Bánh Phu Thê Đình Bảng - Dasavina
Có thể bạn quan tâm
Bánh phu thê là đặc sản của vùng quê Đình Bảng (Bắc Ninh). Đây là một nét đặc trưng của nền văn hóa Kinh Bắc. Ai chưa được ăn thì bị hấp dẫn bởi cái tên của nó, còn ai đã từng một lần thưởng thức thì khó có thể quên. Bánh phu thê Đình Bảng chắc chắn là món đặc sản mà các bạn nhất định nên thử một lần trong đời. Cùng tìm hiểu thêm về món đặc sản nổi tiếng này ngay sau đây nhé!
Nội dung
Nguồn gốc của bánh phu thê
Bánh phu thê từ xa xưa đã được coi là thứ bánh sang trọng dùng trong những dịp lễ Tết, cưới hỏi hoặc dùng làm quà biếu. Bánh được gói bằng những tấm lá dong giản dị, rồi luộc lên. Có một điều lạ ở thứ bánh này đó là không khoe mùi, tỏa hương như bánh rán, bánh khúc; chỉ tới khi bóc bánh đặt lên đĩa nó mới “quyến rũ” các giác quan của bạn. Dưới lớp vỏ bánh sắc vàng trong suốt lộ rõ nhân bánh mới biết để làm ra được cặp bánh công phu thế nào.
Theo người dân Đình Bảng, Bắc Ninh, bánh phu thê ra đời từ thời Lý. Khi xưa, trong lúc vua Lý Anh Tông xuất chinh chống lại giặc ngoại xâm, hoàng hậu đã ở nhà làm món bánh này gửi ra tiền tuyến cho nhà vua. Vua ăn thấy ngon liền đặt tên là bánh phu thê để gợi nhớ đến tình cảm vợ chồng. Kể từ đó, người dân nơi đây truyền tai nhau cách làm món bánh này và dần dần, bánh phu thê đã trở thành món ăn truyền thống ở Đình Bảng. Bánh phu thê không bao giờ đi lẻ một chiếc và luôn là một cặp, thể hiện sự gắn kết không rời xa của cặp vợ chồng.
Như vậy, nghề làm bánh phu thê Đình Bảng đã có lịch sử tồn tại lên đến hàng trăm năm. Trước đây, bánh phu thê thưởng chỉ được làm vào dịp Tết Nguyên đán và ngày hội Đền Đô để làm lễ tế hay làm quà biếu hoặc làm quà trong cưới hỏi. Ngày nay, nghề làm bánh phu thê vẫn phát triển khá nhanh chóng và người dân làm bánh vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tại Đình Bảng hiện nay có đến khoảng 1.000 hộ sản xuất và kinh doanh bánh phu thê, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Bánh phu thê Lụa Xuân – gia đình làm bánh nổi tiếng nhất Đình Bảng
Ở Đình Bảng có rất nhiều cơ sở làm bánh phu thê, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến cơ sở làm bánh Phu Thê Lụa Xuân của gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Lụa. Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm bánh phu thê, bà Nguyễn Thị Lụa đã tạo nên thương hiện nức tiếng nhất vùng đất Đình Bảng. Khi hỏi mua bánh phu thê ở đâu ngon, khách hàng chắc chắn sẽ nhận được sự gợi ý là cơ sở làm bánh Phu Thê Lụa Xuân.
Bánh phu thê Lụa Xuân được chính tay bà Lụa làm theo công thức gia truyền. Bà chỉ làm và bán tại nhà, ai biết thì mới tìm đến nhà bà để hỏi mua bánh. Cơ sở làm bánh phu thê Lụa Xuân nằm ngay cạnh Đình Đình Bảng, các bạn có thể dễ dàng tìm ra địa chỉ đó để mua bánh nếu có nhu cầu. Bánh của cơ sở này được rất nhiều khách hàng tìm đến tận nơi để mua bởi hương vị truyền thống đặc trưng và thơm ngon đặc biệt mà không phải bánh ở hàng nào cũng giống.
