Báo Cáo Tình Hình Kinh Tế – Xã Hội Quý IV Và Năm 2021
Có thể bạn quan tâm
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2021 ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%. Về sử dụng GDP quý IV/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,37%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,28%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,36%.
Ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%) so với năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất của phần lớn cây trồng đạt khá so với năm trước, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản năm 2021 tăng cao góp phần duy trì nhịp tăng trưởng của cả khu vực. Ngành nông nghiệp tăng 3,18%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,88%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 1,73%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,21%, làm giảm 0,23 điểm phần trăm do sản lượng dầu mỏ thô khai thác giảm 5,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19,4%. Ngành xây dựng tăng 0,63%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng Tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm. Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,75%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,42%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,97%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%.
Về sử dụng GDP năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,09% so với năm 2020; tích lũy tài sản tăng 3,96%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,16%.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020).
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt trong quý III/2021, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành nông nghiệp có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời cùng với việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ để ổn định và phát triển sản xuất, đạt mức tăng trưởng cao. Kết quả hoạt động năm 2021 của ngành nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.
a) Nông nghiệp
Diện tích lúa cả năm ước đạt 7,24 triệu ha, giảm 38,3 nghìn ha so với năm trước; năng suất lúa ước đạt 60,6 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 43,88 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn.
Kết quả sản xuất vụ đông xuân của cả nước năm nay đạt khá với năng suất đạt 68,6 tạ/ha, tăng 2,9 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2020; sản lượng đạt 20,63 triệu tấn, tăng 755,1 nghìn tấn; diện tích gieo trồng đạt 3.006,8 nghìn ha, giảm 17,2 nghìn ha.
Vụ lúa hè thu năm 2021 đạt năng suất và sản lượng khá. Diện tích gieo trồng lúa hè thu cả nước năm nay đạt 1.954,2 nghìn ha, tăng 9,1 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2020; năng suất đạt 57 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha; sản lượng đạt 11,14 triệu tấn, tăng 389,1 nghìn tấn. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mức sản lượng đạt 8,65 triệu tấn, tăng 183 nghìn tấn so với năm 2020.
Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2021 ước tính đạt 719,7 nghìn ha, giảm 4,3 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước; năng suất toàn vụ ước tính đạt 56,1 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng ước tính đạt 4,04 triệu tấn, tăng 9,4 nghìn tấn.
Vụ mùa năm nay cả nước gieo cấy được 1.559,7 nghìn ha, giảm 26,1 nghìn ha so với năm trước; năng suất ước tính đạt 51,7 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng đạt 8,07 triệu tấn, giảm 36,2 nghìn tấn.
Kết quả sản xuất một số cây hằng năm: Sản lượng ngô đạt 4,43 triệu tấn, giảm 2,9% so với năm 2020; khoai lang đạt 1,22 triệu tấn, giảm 11,2%; lạc đạt 426,9 nghìn tấn, tăng 0,3%; đậu tương đạt 59,2 nghìn tấn, giảm 9,5%; rau, đậu các loại đạt 18,4 triệu tấn, tăng 1,7%.
Chăn nuôi trâu, bò trên cả nước nhìn chung ổn định. Ước tính tháng 12/2021, tổng số trâu cả nước giảm 3% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số bò tăng 1,3%; tổng số gia cầm tăng 2%; tổng số lợn tăng 3%. Sản lượng thịt hơi các loại năm nay đạt khá, trong đó sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 120,9 nghìn tấn, tăng 0,5% so với năm trước (quý IV đạt 34,5 nghìn tấn, tăng 3,5%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 458,3 nghìn tấn, tăng 3,8% (quý IV đạt 123,2 nghìn tấn, tăng 5,4%); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 4.180,2 nghìn tấn, tăng 3,6% (quý IV đạt 1.124,4 nghìn tấn, tăng 0,2%); sản lượng sữa đạt 1.159,3 nghìn tấn, tăng 10,5% (quý IV đạt 314,2 nghìn tấn, tăng 13,3%); sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1.940,9 nghìn tấn, tăng 3,2% (quý IV đạt 541,2 nghìn tấn, tăng 0,9%); sản lượng trứng gia cầm đạt 17,5 tỷ quả, tăng 5,1% (quý IV đạt 4,7 tỷ quả, tăng 7,4%).
