Bảo đảm Bình đẳng Trong Giáo Dục ở Vùng Dân Tộc Thiểu Số Các Tỉnh ...
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của giáo dục Việt Nam, giáo dục ở vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện, cơ hội cho con em các DTTS đến trường, nâng cao chất lượng học tập, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các địa phương. Tuy nhiên cùng với những thành tựu, giáo dục vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc cũng tồn tại nhiều vấn đề đặt ra như: tình trạng bỏ học, trẻ em ngoài nhà trường vẫn còn cao so với bình quân cả nước, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng DTTS... Trong khuôn khổ của bài viết, tác giả tập trung khái quát thực trạng và các vấn đề đặt ra bảo đảm bình đẳng trong giáo dục ở vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc được thể hiện cụ thể trên hai phương diện cơ bản là: (1) Bảo đảm cơ hội được đến trường; (2) Xây dựng hệ thống giáo dục chuyên biệt.
1. Nhận thức chung về bảo đảm bình đẳng trong giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số
1.1. Bảo đảm bình đẳng trong giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số
Theo người nghiên cứu, có thể hiểu, bảo đảm bình đẳng trong giáo dục ở vùng DTTS là bảo đảm quyền giáo dục và được giáo dục của các tộc người; tức là bảo đảm khả năng tiếp cận đến các cơ hội giáo dục và các điều kiện giáo dục tương đối hợp lý giữa các tộc người với nhau, phù hợp với khả năng hiện thực của các vùng DTTS trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Trước hết là bảo đảm bình đẳng về cơ hội đến trường, cơ hội được học tập, cụ thể ở đây là trẻ em ở vùng DTTS cũng có cơ hội và điều kiện đến trường như trẻ em các vùng khác, trẻ em DTTS cũng có cơ hội đến trường ngang bằng với cơ hội đến trường của trẻ em dân tộc Kinh, trẻ em gái cũng có cơ hội đến trường như trẻ em trai ở các vùng DTTS, số trẻ em các vùng DTTS cũng có điều kiện tiếp cận các dịch vụ giáo dục như trẻ em các vùng khác(1).
Đồng thời, bình đẳng trong giáo dục vùng DTTS còn là vấn đề thụ hưởng các điều kiện giáo dục cơ bản theo điều kiện cụ thể của từng vùng DTTS, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, thể hiện cụ thể qua: mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở vùng DTTS, đặc biệt là hệ thống trường chuyên biệt vùng DTTS. Nhưng bình đẳng xã hội trong giáo dục không có nghĩa là tất cả học sinh đều đạt kết quả học tập như nhau hay đều tốt nghiệp với kết quả học tập giống nhau, kết quả học tập của học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực và mức độ nỗ lực của bản thân học sinh; năng lực đào tạo của giáo viên(2)...
1.2. Về thuật ngữ vùng dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc
Theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14.01.2001 về công tác dân tộc, Điều 4, khoản 4, “vùng dân tộc thiểu số” có thể được hiểu là địa bàn có đông các DTTS cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cho đến nay, việc phân định vùng DTTS theo nhiều tiêu chí khác nhau đối với các giai đoạn cụ thể; dựa chủ yếu vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng(3).
Theo phân vùng địa lý hành chính - dân cư, các tỉnh miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình(4). Căn cứ Báo cáo sơ bộ Tổng điều tra 2019, dân số các tỉnh miền núi phía Bắc khoảng 12,5 triệu người, trong đó người DTTS là 7 triệu người, chiếm 56,2% dân số toàn vùng(5), với khoảng 30 tộc người cư trú trên địa bàn, như Tày, Thái, Mường, Mông, Dao và Nùng (với dân số trên dưới 1 triệu người), Si La, Cống, Mảng và Pu Péo, Cờ Lao hay Bố Y, Lô Lô (với dân số chỉ chỉ có từ vài trăm đến vài nghìn người).
Theo kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019, các tỉnh miền núi phía Bắc là vùng có số lượng xã DTTS lớn nhất ( với 2.422 xã, chiếm 44,3% tổng số xã vùng DTTS trong cả nước); trong đó Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang là những tỉnh có số xã thuộc vùng DTTS cao nhất lần lượt là 226, 218, 204, 199 và 195 xã. Các tỉnh có số thôn thuộc các xã vùng DTTS lớn hơn 2.000 thôn ở vùng này là Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Phú Thọ(6).
