Bàng Quang: Cấu Tạo Và Chức Năng - YouMed
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- Vị trí của bàng quang
- Hình dạng của bàng quang
- Cấu tạo của bàng quang
- Chức năng của bàng quang
- Một số bệnh lý liên quan đến bàng quang
- Cách chăm sóc sức khỏe bàng quang
Mỗi cơ quan bộ phận được sinh ra trong cơ thể người tất có một vai trò quan trọng của nó. Và bàng quang cũng vậy. Đây là một cơ quan rất quan trọng nằm trong hệ tiết niệu của chúng ta. Bàng quang đóng vai trò chủ yếu trong việc lưu trữ và tống xuất nước tiểu ra ngoài. Vậy cấu tạo của bàng quang như thế nào để đảm nhận vai trò đó? Những vấn đề sức khỏe nào thường gặp ở bàng quang? Bài viết sau của Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân sẽ giải thích rõ hơn các thắc mắc trên.
Vị trí của bàng quang
Thật vậy, bàng quang là một tạng rỗng mà hình dạng, kích thước và vị trí thay đổi theo số lượng nước tiểu chứa bên trong nó.
Bàng quang là một tạng nằm dưới phúc mạc. Ở người lớn, khi rỗng, bàng quang nằm hoàn toàn trong phần trước vùng chậu. Khi căng đầy, bàng quang có hình cầu và nằm trong ổ bụng. Phía trước bàng quang là xương mu. Phía sau bàng quang là các tạng sinh dục và trực tràng. Trong khi đó, phía dưới bàng quang là hoành chậu.
Ở trẻ em, bàng quang có hình giống quả lê với cuống là ống niệu – rốn, phần lớn bàng quang nằm trong ổ bụng. Khi lớn lên, bàng quang tụt dần xuống vùng chậu. Khi già đi, do trương lực của các cơ thành bụng yếu, bàng quang có phần hơi nhổ lên trên và về phía ổ bụng.
Hình dạng của bàng quang
Hình dạng bên ngoài
Bạn hãy hình dung bàng quang có hình tứ diện tam giác với bốn mặt: mặt trên, mặt sau và hai mặt dưới bên.
Mặt trên
Đây là mặt được phúc mạc che phủ. Có dạng lồi khi bàng quang đầy, lõm xuống khi bàng quang rỗng. Mặt trên liên quan với ruột non, ruột già. Ở nữ giới, mặt trên còn liên quan với thân tử cung khi bàng quang rỗng.
Hai mặt dưới bên
Nằm trên hoành chậu. Hai mặt này gặp nhau ở phía trước bởi một bờ tròn, đôi khi được gọi là mặt trước. Hai mặt này liên quan với xương mu, khớp mu, đám rối tĩnh mạch bàng quang.
Mặt sau
Có dạng phẳng, đôi khi lồi (nhất là ở người già). Mặt này còn được gọi là đáy bàng quang. Ở nam, mặt sau liên quan với ống dẫn tinh, túi tinh, trực tràng. Ở nữ, liên quan với thành trước âm đạo, cổ tử cung.
Mặt trên và hai mặt dưới bên gặp nhâu ở phía trước gọi là đỉnh bàng quang. Từ đây có dây chằng rốn giữa treo bàng quang vào rốn. Giữa đỉnh và đáy bàng quang gọi là thân bàng quang.
Hình dạng bên trong
Mặt trong bàng quang được lót bởi một lớp niêm mạc có màu hồng nhạt. Khi bàng quang rỗng, niêm mạc xếp nếp tạo nên các nếp niêm mạc. Trong khi đó, bàng quang căng, các nếp niêm mạc căng lên.
Tuy nhiên có một vùng mà niêm mạc không xếp nếp đó là tam giác bàng quang. Vùng này có màu đỏ hơn các nơi khác. Nó được tạo bởi ba đỉnh là hai lỗ niệu quản và lỗ niệu đạo trong.
Cấu tạo của bàng quang
Thật vậy, bàng quang được cấu tạo bởi 4 lớp, được sắp xếp hài hòa từ trong ra ngoài. Bao gồm:
- Lớp niêm mạc.
- Lớp dưới niêm mạc.
- Lớp cơ. Gồm nhiều bó cơ trơn, xếp thành 3 lớp: lớp ngoài và lớp trong là cơ dọc, lớp giữa là cơ vòng.
- Lớp thanh mạc.
Chức năng của bàng quang
Chức năng bình thường của bàng quang là dự trữ và tống xuất nước tiểu. Chúng hoạt động hợp tác nhịp nhàng với nhau và có kiểm soát. Hoạt động này được điều phối bởi thần kinh trung ương và ngoại biên.
Lưu trữ nước tiểu
Bàng quang nhận nước tiểu từ hai thận qua hai niệu quản. Hai niệu quản vào bàng quang qua hai lỗ niệu quản (tạo thành tam giác bàng quang).
