Bàn Về Tư Tưởng Phật Học Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung (tiếp ...
Có thể bạn quan tâm
Phần Một: Bàn về “Hiệp Khách Hành” (tt)
Tác giả: Tỷ kheo Thích Chơn Thiện Chùa Tường Vân, Huế Nguồn: Chimviet.free.fr
Xem lại Phần trước.
III. Hồi 2: Thiếu niên gây đại họa
A. Tóm tắt hồi 2
– Hai hiệp Khách Thạch Thanh và Mẫu Nhu ký thác con trai là Thạch Trung Ngọc làm môn nhân của kiếm phái Tuyết Sơn. Năm 15 tuổi, Thạch Trung Ngọc là một thiếu niên năng động, láu lỉnh, đa tình, hay chọc ghẹo A Tú, 13 tuổi, con gái của Bạch Vạn Kiếm (Cháu nội của bang chủ Tuyết Sơn); A Tú chưa bị hạ nhục, nhưng tức mình tự vẫn (được kể lại). Mẹ nàng bị trách cứ, và vì thương con mà sanh cuồng trí. Phong Vạn Lý, thầy dạy kiếm của Thạch Trung Ngọc, bị bang chủ tức mình chặt đứt một cánh tay. Bang chủ phu nhân bị vạ lây, bỏ Tuyết Sơn ra đi. Hai người sư thúc khác của Thạch Trung Ngọc bị Đinh Bất Tam giết vì lý do khác cũng được kết vào tội do lỗi Thạch Trung Ngọc gây ra. Từ đó Bạch Vạn Kiếm dẫn một toán kiếm sĩ hạ sơn tìm kiếm Thạch Trung Ngọc để giết, và đốt Thạch gia trang để rửa hận.
– Bạch Vạn Kiếm đòi Thạch Thanh – Mẫn Nhu đến gặp bang chủ Tuyết Sơn (Bạch Tự Tại) để nhận trách nhiệm làm cha làm mẹ. Dọc đường cả toán Tuyết Sơn bị Tạ Yên Khách tấn công thu hết kiếm, lại vô minh chồng chất, kết oán cho rằng Thạch Thanh và Mẫn Nhu ám hại họ.
B. Ý kiến
1. Ở tuổi 15, Thạch Trung Ngọc chỉ là một thiếu niên “quậy phá”, trêu chọc A Tú, dễ dàng được các võ sư, kiếm sĩ uốn nắn, nhất là khi A Tú suýt bị hại. Vậy mà gia đình bang chủ Bạch Tự Tại đã để mình rơi vào một số sai lầm mà giáo lý nhà Phật gọi là vô minh:
– Có những người ganh ghét và đố kỵ Thạch Trung Ngọc (do vì Thạch Trung Ngọc có bố mẹ thân tình với bang chủ, giàu có và tiếng tăm) đã dựng chuyện thêu dệt, chuyện bé xé ra to.
– Có những bàn tay quái nghịch trong bóng tối như Đinh Bất Tam, Đinh Bất Tứ, A Đang nhúng tay vào khiến cho sự việc rối rắm.
– Quan niệm sai lầm về giá trị “đứng đắn”, “tiết trinh”, “đức hạnh” của người con gái của gia đình Bạch Tự Tại đã “đổ dầu vào lửa” cho sự việc cháy bùng, đáng tiếc!
– Các tướng trạng, hay các sự kiện, biểu hiện do rất nhiều nguyên nhân xa, gần tác động, nhưng “vô minh” đã giục gia đình Bạch Tự Tại quy tội về cho Thạch Trung Ngọc, một mình Thạch Trung Ngọc.
