Bao La Những Chiều Lộng Gió Trên đỉnh Pha Đin - Lolivi

Điểm cao nhất của đèo có độ cao 1648m so với mực nước biển. Địa thế đèo rất hiểm trở, chênh vênh, một bên là dốc và một bên là vực sâu hun hút. Cái nơi tiếp giáp giữa đất và trời, theo ngôn ngữ của người Thái, ấy cũng là nơi bắt đầu của hành trình kéo pháo cao xạ bằng sức người của bộ đội Việt Nam trong chiến dịch dẫn đến thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954.

Đèo Pha Đin có tổng chiều dài 32km nằm trên Quốc Lộ 6 chia cắt giữa hai tỉnh Sơn La và Điện biên. Người Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) và Sơn La còn lưu truyền một câu chuyện về phân chia ranh giới 2 tỉnh bằng một cuộc đua ngựa vượt dốc Pha Đin. Người và ngựa, cùng một sức mạnh và ý chí như nhau sẽ đồng thời xuất phát từ hai dốc đèo, nơi gặp nhau trên đèo cũng chính là nơi vạch định ranh giới. Và phần đèo thuộc về Lai Châu đã dài hơn một chút. Nhưng cũng có hề gì, bởi còn đèo này là niềm tự hào của 2 tỉnh, và bởi nó mang tính thử thách những kẻ ưa mạo hiểm để đoạt lấy vẻ đẹp khó cưỡng trên đỉnh đèo.

Con đèo dài hiểm trở lại mang một truyền thuyết khá lâu đời - Ảnh: Le Hong Ha

Nói thử thách là bởi, Pha Đin cũng là một con đèo có độ dốc rất lớn từ 12% đến 19%. Con đèo nằm ngoằn ngèo uốn khúc hình số 8, có rất nhiều cua tay áo với độ dốc cao và có bán kính đường cong nhỏ hơn 15m. Địa chất nơi đây cũng rất yếu vào mùa mưa thường xảy ra hiện tượng trượt, nở, sạt và lở đất. Chính vì vậy, lúc trước đã có những vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường đèo.

Sự hiểm trở, hùng vĩ nhưng cũng không kém phần thơ mộng của Pha Đin - Ảnh: Le Hong Ha

Ngày nay dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Sơn La – Tuần Giáo đã hoàn tất. Đường tránh đèo Pha Đin được xây dựng bám theo sườn núi của Quốc Lộ 6 cũ có độ cao 1000m, thấp hơn so với đèo Pha Đin cũ khoảng 100-400m. Hiện nay mọi hoạt động giao thông chính được thực hiện trên tuyến đường đèo mới do vậy lưu lượng giao thông qua đèo Pha Đin dường như không đáng kể và con đèo giờ đây chỉ là nơi dành cho dân du lịch mạo hiểm.

Tuyến đường đèo mới khiến giao thông khá thuận lợi - Ảnh: Le Hong Ha

Tôi cũng như bao kẻ ưa khám phá và thích thử thách bản thân, sau khi tìm hiểu khá kĩ về đường đi đã thực hiện một chuyến chinh phục con đèo này. Chiều hôm đó, khi bóng nắng mùa hè đã phần nào dịu bớt, tôi đã đặt chân tới phần đỉnh đèo, nơi cao nhất của đèo Pha Đin, chiêm ngưỡng sự giao thoa giữa trời và đất.

Phấn khích khi được đặt chân tới nơi cao nhất của đèo Pha Đin - Ảnh: Le Hong Ha

Đèo Pha Đin trong tôi, là một dải lụa dài uốn mình theo vách núi, nơi đang phủ màu xanh cỏ cây mát rượi. Thảm xanh thực vật ấy cứ hòa quyện, tô vào bức tranh của mây trời một vẻ đẹp khó cưỡng. Gió lộng, đứng trên đỉnh đèo, tôi cứ ngỡ mình đã thực sự đặt chân tới thiên đường, nơi mà tôi chỉ với tay lên tưởng như có thể ôm cả bầu trời mây trắng. Không khí mát mẻ, trong lành càng khiến tinh thần thêm phấn chấn. Xa xa, những mái nhà sàn nằm nhấp nhô dưới chân đèo. Hoàng hôn buông cũng là lúc khói bếp từ các mái nhà xuất hiện, mờ ảo và mang đậm nét hoang sơ, mộc mạc của người dân nơi đây.

Những mãi nhà sàn nhấp nhô phía chân đèo - Ảnh: Le Hong Ha

Có lẽ, cảnh vật đèo Pha Đin cũng sẽ đẹp lắm vào mùa đông, khi cái lạnh ngấm vào da thịt, khi mây phủ giăng kín con đèo dài. Nhưng chỉ cần đứng trên đỉnh đèo Pha Đin và hòa với mây trời, nhìn từ trên cao đám sương giăng mây mù ấy lại trở thành tuyệt tác của thiên nhiên.

Thảm xanh thiên nhiên trong mây trời - Ảnh: Le Hong Ha

Bóng nắng và sự yên bình của nơi giao thoa giữa trời và đất - Ảnh: Le Hong Ha

Nhẩn nha đun một tách café, tôi ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ của Tây Bắc, khoan khoái với gió trời lặng lẽ đưa những đám mây trắng ngần đi xa… Có lẽ, trong cuộc sống nhộn nhịp phồn hoa, đôi khi người ta cần những phút giây như thế để thỏa lòng với những đam mê du lịch và tận hưởng những nốt trầm trong bản nhạc rộn rã vui tươi của cuộc đời.

Từ khóa » Chiều Sơn La Lộng Gió