Bâng Khuâng Đứng Giữa Hai Dòng Nước - Lựa Chọn Như Một ...
Có thể bạn quan tâm
Lê Tuyết Nhi
~100.000 followers
Theo dõi Nhắn tinThông tin
- Đang cập nhật...
- Đang cập nhật...
- Đang cập nhật... ~ 100.000 người
Sở thích
Chưa có thông tin
Cần tim bạn
Chưa có thông tin
- Đang cập nhật...
Lê Tuyết Nhi@Triết Học Tuổi Trẻ
4 năm trước
Bâng Khuâng Đứng Giữa Hai Dòng Nước - Lựa Chọn Như Một Khủng Hoảng
Giao lộ của tuổi trẻ là điểm tụ của những chú chim vừa rời tổ. Nó cất cánh bay, vượt khỏi khung trời chật hẹp của nó. Nó đến giao lộ này để va đập với cuộc sống, để trưởng thành. Những đứa trẻ đột ngột sa vào một dòng chảy phức tạp, bất tận mà trước nay chúng chưa từng gặp gỡ.
Đứa trẻ ấy lao vào dòng đời một cách ngẫu nhiên, thậm chí bất đắc dĩ. Dù đã được chuẩn bị từ trước, nó vẫn quá ngỡ ngàng. Nó cứ đi, vô định, và nhìn lại quãng đường mình đã đi. Ồ, ta đi xa thật, nhưng đây là đâu, ta lạc đường rồi chăng? Nhưng dù lạc hay không, nó thừa biết rằng mình không thể quay đầu lại nữa. Và dấu chân nó để lại trên đoạn đường kia là lộ trình của một tuổi trẻ, những gì nó đã làm được ghi vào thước phim của cuộc đời.
Ở đấy, sống là một sự lựa chọn, bày ra trước nó là vạn nẻo đường, ngập ngừng đứng giữa ngã ba tìm không ra hướng đi đúng. Mà đèn đỏ không đợi lâu. Đèn xanh, rồi lại phải đi. Khủng hoảng của người trẻ là cứ đi, cứ sống, lựa chọn một cách bất đắc dĩ bởi thời gian không cho phép lòng trù trừ nghĩ ngợi, nhưng khốn nỗi lựa chọn ấy đôi khi sai lầm, như ma đưa lối, quỷ dẫn đường, đưa người ta lạc lối đến phương trời nào không biết. Một ngày hanh hao, nắng ráo, nhìn cái tấp nập ngược xuôi của dòng đời mà tự hỏi mình đi đâu, về đâu.
Đâu phải vô cớ mà họ phải lầm đường lạc lối mà rơi vào hoang mang vô hướng như vậy. Đó là kết quả của quá trình giằng xé giữa con người và áp lực cuộc sống.
Xã hội này, xã hội 4.0, xã hội mới, thời đại bùng nổ công nghệ thông tin,... Ta có bao nhiêu cái tên để nói về nó? Kẻ nắm trong tay cuộc chơi là kẻ thức thời. Phải thấu thị quy luật vận động và bản chất của xã hội anh đang sống.
Chưa bao giờ như bây giờ, nhịp sống lại gấp gáp và vội vã như vậy. Một cuộc chạy đua với thời gian, một cuộc tốc hành tiến về tương lai của nhân loại. Rõ ràng khoảng cách thời gian của các cuộc cách mạng công nghiệp ngày càng được rút ngắn, và bước tiến đều đặn, nhanh nhảu đã thay thế bước chân nặng nề, trì trệ mà ì ạch của ngàn năm trước. Không ai phủ nhận xã hội đã phát triển và tiến bộ vượt bậc như thế nào. Nó như được lập trình lại. Mà một xã hội mới, đồng nghĩa với việc một quy tắc sống, một luật chơi mới được thiết lập.