– Từ nhìn sai sự việc, dẫn đến hành động sai lầm; các hành động sai lầm dẫn đến sự kết nối sai lầm dây chuyền. Hầu như Kim Dung đang phô diễn cái hư huyễn của các tướng trạng, và cái nguy hại của các tâm lý xấu của con người mà Kinh Kim Cang nhà Phật gọi là “Các tướng trạng đều không thật” (“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”)
2. Cục diện Tuyết Sơn khởi đầu rối rắm do nhìn sai, thấy sai và nghĩ sai: thuật ngữ Phật giáo gọi là tà kiến và tà tư duy; từ đó kéo theo các sai lầm khác như báo cáo sai (tà ngữ), hành động sai (tà nghiệp), tưởng nghĩ sai (tà niệm), nỗ lực giải quyết sai (tà tinh tấn) do thiếu sáng suốt, định tỉnh (tà định). Tại đây Kim Dung bắt đầu gợi mở ra nếp sống, nếp văn hóa “Bát Chánh Đạo” của Phật giáo: nếp sống của sự đúng đắn, ổn định.
3. Cảnh tượng Cảnh Vạn Chung của Tuyết Sơn chạm vào nội lực của Thạch Thanh mới nhận ra nội lực quá yếu kém của mình, sợ hãi đến toát mồ hôi lạnh: sự việc nầy các người chung quanh không nhận ra, rằng giá trị của sức mạnh của một kiếm khách nằm ở nội lực, mà không ở bên ngoài kiếm thuật. Cũng vậy, giá trị của một hành động là dựa vào cái tâm tác động lên hành động (tốt xấu)…) mà không nằm ở bên ngoài của biểu hiện hành động. Đây là nội dung định nghĩa chữ Nghiệp (Karma) của nhà Phật.
4. Thạch Thanh và Mẫn Nhu là hai đại hiệp khách chân chính mà liên tục gặp tai ương: con, Thạch Trung Ngọc bị nạn; Thạch Gia Trang bị đốt; các gia nhân của Thạch Gia Trang bị khốn đốn; một đứa con trai khác, Thạch Trung Kiên, bị “Mai Phương Cô” (tình địch) bắt đi mất tích từ năm lên một. Đây là trường hợp ở ngoài sự thật “ác giả ác báo, ở hiền gặp lành” mà người đương thời tin tưởng.
5. Đời sống thì dẫy đầy các tác nhân vô thường, bất định:
– Các sân hận thì phản ứng đột ngột, tai hại bất định, khó lường.
– Các tâm lý tham thì hành động âm thầm, mưu thâm đầy nguy hiểm.
– Các tâm lý bất định hành động tùy hứng như Tạ Yên Khách, Đinh Bất Tam, Đinh Bất Tứ, A Đang… thì khó lường. Giữa môi trường sống đó thì con người dễ mắc vào các tai họa, rủi ro không do mình gây ra. Đây là nỗi khổ vô thường, theo Phật học, gắn chặt với thân phận con người ở ngoài mọi “logic”.
Chỉ có sự thuần túy thuật chuyện về một hồi truyện ngắn của Kim Dung đã ảnh hiện rất nhiều điểm về Phật học, rất ý vị!
IV. Hồi 3: Ma Thiên Nhai
A. Tóm tắt hồi 3
– Tạ Yên Khách thu hồi được Huyền Thiết Lệnh từ Cẩu Tạp Chủng; sợ nguy hại đến tánh mạng nếu có người xúi giục Cẩu Tạp Chủng yêu cầu Tạ Yên Khách tự vẫn hay phế bỏ võ công, nên ông đã đem Cẩu Tạp Chủng từ thị trấn Hầu Giám Tập về sống trên đỉnh Ma Thiên Lĩnh, ngày đêm giám sát cậu bé.
– Trên đường đi, Tạ Yên Khách dùng đủ mưu mô dụ dỗ, uy hiếp buộc Cẩu Tạp Chủng cầu xin ông một điều gì cho làm xong lời hứa, nhưng cậu bé thì tuyệt nhiên không mở miệng cầu xin bất cứ ai một điều gì. Đây là lý do mà cậu bé được sống lâu dài bên cạnh quái khách Tạ Yên Khách trên Ma Thiên Lĩnh để hầu hạ ông ta và luyện tập bí pháp “La hán phục ma thần công”.