2. Thực trạng bảo đảm bình đẳng trong giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc
2.1. Bảo đảm cơ hội được đến trường
Đảm bảo cơ hội được đến trường, cơ hội đi học đúng tuổi là một tiêu chí cơ bản, quan trọng phản ánh trình độ phát triển giáo dục của cá nhân và cộng đồng xã hội(7). Cơ sở pháp luật của việc mở rộng cơ hội đi học đúng tuổi tiểu học là Luật Phổ cập giáo dục tiểu học được Quốc hội thông qua năm 1991 trong đó quy định rõ Nhà nước thực hiện chính sách phổ cập giáo dục tiểu học bắt buộc từ lớp 1 đến hết lớp 5 đối với tất cả trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi. Tính đến năm 2000, Việt Nam về cơ bản đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Hiện nay, cơ hội đi học theo đúng độ tuổi quy định của trẻ em ngày càng được đảm bảo hơn giữa các vùng miền. Công tác phổ cập giáo dục ở vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc được triển khai theo cấp học mầm non, tiểu học, THCS và cũng đã thu được những kết quả to lớn.
Trải qua 10 năm, giáo dục ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã có sự cải thiện rõ rệt trong việc tăng tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi, trong đó, bậc trung học phổ thông có sự cải thiện rõ ràng nhất. Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi của cấp tiểu học của các tỉnh miền núi phía Bắc là 100,5% và 98,1%; cấp THCS là 93,5% và 90,1%; cấp THPT là 68,4% và 65,1%(8). Ở cấp tiểu học, không có sự khác biệt giữa các vùng kinh tế - xã hội. Cấp học càng cao thì khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ đi học chung giữa vùng kinh tế - xã hội càng lớn, cụ thể: cấp THCS, tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi của các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc đều cao hơn tỷ lệ toàn quốc; trong khi đó ở cấp THPT thì tỷ lệ này thấp hơn không đáng kể so với tỷ lệ toàn quốc. Như vậy, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của học sinh các tỉnh miền núi phía Bắc đã được cải thiện, cơ hội đi học theo đúng độ tuổi quy định của trẻ em các tỉnh miền núi phía Bắc cũng từng bước được đảm bảo hơn so với các vùng khác trong cả nước.
Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, mặc dù tỷ lệ trẻ em không đến trường ở các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn nằm ở vị trí thứ 3 trong 6 vùng kinh tế xã hội, với tỷ lệ là 8,7%, nhưng tỷ lệ này còn cao hơn tỷ lệ cả nước (8,3%); tăng dần theo các cấp học, tỷ lệ trẻ em không đến lớp của các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc ở cấp tiểu học là 1,3%; cấp THCS là 6,2%; cấp THPT là 29,0%(9). Điển hình như Lào Cai, đến năm 2019, tỷ lệ huy động đến trường của trẻ 6 -10 tuổi đạt 99,8% (riêng 6 tuổi đạt 99,9%); 11-14 tuổi đạt 99%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6 đạt 98,2%. Duy trì phổ cập giáo dục 164/164 xã, phường, thị trấn; có 154 xã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 (tăng 31 xã); 08 huyện đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 (tăng 3 huyện); 31 xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3 (tăng 7 xã)(10). Đến hết năm 2017 không còn xã khó khăn về giáo dục. Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đến lớp đạt 99,8%, số xã, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 đều vượt mục tiêu; tỷ lệ thanh, thiếu niên 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 92,1% (vượt 2,1% so với mục tiêu); toàn tỉnh có 151 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (đạt 102% mục tiêu); 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2(11).
Tuy nhiên, việc bảo đảm cơ hội đến trường ở vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường còn cao; bất bình đẳng giới trong giáo dục còn khá phổ biến; việc nâng chuẩn phổ cập giáo dục cấp trung học cơ sở lên mức độ 2, mức độ 3 của một số địa phương chậm và khó khăn; tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi và hoàn thành cấp THCS vẫn chưa thật vững chắc; tỷ lệ học sinh THCS bỏ học còn cao do tham gia lao động sớm và do nạn tảo hôn...