Bàng quang có khả năng dung chịu cao làm cho nó chứa nhiều nước tiểu mà áp lực trong bàng quang không tăng lên nhiều.
Bình thường, khi bàng quang chứa được khoảng 250 – 350 ml nước tiểu thì ta cảm giác muốn đi tiểu. Trung bình bàng quang có thể chứa tới 500 ml nước tiểu mà không quá căng. Nếu bạn cố nín tiểu thì dung tích bàng quang có thể tăng lên nhiều. Trong trường hợp bí tiểu, bàng quang căng lên rất to và có thể chứa tới vài lít nước tiểu.
Đặc điểm thú vị này của bàng quang là do đặc tính nhầy – đàn hồi của thành bàng quang. Cũng như sự chi phối của hệ thần kinh, chi phối nhịp nhàng các cơ ở bàng quang.
Vai trò tống xuất nước tiểu
Khi bàng quang đầy, những thụ thể chịu sức căng bề mặt của cơ bàng quang gửi tín hiệu tới não. Bệnh nhân sẽ biết được cảm giác bàng quang đầy, và có nhu cầu đi tiểu. Khi nhận được tín hiệu, não sẽ gửi tín hiệu phản hồi xuống bàng quang khiến cho thành bàng quang co lại và cơ thắt. Van ở gần đầu niệu đạo thả lỏng và dần mở ra để nước tiểu chảy xuống, thoát ra ngoài cơ thể.
Một số bệnh lý liên quan đến bàng quang
Viêm bàng quang
Tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng bàng quang gây nên những cảm giác đau cấp tính hoặc kéo dài mạn tính. Đồng thời, kèm theo những cảm giác không thoải mái, khó chịu, tiểu lắt nhắt, tiểu són. Viêm bàng quang là một bệnh rất phổ biến, chiếm khoảng trên 50% số ca nhiễm trùng đường tiết niệu.
Biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh là viêm đài bể thận dẫn tới suy thận. Tuy nhiên, nếu được điều trị thích hợp hoàn toàn có thể làm giảm biến chứng của tình trạng này.
Sỏi bàng quang
Sỏi có thể hình thành ở thận và đi xuống bàng quang. Sỏi bàng quang thường có hình tròn, ít khi xù xì góc cạnh. Nếu sỏi chặn dòng nước tiểu đến hoặc từ bàng quang, chúng có thể gây đau dữ dội. Khi sỏi xuống bàng quang, trường hợp sỏi nhỏ, có thể được đào thải ra ngoài theo đường tiểu. Nhưng với những viên sỏi lớn hơn, chúng nằm tại đây, lâu ngày tích tụ lớn tiếp tục bám vào gây nên các cơn đau khó chịu.
Ung thư bàng quang
Một khối u trong bàng quang thường được phát hiện sau khi bạn phát hiện tình trạng tiểu máu. Hút thuốc lá và phơi nhiễm hóa chất tại nơi làm việc thường gây ra hầu hết các trường hợp ung thư bàng quang. Bệnh hay gặp ở người lớn tuổi và phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Ung thư bàng quang là bệnh thường có tiên lượng khá tốt nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Tiểu không tự chủ
Là tình trạng rò rỉ nước tiểu ra ngoài một cách không kiểm soát, có thể kéo dài là mãn tính. Tiểu không tự chủ có thể do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, thuốc, rối loạn cơ sàn chậu. Đây là chứng bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp hơn ở tuổi trung niên hay ở phụ nữ sinh nhiều lần. Tình trạng tiểu không tự chủ gây nhiều khó chịu và bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Bàng quang tăng hoạt
Hội chứng bàng quang tăng hoạt đặc trưng bởi tình trạng mắc tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu gấp, són tiểu không kiểm soát được. Chúng tuy không nguy hiểm nhưng gây ra rất nhiều phiền toái với cuộc sống của bạn. Một số nguyên nhân như chấn thương tủy sống hay vùng chậu, sỏi bàng quang, đái tháo đường, do thuốc…
Tiểu máu
Là tình trạng xuất hiện các tế bào máu trong nước tiểu. Tiểu máu có thể quan sát bằng mắt thường nhưng đôi khi chỉ phát hiện qua các xét nghiệm. Tiểu máu có thể vô hại, hoặc có thể do nhiễm trùng hoặc một tình trạng nghiêm trọng như ung thư bàng quang. Vì vậy, nếu gặp triệu chứng này bạn cần được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Bí tiểu
Bí tiểu là tình trạng nước tiểu không thoát ra khỏi bàng quang. Nguyên nhân thông thường do tắc nghẽn hoặc ức chế hoạt động của cơ bàng quang. Nếu không được thông tiểu kịp thời hoặc bí tiểu tái đi tái lại nhiều lần gây ứ đọng nước tiểu. Từ đó có thể dẫn đến viêm nhiễm bàng quang. Nước tiểu viêm nhiễm ngược dòng có thể gây viêm thận, suy thận. Do đó, người bệnh cần đi khám và điều trị dứt điểm càng sớm càng tốt.