– Trên đường đi, chứng kiến ba cao thủ Trường Lạc bang đang uy hiếp, bức tử Đại bi lão nhân, Cẩu Tạp Chủng nổi tâm nghĩa hiệp, lên tiếng bảo vệ lão nhân mà không sợ liên lụy. Bấy giờ thì lão nhân đã kiệt sức, sắp trút hơi thở cuối cùng, cảm nghĩa cậu bé bèn cho cậu pho tượng đất gồm 18 tượng La hán trong túi của ông ta. Đây là pho bí pháp “La hán phục ma thần công” do các thần tăng Thiếu Lâm sáng tác và để lại.
– Tạ Yên Khách bèn nghĩ ra một kế kín đáo hại chết Cẩu Tạp Chủng bằng cách chỉ dạy cho Cẩu Tạp Chủng luyện tập bí pháp trên pho tượng, không theo thứ tự, để tẩu hỏa nhập ma. Nhưng Cẩu Tạp Chủng không có tạp niệm nên không bị tẩu hỏa trong thời gian dài luyện công. Cuối cùng thì luyện xong 18 đường dương công và 18 đường âm công, sắp đến thời điểm thành tựu một võ công “siêu thế”.
B. Ý kiến
1. Cẩu Tạp Chủng là trẻ thuần lương, thông tuệ là nhân vật chính sẽ mở ra bí kíp Thái Huyền Kinh, mở ra chân lý, lại từ năm một tuổi lớn lên ở Khô Thảo Lỉnh, một đỉnh núi cô vắng, xa thế sự, một đỉnh núi của các loài cỏ khô; rồi năm 13 tuổi đến sống trên đỉnh Ma Thiên Nhai, cũng cô vắng, lạnh lùng của “phương trời ma quái” (Ma Thiên Nhai) và nội lực phát triển, trưởng thành ở đây. Hệt như giải thoát phải đến từ khổ đau; chân lý vượt ra từ cõi tà vậy: phải hiểu rõ khổ đế (sự thật của khổ) mới thấy con đường đi ra khỏi khổ, đến với giải thoát (diệt đế) của giáo lý nhà Phật.
2. Sự thật Tạ Yên Khách dấu mặt lấy đi hai thanh bảo kiếm của Thạch Thanh và Mẫn Nhu mà nhóm Tuyết Sơn đang giữ làm tin, khiến nhóm nầy quả quyết rằng đây là mưu gian của Thạch Thanh và Mẫn Nhu.
– Sự kiện “má má” đặt tên Cẩu Tạp Chủng khiến Tạ Yên Khách nghĩ rằng “má má” Mai Phương Cô bị chồng theo gái, bỏ rơi.
Hai sự kiện đó nói lên ý nghĩa: Kinh nghiệm thường nghiệm và tư duy logic rất dễ lầm lẫn: nó đúng mà không thật. Ở nhà Phật thì chân lý là cái gì vừa đúng (chân) và vừa thật (như) gọi là chân như.
3. Tạ Yên Khách và Cẩu Tạp Chủng là hai hình ảnh văn hóa tương phản:
– Tạ Yên Khách thì bận tâm về giá trị hình thức “quân tử”, “trượng phu”, mà hành xử lại bá đạo.
– Cẩu Tạp Chủng tự xem là phàm phu mà hành xử chân chất, hiền thiện, thể hiện đạo lý của Thánh hiền: “Hợp nội ngoại chi đạo” của Đại học.
Hình ảnh của chàng gợi lên ở người đọc một chút gì ngậm ngùi khi nhìn lại giá trị hình thức của nền văn hoá cũ.
4. Tạ Yên Khách đi vào giang hồ lâu ngày đã đánh mất cái tính chân chất thuần phác như được thể hiện ở con người Cẩu Tạp Chủng. Đây là ý nghĩa của “Tánh tương cận, tập tương viễn” mà đạo đức mang màu sắc Phật giáo ở Cẩu Tạp Chủng (tẩy sạch tâm lý cấu uế) có thể làm sống lại ý nghĩa “cận đạo”:
– Ở Tạ Yên Khách, cái “ta” (tự ngã) và cái “của ta” được phát triển mạnh.