2.2. Xây dựng hệ thống trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, cùng với những nỗ lực của chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách giáo dục ở các vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc, bộ mặt giáo dục ở khu vực này đã có những bước phát triển đáng kể, trong đó có sự phát triển nhanh chóng của hệ thống các trường chuyên biệt.
Hiện nay, các tỉnh miền núi phía Bắc có hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) nhiều hơn so với các vùng khác trong cả nước, năm 2015 với 270 trường, trong đó trường phổ thông dân tộc nội trú là 86, trường phổ thông dân tộc bán trú là 184. Các tỉnh có hệ thống trường chuyên biệt nhiều nhất vùng như Điện Biên (45 trường), Hà Giang (42 trường), Lạng Sơn (38 trường), Cao Bằng (30 trường), Sơn La (23 trường). Năm 2019, số lượng trường chuyên biệt tăng nhanh với 951 trường, trong đó trường PTDTNT là 135 trường và sự tăng mạnh của trường PTDTBT với 815 trường. Địa phương có sự tăng mạnh của mô hình trường PTDTBT như Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn, Yên Bái(12)...
Từ năm 2015 trở lại đây, việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở các tỉnh miền núi phía Bắc được chính quyền các địa phương hết sức quan tâm, thể hiện qua việc ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, đề án. Đặc biệt, có sự đồng thuận cao của cha mẹ học sinh trong việc chuyển học sinh từ điểm trường lẻ về học tại trường chính. Theo số liệu thống kê đến năm 2017, đối với các điểm trường lẻ của giáo dục mầm non các tỉnh miền núi phía Bắc, Hà Giang chỉ còn 1.308 điểm; Yên Bái: 732 điểm; Lai Châu: 724 điểm; Điện Biên: 823 điểm... Đối với giáo dục tiểu học, hầu hết các địa phương ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã thực hiện việc dồn điểm trường lẻ về trường chính chỉ thực hiện đối với học sinh từ các lớp 3, 4, 5. Tính đến năm 2017, tỉnh Hà Giang đã giảm 61 điểm trường lẻ; Yên Bái: 113, nhưng một số tỉnh vẫn còn cố điểm lẻ cao như Hà Giang: 1.027; Yên Bái: 673; Lai Châu: 552; Điện Biên: 645...(13).
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục này đang tồn tại một số vấn đề bất cập như: số trường và số phòng học vẫn còn thiếu nhiều trên một số địa bàn; diện tích nhiều trường trong vùng chật hẹp, thiếu công trình phụ trợ như khu thể dục thể thao, nhà vệ sinh tiêu chuẩn; tỷ lệ trường PTDTNT, PTDTBT đạt chuẩn quốc gia còn thấp… Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường còn thiếu, chưa đồng bộ; chất lượng và hiệu quả đào tạo chưa cao. Tỷ lệ kiên cố hóa trường học và các điểm trường ở các tỉnh miền núi phía Bắc là một trong những vùng thấp nhất cả nước, đến năm 2019, tỷ lệ các trường các tỉnh Miền núi phái Bắc được kiên cố hóa chỉ đạt 90,8% các trường trên địa bàn; tỷ lệ điểm trường kiên cố thấp nhất trong các vùng của cả nước chỉ đạt 46% (thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước là 54,4%); các tỉnh có tỷ lệ trường học kiên cố thấp nhất cả nước là Bắc Kạn (69,9%), Tuyên Quang (77,4%)(14). Ngoài ra, một số chính sách, chế độ còn chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính đặc thù cần thiết đối với hệ thống trường chuyên biệt;...