Ngày nay kinh tế đã phát triển, mức sống đã cao hơn nhưng bánh phu thê vẫn là thứ bánh được nhiều người ưa thích. Theo chân khách hành hương, bánh phu thê đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc và từng xuất ngoại qua nhiều nước. Bà Lụa kể: “Có một người Hàn Quốc sau khi được mời ăn bánh phu thê đã mua hẳn một va-li bánh về làm quà, cho dù giá cước máy bay đắt gấp nhiều lần giá bánh”.
Cách làm bánh phu thê Đình Bảng
Bánh phu thê mang hương vị thơm ngon tuyệt vời là bởi đã trải qua những công đoạn chế biến tỉ mỉ, theo công thức truyền thống. Nguyên liệu để làm ra món bánh này khá đơn giản, bao gồm đỗ xanh, dừa, đu đủ, hoa dành dành khô, phèn chua cùng một số gia vị khác. Bánh được gói bằng lá chuối và lá dong rồi dùng dây lạc hồng để buộc lại
Bà Nguyễn Thị Lụa, người làm bánh nổi tiếng trong làng, vừa làm bánh vừa giải thích cho khách về cách làm bánh: Nhân bánh phải được làm từ đỗ xanh nhưng phải chọn đúng loại đỗ xanh vỏ đỏ lòng mới tốt, đãi sạch vỏ, sau đó hấp chín, đánh tơi, rồi cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và các hương ngũ vị. Bột làm bánh phải được làm từ gạo nếp, xay bằng cối nước, sau đó lọc lấy chất tinh, ép cho ráo nước rồi phơi khô.
Tới khi nhào bánh phải dùng nước quả dành dành cho vào bột để lấy màu sắc tự nhiên chứ không được pha phẩm màu. Muốn cho bánh giòn thì dùng đu đủ xanh, ngâm phèn rồi cắt nhỏ nhào lẫn với bột. Khi ăn bánh ta sẽ thấy độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường… tất cả hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh.
Lá chuối và lá dong thì đem rửa thật sạch và phơi cho ráo nước. Khi bột và nhân đã xong, người ta sẽ cho 1 muộng bột rồi đặt viên nhân lên rồi lại cho 1 muỗng bột lên nữa. Tiếp đó, gấp các mép lá chuối sao cho thành 1 hình vuông gọn gàng và bọc lại bằng một lớp lá dong. Cuối cùng là buộc bánh bằng dây lạc hồng sao cho thật chắc, khi hấp thì bánh không bị tuột.
Giá bánh phu thê Đình Bảng
Mỗi nhà đều có một bí quyết làm bánh riêng vì vậy bánh của mỗi nhà đều có hương vị riêng, một nhãn hiệu riêng. Tất cả các khâu từ nhào bột, nặn bánh, làm nhân, tước lá, luộc bánh… đều phải làm thủ công, tốn nhiều công sức, vì vậy bánh tương đối đắt. Giá mỗi cặp bánh từ 35.000 đến 50.000 đồng tùy khối lượng, thế mà nhiều gia đình làm bánh trong vùng vẫn không làm kịp để bán.
Bà Lụa cho biết: “Những ngày lễ Tết, nhà bà phải mượn tới gần ba chục người làm. Mà cũng chẳng riêng nhà bà, cả làng Đình Bảng lúc nào cũng vui như có hội vì không khí khẩn trương sôi nổi của người làm, người bán, người mua”. Bánh gói xong được buộc dây rơm nếp, luộc xong, người ta tháo bỏ dây rơm, úp bụng hai chiếc bánh vào nhau rồi dùng lạt đỏ buộc thành cặp.
Ý nghĩa của bánh phu thê Đình Bảng
Nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh bẻ khuôn hình vuông bằng lá dừa, như biểu tượng vuông tròn của triết lý âm dương. Người ta dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân như thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình phu thê. Triết lý ngũ hành cũng được thể hiện một cách tinh tế qua năm màu của bánh, đó là màu trắng của bột lọc và cùi dừa, màu vàng của dành dành và nhân đỗ, màu đen của hạt vừng, màu xanh của lá, màu đỏ của lạt buộc. Tất cả như biểu tượng cho sự hòa hợp của đất trời và con người.
