Bảo Hiểm Thất Nghiệp: Điểm Tựa Cho Người Lao động - Báo Đà Nẵng

“Với người lao động, nhất là những lao động trẻ như chúng tôi khi bị mất việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trở thành điểm tựa, giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”, chị Nguyễn Quỳnh Anh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) chia sẻ về lợi ích của việc tham gia BHTN.

Người lao động đến làm hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L
Người lao động đến làm hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L

Khi Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động sản xuất hoặc giải thể khiến nhiều lao động mất việc làm. Trước thực tế này, chính sách ưu việt của BHTN đã giúp nhiều người có hoàn cảnh như chị Nguyễn Quỳnh Anh được hưởng những quyền lợi như nhận trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn việc làm để sớm tìm được công việc mới.

Giúp ổn định cuộc sống khi mất việc

Trước khi dịch bệnh xảy ra, chị Nguyễn Quỳnh Anh làm việc trong một công ty dịch vụ du lịch với mức lương khá ổn định. Nhưng khi Covid-19 bùng phát, công ty phải ngừng hoạt động, chị Quỳnh Anh từ một người có thu nhập khá bỗng mất việc làm khiến cả gia đình gặp khó khăn. Trong thời gian chưa tìm được công việc mới, chị trang trải cuộc sống bằng tiền trợ cấp từ BHTN. Có hoàn cảnh tương tự, anh Trần Duy Khánh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho rằng: “BHTN là công cụ hỗ trợ người lao động khi chưa tìm được việc làm. Do đó, bất cứ người lao động hay người sử dụng lao động nào cũng nên biết đến chế độ chính sách ưu việt này để bảo vệ quyền lợi cho bản thân và cho doanh nghiệp mình”.

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng, trong năm 2021, toàn thành phố có 16.506 người lao động nộp hồ sơ thất nghiệp đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và có 16.556 người đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có hơn 50 người chuyển hồ sơ từ cuối năm 2020 qua.

Để tạo điều kiện cho người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách BHTN theo đúng quy định, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng cho biết, trong thời gian đỉnh điểm Covid-19, trung tâm đã chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ giải quyết chế độ thất nghiệp cho người lao động, đặc biệt linh hoạt tư vấn, giới thiệu việc làm qua Facebook, Zalo, điện thoại, cho phép người lao động nộp hồ sơ trễ trong thời gian thực hiện 3 tại chỗ.

Bên cạnh đó, trung tâm tăng cường làm việc với lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để giải quyết hồ sơ bằng văn bản và làm việc với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thành phố qua email để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc. “Khi tham gia BHTN, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm và bảo hiểm y tế trong thời gian thất nghiệp. Qua đợt này, người lao động thấy được lợi ích mà BHTN mang lại nên có ý thức tìm hiểu nhiều hơn chính sách này”, ông Nguyễn Văn Thành cho biết thêm.

Xây dựng nhiều cơ chế, chính sách tạo việc làm

Thời gian qua, việc chấp hành các quy định pháp luật về BHXH được các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động né tránh không tham gia đóng BHXH cho người lao động, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chưa kể, do ảnh hưởng Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn khiến không ít doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, tỷ lệ doanh nghiệp chưa đóng BHXH và nợ BHXH có xu hướng tăng cao.

Số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho thấy, trong thời gian dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về du lịch, khách sạn, dịch vụ du lịch, cơ sở ăn uống… bị ảnh hưởng nặng nề. Đến hết năm 2021, khoảng 80% doanh nghiệp du lịch vẫn tạm dừng hoạt động; khoảng 42.000 lao động trực tiếp ngành du lịch và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp liên quan du lịch đã, đang thất nghiệp và chuyển sang làm ngành nghề khác. Đặc biệt có hơn 223.000 lao động tự do ở lĩnh vực phi chính thức bị ảnh hưởng, trong đó ước tính có hơn 58.000 người mất việc làm...

Thực hiện chủ trương vừa phòng, chống dịch vừa duy trì phát triển sản xuất, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, bên cạnh công tác xây dựng và phát triển chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, sở đã xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, hỗ trợ tạo việc làm, tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều chính sách, cơ chế phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động như: ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND về thực hiện chương trình “có việc làm” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; triển khai các nội dung của Quyết định số 4018/QĐ-UBND của UBND thành phố về phê duyệt đề án “Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động” trên địa bàn thành phố; xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm kết nối giải quyết việc làm, kịp thời phân tích, đánh giá cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động, dự báo nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động trước mắt và lâu dài...

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các bảng biểu treo ở khu vực giao dịch để người lao động nắm rõ chính sách BHTN và những quy định về thủ tục làm hồ sơ thất nghiệp. “Trong năm 2021, số người lao động nộp hồ sơ không đủ điều kiện hưởng BHTN hơn 3.000 người (khoảng 20%), chủ yếu rơi vào các trường hợp như thời gian nộp hồ sơ quá hạn, chưa đóng đủ bảo hiểm 12 tháng trong 24 tháng làm việc, không nắm rõ thủ tục hồ sơ... Nhiệm vụ của các nhân viên trung tâm là thường xuyên tư vấn, giải thích. Cụ thể, người lao động chỉ cần mang theo sổ BHXH, quyết định nghỉ việc, chứng minh nhân dân để nhân viên trung tâm cập nhật thông tin lên hệ thống phần mềm, in hồ sơ cho người lao động. Sau thời gian tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, tình trạng phản ánh, khiếu kiện và vi phạm các thủ tục đã giảm rõ rệt”, ông Nguyễn Văn Thành cho biết.

44.817 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Đến 1-4-2022, thành phố có 14.042 đơn vị tham gia BHXH bắt buộc với 217.450 người tham gia; trong đó có 137 doanh nghiệp Nhà nước (10.449 người tham gia), 447 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (40.693 người tham gia), 11.620 doanh nghiệp ngoài quốc doanh (121.010 người tham gia), 825 đơn vị thuộc khu vực hành chính sự nghiệp (38.546 người tham gia) và 220 đơn vị thuộc hộ kinh doanh cá thể, văn phòng đại diện (562 người tham gia).

Từ năm 2020 đến tháng 4-2022, số người nộp hồ sơ hưởng BHTN là 50.326 người; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 44.817 người; số người có quyết định hỗ trợ học nghề là 2.354 người; số lượt người tư vấn, giới thiệu việc làm là 220.304 lượt người; số người không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi được tư vấn, giới thiệu việc làm là 744 người. (Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng)

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Từ khóa » Thủ Tục Làm Bảo Hiểm Thất Nghiệp Tại đà Nẵng