Bằng Nghề Có Cần Theo Mẫu Chung ? - Tuổi Trẻ Online

Có đến hàng chục mẫu chứng nhận, bằng cấp được cấp cho người học nghề và cũng có rất nhiều trường hợp người học nghề không khỏi ngỡ ngàng khi được biết giấy chứng nhận tay nghề của mình hoàn toàn không có giá trị pháp lý ! Vậy người học nghề được cấp bằng gì, bằng cấp, chứng chỉ nào là hợp pháp, có giá trị toàn quốc?

Theo Luật giáo dục, người hoàn tất chương trình đào tạo nghề ngắn hạn được cấp chứng chỉ nghề, dài hạn được cấp bằng nghề. Chỉ có bằng nghề và chứng chỉ nghề theo mẫu của Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động - thương binh & xã hội là hai loại chứng nhận có giá trị pháp lý được cấp cho người hoàn tất các chương trình đào tạo nghề (ngoại trừ một số ít các loại bằng, chứng nhận riêng đã có đăng ký và được sự đồng ý của Tổng cục Dạy nghề).

Tuy nhiên, nhiều trường ĐH lại tự in mẫu bằng, giấy chứng nhận theo mẫu riêng, không sử dụng mẫu văn bằng, chứng chỉ quốc gia. Thậm chí có trường khi chiêu sinh nghề công nghệ thông tin còn hứa hẹn: ngoài bằng nghề quốc gia, học sinh tốt nghiệp còn được cấp bằng kỹ thuật viên công nghệ thông tin của ĐH Quốc gia TP.HCM (?!).

Để giải quyết tình trạng xé rào này, cơ quan quản lý dạy nghề ở TP.HCM đã nhiều lần yêu cầu các trường đăng ký chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ theo mẫu quốc gia. Đáp lại, phía các trường (nhất là các trường ĐH ) chỉ im lặng và tiếp tục in và cấp bằng, chứng nhận theo mẫu riêng.

Lý do là mẫu chứng chỉ nghề của tổng cục ban hành quá sơ sài, không thể hiện được trình độ của người được cấp chứng chỉ. Khóa học nghề một tuần, một tháng hay một năm (hễ là hệ ngắn hạn) đều được cấp chứng chỉ nghề, trên đó chỉ ghi khóa học từ ngày... đến ngày..., không có mục để ghi số tiết học cũng như không có mục xếp loại trình độ tay nghề...

Trong khi đó đối với hệ đào tạo nghề ngắn hạn, thời lượng đào tạo phải được đánh giá bằng số tiết cụ thể thay vì tính bằng số ngày. Và bản thân người đi học cũng không muốn bị cào bằng trình độ, một chứng chỉ có xếp loại hẳn hoi giúp họ dễ xin việc làm hơn (nếu được xếp loại khá, giỏi). Đã không ít lần các cơ sở đào tạo và quản lý dạy nghề địa phương kiến nghị thay đổi mẫu chứng chỉ nghề cho hợp lý hơn, nhưng rất tiếc đến nay vẫn chưa có động thái cải tiến nào từ phía cơ quan chức năng.

Từ khóa » Chứng Chỉ Nghề Bậc 3/7