Nhịp sống vội vã ấy tác động lên mọi mặt đời sống con người, đến cả bề sâu trong linh thức con người. Điều gì làm nên tốc độ, lực tiến của một xã hội? Con người, hết thảy loài người. Tất cả bị cuốn vào một guồng quay vội vã, phải chạy liên tục không ngừng nghỉ. Cuộc sống không kẽ hở, cuộc sống dồn nén, áp lực đã được tạo ra như vậy. Bởi những hoài bão, khát khao chinh phục cũng như khát vọng sinh tồn, gắng tóm lấy những cơ may để tiếp tục duy trì sự sống trên bờ vực chết chóc bởi tài nguyên, năng lượng cạn kiệt,... con người vắt kiệt sức mình, cả bàn tay lẫn khối óc. Coi như hy sinh sinh khí của mình để cứu lấy sinh khí cho vũ trụ vậy. Cuộc cứu sinh ấy chẳng dễ dàng, mà con người cũng không cho phép mình từ bỏ. Vậy là ta cứ quay cuồng với một mớ hỗn độn, đầu óc ta mụ mị đi, mà vì vậy càng trở nên chông chênh trước cuộc đời vạn biến.
Tốc độ kinh ngạc ấy kết hợp với sự hội nhập, giao thoa, cộng hưởng văn hoá - xã hội,... càng làm thế giới trở nên đa nguyên, đa trị hơn nữa. Từ đấy ta có một xã hội lệch chuẩn, hay đáng sợ hơn - loạn chuẩn - đã chẳng còn trật tự, phép tắc, một cái chuẩn nào để người ta lấy làm gốc nữa. Chân giá trị bị méo mó đi, mà như đã nói, bởi xã hội đã được lập trình lại. Trước mắt ta bây giờ là đống gạch đổ nát, những tàn tích bị phế truất, và người ta đang cất công xây dựng một công trình ấp ủ trong óc từ lâu.
Người trẻ, trẻ tuổi, trẻ lòng, trẻ dạ,... hội tụ đủ mọi thứ trẻ, lại rơi vào vòng xoáy ấy, không khỏi có những bỡ ngỡ. Họ đứng trước cơn lốc ấy mà lòng có chút phân vân tự hỏi - có nên dấn thân mình? Bởi bước vào đó, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đối mặt với tất cả những gì họ chưa thể dự tính được trước đó, tất cả những nguy cơ, những hiểm nguy, và có thể đuối sức, ngã quỵ trong cơn bão. Dĩ nhiên đó là một môi trường để tôi luyện bản thân, để cho ra đời một thế hệ trẻ tinh thần thép, những chiến binh kiên cường của hành tinh. Dù vậy bản thân mỗi người đều nhận thấy có chút gì bất trắc.
Bất trắc bởi điểm đứng của con người trên cuộc đời này vốn đã nhỏ bé, đặt vào dòng xã hội ngày nay, nó càng trở nên bất định, vô thường hơn nữa. Đích đến cuộc sống là một điều gì đó xa vời. Tuy nhiên dấu hỏi lớn nhất đặt ra với người trẻ bây giờ không phải làm thế nào để đến đích, đi thế nào để tiến đến thành công, mà là đích đến ở đâu, đích đến là gì, mình đi đâu? Cái bi kịch của người trẻ, khó khăn nhất với họ có lẽ là sự lựa chọn, phán đoán, trước những con đường, trước những cơ hội mở ra trong cuộc sống.
Ý thức về sự mất mát của cơ hội không khi nào rõ rệt bằng lúc ta nắm lấy quá nhiều cơ hội trong tay. Cơ hội - đó vừa là điểm mạnh vừa là chỗ hổng của xã hội. Bởi lựa chọn một con đường tức là đánh đổi nó với hàng trăm con đường khác, là lấy nó, và từ bỏ hàng triệu khả năng khác. Con người chỉ có thể sống trong một hiện thực. Toàn bộ những cái khả nhiên đều biến thành tiềm lực, một thứ vô thực, khi ta không chọn lấy nó. Mà một lựa chọn nhỏ của người trẻ có thể làm xoay chuyển cuộc đời anh ta, làm nên con người anh ta lúc về già. Mỗi lựa chọn vì vậy là một cuộc đánh cược, một ván cờ, một cuộc đối thoại giữa con người với cuộc sống. Và vì sao lựa chọn lại là khủng hoảng của người trẻ? Bản thân lựa chọn là một tự do, một quyền lợi. Nhưng khi sống chỉ là chuỗi ngày của những lựa chọn, khi con người bắt buộc phải lựa chọn, liên tục bắt ép tâm trí phải hình dung về tương lai, về tất cả những khả năng có thể xảy ra từ lựa chọn ấy, đó không còn là tự do nữa. Qua nhiều cuộc khảo nghiệm, các nhà khoa học còn kết luận rằng khi phải lựa chọn quá nhiều, người ta thường có xu hướng chọn sai đi, lệch đi so với những gì bản thân thực sự cần, thực sự mong muốn, cũng như với hiện thực, hoàn cảnh sống.
