Báo Dạo Sài Gòn... - Báo Công An Đà Nẵng

Những sạp báo cuối cùng ở Sài Gòn.

Những năm 1990, TP Hồ Chí Minh rất rộn ràng với những người bán báo dạo: người già, trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật... Bán báo dạo được coi là một nghề lương thiện, không cần nhiều vốn và cũng không quá lo bị lỗ. Mỗi tờ báo tuy lời không nhiều nhưng nếu chịu khó, mỗi ngày bán một vài trăm tờ thì có khi lời nhiều hơn bán vé số, bởi nếu bán không hết hôm sau vẫn có thể tiếp tục bán nữa. Người bán báo nếu khéo chào mời, biết cách giới thiệu không những bán đắt mà còn được “boa” tiền lẻ. Có một số người bán kèm thêm kẹo cao su, tăm bông… nhưng người ta vẫn xem bán báo là công việc chính.

Mỗi sáng sớm, từ các tòa soạn, các đại lý báo, người bán báo tỏa ra khắp nơi, có người đi xe đạp, có người chạy xe máy cà tàng, nhưng phần nhiều là đi bộ. Đôi chân thoăn thoắt tiến vào các quán cà-phê, quán ăn, hay đi đến các công viên, ghé các nhà mặt phố… để chào mời người đi ăn sáng, người uống cà-phê, người tập thể dục và cả người đang ngồi ở nhà. “Báo mới đê… Báo mới đê…”, những lời mời gọi cùng những lời giới thiệu các sự kiện nổi bật được “biên tập” rất sắc để gây chú ý tối đa cho mọi người. Và “giờ vàng” thường chỉ vài tiếng buổi sáng, nhất là đối với các nhật báo, còn lại sau đó thì bán chậm hơn và khách thường mua các tuần báo, tạp chí…

Người đọc báo khá đa dạng, thanh niên ở các quán ăn, người già ở công viên, bác đạp xích lô, anh chạy xe ôm…, dĩ nhiên không thiếu những người thừa thời gian “ngồi đồng” ở các quán cà-phê. Hình ảnh những cụ già tóc bạc nằm trên ghế bố phơi nắng trước nhà say sưa đọc một bài bình luận, hay chú chạy xe ôm chăm chăm ở các mục có vụ án hay các anh say sưa với trang thể thao, các chị ngồi chờ trong tiệm làm móng dán mắt vào tin về các nghệ sĩ… hồi đó không hiếm. Mỗi người mỗi vẻ nhưng đều lộ ra cái thú vị được đọc những tin tức nóng hổi đầu ngày, rồi từ đó sẽ làm đề tài để bàn luận, trao đổi, chia sẻ, lan tỏa…

Hồi đó, các sạp báo lề đường có rất nhiều. Hầu như ở ngã tư, ngã ba các đường lớn nào cũng có sạp báo. Có khi sạp là các kệ lớn, có dù che nắng, bán cả ngày, có khi là các giá treo các loại báo khá cơ động, có khi chỉ là vài cái ghế nhỏ kê mấy xấp báo chủ yếu bán trong ngày… Ngày trước, gần như mỗi ngày tôi đều mua báo, tùy ngày, cứ ghé lại là người bán báo đưa đúng tờ tôi cần, tiền lẻ thối đến từng tờ 200 đồng…

Bấy giờ, tôi bắt đầu làm việc ở một tờ báo thể thao. Trong những ngày có trận đấu cúp C1 châu Âu, tòa soạn thực hiện hai bản in khác nhau; một bản hoàn thành sớm, đưa in trước để kịp đi các tỉnh; một bản chờ có kết quả các trận đấu thì điền vào (tỷ số, cầu thủ ghi bàn) và in muộn hơn, để bán tại thành phố. Có bữa sau giờ trực đêm về, ngủ vội một chút rồi đi làm, trong lúc ngồi quán cà-phê, thấy người ta í ới gọi “báo thể thao” để xem kết quả các trận đấu, tôi thấy vui lạ. Người ta bình luận, dự đoán, rồi dặn người bán báo mai đến đây bán nữa…, cơn buồn ngủ của tôi như tan biến!

