho phép người có thẩm quyền của nước ngoài cùng tham gia thực hiện thu thập chứng cứ tại Việt Nam (tương tự như hoạt động hợp tác điều tra chung trong tố tụng hình sự…) khi Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế trong thời gian tới. Vì vậy, để tạo điều kiện cho việc thực hiện các hoạt động này, đề nghị bổ sung một quy định chung dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật về tương trợ tư pháp đối với các hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trong quá trình tố tụng dân sự vào Phần thứ tám Thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài như sau: “Các hoạt động tương trợ tư pháp khác trong tố tụng dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp”.

Hơn nữa, các hoạt động như tống đạt, thu thập chứng cứ ở nước ngoài do cơ quan đại diện Việt Nam thực hiện cho công dân Việt Nam ở nước ngoài không thuộc phạm vi của Luật Tương trợ tư pháp nên đề nghị  bổ sung thêm điểm d khoản 1 Điều 469 vào khoản 1 Điều 470 dự thảo. Do các quy định của dự thảo về thủ tục thực hiện tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đối với các hoạt động này chưa cụ thể nên cần quy định rõ hơn trong các văn bản hướng dẫn Bộ luật này.

8. Về quyền miễn trừ tư pháp

Đề nghị bổ sung quy định làm rõ về quyền miễn trừ tư pháp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 468 dự thảo.

Trên cơ sở tham khảo quy định của Công ước Liên hợp quốc về miễn trừ tư pháp đối với nhà nước và tài sản của nhà nước, Công ước Viên về quan hệ ngoại giao và Công ước Viên về quan hệ lãnh sự, quy định trong điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế khác…dự thảo nên bổ sung các quy định tương ứng về nhóm đối tượng được hưởng quyền miễn trừ này.

9. Về vai trò của án lệ

Án lệ có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc dân sự nhằm giải quyết các trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật còn lỗ hổng hoặc chưa rõ ràng.

 Sở dĩ các nước thuộc hệ thống Common law không cần quy định cụ thể về vai trò của án lệ trong các đạo luật thành văn vì họ theo nguyên tắc pháp lý stare decisis (tuân theo phán quyết có trước) và coi án lệ là một nguồn luật. Trong khi đó các nước thuộc hệ thống Civil law chỉ coi án lệ là một nguồn tham khảo khi hình thành một khuynh hướng ra quyết định của tòa án, nên họ cũng không quy định cụ thể trong luật. Trong khi đó ở nước ta, án lệ đã được quy định trong Luật Tổ chức tòa án nhân dân nhưng luật này chỉ quy định về cơ quan có thẩm quyền trong việc tổng kết phát triển án lệ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng giá trị của án lệ, vai trò của án lệ (nguồn luật hay định hướng tham khảo), cách thức áp dụng án lệ, viện dẫn án lệ, chủ thể có thẩm quyền viện dẫn, áp dụng án lệ cần phải được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao vừa mới ban hành chưa thể hiện đầy đủ những nội dung nêu trên để có thể áp dụng trong thực tế. Vì vậy, đề nghị cân nhắc quy định những nội dung nêu trên trong dự thảo Bộ luật.

10. Quy định về án phí, lệ phí tòa án và chi phí ủy thác

Dự thảo Luật Phí, lệ phí (thay thế Pháp lệnh Phí, lệ phí năm 2001 và Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án năm 2009) sẽ có nhiều thay đổi về thẩm quyền quy định chi tiết về các vấn đề về phí, lệ phí. Để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đề nghị chỉnh sửa quy định tại Điều 150 dự thảo như sau:

“Án phí, mức án phí đối với mỗi loại vụ án cụ thể, các loại lệ phí, mức lệ phí cụ thể, các trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, các trường hợp được miễn hoặc không phải nộp án phí, lệ phí và các vấn đề cụ thể khác liên quan đến án phí, lệ phí chưa được quy định trong Bộ luật này thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.”

Từ khóa » Tải Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự Năm 2015