3. Một số giải pháp
Trong giai đoạn tới, để bảo đảm bình đẳng trong giáo dục ở vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay, cần chú trọng một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, cần tiếp tục rà soát và hoàn chỉnh xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục đối với DTTS và vùng đồng bào DTTS. Chỉ có những quy định rõ ràng và cụ thể bằng hệ thống các văn bản pháp luật về những vấn đề cơ bản liên quan đến quyền con người, đến quyền bình đẳng trong giáo dục như: quyền và nghĩa vụ học tập của các DTTS, của vùng DTTS; cơ chế hỗ trợ học sinh người DTTS; quy định hệ thống trường chuyên biệt vùng DTTS; quy định về chế độ giáo dục song ngữ…
Hai là, cần đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho công tác phát triển giáo dục ở vùng DTTS, trong đó xã hội hóa giáo dục để toàn xã hội có thể tham gia đóng góp một cách thiết thực cho sự phát triển giáo dục vùng DTTS là một trong những biện pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến đang là giải pháp cấp bách, hữu hiệu khi học sinh không thể đến trường, tuy nhiên chi phí cho việc học trực tuyến không hề nhỏ từ vài triệu đồng đến hơn chục triệu đồng, vượt khỏi thu nhập của các hộ gia đình ở các vùng DTTS(15). Chính vì vậy, để bảo đảm cho học sinh vùng DTTS có đủ điều kiện về trang thiết bị phục vụ học trực tuyến, cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước, rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân.
Ba là, đa dạng hóa các loại hình giáo dục, đào tạo vùng DTTS; cần xây dựng chương trình và phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học của từng dân tộc, từng vùng. Xây dựng các mô hình trường đặc thù phù hợp với giáo dục vùng cao, vùng đồng bào DTTS của từng địa phương. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình gần như không hiệu quả đối với các vùng DTTS do nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, công nghệ… Chính vì vậy, việc đổi mới, đa dạng hóa các loại hình giáo dục càng đặt ra bức thiết hơn, cần vận dụng linh hoạt các điều kiện thực tế để có phương án bổ sung kiến thức cho các em học sinh vùng DTTS như: thực hiện hoạt động giao bài tập bằng ống nhựa treo trước cửa nhà (điển hình như xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái(16)), hay biên soạn Chương trình dạy học phù hợp, phân công các thầy cô giáo theo tổ để đến tận nhà học sinh hướng dẫn, giao bài tập(17); hoặc mở các lớp bồi dưỡng thêm tại nơi không có dịch bệnh…
Bốn là, rà soát quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách giáo dục đối với vùng DTTS; điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng và thực hiện các chính sách giáo dục ở vùng DTTS, đảm bảo tính khoa học, khả năng thực thi với từng khu vực, từng vùng miền.
Năm là, tăng cường, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cũng như của mọi người dân về vai trò quan trọng của giáo dục đào tạo trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đặc biệt, cần chú trọng phát huy vai trò của già làng trưởng bản, người có uy tín trong các hoạt động khuyến học, phát huy vai trò của hương ước, quy ước của thôn bản, dòng họ nhằm cổ vũ khuyến khích những tấm gương học tập, và tạo động lực khuyến khích lớp trẻ noi theo.
Việc thực hiện bảo đảm bình đẳng trong giáo dục ở vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Những kết quả này đã làm thay đổi chất lượng giáo dục vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc, nâng giáo dục vùng này lên một bước cao hơn. Tuy vậy, những tồn tại, hạn chế của giáo dục vùng DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn nhiều, việc bảo đảm bình đẳng trong giáo dục (phổ cập giáo dục ở một số cấp học, cơ sở vật chất ở hệ thống trường chuyên biệt, vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục, vấn đề tiếp cận giáo dục trong bối cảnh cách ly do dịch bệnh...) so với giáo dục các vùng khác trong cả nước vẫn còn khoảng cách xa. Đây là bài toán được đặt ra cho ngành Giáo dục ở Trung ương và địa phương cũng như toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội, cần có những giải pháp thiết thực hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới nhằm đẩy giáo dục vùng DTTS nói chung và các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng phát triển nhanh hơn, ngày càng bình đẳng hơn./.
________________________________________
(1) Phạm Thị Ly, Phạm Văn Thắng, Bất bình đẳng trong giáo dục là nguồn gốc của bạo lực và bất ổn xã hội, trang điện tử Tạp chí Văn hóa Nghệ An, http://www.vanhoanghean.com.vn, đăng tải ngày 31.01.2019.
(2) Trần Minh Đức, Bảo đảm bình đẳng trong thực hiện chính sách giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay: thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 6, năm 2020, tr. 96.