– Ở Cẩu Tạp Chủng, cái “ta” và cái “của ta” thì vắng mặt một cách tự nhiên.
Hai hình ảnh văn hóa tương phản ấy đã mở ra một cuộc đối thoại dài của Hồi truyện thứ ba, rất triết lý: Kim Dung đang nói triết lý bằng ngôn ngữ kiếm hiệp đầy thú vị. Thử nghe lại một mẫu đối thoại ngắn giữa hai người ấy:
“Gã ăn xin ăn xong cái này lại lấy cái khác, ăn hết thảy bốn cái bánh bao mới nói: ‘Cháu no rồi, không ăn nữa’.
Tạ Yên Khách ăn hết hai cái bánh rồi thôi, quay lại hỏi chủ quán: ‘bao nhiêu tiền’.
Chủ quán đáp: ‘Hai đồng một cái. Cả thảy sáu cái, cộng lại là mười hai đồng’.
Tạ Yên Khách đáp: ‘Không được. Phần ai ăn người ấy trả tiền. Ta ăn hai tấm, vậy ta trả bốn đồng là đủ’.
Lão thò tay vào bọc toan móc tiền ra trả, nhưng sờ đi sờ lại mà chẳng còn một đồng nào… Trong lúc Tạ Yên Khách chưa biết giải quyết cách nào, thì gã ăn xin đã móc trong bọc ra một thỏi bạc, đưa cho chủ quán nói: ‘Tất cả mười hai đồng, để cháu trả cho’.
Tạ Yên Khách chưng hửng hỏi: ‘Sao? Ngươi lại trả tiền cho ta ư?’
Gã ăn xin cười đáp: ‘Ông không có tiền mà cháu có, cháu mời ông ăn mấy cái bánh bao phỏng có chi đáng kể?’. Chủ quán cũng lấy làm kinh ngạc, lấy mấy miếng bạc vụn và mấy xâu tiền đồng thối lại. Gã ăn xin thu tiền cất vào bọc, rồi nhìn Tạ Yên Khách xem lão sai bảo gì.
Tạ Yên Khách bất giác nở một nụ cười chua chát, nghĩ thầm: ‘Tạ mỗ cố chấp thành tính, trước nay dù là một miếng cơm, một ly nước cũng chẳng chịu ơn ai, không ngờ hôm nay lại để một gã ăn xin mời ăn hai cái bánh bao…’ (tập I.tr.92-93)
Nụ cười chua chát ấy của Tạ Yên Khách là nụ cười về tinh thần bảo thủ, cố chấp của một nét văn hóa cũ!
5. Nếp văn hoá ở núi Hùng Nhĩ của Mai Phương Cô “má má”, hình như có sự hiện diện của bồ tát Quán Thế Âm, trí tuệ vô ngã và lòng từ bi cứu khổ, đã để lại ảnh hưởng trong tâm thức hồn nhiên của Cẩu Tạp Chủng khi Cẩu Tạp Chủng phát ngôn rằng:
“Gã ăn xin đáp: Sao lại ăn cắp? Vừa rồi một vị thái thái giống Quan Âm áo trắng đã cho cháu” (tr. 94)
và: “Ông ăn táo đi! Ông (chỉ Tạ Yên Khách) không phải là người, cũng không phải ma quỷ, chẳng lẽ lại là Bồ Tát? Nhưng cháu thấy cũng không giống” (tr. 97).
Nét văn hóa Phật giáo nhẹ nhàng ấy dần dần in đậm vào tâm thức Cẩu Tạp Chủng, trước khi khởi động công phu “La hán phục ma thần công”, để thành tựu việc khai mở chân lý của Thái Huyền Kinh trên đảo Hiệp Khách!