Tính đến ngày 22/12/2021, cả nước không còn dịch lợn tai xanh và dịch lở mồm long móng; dịch cúm gia cầm còn ở Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Phước; dịch tả lợn châu Phi còn ở 41 địa phương và dịch viêm da nổi cục còn ở 7 địa phương chưa qua 21 ngày.
b) Lâm nghiệp
Năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước tính đạt 277,8 nghìn ha, tăng 2,8% so với năm trước (quý IV đạt 101,9 nghìn ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước); số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 99 triệu cây, tăng 3% (quý IV đạt 33,9 triệu cây, tăng 4,3%); sản lượng gỗ khai thác đạt 18,1 triệu m3, tăng 5,4% (quý IV đạt 5.245,2 nghìn m3, tăng 8,1%); sản lượng củi khai thác đạt 18,8 triệu ste, giảm 1,6% (quý IV đạt 4,5 triệu ste, giảm 3,8%). Diện tích rừng bị thiệt hại[1] là 2.081 ha, tăng 29,3% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1.229 ha, gấp 1,7 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 852 ha, giảm 6,2%.
c) Thủy sản
Sản lượng thủy sản quý IV/2021 ước tính đạt 2.316,3 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 8.726,6 nghìn tấn, tăng 1% so với năm 2020, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 4.805,8 nghìn tấn, tăng 1,0% (quý IV đạt 1.452,7 nghìn tấn, tăng 3,5%); sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.920,8 nghìn tấn, tăng 0,9% (quý IV đạt 863,6 nghìn tấn, tăng 1,7%).
3. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trong quý IV/2021 khởi sắc ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2021 ước tính tăng 4,82% so với năm trước (quý I tăng 6,44%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 4,4%; quý IV tăng 6,52%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,35%; quý III giảm 4,09%; quý IV tăng 7,96%), đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,21% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 5,7% và khí đốt tự nhiên giảm 19,4%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2021 tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5% so với năm 2020 (năm trước tăng 3,3%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2021 tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 21,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 25,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2021 là 79,1% (năm 2020 là 71,9%).
4. Hoạt động của doanh nghiệp
Năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài (đặc biệt là quý III/2021) đã tác động tiêu cực đến gia tăng số lượng doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 đạt gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020; 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8%, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ. Việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 trên phạm vi toàn quốc đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.
a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[2]
Trong quý IV/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021. Như vậy chỉ sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2021 đã khởi sắc rõ nét.
Tính chung năm 2021, cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854 nghìn lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm trước. Nếu tính cả 2.524,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 43,5 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là 4.136 nghìn tỷ đồng, giảm 25,8% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 43,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 2,2% so với năm 2020), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm trước. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%, trong đó có 14,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4%; 211 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 20,7%. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2021 cho thấy: Có 44% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý III/2021; 31,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 24,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn[3]. Dự kiến quý I/2022, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
5. Hoạt động dịch vụ
Trong quý IV/2021, hoạt động thương mại, vận tải trong nước, khách du lịch quốc tế dần khôi phục trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2021 tăng 28,1% so với quý trước; vận tải hành khách tăng 48,4%, luân chuyển hành khách tăng 51,3% và vận chuyển hàng hóa tăng 31,8%, luân chuyển hàng hóa tăng 28,4%; khách quốc tế đến nước ta[4] tăng 62,7%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2021 ước đạt 1.312,6 nghìn tỷ đồng, tăng 28,1% so với quý trước và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.789,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (năm 2020 giảm 3%).
Vận tải hành khách quý IV năm nay ước tính đạt 367,4 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 59,8% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 11,9 tỷ lượt khách.km, giảm 72,7%. Tính chung năm 2021, vận tải hành khách đạt 2.387,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 33% so với năm trước (năm 2020 giảm 29,6%) và luân chuyển 94,7 tỷ lượt khách.km, giảm 42% (năm 2020 giảm 34,1%). Vận tải hàng hóa quý IV/2021 ước đạt 420,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 90,5 tỷ tấn.km, giảm 5,6%. Tính chung năm 2021, vận tải hàng hóa ước đạt 1.620,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 8,7% so với năm trước (năm 2020 giảm 5,2%) và luân chuyển 333,4 tỷ tấn.km, giảm 1,8% (năm trước giảm 6,7%).
Doanh thu hoạt động viễn thông quý IV/2021 ước đạt 82,9 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá giảm 2,4%). Tính chung năm 2021, doanh thu đạt 314,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 0,3%).
Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Mười Hai ước đạt 17,2 nghìn lượt người, tăng 14,2% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2021 đạt 42,7 nghìn lượt người, tăng 62,7% so với quý III/2021 và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm trước.
6. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán
Năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành lãi suất phù hợp, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định; thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 45,5% so với cuối năm trước.
Tính đến thời điểm 24/12/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,93% so với cuối năm 2020; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,44%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,97%.
Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý IV/2021 ước tính tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả năm 2021 doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 15,6% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21,7%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 1,7%.
Tính đến ngày 27/12/2021, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 26.526 tỷ đồng/phiên, tăng 257,5% so với bình quân năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 11.421 tỷ đồng/phiên, tăng 9,9%; khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 189.923 hợp đồng/phiên, tăng 21%.
7. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2021 tăng 3,2% so với năm trước, tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua[5] nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục hồi, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm tăng trở lại cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2021 đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước (quý IV/2021 đạt 999,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 713,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng vốn và giảm 2,9% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.720,2 nghìn tỷ đồng, bằng 59,5% và tăng 7,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 458,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% và giảm 1,1%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam[6]: Tính đến ngày 20/12/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
– Vốn đăng ký cấp mới: Có 1.738 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 15,25 tỷ USD, giảm 31,1% về số dự án và tăng 4,1% về số vốn đăng ký so với năm trước.
– Vốn đăng ký điều chỉnh: Có 985 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 9,01 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm trước.
– Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài: Có 3.797 lượt với tổng giá trị góp vốn 6,89 tỷ USD, giảm 7,7% so năm trước. Trong đó, có 1.535 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 5,03 tỷ USD và 2.262 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,86 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2021, ước đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài: Trong năm 2021 có 61 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 409,1 triệu USD, tăng 28,6% so với năm trước; có 22 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn điều chỉnh giảm 776 triệu USD. Do tháng 12/2021, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã điều chỉnh vốn giảm 1,2 tỷ USD của dự án thăm dò phát triển và khai thác dầu khí tại Nga. Nếu không tính dự án này, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) năm 2021 đạt 828,7 triệu USD.
8. Thu, chi ngân sách Nhà nước[7]
Hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế tiếp tục phục hồi giúp cho thu ngân sách Nhà nước ước tính cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng và vượt dự toán năm. Chi ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng), trong đó thu nội địa bằng 110,4% so với dự toán năm (tăng gần 118 nghìn tỷ đồng); thu từ dầu thô bằng 197,4% (tăng 22,6 nghìn tỷ đồng); thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu bằng 122,1% (tăng 39,5 nghìn tỷ đồng).
Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2021 ước tính đạt 1.839,2 nghìn tỷ đồng, bằng 109% dự toán năm, trong đó, chi thường xuyên bằng 102,3%; chi đầu tư phát triển bằng 106,4%; chi trả nợ lãi bằng 96,2%.
9. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
a) Xuất, nhập khẩu hàng hóa[8]
Trong tháng 12/2021, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%[9].
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 11/2021 đạt 31,87 tỷ USD, cao hơn 1,97 tỷ USD so với số ước tính. Ước tính tháng 12/2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu quý IV/2021 ước đạt 95,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 16,4% so với quý III/2021. Tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%. Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,2%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,1%, bằng năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 11/2021 đạt 30,61 tỷ USD, cao hơn 810 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 12/2021, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 32 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý IV/2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 89,07 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,2% so với quý III/2021. Tính chung năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 114,07 tỷ USD, tăng 21,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,18 tỷ USD, tăng 29,1%. Trong năm 2021 có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm trước. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,5%, giảm 0,2 điểm phần trăm.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 95,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD. Năm 2021 xuất siêu sang EU ước đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 54 tỷ USD, tăng 53%; nhập siêu từ Hàn Quốc 34,2 tỷ USD, tăng 22,9%; nhập siêu từ ASEAN 12 tỷ USD, tăng 63,1%; nhập siêu từ Nhật Bản 2,4 tỷ USD, tăng 127,9%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Mười Một xuất siêu 1,26 tỷ USD[10]; 11 tháng xuất siêu 1,46 tỷ USD; tháng Mười Hai ước tính xuất siêu 2,54 tỷ USD. Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19,94 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,36 tỷ USD.
b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ
Trong quý IV/2021, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 985 triệu USD, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 9,2% so với quý trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 12,4% và tăng 5,5%.
Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 3,67 tỷ USD, giảm 51,7% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 19,41 tỷ USD, tăng 8,5%. Nhập siêu dịch vụ năm 2021 là 15,73 tỷ USD (trong đó phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu là 8,24 tỷ USD).
10. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá xăng dầu, giá gas trong tháng giảm theo giá nhiên liệu thế giới; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tiếp tục được miễn, giảm tại một số địa phương là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 giảm 0,18% so với tháng trước và tăng 1,81% so với tháng 12/2020. Bình quân năm 2021, CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016[11].
Lạm phát cơ bản tháng 12/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 0,67% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020.
Giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2021 tăng 0,25% so với tháng trước; tăng 1% so với tháng 12/2020 và bình quân năm 2021 tăng 8,67% so với năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2021 tăng 0,84% so với tháng trước; giảm 0,58% so với tháng 12/2020 và bình quân năm 2021 giảm 0,97% so với năm trước.
11. Một số tình hình xã hội
a) Dân số, lao động và việc làm
Dân số trung bình của Việt Nam năm 2021 là 98,51 triệu người. Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng. Tình hình lao động, việc làm quý IV/2021 khởi sắc so với quý trước nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tính chung năm 2021 cao hơn năm trước trong khi số người có việc làm, thu nhập của người làm công hưởng lương thấp hơn năm trước.
Dân số trung bình năm 2021 của cả nước ước tính 98,51 triệu người, tăng 922,7 nghìn người, tương đương tăng 0,95% so với năm 2020. Trong tổng dân số, dân số thành thị 36,57 triệu người, chiếm 37,1%; dân số nông thôn 61,94 triệu người, chiếm 62,9%; nam 49,1 triệu người, chiếm 49,8%; nữ 49,41 triệu người, chiếm 50,2%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2021 là 99,4 nam/100 nữ.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý IV/2021 ước tính là 50,7 triệu người, tăng 1,7 triệu người so với quý trước và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,5 triệu người, giảm 0,8 triệu người so với năm trước.
Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2021 ước tính là 49,1 triệu người. Tính chung năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49 triệu người, bao gồm 14,2 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 0,3% so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,2 triệu người, giảm 1,5%; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người, giảm 4,1%.
Tính chung năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 3,22% (quý I là 2,42%; quý II là 2,62%; quý III là 3,98%; quý IV là 3,56%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%; khu vực nông thôn là 2,48%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) năm 2021 ước tính là 8,48%, trong đó khu vực thành thị là 11,91%; khu vực nông thôn là 6,76%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,10% (quý I/2021 là 2,20%; quý II là 2,60%; quý III là 4,46%; quý IV là 3,37%), trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,33%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,96%.
b) Tình hình dịch bệnh
Dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp[12]. Tại Việt Nam, số ca mắc mới tiếp tục tăng tại nhiều địa phương; số bệnh nhân nặng và số ca tử vong chưa giảm. Tính đến 16 giờ ngày 27/12/2021, Việt Nam có 1.666.545 trường hợp mắc, trong đó 1.259.614 trường hợp đã được chữa khỏi và 31.418 trường hợp tử vong. Bắc Kạn là địa phương duy nhất không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua.
c) Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Trong năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư. Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2021, ước tính thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 73 nghìn đồng so với năm 2020; tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 15/12/2021 tổng kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương đã hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ là gần 31,4 nghìn tỷ đồng cho 28,8 triệu lượt người và 337,9 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đã hỗ trợ 37,5 nghìn tỷ đồng cho gần 22,3 triệu lượt người và 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh. Tính đến ngày 23/12/2021 đã hỗ trợ gần 149,1 nghìn tấn gạo cho 2,5 triệu lượt hộ với gần 9,9 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói do giáp hạt, ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai.
Theo báo cáo từ Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/12/2121 đã hỗ trợ giảm giá điện, giá nước với tổng hỗ trợ lần lượt là gần 2,3 nghìn tỷ đồng và 310,2 tỷ đồng cho Nhân dân trên địa bàn cả nước.
Công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện ngay cả trong điều kiện dịch bệnh, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chăm lo cho hộ nghèo. Trong năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 9,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 4,4 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 2,8 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác là 2,5 tỷ đồng. Có gần 29,1 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
d) Tai nạn giao thông[13]
Trong năm 2021, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm trước do nhiều tháng liền thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông và phòng, chống dịch Covid–19.
Năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 11.454 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 7.370 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 4.084 vụ va chạm giao thông, làm 5.739 người chết, 3.889 người bị thương và 4.109 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, gồm 20 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 11 vụ va chạm giao thông, làm 16 người chết, 11 người bị thương và 11 người bị thương nhẹ.
e) Thiệt hại do thiên tai[14]
Thiên tai xảy ra trong tháng (từ ngày 19/11-18/12/2021) chủ yếu do ảnh hưởng của mưa lớn, bão, hạn hán làm 20 người chết; 6 người bị thương; 254,8 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; 11,5 nghìn ha lúa và 10,8 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 256 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hư hại, thiệt hại ước tính 1.269,9 tỷ đồng, tăng 171,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, thiên tai làm 139 người chết và mất tích, 150 người bị thương; 393,9 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; 130,3 nghìn ha lúa và 78,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 766 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 14,9 nghìn ngôi nhà bị ngập hư hại; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 4.876,9 tỷ đồng, giảm 87,5% so với năm trước.
Khái quát lại, năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế – xã hội nước ta vẫn duy trì tăng trưởng và đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước./.
[1] Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận ngày 25/12/2021.
[2] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 24/12/2021.
[3] Chỉ số tương ứng của quý III/2021: Có 13,2% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn quý trước; 25,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 61,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
[4] Theo báo cáo của Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng và Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
[5] Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội các năm giai đoạn 2017-2021: năm 2017 tăng 13,5%; năm 2018 tăng 11,0%; năm 2019 tăng 10,1%; năm 2020 tăng 5,0%; năm 2021 tăng 3,2%
[6] Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận ngày 22/12/2021.
[7] Theo công văn số 14585/BTC-NSNN ngày 22/12/2021 của Bộ Tài chính.
[8] Số liệu tháng 12/2021 do Tổng cục Hải quan cung cấp vào ngày 28/12/2021.
[9] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 545,32 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 282,63 tỷ USD, tăng 6,9%; nhập khẩu đạt 262,69 tỷ USD, tăng 3,7%.
[10] Ước tính tháng Mười Một xuất siêu 100 triệu USD.
[11] Tốc độ tăng CPI bình quân các năm so với năm trước giai đoạn 2016-2021 lần lượt là: tăng 2,66%; tăng 3,53%; tăng 3,54%; tăng 2,79%; tăng 3,23%; tăng 1,84%.
[12] Tính đến 16 giờ ngày 27/12/2021 trên thế giới có 280.378,8 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (5.418,5 nghìn trường hợp tử vong).
[13] Theo báo cáo nhanh từ Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải).
[14] Tổng hợp Báo cáo từ 63 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kỳ báo cáo từ ngày 19/11-18/12/2021.
Từ khóa » Chỉ Số Ki
-
Chỉ Số Kinh Tế Tri Thức – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chỉ Số Chu Kỳ Kinh Tế Là Gì? Đặc điểm Và Các Loại Chỉ Số Chu Kỳ?
-
Top 14 Chỉ Số Ki
-
Cập Nhật Về Chỉ Số Đổi Mới Sáng Tạo Toàn Cầu (GII) Của Việt Nam ...
-
Định Dạng Văn Bản Thành Chỉ Số Trên Hay Chỉ Số Dưới
-
Chỉ Số đo Lường Và đánh Giá Hiệu Quả (KPI): Định Nghĩa Và Cách ...
-
Phân Biệt KRI, PI Và KPI – Thuật Ngữ Quản Trị “chỉ Số đo Lường Hiệu ...
-
Giới Thiệu Báo Cáo Chỉ Số GII Năm 2020 Và Kết Quả Của Việt Nam
-
Các Chỉ Số Tài Chính Vĩ Mô - VCBS
-
Công Bố Báo Cáo Chỉ Số Phát Triển Con Người Của Việt Nam Giai ...
-
[DOC] MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VỀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH VÀ CÔNG BỐ CPI ...
-
Thay đổi Lấy Năm 2020 Làm Gốc So Sánh để Tính Các Chỉ Tiêu Thống Kê
-
Chỉ Số RSI Là Gì? Quan Trọng Với Phân Tích Kỹ Thuật Chứng Khoán Thế ...