Bàn Về Quy định Mới Của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Năm 2015 (sửa đổi ...
Có thể bạn quan tâm
Bàn về quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) liên quan đến các trường hợp tạm đình chỉ
Ths. Nguyễn Thuỳ Liên – Giảng viên khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Tp. HCM
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã trải qua hơn 04 năm áp dụng trong thực tiễn. Trong suốt khoảng thời gian đó, những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự luôn thể hiện được giá trị và tầm quan trọng của một văn bản pháp luật quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự khi nó phát sinh trong thực tiễn. Nếu như Luật hình sự được xem là luật nội dung thì Luật tố tụng hình sự luôn tồn tại dưới dạng là luật hình thức mà việc tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự đóng vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo được giá trị của các phán quyết được ban hành. Tuy nhiên, cũng như các văn bản pháp luật đã từng được ban hành, sau một khoảng thời gian nhất định được áp dụng trong thực tiễn, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng đã bắt đầu phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, không phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của các quan hệ xã hội, vấn đề tất yếu dẫn đến việc phải có những sửa đổi, bổ sung cho hợp lý, thúc đẩy quá trình áp dụng các quy định của nó trong thực tiễn. Một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 12/11/2021 liên quan đến Bộ luật này tập trung vào các quy định mới liên quan đến việc tạm đình chỉ.
Tạm đình chỉ là một quy định không mới của Bộ luật Tố tụng hình sự, nó là cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng tạm dừng quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc tạm dừng giải quyết vụ án hình sự trong một khoảng thời gian nhất định. Quy định này xuất hiện từ thời điểm Bộ luật Tố tụng hình sự đầu tiên được ban hành năm 1988 và tiếp theo là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, và được ghi nhận cả trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tạm đình chỉ như một “cơ hội” để cơ quan tiến hành tố tụng có thêm thời gian để việc giải quyết vụ án hình sự được đúng đắn, khách quan, toàn diện, tránh được những quy kết chủ quan, ảnh hưởng đến những người tham gia tố tụng trong vụ án. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trên cơ sở kế thừa những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định và bổ sung một số căn cứ làm cơ sở để tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án . Theo đó, ở từng giai đoạn tố tụng, việc tạm đình chỉ có thể được thực hiện khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247, khoản 1 Điều 281. So với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm một nội dung mới liên quan đến việc tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đây được xem là một trong những nội dung quan trọng nhằm tạo điều kiện cho quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm được chính xác, khách quan,
Mặc dù vậy, trong thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp từ các điều kiện thời tiết, dịch bệnh đã gây ra những tác động không nhỏ dến quá trình phát triển chung của đất nước cũng như quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Trước tình hình đó, buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải có những thay đổi nhằm mục đích hạn chế tối đa việc vi phạm về thời hạn giải quyết vụ án với những lý do “bất khả kháng”. Trên tinh thần đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2021) đã kịp thời bổ sung thêm căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tại Điểm c khoản 1 Điều 148 khi “Không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”; tạm đình chỉ điều tra tại Điểm d khoản 1 Điều 229 “Khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra” và tạm đình chỉ vụ án quy định tại Điểm d khoản 1 Điều 247 “Khi không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố”. Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) đã bổ sung thêm căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, căn cứ tạm đình chỉ điều tra và căn cứ tạm đình chỉ vụ án đều liên quan đến lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Việc bổ sung căn cứ này là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi mà các yếu tố liên quan đến thời tiết, thiên tai, dịch bệnh trở thành vấn đề hiện hữu thường xuyên và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, con người khó có khả năng dự báo được tình huống có thể xảy đến trong tương lai, đồng thời giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng có thêm thời gian để giải quyết vụ án hình sự, và việc “tạm dừng” giải quyết là đúng luật. Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề áp dụng quy định mới này còn có những ý kiến nhất định, cụ thể như sau:
Một là, có thể thấy, thiên tai, bệnh dịch là những sự kiện bất khả kháng đã được luật quy định, là một trong những căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự, căn cứ này xuất hiện từ rất lâu và cũng vô cùng quan trọng trong việc loại bỏ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm. Thế nhưng, việc quy định đây là một trong những căn cứ tạm đình chỉ chỉ mới xuất hiện trong Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2021 là một sự chậm trễ. Yêu cầu khi xây dựng pháp luật nói chung là phải đảm bảo được khả năng dự báo về các quan hệ xã hội có thể phát sinh và cần được điều chỉnh trong tương lai, thế nhưng, việc đưa ra quy định mới ở thời điểm này là quá muộn, không đảm bảo được tính mới, nghĩa là, các quy định của luật thực tế đang chạy sau sự phát triển của các quan hệ xã hội.