6. Ý Nghĩa biểu tượng của 18 tượng La hán:
Trong Phật giáo, La hán là hàng đệ tử Đức Phật đã hàng phục được lòng tham dục cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc, và hàng phục được sự đắm trước (chấp thủ) lòng dục, thấy biết, giới luật sai lầm, và các học thuyết chủ trương có tự ngã (dù dưới bất cứ dạng thức nào). Kinh Phật dạy có 18 dòng Ái (và Thủ) liên hệ nội tâm, và 18 dòng Ái (và Thủ) liên hệ ngoại cảnh:
Liên hệ nội tâm: Khi nào có ý niệm “ta có mặt” thì sẽ có những tư tưởng: ta có mặt trong đời này; ta có mặt như vậy, ta có mặt khác như vậy; ta không thường hằng; ta thường hằng; ta phải có mặt không? ta phải có mặt trong đời này không? ta phải có mặt như vậy; ta phải có mặt khác như vậy; mong rằng ta có mặt; mong rằng ta có mặt trong đời này; mong rằng ta có mặt như vậy; mong rằng ta có mặt khác như vậy; ta sẽ có mặt; ta sẽ có mặt trong đời này; ta sẽ có mặt như vậy; ta sẽ có mặt khác như vậy.
Liên hệ ngoại cảnh: Khi nào có tưởng: ‘Do cái này, ta có mặt; thì sẽ có các tư tưởng: do cái này, ta có mặt trong đời này (tương tự trên)
(Tăng chi kinh, II, PTS, London, 1992, tr.226)
Nội dung của 18 dòng Ái (Thủ) trên là nội dung của Tập đế (nguyên nhân của khổ) trong Tứ Diệu đế của Phật giáo (được biểu tượng qua chuỗi hạt tay 18 hạt hay 36 hạt).
Đại bi lão nhân tặng cho Cẩu Tạp Chủng 18 Tượng La hán là trao cho công phu loại trừ hết thảy các loại chấp thủ ngã tưởng mà Kinh Kim Cang Bát Nhã của Đại thừa Phật giáo đã đề cập, bao gồm tám loại: ngã tưởng, nhân tưởng, chúng sanh tưởng, thọ giả tưởng, pháp tưởng, phi pháp tưởng, tưởng và phi tưởng:
– Ngã tưởng: tin tưởng có mặt một tự ngã khác với năm uẩn như khi nói: cái này là của tôi, tôi là cái này, cái này là tự ngã của tôi.
– Chúng sinh tưởng: tin tưởng có một cá thể độc lập, liên tục và đồng nhất với chính nó qua thời gian; cá thể đó phân biệt các phần tố bên trong cá thể khác biệt với những gì ở bên ngoài.
– Thọ giả tưởng: tin tưởng có một sức mạnh hợp nhất và sinh động bên trong cá thể, tồn tại từ khi sinh cho đến khi chết.
– Nhân tưởng: tin tưởng có một thực thể thường hằng, luân hồi, tái sinh từ kiếp nầy qua kiếp khác.
– Pháp tưởng: tin tưởng có sự hiện hữu thật sự của các pháp độc lập.
– Phi pháp tưởng: (không pháp tưởng): tin tưởng có không pháp độc lập với hiện hữu
– Tưởng: Tưởng thường quyết định tính chất cho sự vật vốn không có trong thực tế.
– Phi tưởng: nếu biết tưởng là không thật mà chủ trương không có tưởng, không tác tưởng – các bậc Thánh, Bồ Tát vẫn tác tưởng mà vẫn giác tỉnh vô ngã, vẫn không chấp thủ.
Đây là công phu tu tập chủ yếu của Phật giáo nói chung, và Kim Cang Bát Nhã nói riêng.
7. Tu tập công phu loại trừ các tưởng tự ngã:
– Bước đầu hành giả cần tẩy sạch các tâm lý cầu uế, bất thiện như tham lam, sân hận, si ám, đố kỵ, kiêu mạn, dối gạt, ác hại, v.v… nếu không thì không thể tu tập thành tựu các tâm thiền định ở bước thứ hai.