Lá gói bánh cũng là lá dong gói bánh chưng, nhưng phải làm kỹ hơn. Rửa sạch lá phải để ráo nước, sau đó tước bớt cọng để khi gói bánh được mềm mại. Lá lót trong phải là lá chuối tây dẻo luộc chín hong khô chứ không được dùng lá chuối tiêu. Người ta còn quét lên lá một lớp mỡ để khi bóc bánh không bị dính, lại làm cho bánh có độ ngậy đặc trưng.
Bánh phu thê ăn rất dẻo mêm và dai, thể hiện sự gắn kết lâu về của các cặp vợ chồng. Điều đó cũng thể hiện sự đồng lòng, đồng thuận, “Đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn”. Theo truyền thống, bánh phu thê thường được sử dụng như phần lễ vật trong tráp ăn hỏi mà nhà trai dành cho nhà gái. Hay trong đám cưới thì món bánh này cũng được dùng như một món tráng miệng.
Mua bánh phu thê Đình Bảng ở đâu?
Để có thể thưởng thức món bánh phu thê chuẩn vị truyền thống, các bạn hãy đến phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Những cơ sở làm bánh lâu đời thường nằm cạnh đình Đỉnh Bảng hay gần Đền Đô. Khi đến mua trực tiếp, các bạn có thể mua được những chiếc bánh nóng hổi mới ra lò và có hương vị thơm ngon nhất.
Nếu bạn ở xa và không có dịp để đến Đình Bảng thì có thể đặt hàng qua mạng. Hiện nay, các cơ sở làm bánh phu thê cũng bán sản phẩm của mình trên các sàn thương mại điện tử phổ biến. Các bạn có thể dễ dàng tìm ra nhiều cửa hàng trực tuyến để mua được bánh phu thê chính gốc. Tuy nhiên, mua hàng qua mạng thường có khá nhiều rủi ro và bánh chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, các bạn hãy tìm hiểu kỹ cửa hàng mình định mua mà trao đổi với người bán về cách sử dụng cũng như bảo quản nhé!
Khi thưởng thức bánh phu thê Đình Bảng, bạn sẽ cần bóc từng lớp lá dong, lá chuối đến khi chỉ còn phần bánh màu vàng đẹp mắt. Vị ngọt dịu, dẻo thơm của vỏ bánh kết hợp với vị bùi ngậy của nhân đỗ chắc chắn sẽ khiến bạn thỏa mãn. Bánh phu thê là món ăn không chỉ có vị ngon tuyệt vời mà còn chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc về tình cảm vợ chồng.
5/5 - (2 bình chọn)Từ khóa » Giới Thiệu Về Bánh Phu Thê đình Bảng
-
Bắc Ninh: Bánh Phu Thê Đình Bảng - đậm đà Hương Vị Tết Cổ Truyền
-
Bánh Phu Thê Đình Bảng: Món đặc Sản Bình Dị - 24H
-
Bánh Phu Thê Đình Bảng - Ước Mơ Về Cuộc Sống Gia đình Hạnh Phúc
-
Bánh Phu Thê Đình Bảng - đặc Sản Của Vùng Quê Quan Họ
-
Bánh Phu Thê Đình Bảng Nức Tiếng Gần Xa
-
Nguồn Gốc Bánh Phu Thê
-
Bánh Phu Thê Đình Bảng, Bắc Ninh Gần 1000 Năm - Eva
-
Bánh Phu Thê Làng Đình Bảng - Hương Vị đậm 1000 Năm Bắc Ninh
-
Bánh Phu Thê Đình Bảng - Báo Bắc Ninh
-
Bánh Phu Thê – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bánh Phu Thê - Xu Xê Là Gì, đặc Sản ở đâu? Có ý Nghĩa Gì, Bao Nhiêu ...
-
Bánh Xu Xê Đình Bảng–Đặc Sản Bắc Ninh Vị Ngon Nguyên Bản ...
-
Bánh Phu Thê – Biểu Tượng Của Thủy Chung
-
Bánh Phu Thê Minh Thu - Đậm đà Hương Vị Quê Hương