Các đợt có giải bóng đá thế giới, châu Âu hay SEA Games…, nhiều báo ra phụ trương tin nhanh, bán rất chạy. Sớm sớm nhìn các tòa soạn nườm nượp người đến nhận báo để đi giao mới thấy cái hạnh phúc của người làm báo!

Hồi ấy, bên cạnh nghề bán báo dạo còn có nghề giao báo. Đây là công việc của một số người nhận số lượng báo cụ thể từ phòng phát hành của các báo (qua đặt báo dài hạn) rồi theo địa chỉ mà đến từng nhà, từng cơ quan để giao. Tôi biết có những người nhiều năm làm công việc này bằng chiếc xe cũ kỹ và nuôi con cái đi học nên người. Tôi cũng có một vài đứa bạn chạy chiếc Cub 78 cọc cạch đi giao báo trước khi lên giảng đường…

Nhờ có người bán báo dạo mà tôi ấn tượng sâu sắc với bài báo của tiến sĩ, dịch giả Thái Nguyễn Bạch Liên (1940 – 2003) viết về cái thú… đọc báo giữa đường. Trong bài viết, ông tâm sự, là người cộng tác cho nhiều báo nên ông thường đón đọc tờ báo dự kiến có đăng bài của mình. Khi đi đường, ông hay ghé vào một sạp báo mua những tờ báo mình có gửi bài rồi đọc ngấu nghiến bài của mình được đăng… Cái thú đó tôi cũng nhiều lần trải qua bởi tôi cũng từng cộng tác với nhiều báo.

Báo mới đê...

Cuối năm 2001, thế giới rúng động với các sự kiện liên quan đến Afghanistan. Ở TP Hồ Chí Minh, người ta được chứng kiến “sự lên ngôi lần cuối cùng” của người bán báo dạo. Hồi ấy, các tin tức về cuộc chiến ở đây vô cùng nóng bỏng, bên cạnh truyền hình, báo in hoạt động cũng rất rộn ràng nên mỗi sáng, người đọc tranh thủ mua một tờ báo để cập nhật diễn biến cuộc chiến. Không chỉ vậy, mỗi xế trưa, trên nhiều tuyến đường của thành phố, người ta bán tờ Tin tức (phát hành buổi trưa) của Thông tấn xã Việt Nam tấp nập. Có khi, vì bán đắt quá, người ta bán cả tờ phô-tô…

Mọi thứ đã thay đổi quá nhanh khi báo điện tử lên ngôi và báo giấy ngày càng teo tóp. Có lẽ, chưa ai kịp thống kê toàn TP Hồ Chí Minh có bao nhiêu sạp báo lề đường, có bao nhiêu người bán báo dạo thì giờ đây tất cả đã trở thành dĩ vãng. Bán báo dạo đã hoàn toàn biến mất, các sạp báo cũng chỉ còn trên đầu ngón tay mà số báo trên sạp cũng rất thưa vắng. Giờ đây, nếu làm phóng sự về thú đọc báo của người Sài Gòn, chắc ta thấy các cảnh na ná nhau: người ta dán mắt vào điện thoại, máy tính bảng chứ không phải cảnh ngồi, nằm, đứng, dựa… đọc tờ báo giấy với đủ các cung bậc và cũng không còn cảnh rao báo lanh lảnh mỗi sớm. Một nét văn hóa của thành phố đã thay đổi, chắc có nhiều người thấy nhớ, nhưng hình như chính điều đó cũng thể hiện rằng Sài Gòn từng bước văn minh, hiện đại hơn, ngay cả trong việc bán báo, đọc báo!

Trúc Giang

Từ khóa » Các Sạp Báo ở đà Nẵng