Đây là nội dung mà Kim Dung giới thiệu Cẩu Tạp Chủng với tâm lý trong sáng, giản đơn, không có thất tình, lục dục, hành “La hán phục ma thần công” dễ dàng thành tựu, không bị tẩu hỏa, như Tạ Yên Khách đã nhận xét:
“Thằng bé này đầu óc chưa được mở mang, chuyện đời hoàn toàn không biết, trong lòng không có tạp niệm, vì thế mới không bị tẩu hỏa nhập ma” (tr. 136)
Công phu “La hán phục ma” quả là công phu giáo dục các tâm hồn, các cá nhân cho một xã hội đạo đức, nhân ái, đầy tình người!
V. Hồi 4: Bang chúa rừng Lạc bang
A. Tóm tắt hồi 4
– Tại Ma Thiên Lãnh, Cẩu Tạp Chủng vừa luyện xong 18 đường âm công và 18 đường dương công của “La hán phục ma thần công”, do không biết điều hòa kinh mạch âm dương nên bị “tẩu hỏa”, may kịp lúc Bối Hải Thạch, và thêm các đại cao thủ Trường Lạc bang, xuất hiện cứu cấp, tạm thời qua được cơn nguy cấp; Bối Hải Thạch lầm tưởng Cẩu Tạp Chủng là Thạch Phá Thiên, bang chủ, nên rước về điều dưỡng ở cung Trường Lạc.
– Tại cung Trường Lạc, Bối Hải Thạch tiếp tục trị liệu mỗi ngày. Đinh đinh Đang đang, người tình của Thạch Phá Thiên, cho uống Huyền Băng Bích Hỏa Tửu (loại rượu rất trân quý của võ lâm, dùng để trì hoãn lại sự tương giao của hai luồng khí âm dương trong nội thể), nên Cẩu Tạp Chủng hồi tỉnh.
– Vào lúc hai luồng âm dương khí dâng đầy ở huyệt Đản Trung (giữa ngực) thì Triển Phi hương chủ, kẻ thù bị cướp vợ của Thạch Phá Thiên, xuất hiện đánh một chưởng mạnh vào huyệt Đản Trung để kết liễu đời Thạch Phá Thiên. Không ngờ, chưởng nầy đã giúp Cẩu Tạp Chủng điều hòa được khí huyết, thành tựu thần thông “La hán phục ma” lên đến đỉnh điểm. Triển Phi hương chủ thì bị phản lực mà bị gãy một cánh tay và trọng thương.
Cẩu Tạp Chủng, với từ tâm, vô hại tâm, đã bao che cứu tội và trị thương cho Triển Phi.
Thật là sự lạ đầy kinh dị!
B. Ý kiến
1. Lạc bang là từ ngữ Phật học chỉ cõi nước của Đức Phật A-Di-Đà. Ở đó, vắng mặt mọi thứ khổ đau, mãi mãi hạnh phúc, yên vui nên gọi là Trường Lạc.
Bối Hải Thạch và các Hương chủ bang nầy thì bản chất hành ma đạo. Do vì tránh nạn dự hội yến Lạp Bát ở Hiệp Khách đảo nên tráo dựng bang chủ Thạch Phá Thiên; sau khi Thạch Phá Thiên (Thạch Trung Ngọc) ẩn trốn, Bối Hải Thạch lại mạo dựng Cẩu Tạp Chủng.
Thật là ý vị! Tâm chân của Cẩu Tạp Chủng lại cần được nuôi dưỡng, phát triển tại ma xứ nầy!
2. Cẩu Tạp Chủng – sức mạnh của vô dục,vô chấp:
– Bản tính của Cẩu Tạp Chủng là minh mẫn, chân thật, thuần lương, vô dục và không chấp nệ các thị phi.
– Mọi người đều lầm chàng là Thạch Phá Thiên (trừ Bối Hải Thạch sau khi điều thương cho chàng) và bày tỏ thái độ tương hệ khác nhau: Cùng một đối tượng mà mỗi người ở vị trí khác nhau thì nhìn khác nhau. Cả tự thân Cẩu Tạp Chủng cũng không thật sự biết rõ gốc gác của mình, chỉ lờ mờ chàng là chú bé ở đỉnh Hùng Nhĩ, đùa giỡn với chó A-hoàng.