Một trong những tác nhân gây ra khủng hoảng ấy là việc nhiễu loạn thông tin - đứa con của thời đại công nghệ thông tin tiên tiến. Theo tạp chí Forbes, mỗi ngày có khoảng 2.5 quintillion (2.5 tỷ tỷ) bytes thông tin được tạo ra. Chỉ trong hai năm vừa qua, Internet đã tạo 90% tổng lượng thông tin của thế giới. Một sự bùng nổ đến kinh hoàng. Giữa ngổn ngang những thông tin ấy, người trẻ hoang mang hơn bao giờ hết - khi phải mang trọng trách xử lý chúng. Nhiều người có xu hướng choáng ngợp trước lượng thông tin khổng lồ đó, mà mất đi những sáng suốt, minh mẫn để đưa ra một lựa chọn đúng đắn.
Thông tin bị gây nhiễu, thông tin ảo trà trộn cùng thông tin thực khiến người ta lẫn lộn chẳng phân rõ thực hư. Vì vậy mà mất lòng tin. Người trẻ vừa hoang mang vừa ngẩn ngơ giữa dòng chảy cuộc đời, lại phải thất tin vào cuộc đời, thất tin dẫn đến thất tín. Một khi họ thất tín, họ mất đi nơi nương tựa. Con người không còn cái gì để bám víu, không còn một động lực, một điểm bất di bất dịch vững chắc để họ dựa vào. Những căn bệnh tâm lý ngày càng trở nên phức tạp, mà đáng quan ngại thay, bệnh nhân lại thường là những người trẻ tuổi - tương lai nhân loại.
Tôi nghĩ, cách duy nhất để vững vàng là hiểu mình. Va đập với cuộc sống, choáng mình trong dòng chảy xiết, nhưng vẫn giữ được mình, vẫn tìm về được với bản ngã của mình, thế là con người vững chãi trước những chông chênh. Chỉ có hiểu mình mới lắng nghe tiếng nói trái tim, mới có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn, mới tìm thấy con đường chân ta muốn đặt lên, giữa hàng vạn con đường chẳng khác biệt nhau mấy kia.
Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi?
Câu hỏi ấy, thiết nghĩ không nên tồn tại quá lâu. Cũng không nên hỏi ai, xin ý kiến người nào. Người cần lắng nghe là chính bạn. Người trẻ cần có một cuộc trò chuyện với bản thân mình. Để thoát khỏi khủng hoảng của việc lựa chọn. Để an nhiên bước qua giao lộ ấy không trầy trọc, thương tích.
Tác giả: Lê Tuyết Nhi
--------------------------------Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
2,323 lượt xem, 2,093 người xem - 2093 điểm
Thích 0Không thích 0Chia sẻ Lưu bài Có thể bạn thíchTừ khóa » Hình Anh Bâng Khuâng đứng Giữa Hai Dòng Nước
-
Bâng Khuâng đứng Giữa đôi Dòng Nước – Câu Thơ đặc Sắc Nhất Của ...
-
Bài Thơ: Dậy Lên Thanh Niên (Tố Hữu - Nguyễn Kim Thành) - Thi Viện
-
Bâng Khuâng đứng Giữa đôi Dòng Nước Chọn Một Dò... - Goodreads
-
Spiderum - Bâng Khuâng đứng Giữa đôi Dòng Nước Chọn Một...
-
Hỏi đáp 24/7 – Giải Bài Tập Cùng Thủ Khoa
-
Gap Year - Một Năm Sống Chậm | Tập 9: Bâng Khuâng đứng Giữa đôi ...
-
Bâng Khuâng đứng Giữa đôi Dòng Nước – Câu Thơ đặc Sắc Nhất Của ...
-
Bâng Khuâng đứng Giữa Hai Dòng Nước…. - Tâm Sự
-
Bâng Khuâng đứng Giữa đôi Dòng Nước - Flickr
-
Bâng Khuâng đứng Giữa Hai Dòng Nước Chọn Một Dòng Hay để ...
-
Bâng Khuâng đứng Giữa Hai Dòng Nước - HTV
-
Bâng Khuâng đứng Giữa đôi Dòng | VOV.VN
-
Bâng Khuâng đứng Giữa đôi Dòng Nước - Hoctronews