Hai là, việc áp dụng các quy định này trong thực tế phải được đánh giá dưới nhiều chiều hướng, thông qua nhiều góc độ, “kênh” khác nhau chứ không phải bằng nhận thức chủ quan, cảm tính của cơ quan tiến hành tố tụng. Phải có sự phối hợp giữa các cơ quan trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn, nội dung các ý kiến chỉ đạo của các ban ngành, đoàn thể về các chỉ tiêu, định hướng liên quan đến việc đánh giá cấp độ, mức độ của thiên tai, dịch bệnh, có đủ cơ sở để có thể áp dụng căn cứ tạm đình chỉ này phải dựa vào việc yếu tố đó có ảnh hưởng thực sự nghiêm trọng và trực tiếp đến hoạt động tố tụng hay không. Ví dụ, tại thời điểm dịch covid – 19 bùng phát, đối với thế giới và cả Việt Nam, đây là một dịch bệnh nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người và vì vậy, tất cả các quốc gia tùy điều kiện đều cân nhắc áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế tối đa việc lây lan của dịch bệnh, kể cả các biện pháp hành chính mạnh nhất (cấm tụ tập nơi đông người, bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, thậm chí thực hiện giãn cách, phong tỏa diện rộng,…). Đối với Việt Nam, thời điểm vào khoảng tháng 7/2021, chúng ta thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để đảm bảo dịch bệnh không lây lan nhanh chóng, tạo điều kiện để bao phủ vacxin, do đó mà mọi hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, và kể các hoạt động tố tụng đều bị ngưng trệ, đặc biệt là ở địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… nơi dịch bệnh có những diễn biến căng thẳng nhất, đã thường xuyên phải thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo tinh thần của Chỉ thị 16[1], Chỉ thỉ 16 tăng cường,…cũng như các quyết định từ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân một số tỉnh. Nếu quy định về căn cứ tạm đình chỉ này có hiệu lực từ thời điểm này thì có thể được áp dụng do yêu cầu cấp bách của việc phòng chống dịch bệnh, có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Thế nhưng, thời điểm hiện nay, nếu tiếp tục vận dụng quy định này để tạm đình chỉ mặc dù dịch bệnh covid – 19 vẫn còn có những diễn biến phức tạp là điều không hợp lý. Nói như vậy không có nghĩa là việc vận dụng quy định này bị cấm với lý do hiện tại đã có chủ trương “sống chung với dịch” mà tùy từng trường hợp, tùy vụ án áp dụng cho phù hợp (ví dụ: người bị tố giác, báo tin, chủ thể kiến nghị khởi tố, bị can,…đang ở trong vùng xảy ra lũ lụt, hoặc bản thân đang bị mắc bệnh dịch truyền nhiễm theo phân loại nhóm A mà Bộ Y tế quy định thì vẫn có thể áp dụng quy định này để tạm đình chỉ)
Tóm lại, việc bổ sung quy định về căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn khi tình hình thiên tai, dịch bệnh trên thế giới bắt đầu có những diễn biến khó lường. Đây trở thành căn cứ quan trọng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền tạm dừng việc giải quyết nguồn tin, giải quyết vụ án một cách hợp lý, hợp pháp, đảm bảo được quyền lợi của các chủ thể tham gia tố tụng. Tuy nhiên, khi áp dụng căn cứ này cũng cần tùy trường hợp để có cách vận dụng hợp lý, tránh lạm dụng, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào hệ thống cơ quan tư pháp.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, NXB Chính trị Quốc gia sự thật;
2. Bộ luật Tố tụng Hình sự, sửa đổi, bổ sung năm 2021, NXB Chính trị Quốc gia sự thật;
3. Thông tư liên tịch số 01/2017/VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BNN&PTNT ban hành ngày 29/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
4. Thông tư liên tịch số 01/2017/VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BNN&PTNT ban hành ngày 29/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
5. Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT- VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BNN&PTNT ban hành ngày 29/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP-BNN&PTNT ban hành ngày 29/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BNN&PTNT ban hành ngày 29/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
[1] Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
Từ khóa » Tải Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Năm 2015
-
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015, Luật Số 101/2015/QH13 Mới Nhất 2020
-
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 Số 101/2015/QH13 - Thư Viện Pháp Luật
-
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Năm 2015 Số 101/2015/QH13 Ngày 27/11/2015
-
Bộ Luật 101/2015/QH13 Tố Tụng Hình Sự
-
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 - Luật Số 101/2015/QH13
-
[PDF] BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
-
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 Mới Nhất đang áp Dụng Năm 2022
-
Tải Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Năm 2015 Mới Nhất Hiện Nay
-
TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU ...
-
Https:///px?pageid=271...
-
Đề Cương Giới Thiệu Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 16/05/2016 17:30:00
-
BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ 2015 (phần Thứ Nhất)
-
Luật Sửa đổi, Bổ Sung Một Số điều Của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Năm ...
-
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Năm 2015