Băng Tan ở Tây Tạng Có Thể Giải Phóng Vi Khuẩn Nguy Hiểm

Nhóm nghiên cứu lấy mẫu vật từ 21 sông băng ở Tây Tạng. Ảnh: Xinhua

Nhóm nghiên cứu lấy mẫu vật từ 21 sông băng ở Tây Tạng. Ảnh: Xinhua

Hơn 80% vi khuẩn nghiên cứu nhận dạng chưa từng được bắt gặp trước đây, theo nhóm chuyên gia đến từ Trung Quốc, Australia và Đan Mạch, đứng đầu là các nhà khoa học đến từ Đại học Lan Châu. Phân tích gene của chúng phát hiện những tổ chức vi sinh vật này có hơn 27.000 phân tử có thể giúp vi khuẩn gây bệnh cho thực vật, động vật hoặc con người, và gần một nửa số vi khuẩn đó chưa được ghi nhận bao giờ.

Tương tác giữa sông băng và tổ chức vi khuẩn hiện đại có thể đặc biệt nguy hiểm. Rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe cần được đánh giá kỹ, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh trong bài báo đăng hôm 27/6 trên tạp chí Nature Biotechnology. Theo họ, nếu những vi khuẩn có khả năng gây nguy hiểm này được giải phóng từ lớp băng, chúng sẽ ảnh hưởng tới hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.

Cao nguyên Tây Tạng và dãy núi Hindu Kush thuộc dãy Himalaya được ví như Cực thứ ba do tập trung nhiều sông băng nhất ngoài Bắc Cực và Nam Cực. Khu vực này còn có biệt danh "tháp nước châu Á" do là nguồn của 10 con sông lớn tại châu Á, cung cấp nước cho gần 2 tỷ người. Đây là khu vực rất nhạy cảm với nhiệt độ ấm lên do biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu độc lập của các chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đầu tháng 6 phát hiện nhiệt độ hàng năm ở cao nguyên Tây Tạng tăng 0,44 độ C mỗi thập kỷ trong giai đoạn từ năm 1979 đến 2020, gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

Sông băng và thềm băng chiếm khoảng 10% bề mặt Trái Đất, hỗ trợ nhiều dạng sự sống bao gồm vi khuẩn, tảo, nấm và nhiều tổ chức vi sinh vật khác. Sông băng cũng giữ lại và bảo quản tổ chức vi sinh vật từ quá khứ cách đây hàng nghìn năm. Để hiểu rõ hơn hệ gene vi khuẩn ở Tây Tạng, nhóm nghiên cứu thu thập mẫu băng và tuyết từ 21 sông băng trong năm 2010 - 2016. Họ ghi nhận 968 loài và 25 triệu hệ gene. Theo họ, đó là danh mục gene và hệ gene chi tiết nhất đối với hệ sinh thái sông băng.

"Đây là bước quan trọng đầu tiên nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh thái của hệ vi khuẩn sông băng trong điều kiện sông băng thu hẹp trên toàn cầu", Liu Yongqin, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Lan Châu, cho biết.

Nhóm nghiên cứu cảnh báo hiện tượng ấm lên toàn cầu đang đẩy nhanh tốc độ tan chảy của sông băng, làm tăng tương tác giữa vi khuẩn mới nguy hiểm sống trong băng với thực vật, động vật và con người ở vùng hạ lưu. Họ sẽ cần phân tích kỹ hơn những yếu tố trên để đánh giá tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu đối với chất lượng nước.

An Khang (Theo SCMP)

  • 'Nhà kính' giúp tuyết liên nở rộ ở Tây Tạng

Từ khóa » Vi Khuẩn Băng