Đái dầm (Đái dầm khi ngủ)
Đái dầm được định nghĩa là khi một đứa trẻ 5 tuổi trở lên đái dầm ít nhất một hoặc hai lần một tuần trong ít nhất 3 tháng. Là tình trạng đi tiểu không tự chủ trong khi ngủ. Vẫn có một số trường hợp, bệnh đái dầm không tự khỏi được khi lớn lên. Và thậm chí có thể tiến triển thành bệnh đái dầm mãn tính. Bạn nên đưa con đến các cơ sở y tế để tìm hiểu nguyên nhân gây nên tình trạng này. Tùy vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
Tiểu khó (tiểu đau)
Là cảm giác đau hoặc khó chịu khi đi tiểu. Nguyên nhân thường do nhiễm trùng, kích thích hoặc viêm bàng quang, niệu đạo hoặc bộ phận sinh dục bên ngoài.
Cách chăm sóc sức khỏe bàng quang
Bàng quang cũng như các bộ phận khác đều rất quan trọng và quý giá. Vì vậy, bạn cần trang bị những kiến thức để bảo vệ sức khỏe bàng quang. Cũng như ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan, đặc biệt là ung thư. Bạn cần lưu ý:
Uống đủ nước mỗi ngày
Mỗi ngày nên uống đủ nước, tùy thuộc vào nhu cầu hoạt động và sinh lí của mỗi người. Thông thường từ 2 – 2,5 lít nước, hoặc quan sát màu nước tiểu vàng trong là bạn uống đủ nước. Đủ nước giúp làm sạch vi khuẩn trong đường tiết niệu. Không uống quá nhiều nước hoặc quá ít nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của bàng quang.
Vệ sinh sạch sẽ
Hàng ngày, bạn cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ, giữ vùng kín luôn khô ráo, tránh ẩm ướt. Giúp ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm, không cho vi khuẩn có cơ hội tấn công bàng quang.
Không nhịn tiểu
Nhịn tiểu rất có hại cho bàng quang, khiến các cơ ở đây yếu đi, ảnh hưởng xấu đến thận.
Tuân thủ điều trị
Nếu bạn đang có sẵn các bệnh nền, đặc biệt là bệnh mạn tính như đái tháo đường, hãy tuân thủ điều trị và thăm khám đúng hẹn.
Giữ cân nặng hợp lí
Cơ quan này chịu áp lực của trọng lượng cơ thể. Việc không kiểm soát được cân nặng có thể khiến áp lực lên bàng quang tăng.
Không hút thuốc lá
Bạn biết đấy, hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư bàng quang.
Ăn uống khoa học
Hạn chế các thực phẩm gây kích thích bàng quang như: đồ ăn cay nóng, đồ ăn chứa nhiều axit, chứa nhiều đường.
Lối sống năng động
Tập thể dục thể thao hằng ngày, tập vừa sức giúp tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu những thông tin thú vị về hình thể cũng như cấu tạo của bàng quang. Cũng như điểm qua một số bệnh lý thường gặp. Hãy cùng YouMed thực hiện một lối sống lành mạnh để chăm sóc sức khỏe cho bàng quang. Hy vọng bạn đọc đã có những kiến thức hữu ích từ bài viết. Nếu có bất kỳ thắc mắc về vấn đề sức khỏe đừng ngần ngại chia sẻ cùng chúng tôi. Cảm ơn bạn luôn đồng hành cùng YouMed nhé!
Từ khóa » Vị Trí Giải Phẩu Bàng Quang
-
Giải Phẫu Bàng Quang
-
Vị Trí, Cấu Tạo, Chức Năng Của Bàng Quang
-
Bàng Quang: Cấu Tạo, Vị Trí, Chức Năng, Cách Thức Hoạt động | Vinmec
-
Cấu Tạo, Vị Trí, Vai Trò Và Một Số Bệnh Thường Gặp ở Bàng Quang
-
SƠ LƯỢC GIẢI PHẪU HỆ TIẾT NIỆU | BS ĐẶNG PHƯỚC ĐẠT
-
Giới Thiệu Phẫu Thuật Tạo Hình Bàng Quang Mới Từ Hồi Tràng Trong ...
-
Ung Thư Bàng Quang: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Chẩn đoán Và điều Trị
-
GP Hệ Tiết Niệu - SlideShare
-
[PDF] CHUYÊN ĐỀ 1 GIẢI PHẪU ĐƯỜNG TIẾT NIỆU TRÊN ỨNG DỤNG ...
-
Ung Thư Bàng Quang - Rối Loạn Di Truyền - Cẩm Nang MSD
-
Các Bất Thường ở Bàng Quang - Khoa Nhi - MSD Manuals
-
Tuyến Tiền Liệt – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chấn Thương Niệu đạo - Health Việt Nam