Bạo Lực Súng đạn - Vấn đề Nan Giải ở "xứ Cờ Hoa" - Báo Nhân Dân

Thời gian qua, nước Mỹ liên tục bị rúng động bởi các vụ xả súng đẫm máu. 10 ngày sau vụ xả súng tại Buffalo, bang New York, khiến 10 người chết, một vụ xả súng khác đã xảy ra tại Trường tiểu học Robb ở Uvalde, bang Texas, khiến 19 học sinh và hai giáo viên thiệt mạng.

Theo thống kê, tính từ đầu năm đến nay, vũ khí nóng đã cướp đi sinh mạng của 18.000 người ở Mỹ, trong đó có gần 10.300 trường hợp tự tử. Chỉ riêng trong ba ngày cuối tuần qua, ít nhất 124 người chết và 325 người bị thương trong hơn 300 vụ nổ súng. Đáng chú ý, các vụ việc liên quan súng đạn đã vượt qua tai nạn giao thông trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên tại Mỹ.

Trước sức ép phải hành động nhằm ngăn chặn nguy cơ từ bạo lực súng đạn, Tổng thống Joe Biden đã cam kết nỗ lực thúc đẩy các quy định chặt chẽ hơn về súng đạn. Ông chủ Nhà trắng kêu gọi Quốc hội cấm vũ khí tấn công, mở rộng kiểm tra lý lịch người sở hữu súng và thực hiện các biện pháp siết chặt kiểm soát súng đạn.

Tổng thống Biden kêu gọi áp dụng một số biện pháp, vốn bị các thành viên Cộng hòa trong Quốc hội phản đối trước đây, trong đó có lệnh cấm bán vũ khí tấn công hoặc tăng độ tuổi tối thiểu được phép mua các loại vũ khí này từ 18 lên 21 tuổi, đồng thời hủy bỏ "lá chắn" trách nhiệm pháp lý vốn bảo vệ các nhà sản xuất súng khỏi bị kiện vì bạo lực do những người gây ra bằng súng mua của họ. Người đứng đầu chính phủ Mỹ hối thúc các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa cho phép dự luật về các biện pháp kiểm soát súng đạn được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội.

Một nhóm các nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng của Mỹ đã cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra các khía cạnh có thể thỏa hiệp trong vấn đề kiểm soát súng đạn. Theo truyền thông Mỹ, nội dung của cuộc thảo luận tập trung vào đạo luật nâng cao độ tuổi mua súng hoặc cho phép cảnh sát tước súng của những người được coi là có nguy cơ gây án, nhưng lại không bàn về lệnh cấm hoàn toàn đối với súng trường sát thương như vũ khí được sử dụng trong vụ thảm sát ở Uvalde hoặc vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Phi tại một cửa hàng tạp hóa ở Buffalo (New York). Các cuộc đàm phán làm dấy lên hy vọng về một thỏa thuận lưỡng đảng hiếm có ở Quốc hội Mỹ về các vấn đề liên quan đến sở hữu súng đạn.

Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Cộng hòa, có quan điểm ủng hộ quyền sở hữu vũ khí theo Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp Mỹ, đã bác bỏ các đề xuất như cấm vũ khí tấn công vốn được sử dụng trong nhiều vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ. Trong khi các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng nên có ít súng và ít người sử dụng hơn vì lợi ích và sự an toàn của người dân thì các nghị sĩ đảng Cộng hòa lại thiên về quan điểm cho rằng quyền sở hữu súng là bất khả xâm phạm và bất kỳ nỗ lực nào hạn chế quyền này đều là vi hiến. Theo quan điểm của các nghị sĩ đảng Cộng hòa, tình trạng bạo lực súng đạn hiện nay cho thấy không phải là ít súng hơn, mà trái lại, cần nhiều súng hơn, nhất là ở các trường học.

Tình trạng bế tắc nói trên tại Quốc hội Mỹ có nghĩa là cơ quan lập pháp hầu như chưa có phản ứng trước nguy cơ bạo lực gia tăng từ các vụ xả súng. Thượng nghị sĩ Chris Murphy (thuộc bang Connecticut) cho biết, lưỡng đảng rất nghiêm túc trong các cuộc đàm phán về kiểm soát súng đạn và ngày càng có nhiều thành viên đảng Cộng hòa quan tâm tìm kiếm một giải pháp phù hợp. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, ông John Cornyn, đã kêu gọi lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện-Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer cho các nhà đàm phán thêm thời gian để thương lượng về dự luật kiểm soát súng đạn. Theo Thượng nghị sĩ Cornyn, cần thời gian để có được một dự luật đạt sự đồng thuận cao ở cả Thượng viện và Hạ viện và sau đó được Tổng thống ký ban hành thành luật.

Việc liên tiếp xảy ra những thảm kịch liên quan súng đạn tác động tiêu cực tới đời sống xã hội Mỹ, gióng lên hồi chuông báo động và tạo thêm áp lực đối với chính quyền của Tổng thống Biden trong việc giải quyết vấn đề gây tranh cãi dai dẳng về kiểm soát súng đạn.

Từ khóa » Súng Xả đạn