(3) Ủy ban dân tộc, Tổng cục thống kê (2020), Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.37. Trong Điều tra 53 DTTS năm 2019, địa bàn vùng DTTS là địa bàn có số lượng người DTTS đang sinh sống chiếm từ 30% trở lên trong tổng số dân của địa bàn đó. Tính đến năm 2019, toàn quốc hiện nay có 5.468 xã vùng DTTS và miền núi, chiếm 49,0% tổng số xã của toàn quốc. Các xã vùng DTTS và miền núi phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn (87,3%), thuộc phạm vi quản lý của 503/713 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
(4) Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019), Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019: tổ chức thực hiện và kết quả sơ bộ, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr.65.
(5) Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019), Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr.70.
(6) Nguồn: Ủy ban dân tộc, Tổng cục thống kê (2020), Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr.105
(7) Lê Ngọc Hùng (2016), Đổi mới giáo dục ở Việt Nam nhằm tạo công bằng xã hội và phát triển bền vững, Tạp chí Cộng sản điện tử, http://www.tapchicongsan.org.vn, đăng tải ngày 1.9.2016.
(8) Nguồn: Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019), Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr.118.
(9) Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019), Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr.121.
(10) Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai (2019), Báo cáo Kết quả thực hiện Đề án 6 của Tỉnh ủy “Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2016-2020”, số 96/BC-SGD&ĐT, ngày 14.09.2019.
(11) Tuấn Ngọc (2020), Phấn đấu đến năm 2025 giáo dục vùng cao Lào Cai đứng đầu cả nước, http://baolaocai.vn/, đăng tỉa ngày 19.12.2020.
(12) Nguồn: Phùng Đức Tùng, Nguyễn Việt Cường, Nguyễn Cao Thịnh, Nguyễn Thị Nhung, Tạ Thị Khánh Vân, Tổng quan thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2015: dựa trên kết quả phân tích số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2015, Hà Nội tháng 7.2015, Biểu 26; tổng hợp của tác giả.
(13) Nguyễn Tiến Phúc (2017), Những vấn đề đặt ra trong việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số tỉnh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Trang điện tử Bộ giáo dục và đào tạo, <https://moet.gov.vn/>, đăng tải ngày 07.12.2017.
(14) Ủy ban dân tộc, Tổng cục thống kê (2020), Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr.125-128.
(15) Sỹ Hào (2020), Từ tác động của dịch Covid-19 đối với ngành Giáo dục: Thêm một góc nhìn về đầu tư cho giáo dục vùng DTTS, Báo Dân tộc và phát triển, https://baodantoc.vn, đăng tải ngày 21.04.2020.
(16) Hoài Dương (2020), Truyền dạy kiến thức qua ống nhựa, Báo Dân tộc và phát triển, https://baodantoc.vn, đăng tải ngày 22.04.2020.
(17) Nghĩa Hiệp (2020), Mang chữ đến từng nhà, Báo Dân tộc và phát triển, https://baodantoc.vn, đăng tải ngày 07.04.2020.
Từ khóa » Các Tỉnh Miền Núi Phía Bắc Không
-
Quy Hoạch Nhân Lực Các Tỉnh Miền Núi Phía Bắc
-
Trung Du Và Miền Núi Phía Bắc – Wikipedia Tiếng Việt
-
Miền Bắc (Việt Nam) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phê Duyệt Nhiệm Vụ Lập Quy Hoạch Vùng ... - Báo điện Tử Chính Phủ
-
Tổng Quan Vùng Trung Du Và Miền Núi Phía Bắc | Xã Hội
-
Lâm Nghiệp Vẫn Là Ngành Có Thế Mạnh Tại Các Tỉnh Miền Núi Phía Bắc
-
Đầu Tư Phát Triển Vùng Trung Du Và Miền Núi Phía Bắc
-
Động Lực Phát Triển Kinh Tế-xã Hội Các Tỉnh Miền Núi Phía Bắc
-
Các Tỉnh Miền Núi Phía Bắc: Làm Gì để Khai Thác “mỏ Vàng” Du Lịch?
-
Đầu Tư Hơn 5.300 Tỷ đồng Kết Nối Giao Thông Các Tỉnh Miền Núi Phía ...
-
Phê Duyệt Nhiệm Vụ Lập Quy Hoạch Vùng Trung Du Và ... - VietnamPlus
-
Bản đồ Và Danh Sách Các Tỉnh Miền Bắc Việt Nam
-
10 địa điểm Du Lịch Miền Núi Phía Bắc đẹp Tựa Chốn Tiên Cảnh Nhân ...