Nhờ có tâm lý vô dục, vô chấp ấy, Cẩu Tạp Chủng đã thành tựu không khó khăn thần thông siêu đẳng của “La hán phục ma”. Bước thành tựu còn tiến xa, xa nữa khi chàng không chấp thủ cả kết quả thành tựu. Khi Bối Hải Thạch nói:
“Chúc mừng bang chúa! Thần công cái thế của bang chúa đã luyện thành rồi”
Cẩu Tạp Chủng đã hồn nhiên hỏi lại:
“Cái gì… cái gì là cái thế thần công?”
Đây, thực sự là ngôn ngữ của Kinh Kim Cang khi diễn đạt sự chứng đắc bốn Thánh quả: Tu-đa-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, và A-la-hán:
“Đức Phật hỏi: ‘Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, vị Tu-đà-hoàn có nghĩ rằng: Ta đã chứng đắc Tu-đà-hoàn quả chăng? – Tôn giả Tu-bồ-đề đáp: Quả thật không, bạch Thế Tôn. Tại sao? Bởi vì, bạch Thế Tôn vị ấy không có chứng đắc bất cứ pháp nào. Cho nên vị ấy được gọi là Tu-đà-hoàn…
– “Bởi vì chưa có một pháp nào chứng đạt được quả Tư-đà-hàm. Đấy là lý do tại sao vị ấy được gọi là Tư-đà-hàm”
– … (Tương tự đối với quả A-na-hàm, A-la-hán…)
3. Hai cảnh giới thiền định:
– Tạ Yên Khánh, trên Ma Thiên Lãnh, khổ luyện nội công đạt đến mức “thân, ý, khí” điều hợp, vật ngã đều quên: đây là một loại thiền định có sức mạnh tập trung và có thần lực của một cảnh giới định sâu, nhưng tâm ý của ông còn vướng vào thị phi, tự ngã, nên theo Phật học gọi là tà định. Loại định nầy vắng mặt trí tuệ và tâm đại bi.
– Cẩu Tạp Chủng đạt định “La hán phục ma” với trí minh mẫn, không dục vọng, không dính mắc, đầy nhân ái, theo Phật học đây là loại chánh định. Chỉ loại thiền định nầy mới có thể phát triển đến cao điểm, giáp mặt chân lý, giải mã được “Thái huyền kinh”.
(Còn tiếp)
Lời BTV:
Độc giả quan tâm có thể tìm đọc tiểu thuyết Hiệp Khách Hành nói riêng và tiểu thuyết Kim Dung nói chung qua các phiên bản ebook có tại KOMO: http://komo.vn/tac-gia/77.html
Mời các bạn đón đọc Hồi 5: Đinh đinh Đang đang trong phần tiếp theo!
Từ khóa » đinh Bất Tam đinh Bất Tứ
-
Hiệp Khách Hành – Wikipedia Tiếng Việt
-
27. ĐINH BẤT TỨ - Poet HANSY
-
Bất Tam Bất Tứ Phải Bỏ Chạy Vì Không đánh Lại Cẩu Tạp Chủng
-
Ý Nghĩa Thú Vị Của Những Ngoại Hiệu Võ Lâm, Fan Kim Dung Chưa ...
-
Hiệp Khách Hành 2017 - Tập 28 Trailer | Đinh Bất Tứ Bất Phân ...
-
Hiệp Khách Hành – Du Học Trung Quốc 2022 - Wiki Tiếng Việt
-
Hồi 21 - Hiệp Khách Hành - Truyện Kim Dung
-
Hiệp Khách Hành (hồi 40) - VnExpress Giải Trí
-
Hiệp Khách Hành | Wiki Thiên Đế | Fandom
-
Hiệp Khách Hành (hồi 54) - VnExpress Giải Trí
-
Thạch Phá Thiên | Tiên Hiền Thư Viện - Vidian
-
Nhân Vật Đinh Bất Tứ - Thâu Hương Cao Thủ - TruyenYY
-
HIỆP KHÁCH HÀNH - Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy: Ngó Giai Nhân Hào Kiệt ...